Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 26/8/2012 17:39'(GMT+7)

Chủ động sử dụng mạng xã hội để tập hợp, giáo dục thanh niên

Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Quang Thông dẫn chứng nhiều ví dụ thực tế, phân tích khả năng ứng dụng mạng xã hội vào việc đổi mới và tăng tính thân thiện trong công tác giáo dục thanh niên. Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có hơn 5,4 triệu người dùng Facebook (và dự đoán con số này có chiều hướng gia tăng mạnh), đa số nằm trong độ tuổi từ 18 đến 34. Điều này cho thấy, mạng xã hội là môi trường, nhu cầu thực sự của giới trẻ. Thực tế cho thấy, bất kỳ thông tin, hình ảnh nào được chia sẻ trên Facebook đều có sức lan tỏa rất nhanh, rộng… Trong hội nghị có đại biểu thẳng thắn góp ý: “Đổi mới công tác thông tin là câu chuyện chắc chắn phải làm và lẽ ra phải làm cách đây cả chục năm. Đoàn là lực lượng xung kích, nhưng chúng ta đi sau các bộ, ngành từ 5 đến 10 năm. Trong nhiệm kỳ tới, phải đặt mục tiêu đổi mới mạnh mẽ hơn, điều hành công việc bằng công nghệ thông tin chứ không đơn thuần chỉ là ứng dụng”.

Các đại biểu đưa ra dẫn chứng, trên thực tế, đã có một số tổ chức Đoàn, Hội Thanh niên các cấp sử dụng hiệu quả mạng xã hội để tập hợp, giáo dục thanh niên. Cụ thể, Tỉnh đoàn Bắc Giang có gần 20 câu lạc bộ, diễn đàn thanh niên trên mạng internet với gần 2.000 đoàn viên thanh niên truy cập hằng ngày. Các thành viên không chỉ trao đổi thông tin, kết bạn qua diễn đàn mà còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Chương trình xây dựng tủ sách Nguyễn Hồng Công do câu lạc bộ tình nguyện bacgiangview phát động; Chương trình “Em tôi đi thi” được diễn đàn bacgiangonline, svbacgiang.net tổ chức, thu hút hàng nghìn tình nguyện viên tham gia mỗi năm. Hiện tại, thanh niên khuyết tật cũng đã tự xây dựng và hình thành nhiều mạng xã hội, tạo ra môi trường cập nhật kiến thức, chia sẻ thông tin về cơ hội học tập, tìm việc làm và tham gia hoạt động từ thiện…

Thiết nghĩ, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, tổ chức Đoàn cần chủ động có nhiều hình thức mở rộng sự tương tác với thanh niên qua các mạng xã hội. Tình trạng bị động như vừa qua đã dẫn đến một thực tế là có một số thế lực xấu đã lợi dụng mạng internet, các mạng xã hội để truyền bá những thông tin và quan điểm xấu, ảnh hưởng đến sự hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, mục tiêu lý tưởng và nhân cách của lớp trẻ. Thực tế sự phát triển của mạng xã hội trong thời đại kỹ thuật số đã làm cho phương thức tập hợp thanh niên thay đổi rất lớn, trong khi các tổ chức Đoàn không theo kịp tình hình. Cần hiểu rằng, mỗi bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội, nghĩa là họ đang từng bước tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu, sự phát triển của thời đại. Thanh niên tham gia vào mạng xã hội ngày càng nhiều, đây cũng là môi trường để họ thể hiện và thực hiện trách nhiệm xã hội. Tổ chức Đoàn, Hội Thanh niên cần coi mạng xã hội là phương tiện của mình và bắt tay ngay vào việc giáo dục, định hướng thanh niên thông qua các mạng xã hội, coi đây là chiến lược lâu dài trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Cần tận dụng tính lan truyền mạnh mẽ của mạng xã hội để kết nối, nắm bắt tâm tư và nguyện vọng cũng như phổ biến rộng rãi thông tin, định hướng về mục tiêu, lý tưởng, giáo dục lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ... Đây cũng là một phương pháp hữu hiệu để khuyến khích thanh niên học và sử dụng công nghệ thông tin.

Để làm được điều đó, chúng tôi cho rằng Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể trong việc sử dụng mạng xã hội để chỉ đạo xây dựng, quản lý, định hướng thông tin, giáo dục và tổ chức phong trào thanh niên. Các tổ chức nói trên cần nghiêm túc tiếp thu để có sự điều chỉnh về mô hình, đầu tư trọng điểm vào các thiết chế cụ thể để tạo ra sự đổi mới về nội dung và hình thức đoàn kết, tập hợp, giáo dục phù hợp với tâm lý, sở thích và xu hướng phát triển của thanh niên…

QĐND

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất