Thứ Bảy, 21/9/2024
Sáng tác
Thứ Sáu, 24/7/2009 14:59'(GMT+7)

Vệ đê trăng

Em nhớ đón anh trên mặt con đê mà anh thuộc từng gốc cỏ
Xuân sẽ muôn màu khi giặc mỹ không còn nữa

Ngày mai anh ra trận. Anh trở thành tâm điểm yêu thương của gia đình, bạn bè. Chúng tôi cần cho riêng nhau. Thời gian tính bằng giây. Anh đánh tín hiệu mắt. Chỉ có tôi hiểu. Chúng tôi lén trốn khỏi nhà, bỏ lại không khí huyên náo. Anh kéo tôi ra lối sau nhà, xé rào men theo ngõ nhỏ, vượt con đường đất lên đê.

Đêm trăng. Trăng 16 tròn vành vạnh treo tít trên ngọn tre làng. Bờ sông vẫn gió. Gió luồn vào da thịt mơn man. Hơi nước bàng bạc. Se lạnh. Tôi nép vào anh tin cậy. Tôi chưa làm thế bao giờ vì rất thuộc bài mẹ dạy “nam nữ thụ thụ bất thân”. Tôi vốn nhút nhát. Anh cũng không hơn gì tôi. Một chàng trai lớn lên từ nông thôn, quanh năm không đi đâu xa khỏi phố huyện nghèo. Anh học giỏi toán và tư duy biện chứng. Ước mơ vào khoa Toán trường Đại học Sư phạm đã thành hiện thực. Mẹ thương con trai nhập trường với gia tài khiêm tốn: vọn vẹn đôi dép cao su mòn vẹt, bộ quân phục bạc màu vai áo đã sờn chằng chịt những nốt bíchkê của bố và một hòm sách. Tôi yêu sự chân thật và cả sự vụng dại của anh ngay từ buổi đầu. Anh nhát hơn tôi tưởng. Anh đứng sau cánh gà chăm chú nghe tôi hát bài “Hành khúc ngày và đêm” trong đêm Hội diễn văn nghệ như nuốt từng lời và gửi tôi thông điệp tình yêu nén giấu bấy lâu. Vội ấn vào tay tôi gói nhỏ rồi chạy vụt như vệt sao băng. Tôi bàng hoàng trước lời tỏ tình chân thật, mộc mạc chưa đầy một mặt trang giấy pơluya trắng muốt gấp trong cuốn sách “Đội cận vệ thanh niên” và một bông hoa phượng vĩ ép trong cuốn “Ruồi trâu”. Mất mấy tuần anh trốn tôi. Bằng bấy nhiêu ngày im lặng để anh thốt lên lời vàng trong cuốn nhật ký - nhiều gấp gấp nhiều lần trang thư tỏ tình. Anh sống nội tâm, nén giấu trong tim một tình yêu để rồi nén chặt thứ năng lượng ấy.

Chúng tôi đã yêu nhau, sinh ra để yêu nhau. Cái tên bố mẹ đặt cho hai đứa như có sự hoán vị đặc biệt. Anh là Sơn Bình, tôi là Bình Sơn. Cái tên định mệnh như duyên trời khép hai cuộc đời, hai số phận. Anh chép mấy câu thơ nói hộ tâm trạng mình vào trang nhật ký: “Khi người ta yêu nhau-Hôn nhau trong say đắm-Còn khi anh yêu em-Anh lại đi ra trận” (“Hôn” của Phùng Quán). Lặng thinh khi gặp nhau, nhưng mở lòng với nhật ký thì tình anh nồng nàn, tha thiết. Một cái chạm tay nhè nhẹ cũng làm luồng điện giần giật. Làng chúng tôi ở hai bên bờ sông. Có lần đưa tôi về nhà, đi trên đê, gió từ sông lồng lộng, bờ cát trắng đổ dài lấp lánh ôm lấy con sông Đuống hiền từ. Đường đất đỏ, hằn đốt sống trâu gồ ghề, mỗi lần va vào ổ gà, xóc nảy người. Tôi lại lùi ra ngoài gacbaga, mấy lần suýt ngã, xe chòng chành. Tôi bám chặt yên xe, nhất định không động vào người anh. Anh nhìn vu vơ, cười một mình. Lúc nào tôi cũng đưa ra một khoảng cách cần thiết để làm thanh chắn... Nhưng hôm nay, tôi không phải là tôi? Trốn lời mẹ dạy, tôi “dối mẹ chiếc áo qua cầu gió bay”. Cái gì đó như gấp gáp, vội vã. Theo đuổi những ý nghĩ khác nhau. Chạm đến một miền lặng trong tâm thức. Linh cảm mạch bảo… “Không được, phủi phui cái ý nghĩ của cô” - tôi tự xua đi ý nghĩ chợt đến. Nghĩ đến việc ngày mai anh đi, lòng tôi khắc khoải, trái tim nhói buốt. Tôi không muốn xa anh. Muốn giữ anh dù vẫn biết ở thời điểm đó không ai nghĩ cho riêng mình. Tính cộng đồng, tình yêu nước, lý tưởng tuổi trẻ là đích hướng tới khiến mọi người tập trung cho nhiệm vụ lớn là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sẽ tự thấy hổ thẹn nếu chỉ loay hoay với hạnh phúc nhỏ bé. Bình của tôi trong đoàn quân ra trận. Anh mang theo tiếng hát “Miền Nam kêu gọi ta, từ Trường Sơn bay vọng ra...”. Tổ quốc đang chờ và đang cần sự có mặt. Lệnh tổng động viên đã gõ đến cửa trường đại học. Đất nước huy động quân đến mức tối đa. Đội ngũ trí thức sẵn sàng nhận nhiệm vụ, buông tay bút, cầm ngay tay súng. Không riêng trường tôi, ở bất kỳ trường đại học nào phong trào “Gác bút nghiên lên đường chiến đấu” cũng là tâm điểm thu hút sinh viên. Những sinh viên ưu tú theo lời Đảng gọi “Có lệnh là đi tư thế sẵn sàng”. Anh và những chàng sinh viên ưu tú của Hà Nội lên đường ra trận, bổ sung quân cho chiến trường miền Nam cuối năm 1971. Ngay trang đầu cuốn nhật ký, dòng đề từ đầu tiên “Nước còn giặc còn đi đánh giặc-Chiến trường giục giã bước hành quân”. Anh và những người bạn của anh hăm hở ra đi bỏ lại đằng sau biết bao bộn bề, dự định nghiên cứu dang dở: mái trường, thầy cô, bạn bè, có người chưa kịp có người yêu, chưa từng biết đến bàn tay con gái…

Dòng suy nghĩ miên man. Càng gần anh, tôi càng cảm thấy yêu anh và yêu mãi. Anh không như những giọt gió tình ào ạt, sự ân cần, từ tốn và tấm lòng độ lượng của anh đã chinh phục trái tim tôi. Anh học giỏi, say mê hoạt động đoàn thể. Ngay từ năm thứ nhất, anh đã được chọn vào đội ngũ cán bộ đoàn của khoa. Giấy báo nhập ngũ anh chưa học xong năm thứ hai...

Chúng tôi đều cảm nhận được sự lúng túng, ngượng ngập. Mặt trăng trốn trong mây. Bóng tối chợt đến. Tôi xoay người ôm ngang lưng anh. Nép vào mái ngực vạm vỡ, rắn chắc. Anh cao lớn như một cây tùng – tôi đã yêu cái chiều cao lý tưởng ấy ngay lần đầu gặp gỡ. Anh học trước tôi một năm, hơn tôi 2 tuổi (tôi “nhảy cóc” không học lớp vỡ lòng). Hôm đó, sinh viên 2 hai khoa có buổi giao lưu bóng chuyền. Tôi thiện cảm ngay với đội bóng khoa Toán. Anh khoác áo đội trưởng màu đỏ rực như hoa lửa. Những trái bóng anh đập mạnh như bom, những lần phát bóng chéo sàn sạt trên lưới, cổ tay dẻo, anh bỏ nhỏ, lật bóng khéo léo khiến đối phương không kịp chống đỡ. Anh có biết, tôi trở thành một fan hâm mộ anh. Tôi reo hò khản cổ. Minh Hằng mấy lần kéo tôi xuống “Cái con này, ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”. Tôi cúi đầu bẽn lẽn, nhưng chỉ được vài phút, sự hứng khởi khiến tôi quên mất. Khoa anh thắng giòn giã. Anh cao lớn nổi bật trên lễ đài khi đón nhận quà tặng của Ban Giám hiệu. Một cơn lốc thốc tháo tung từng nắm cát. Cơn mưa ào đến. Mọi người tán loạn tìm nơi trú mưa. Chạy về phía cuối sân bóng. Tiếc. Thế là chẳng còn cơ hội gặp chàng trai ấy. Vẩn vơ những ý nghĩ lộn xộn. Con gái văn khoa là chúa lãng mạn. Giá như anh xuất hiện lúc này với cử chỉ hào hiệp của những chàng hiệp sĩ. Giọt mưa phả vào mặt buốt rát. Nước mưa thấm qua chiếc áo phin nõn trắng, dính chặt vào người. Tôi ngượng nghịu, loay hoay, dăn dở không yên. Kéo hai cái đuôi sam lên trước, tay ôm ngực. Từ phía sau có một mảnh nilông giăng lên “Bạn đứng lui vào kẻo ướt”. Giác quan thứ 6. Là anh. Đúng anh rồi. Anh xoay người ra phía ngoài giọt gianh, dành cho tôi chỗ tạnh ráo. Trống ngực đập thình thịch. Tôi đứng như trời trồng. Nín thở. Cơn mừa ào ạt rồi tạnh. Trời hửng lên. Đất trời như một tấm thảm được nước trời gột rửa. Phía chân trời lung linh bảy sắc cầu vồng…

Tôi lọt thỏm trong anh. Phút ngập ngừng qua nhanh, anh cúi xuống làm tôi nghẹt thở. Cả anh và tôi cùng loay hoay. Tôi nhớ Minh Hiền – cô bạn gái cùng lớp thì thào về nụ hôn đầu đời của chàng sinh viên Bách khoa trước ngày ra trận. Nó kể khác cơ. Chúng tôi chẳng giống thế. Kệ, chả sao. Cần gì phải giống ai. Chưa bao giờ tôi gần anh đến thế. Không biết trăng ra khỏi mây lúc nào. Ánh trăng lung linh soi tỏ. Tôi cảm nhận sự nồng nàn của người đàn ông đầu tiên khiến trái tim tôi run rẩy. Cảm giác thật lạ, rạo rực, tràn trề, bồng bềnh, lâng lâng. Nụ nôn đầu đời - tôi cảm biết pha trộn nhiều xúc cảm khó tả. Người tôi khi nóng, khi lạnh chơi vơi trên không trung như cánh diều thổi bung thiếu dây tiếp đất. Cảm giác hòa trộn. Đêm sâu yên tĩnh. Tất cả đều khẽ khàng, dịu êm. Trời đất rủ lòng thương. Thỉnh thoảng có tiếng tôm búng lách tách trên mặt nước. Trăng òa xuống mặt nước lung linh. Một dòng sông trăng lấp loá.

- Anh! Người ta nhìn thấy... - Giọng tôi run run, lạc đi.

- Kệ họ! Chỉ có trăng thôi em ạ - Anh nói gấp gáp trong hơi thở. Anh nói hay gió nói đấy. Chưa bao giờ tôi nghe thấy anh nói những lời có cánh như thế.

- Anh này! - Anh không để ý đến sự ngập ngừng của tôi. Có ích kỷ không khi tôi đang muốn độc chiếm anh, kéo anh ra khỏi sự yêu thương, chờ đợi của bao người. Đêm nay sẽ là một đêm trắng. Cô bé nhà kế bên chắc đang đợi anh. Bố mẹ anh đã đánh tiếng mấy lần nhưng anh làm ngơ. Anh coi Thắm như người em gái. Thắm chơi thân với Xuân - em gái anh. Thắm cao lớn, làn da bánh mật, chắc nịch như nắm cơm. Học hết lớp 7, Thắm thôi học ở nhà làm ruộng. Cô tích cực tham gia đoàn thanh niên của xã. Tuổi bẻ gẫy sừng trâu, Thắm làm mọi việc băng băng. Bố mẹ anh quý Thắm. Khi anh đi vắng, Thắm thường xuyên qua lại khi thì cấy, lúc gặt, tát nước, be bờ, cắt cỏ. Lúc trái gió trở trời, mẹ anh đau ốm, Thắm thường xuyên lui tới mang nắm lá xông, nấu nồi cháo nóng. Bạn bè anh trêu:

- Bố mẹ mày kén dâu như Thắm là có phúc đấy. Có cô ấy bằng có con trâu tốt trong nhà.

Anh không thích ghép đôi với Thắm và càng không thích kiểu đùa chờn chợn ấy. Thắm không đẹp, ít nữ tính, không mềm mại dịu dàng. Dáng người thô tháp, nói năng to tát, nhất là điệu cười thì vô tư. Nhưng bù lại, Thắm ngay thẳng, thật thà, yêu ghét rõ ràng, năng nổ, xốc vác. Anh biết Thắm từ từ thuở ra sông tắm truồng, lấy thân chuối, chụp hai ống quần làm phao bơi. Lớn lên bên nhau, anh chỉ có cảm giác cô ấy giống Xuân. Anh yêu quý Thắm như tình của người anh trai. Mà đã coi như em thì làm gì có sự lựa chọn đứa em đẹp hay xấu. Đứa em thua thiệt bao giờ cũng được thương hơn. Mua gì cho Xuân anh cũng không quên Thắm, thậm chí còn dành phần hơn cho em. Sự im lặng của anh khiến mọi người ngại, rồi không ai nhắc chuyện đó nữa. Anh thành thật, ít điều gì giấu tôi. Cô em gái vun vén bạn mình cho anh trai. Sự có mặt của tôi lần đầu khiến Xuân khó chịu. Còn Thắm cứ nhìn tôi trân trân. Tôi biết Thắm yêu anh. Yêu nặng lòng, yêu đơn phương, yêu mà nhói đau tội nghiệp. Trái tim phụ nữ vốn nhạy cảm. Bề ngoài tưởng như Thắm hồn nhiên, nhưng bên trong là bão biển, giông tố. Suốt buổi tối cô ấy cứ lấy cớ ở bên anh, nhưng anh vẫn thản nhiên như mọi khi. Thắm buồn lắm. Tôi hiểu được nỗi niềm ấy. Tình yêu có muôn lẽ chỉ có con tim mới cảm hiểu. Tôi tự thấy mình nhỏ nhen, ích kỷ, độc chiếm anh, giành giật phần hơn về mình. Tôi là người đàn bà nào giữa vòng phấn Káp Ka (Chuyện kể về vị “quan công” xử khi hai người phụ nữ đều nhận đứa trẻ là con mình. Quan tòa đưa ra phép thử bằng cách vẽ vòng phấn, ai kéo được đứa bé khỏi vòng phấn thì thắng. Người mẹ đẻ đành buông đứa con mà đẫm nước mắt. Thằng bé sẽ chết? Quan tòa trả thằng bé về cho chị). Muốn có anh cho riêng mình, nhưng chị ấy thì sao? Hãy biết nghĩ cho người khác một chút. Tôi rụt rè:

- Không thấy anh, chị Thắm lại đi tìm. Giờ này chị vẫn chờ anh đấy! Chúng mình về đi. Anh gặp chị ấy đi! Em tin anh, không nghĩ khác đâu…

Vòng tay anh lỏng dần. Anh dìu tôi xuống vệ đê. Hồ sen tỏa mùi hương ngào ngạt. Anh trải chiếc khăn mù xoa trên thảm cỏ triền đê đỡ tôi ngồi xuống. Anh lại bên hồ. Một lát anh đến bên tôi với một bông sen hiếm hoi cuối mùa. Quần anh bê bết bùn. Tôi nhận bông hoa. Chút gì đó lao xao. Hương sen vấn vít, mùi đồng nội, mùi đất nồng, mùi thanh tao lan tỏa dìu dịu đêm trăng, mùi của tình yêu đan quyện. Lặng im lúc lâu, anh vuốt nhẹ tóc tôi:

- Anh coi Thắm như Xuân. Chưa khi nào anh yêu Thắm cả. Hai gia đình kết nhau lắm. Khi anh vào đại học, bố mẹ anh nói xa nói gần sẽ đem cơi trầu sang dạm ngõ. Nhất là khi anh chờ giấy báo nhập ngũ, các cụ muốn cưới ngay. Anh đã suy nghĩ về sự sắp đặt của bố mẹ. Phần nhiều trai gái làng anh lấy nhau đều do bố mẹ. Anh không thích thế. Lấy vợ không khó, nhưng sống với nhau cả đời mà không có tình yêu thì khổ lắm. Bố anh vừa xuất ngũ, trên mình đầy thương tích, cụ cảm nhận đầy đủ sự khốc liệt. Anh biết nỗi lo của bố mẹ. Chiến tranh. Mọi cái đều có thể. Anh thương bố mẹ. Nhưng làm yên lòng bố mẹ, anh sẽ vô tình làm khổ Thắm. Cô ấy cần được hưởng hạnh phúc thật sự với người yêu cô ấy. Anh chưa khi nào nghĩ khác ngoài việc coi Thắm như Xuân. Anh không muốn Thắm nhận sự đoái thương. Thời gian sẽ giúp cô ấy hiểu anh. Anh nói đã có bạn gái. Mẹ anh khoát tay:

- Dào ôi. Bạn gái thì thằng con trai nào chả có. Nhưng mẹ muốn anh lấy vợ. Bố mẹ tuổi đã cao, mong có đứa cháu bế bồng vui lúc tuổi già. Con Thắm nhà bác Thục được đấy chứ. Nó khỏe mạnh, xốc vác. Ăn chắc mặc bền con ạ. Bố con như vậy, mẹ cũng yếu rồi cũng cần đứa con dâu như nó. Nó có vẻ quấn quýt con đấy. Hôm nọ nó thầm thì với mẹ chỉ chờ anh Bình nói thôi. Mày ư một tiếng là bố mẹ cưới liền.

Anh phải thuyết phục mãi bố mẹ mới thôi, không nhắc chuyện ấy nữa. Mọi người đều tôn trọng quyết định của anh. Chiến tranh đang ở giai đoạn quyết liệt. Chiến sự căng thẳng. Sinh viên nô nức khám nghĩa vụ quân sự. Tôi cùng anh sang bên kia sông Đuống thăm quê anh. Lần đầu tiên anh đưa tôi về nhà ra mắt gia đình. Bố mẹ anh thảo lảo, mến khách. Thằng em út lăng xăng bắt gà ngoài vườn. Bố anh khập khiễng bước thấp bước cao vác cần ra ao câu cá. Xuân không có vẻ hồ hởi. Nó “” phần anh cho cô bạn thân. Khi nào yêu, Xuân sẽ hiểu và thương anh trai. Tôi sắm nắm công việc cùng gia đình, lên một thực đơn và thao tác nhanh gọn. Mẹ bảo con gái sau về nhà chồng phải biết công việc nội trợ. Tôi đã học được mẹ cách nấu nướng, may vá, thêu thùa. Thắm chạy qua chạy lại bưng bê, dọn dẹp, thỉnh thoảng lén nhìn tôi. Kéo tôi ta bể nước dưới cây bưởi, anh thì thầm “Bố và thằng em trai anh ưng em rồi, mẹ còn “lăn tăn” một chút “nó liễu yếu đào thơ” có gánh vác nổi công việc nhà mình không? Chỉ còn có Xuân “lừng chừng” thôi”.

Gió từ sông thổi lồng lộng. Trăng quá đỉnh ngọn tre. Bầu trời lunh linh, huyền ảo. Nghĩ đến vài giờ khắc nữa xa nhau, tôi xiết chặt anh hơn. Tôi nghĩ nhiều đến phía trước, con đường anh đi, mặt trận anh tới. Tuần qua, chiến sự rất căng. Tháng trước về nhà, tôi hay tin chồng chị Chất vừa hy sinh ở mặt trận Quảng Nam. Đứa con anh ấy vẫn nằm trong bụng mẹ. Thanh niên trai tráng làng tôi đi hết. Giấy báo tử lặng lẽ về làng, làm xáo trộn cuộc sống thôn quê vốn yên ổn sau lũy tre xanh. Người dân làng tôi toát túa mồ hôi, nín thở mỗi khi thấy bác bưu điện. Tôi rùng mình. Cái lạnh thấm buốt, trái tim run rẩy. Tôi ào đến bên anh như trận gió, bất ngờ anh đổ xuống vạt cỏ. Tôi nghe rõ trái tim anh đập loạn nhịp, chung nhịp đập yêu thương. Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận ngôn ngữ cơ thể rõ đến thế. Anh thì thào:

- Anh đi. Em không được buồn, tập trung vào học, học thay phần của anh. Ngày chiến thắng trở về, anh sẽ trở lại giảng đường… Em… Anh yêu em nhiều… nhiều lắm. Em đã bước vào cuộc đời anh rồi. Em chờ anh nhé! Nhất định anh trở về vì có em chờ đợi...

Tôi không nghe hết câu nói. Chỉ có gió thì thào. Vệ đê trăng. Anh bứt cọng cỏ may đưa lên miệng. Chúng tôi ngậm hai cọng cỏ mỏng manh nhìn trăng, lặng thinh. Những bông cỏ may găm trên đầu, trên áo. Tôi bật khóc, thổn thức, vỡ òa, tức tưởi... Anh hôn lên những giọt nước mắt nóng hổi...

Bất ngờ ánh đèn pin lia loáng trên đê. Đám người ồn ào, bước chân rình rịch vây quanh chúng tôi - toàn con gái. Anh đỡ tôi đứng dậy vuốt lại hai bím tóc đuôi sam, nhặt sợi cỏ vương trên mái tóc tôi. Một chị hùng dũng lăm lăm khẩu súng tiến đến chúng tôi hoan hỉ như lập được chiến công.

- Anh chị giỏi thật. Thanh niên trai tráng mà ru rú ở đây “mèo mỡ” với nhau. Đẹp mặt chửa? Rồi chị khoát tay cho những người đi cùng - Giải chúng lên Ủy ban

Anh lặng im. Tôi nhanh nhảu phân bua:

- Ngày mai anh ấy ra trận. Chúng tôi muốn ở bên nhau một chút. Xin chị. Chị tin...

Không để tôi nói hết câu, vẫn cái chị hùng hổ khi nãy, quát mấy chị đi cùng:

- Đừng có tin. Phải cảnh giác. Ra trận. Ra trận mà lôi nhau ra tận đây tâm sự à? Chỉ được cái già mồm...

Lúc này anh mới lên tiếng. Anh tiến đến trước mặt người phụ nữ đó, giọng cương quyết.

- Chị không tin, chúng tôi sẽ về Ủy ban cùng chị, nhưng chỉ không được nói cái kiểu ấy...

Từ trong đội tuần tra, một bóng người vụt chạy. Chị cầm súng thất thanh “Đứa nào chạy đấy? Cái Thắm, cái Thắm à? Thắm, Thắm chưa xong nhiệm vụ đâu. Còn sang thôn 4 nữa. Quay lại! Quay lại ngay!”. Lại là Thắm. Tôi nhìn anh.

Hai chúng tôi bị giải như tù binh. Tôi không nghĩ cho mình, chỉ thương anh. Ky bo thời gian, chi li từng giây hiếm hoi thế mà đành phung phí cho cái vụ này, chắc cũng mất thời gian. Trăng xa tít tắp. Trời rạng dần. Phía đông hừng sáng Chúng tôi bị đưa vào phòng tiếp dân. Ngọn đèn dầu chấm bằng hạt đỗ. Cái chị khi nãy cứ oang oang từ cổng Ủy ban, tâng tâng chỉ chực khoe công. Người đón chúng tôi là một thương binh. Anh là Chủ tịch xã, còn khá trẻ, mặc bộ quân phục, chống nạng, một ống quần buộc túm. Anh lại bàn khêu lại bấc đèn vặn to hơn và mời chúng tôi ngồi. Anh ấy có mắt giả. Nỗi oan ức dường như dịu lại, chỉ trước đó tôi muốn nói to nỗi bực bõ cho hả. Tôi không nỡ trách. Chủ tịch xã lắng nghe chăm chú lời giải thích và quay nhanh về phía anh:

- Đồng chí có mang theo giấy tờ?

Anh đưa tờ giấy nhập ngũ. Thoáng chút bối rối, anh nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thân thiện, ái ngại:

- Anh chị thông cảm. Chiến tranh mà. Tôi thay mặt đội tuần tra xin lỗi anh chị. Anh chị về đi, không còn nhiều thời gian nữa đâu, còn chừng hơn một giờ đồng hồ nữa. Chiến trường cần quân lắm. Phải huy động đến tầng lớp trí thức là biết... Đi mạnh giỏi, lập chiến công nhé! Chỉ tiếctôi

Những giây phút bên nhau thật tuyệt vời. Đêm ấy, vệ đê tắm đầy ánh trăng. Trăng trải đẫm bờ cỏ, trăng đổ dài con đường, trăng sóng sánh như rót mật trên sông, trăng tắm lên mái tóc, trăng hiền từ dịu êm rời rợi khuôn mặt thân yêu.Trăng vẹn nguyên trong trái tim anh và tôi. Kỷ niệm trên vệ đê trăng. Trăng sẽ soi bước anh đi trong đêm hành quân, trăng vấn vít bên anh, trăng thầm thì yêu thương và nhắn gửi ở hậu phương luôn dõi theo anh, cầu mong ở nơi ấy anh sống bình yên và chiến thắng trở về.

Chuyến tàu đưa anh về phía Nam. Anh trở thành chiến sĩ thông tin của mặt trận Quảng Trị. Đi theo hòm thư của anh là những cánh thư tôi gửi ăm ắp nhớ thương. Đi theo hơi thở của anh là tình em tha thiết. Ngày nào, tôi cũng viết thư, chép tặng bài thơ nồng ấm tình yêu tuổi trẻ. Cái thì gửi, cái thì găm vào nhật ký. Những bức thư của tôi nằm lại địa chỉ cũ, không đến tay anh, bước chân của anh nhanh hơn cánh thư đến. Gia tài anh đã giàu thêm bao ân tình sâu nặng của người con gái hậu phương. Những lá thư anh gửi về còn vương mùi đạn bom, thuốc súng. Với tôi, nó quý giá vô cùng. Anh kể tôi nghe những sinh viên trường Sư phạm lên đường nhập ngũ. Họ được bổ sung biên chế vào nhiều binh chủng khác nhau. Họ chiến đấu trong khói lửa, nếm đủ các loại bom phá, bom na-pan, bom bi, bom B52 rải thảm, bom 7 tấn, bom đào, bom phạt, bom điều khiển bằng lade, đặc biệt chúng dùng Thành cổ làm nơi thử nghiệm bom dù: khi thả xuống lưng chừng, một quả bom mẹ nổ thành hai quả bom con, rơi từ từ trông thấy nhưng không cách gì phá được; hứng đủ các loại pháo chơm, pháo khoan, pháo bầy, pháo chụp; cùng với tiếng nổ, mảnh bom dày đặc là chất độc hoá học địch thả mù trời, hơi độc, hơi ngạt; biệt kích thám báo; giữa cơn sốt rét rừng, nhưng các sinh viên - người lính vẫn nắm chắc cây súng, vững một niềm tin, chắc chắn một mục tiêu chiến đấu cho lý tưởng độc lập, tự do.

Trên đường hành quân, anh gặp nhiều bạn đến từ nhiều trường đại học, ai cũng vui, hồ hởi, phấn khởi. Họ cùng nói, cùng nghĩ, cùng kể về thầy cô, mái trường và cùng hẹn nhau trở lại trường Đại học Sư phạm thân yêu. Anh bảo những chàng lính ra trận trẻ trung, yêu đời lắm, vừa hành quân vừa hát “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phỏng thơ Phạm Tiến Duật - sinh viên của trường trong bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây). Lúc dừng chân, họ hí húi ghi nhật ký, làm thơ, viết nhạc. Khi mệt, chỉ còn nghe thấy tiếng bước chân đều đều của người đi sau in lên vết chân người đi trước và tiếng thở gấp gáp. Các anh đều hẹn gặp nhau ngày chiến thắng, sẽ về trường tiếp tục học tập bù lại thời gian gián đoạn. Chiến tranh liên miên, đất nước còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, bỏ xa các nước phát triển, nhiệm vụ của các anh còn nặng nề. Trở về, xây dựng đất nước phồn vinh, giàu đẹp với các anh không chỉ là nghĩa vụ mà còn có cả trách nhiệm...

Cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc ngày càng ác liệt. Trường Sư phạm sơ tán về nông thôn. Thư của anh thưa dần. Từ đầu năm 1972, tôi không nhận được thư anh. Mặt trận Quảng Trị nóng bỏng. Tin những sinh viên hy sinh từ các chiến trường dội về. Tích gió thành bão lớn. Lòng tôi như lửa đốt, như kim châm. Vẫn biết cái gì đến ắt nó phải đến. Tôi vẫn tin anh sẽ trở về trong lòng tôi mong đợi. Nhật ký viết cho anh thay mấy lần sổ. Tôi mong ngày anh về đọc được hết những ý nghĩ của tôi trọn vẹn, nồng nàn, thương yêu. Sau này, chúng tôi sẽ đọc cho con nghe. Chúng sẽ hiểu thời của bố mẹ nó đã sống, cống hiến, xả thân vì lý tưởng và yêu hết mình trong hoàn cảnh xa cách như thế.

Nhưng Sơn Bình yêu thương của tôi không trở về. Tôi nhận tin anh hy sinh qua anh Tú - bạn cùng trường sau khi Hiệp định Pari ký kết. Thảng thốt trước hung tin, không lẽ đó là sự thật, dù vẫn luôn tự trấn an: mọi cái đều có thể, nhưng sao lại là tôi. Tôi không khóc nổi. Đôi mắt vô hồn. Có cái gì bóp chặt lấy cổ họng, chẹt ngang hơi thở, bóp nghẹt trái tim, đau đớn, rớm máu. Tôi ngã vật xuống…

Anh Tú trao tôi một bọc nilông với những di vật của anh. Anh đã tin cậy gửi lại người bạn thân sau một tuần địch mở chiến dịch “Lam Sơn 72” hòng nghiền nát Thành cổ. Có phải bằng linh cảm anh đã gửi lại đêm 4/7/1972. Số phận cuốn nhật ký thật kỳ lạ, vượt qua bao khốc liệt, nằm im trong đáy ba lô, chung chịu bom đạn, may mắn trở về với người thân. Bởi sau đêm ấy, anh Tú bị thương đưa ra tuyến sau. Rồi cả trạm quân y nơi anh điều trị vùi lấp nhiều lần trong bom đạn. Cuốn nhật ký lỗ chỗ mảnh đạn, nhiều chỗ thấm loang máu không đọc được. Anh thanh minh với tôi rằng nhớ thương em không để đâu hết, nhưng ghi chép vội. Tình yêu dành cho em chẳng giấy bút nào chở xiết. Anh giao hẹn với tôi như vậy. Trang nhật ký dành cho tôi, nhưng sự khốc liệt của chiến trường Quảng Trị hằn lên từng nét chữ.

- Ngày 15/2/1972: Em ơi, em có hình dung nổi chiến trường được xem là khốc liệt nhất, nơi xảy ra những cuộc đụng đầu nảy lửa giữa ta và địch. Quảng Trị là chiến trường sinh tử với Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là bàn đạp để chúng thực hiện âm mưu “Bắc tiến”, vừa là “lá chắn bảo vệ biên giới Hoa kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” như Ngô Đình Diệm đã có lần tuyên bố... Anh và đồng đội xiết chặt bên nhau trên chiến hào. Không cho nó đụng tới miền Bắc thân yêu...Nhớ em vô hạn. Mong trở lại vệ đê trăng…

- Ngày 31/3/1972: Sau thất bại ở Đường 9 - Nam Lào, Mỹ - ngụy đã tập trung một lực lượng binh hỏa lực đông và mạnh nhất... Nơm nớp lo sợ ta tấn công, ngăn chặn cuộc tấn công có thể xảy ra ở Quảng Trị, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cấm trại, báo động “vàng”, báo động “đỏ”. Địch ráo riết chuẩn bị và hồi hộp chờ đợi, mùa khô đang đến gần mà vẫn chưa thấy ta “động tĩnh”. Lưới tình báo của địch bị đánh lừa không phát hiện được lực lượng của ta. Em biết không, đùng một cái, cả đất trời Quảng Trị bỗng rung chuyển. Một cơn bão lửa cùng một lúc trùm lên toàn bộ hệ thống căn cứ của địch. Các trận địa pháo của địch đều bị ghìm đầu. Trong lúc hỏa lực pháo binh áp đảo địch, bộ binh, xe tăng của ta tiến quân ban ngày đánh chiếm căn cứ địch. Anh rất phục nghệ thuật nghi binh và chọn thời cơ tài tình của ta. Nhớ thương em.

- Ngày 6/4/1972: Anh đau xót khi nghe tin Ních xơn đã chống trả bằng cách ra lệnh ném bom miền Bắc. Miền Bắc thân yêu ngập trong bom B52 hủy diệt. Đồng đội anh không ai bảo ai. Đôi mắt rực lửa căm hờn. Các anh sẽ dồn căm hờn lên đầu mũi súng. Bảo vệ miền Bắc của chúng ta, giải phóng miền Nam thân yêu của chúng ta. Trường đi sơ tán về Hưng Yên chứ? Em nhớ giữ gìn sức khỏe. Yêu em vô vàn…

- Ngày 2/5/1972: Anh T - phóng viên chiến trường đi theo đơn vị anh kể về 20 dũng sĩ chiếm giữ đầu cầu bắc ngang sông Thạch Hãn, bám chắc mặt cầu trong vòng vây của địch, đánh bật chúng hết đợt này đến đợt khác, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Cả 20 chiến sĩ ấy đã hy sinh anh dũng sau khi hoàn thành nhiệm vụ chặn đường rút chạy của địch. Nghe chuyện, cô giáo của anh phải bật khóc. Hàng ngày, hàng giờ anh chứng kiến sự ra đi của đồng đội. Những con người cảm tử kiên trung. Anh đã khóc nhiều lắm. Nước mắt lặn chảy trong tim như một khối thép đỏ rực căm hờn. Anh vẫn thầm hứa hãy sống, chiến đấu xứng đáng với với gia đình, Tổ quốc, trường Đại học Sư phạm và tình yêu của em. Anh sẽ cố gắng bước qua cuộc chiến khốc liệt này để trở về. Qua được đoạn đó người ta thọ lắm đấy.

- Ngày 30/6/1972: Mỹ Ngụy bắt đầu mở cuộc hành quân vào ngày 28/6 lấy tên là “Lam Sơn 72”. Cuộc chiến dữ dội lắm. Chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị mà mục tiêu số 1 là chiếm Thành cổ hòng tẩy xóa được tâm lý thất bại đang phát triển trong quân đội ngụy, cản phá cuộc tấn công như vũ bão của quân ta, chiếm lại mảnh đất địa đầu chiến lược miền Nam, đồng thời gây sức ép với ta tại Hội nghị Pari. Em! Cô giáo của anh sẽ có thêm nhiều nguồn tư liệu quý cho giờ giảng văn của mình. Hàng ngày anh gom góp làm dày thêm bộ sưu tập cho em...Đợi anh em nhé!

Phút hiếm hoi giữa hai trận đánh, giở ảnh em ra ngắm. Ảnh em và anh được để bên ngực trái, gần tim ấy. Nhiều lúc anh thấy ngực anh đập thình thịch. Cô giáo của anh nghịch lắm. Khi về, anh sẽ “trị tội”. Thời gian này, anh mong mơ thấy em mà không được. Mắt lúc nào cũng căng lên. Anh đã mơ thấy em giữa ban ngày. Trăng mọc ban ngày. Cái đêm trăng trên vệ đê ấy. Em nhớ không? Chắc từ nay anh khó có thể ghi được gì. Dữ dội, khốc liệt lắm, hiếm hoi giây phút nghỉ ngơi. Đành phải tạm biệt em. Anh sẽ nạp nó trong đầu, sẽ kể em nghe. Được không, cô giáo của anh? Yêu và nhớ em trọn đời...

Sau một tháng trang nhật ký cuối cùng khép lại, anh hy sinh trong hành trình đến gần ngày chiến thắng (16/9/1972 cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ mới kết thúc). Ngày 30/7 một trái tim tuổi trẻ ngừng đập, một sinh viên đành lỗi hẹn với mái trường, dự định sẽ trở về tiếp tục học tập. Một đứa cháu đích tôn tạ tội với ông bà không thắp được nén nhang vào ngày giỗ. Một chàng trai yêu người yêu tha thiết đành cắt chia cái tên Bình Sơn thành hai nửa vầng trăng “khuấp lấp, mờ tỏ trong nhau”. Anh đi, anh có biết có hai người con gái trên vệ đê trăng thức với bóng hình. Đại đội anh bị vùi lấp trong loạt đạn bom pháo. Đất đá bị cày xới nhiều lần “Chết rồi còn hy sinh”. Mặt đất lổn nhổn đất đá. Đồng đội không tìm thấy xác anh. Anh đã hoá thân vào mảnh đất khốc liệt, máu thấm từng tấc đất, mạch nước. Anh vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Quảng Trị nóng bỏng trong nỗi nhớ thương không bao giờ vơi cạn của dân tộc, người thân.

Mỗi lần về bên kia sông Đuống thắp hương cho anh, tôi vẫn gặp Thắm. Nhìn chị, tôi càng xót xa. Chị lặng lẽ, cô đơn, chiếc bóng. Trọn tình với mối tình đơn phương, chị bỏ qua nhiều cơ hội lập gia đình để bây giờ vẫn là cô Thắm ngày xưa, yêu anh đến hết cả cuộc đời. Di ảnh của anh đặt trên bàn thờ, nồng nàn hương huệ. Chị xin xã cất một ngôi nhà ven đê, gần vệ đê trăng năm ấy. Hai người đàn bà vốn xa lạ như có chung duyên phận với nhau. Chúng tôi thương nhau như chị em gái….

Thời gian trôi qua. Vết thương thay nhiều lớp sẹo. Nhưng trong tôi - nơi miền khuất tâm hồn, anh vẫn vậy - cái tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết, lý tưởng, hoài bão. Vẫn vẹn nguyên trong tôi những kỷ niệm tươi mới về cái thuở một thời và mãi mãi: Cơn mưa bất chợt, con sông Đuống bồi dài bờ cát, đêm trắng trên vệ đê trăng... Tôi vẫn giật mình thảng thốt mỗi khi nghe thấy lời nhắn gửi “Chiến sĩ… hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ai biết … xin báo về…”.

Sơn Bình của tôi, anh ở đâu dưới lớp cỏ non Thành cổ?

Hoài Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất