Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 9/7/2008 11:3'(GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào thi đua yêu nước

Kể từ Lời kêu gọi Thi đua yêu nước (1/5/1948), đến khi Người qua đời (2/9/1969), đã có hơn 30 bài viết của Người đề cập đến Thi đua yêu nước. Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng, những bài viết, bài phát biểu của Người về Thi đua yêu nước ngày càng được bổ sung phong phú.

1. Trong Lời kêu gọi thi đua yêu nước, đặc biệt coi trọng mục đích của thi đua, và yêu cầu thi đua phải toàn diện và thật cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, chúng ta thi đua “Diệt giặc đói khổ. Diệt giặc dốt nát. Diệt giặc ngoại xâm” để nhằm “gây hạnh phúc” cho nhân dân. Theo Người, muốn xây dựng và củng cố nền cộng hoà, chúng ta phải đồng thời diệt được cả 3 thứ giặc đó để mỗi người dân đủ ăn, đủ mặc, biết đọc, biết viết, có đầy đủ lương thực và khí giới để đánh thắng giặc ngoại xâm, tiến tới đạt được mục đích lâu dài: “Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”[1].

Là người khởi xướng và phát động phong trào Thi đua yêu nước ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước hưởng ứng phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo Người, thi đua yêu nước là một tất yếu khách quan dưới chế độ xã hội mới, bởi rằng “làm bất kỳ việc gì, đều cần phải thi đua nhau” và thi đua sẽ tạo điều kiện kích thích mỗi người hăng hái trong mọi mặt công tác. Từ việc chỉ rõ tính hăng hái sáng tạo tỏ ra ở thi đua, và đặc điểm của thi đua là luôn vận động và phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng nêu rõ tính “quần chúng” của thi đua. Đó là tất cả những người dân Việt Nam như “sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì” đều có thể tham gia phong trào Thi đua yêu nước. Mặt khác, thông qua những bài nói, bài viết về thi đua, Người cũng nhấn mạnh bản chất tốt đẹp của thi đua dưới chế độ xã hội mới, đó là: thi đua yêu nước mang tình đồng chí, đồng đội, để cùng giúp nhau vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đó chính là: “thi đua không phải là tranh đua”, “Thi đua làm cho con người giỏi hơn, tốt đẹp hơn” và “Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người”[2].

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với việc cải tạo con người, việc áp dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật và tính sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân vào trong mọi mặt đời sống xã hội, thi đua sẽ làm cho mỗi người tự mình phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra. Song để thi đua thực sự là động lực, là những hoạt động thiết thực, thì thi đua phải luôn luôn đi liền cùng khen thưởng, bởi thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch, nên thi đua và khen thưởng bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau. Kết quả của thi đua sẽ được ghi nhận bằng khen thưởng và khen thưởng càng tạo điều kiện cổ vũ, động viên phong trào thi đua phát triển. Mặt khác, không có thưởng phạt nghiêm minh, không có khen thưởng kịp thời sẽ triệt tiêu động lực của thi đua, làm cho phong trào thi đua yêu nước chỉ mang tính hình thức.

Từ nội dung các bài viết về Thi đua yêu nước, có thể thấy rõ những quan điểm của Người chính là nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân “cố gắng gian khổ không ngại”, “khó khăn không sờn lòng” để đưa cách mạng đến thành công. Đồng thời, thông qua phong trào Thi đua yêu nước, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam mới được bồi đắp. Đó là một cách thiết thực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của mọi người trong xã hội. Đó cũng là góp phần nâng đỡ những người kém cỏi, dẹp bỏ dần tính vị kỷ, cá nhân,.. từng bước loại trừ những phần tử cổ hủ, lạc hậu, kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

Nêu rõ ảnh hưởng và ý nghĩa của phong trào thi đua khi đã “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và trong mọi tầng lớp nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bằng cách thi đua, chúng ta sẽ tẩy sạch mọi khuyết điểm, phát triển mọi ưu điểm, vượt qua mọi khó khăn”[3]. Gắn Thi đua yêu nước với rèn luyện đạo đức mới, đạo đức của người cách mạng, Người nói: Khẩu hiệu thi đua yêu nước là “Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta” [4] và thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “thi đua không phải là ganh đua”. Thi đua có nghĩa là mỗi người đều có thể phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng tiến bộ. Thi đua một cách thiết thực và tích cực như vậy sẽ giúp mỗi người chiến thắng những tật xấu, hướng về những điều tốt đẹp, dẹp bỏ dần những hư danh, vị kỷ của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời thi đua cũng làm cho mỗi người nâng cao tinh thần tiết kiệm, ý thức giữ gìn của công và hướng lòng mình đến chí chí công vô tư. Khi mỗi người tự chiến thắng những thói hư, tật xấu trong mình, thi đua sẽ “giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”[5]. Người nhấn mạnh, càng gặp khó khăn nhiều, chúng ta càng phải thi đua, thi đua một cách thiết thực và tích cực và biến Thi đua yêu nước thành sức mạnh của hàng triệu triệu người, để “nước ta sẽ độc lập và thống nhất thật sự. Dân ta sẽ no ấm và giàu mạnh thật sự”[6].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phân tích rằng: Thi đua là tăng cường đoàn kết, “mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua”, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước của nhân dân ta, “làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới”, “thiết thực góp sức giữ gìn hoà bình và dân chủ thế giới”. Vì vậy, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Người mong các cháu nhi đồng, đồng bào phú hào, công nông, trí thức nhân viên Chính phủ, bộ đội dân quân “ai cũng thi đua”, “ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc” để từng bước dẹp tan mọi nỗi khó khăn, đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta sẽ đi đến thắng lợi hoàn toàn. Sau đó, khi cả nước cùng đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền Nam- Bắc, Người mong “các cháu thiếu nhi cần phải thi đua thực hiện 5 tốt”, mong các cụ phụ lão “ra sức đôn đốc con cháu thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng đời sống hạnh phúc cho mọi người và mọi dân tộc”[7], mong bộ đội “đoàn kết, học hỏi, giúp đỡ và thi đua với công nhân và nông dân’, v.v… Người cũng mong có nhiều Bắc Lý, Duyên Hải, Đại Phong, mong “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” với quyết tâm sắt đá Không có gì quý hơn độc lập tự do để củng cố và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thi đua yêu nước là để gây hạnh phúc cho dân, đó là mục đích lớn nhất, cao cả nhất. Tuỳ từng thời điểm lịch sử và nhiệm vụ cụ thể, song nội dung của Thi đua yêu nước luôn gắn liền với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự, v,v..nhằm từng bước đem lại hạnh phúc cho nhân dân một cách tích cực. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý rằng: đề ra mục đích thi đua không chỉ góp phần động viên mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi địa phương tập trung tinh thần và lực lượng để phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ được giao, mà thi đua còn cổ vũ mọi người chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Theo Người, “bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến”, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua, cho nên phải gắn phong trào Thi đua yêu nước với việc chống những căn bệnh, những tệ nạn này.

2. Không chỉ nêu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của Thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: Để phát triển phong trào thi đua, thì nhất định phải “tổ chức thi đua” một cách có kế hoạch, cụ thể và đầy đủ. Bởi “bất cứ việc nhỏ việc to, có thi đua thì mọi người mới cố gắng. Phải làm cho mọi người hiểu thi đua là ích nước lợi nhà”[8]. Người từng nói: Thi đua là phải trường kỳ, cho nên cao trào thi đua càng phát triển mạnh mẽ, càng đặt ra nhiều vấn đề, nhiều việc phải giải quyết kịp thời như đúc kết kinh nghiệm, phổ biến rộng rãi các sáng kiến, các điển hình, chế độ khen thưởng về cả vật chất và tinh thần, v.v…vì vậy, việc tổ chức, thực hiện phong trào thi đua ở mọi nơi, mọi cấp phải có sự phối hợp đồng bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cán bộ và toàn thể nhân dân “chúng ta từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong phong trào này. Mà thắng lợi trong phong trào này sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa” để kháng chiến, kiến quốc nhanh chóng thành công. Khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, cả nước cùng đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, Người càng nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào Thi đua yêu nước và yêu cầu: “Mọi người và mọi ngành đều phải hăng hái thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất và tiết kiệm, tôn trọng và bảo vệ của công, tẩy trừ nạn tham ô, lãng phí”. Vì vậy, đã xây dựng phong trào thi đua thì phải làm liên tục và có nội dung thiết thực, không nên chỉ kêu gọi một cách hình thức, càng không nên làm “đầu voi đuôi chuột”. Mặt khác, thi đua muốn đi sâu, nhân rộng trong quần chúng thì phải được đông đảo quần chúng hưởng úng, vì vậy, cán bộ làm công tác thi đua phải dựa vào quần chúng mà phát động phong trào thi đua. Đồng thời, để phong trào thi đua tránh được những lệch lạc, sai sót, thì phải làm cho quần chúng hiểu đúng đắn ý nghĩa và tham gia một cách tự nguyện vào phong trào.

3. Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng, từ việc khởi xướng, chỉ đạo phong trào Thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[9]. Làm rõ ý nghĩa nội dung này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Không dừng lại ở việc quan niệm rằng, thi đua là một hoạt động nâng cao năng xuất lao động, mọi mặt công tác của các tập thể và cá nhân nhằm sản xuất nhiều của cải vật chất cho xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên một tầm cao mới (thông qua việc ra lời kêu gọi, quan tâm và theo dõi sát sao phong trào Thi đua yêu nước). Người đã thổi vào phong trào thi đua một nội dung mới, coi thi đua không chỉ dừng lại ở khía cạnh hoạt động vật chất, mà còn bao hàm nội dung tinh thần, là biểu hiện cao của tình yêu quê hương đất nước, là tấm lòng của mỗi người dân Việt với non sông gấm vóc mà cha anh ta đã gây dựng lên khi nhấn mạnh: Thi đua là yêu nước. Thể hiện một cách độc đáo, sáng tạo quan niệm về thi đua, lấy thi đua làm động lực để phát huy lòng yêu nước, đồng thời “lấy yêu nước để thúc đẩy phong trào thi đua, nâng cao hiệu quả của thi đua”[10], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Pháp và sau đó là chống đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng CNXH ở miền Bắc có sức mạnh tinh thần to lớn, tồn tại lâu dài, gắn liền, phát triển cùng lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là một người dân Việt, mang trong mình những phẩm chất, cốt cách và tâm hồn Việt, nhưng đồng thời cũng là vị lãnh tụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự hào vì: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân ta, nên khi khẳng định Thi đua là yêu nước và yêu nước thì phải thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta mang đậm bản sắc dân tộc và cốt cách người dân Việt. Kêu gọi thi đua yêu nước, dành nhiều thời gian và tâm trí cho vấn đề này từ việc lựa chọn cán bộ (chọn cụ Hoàng Đạo Thuý làm Tổng Bí thư ban vận động Thi đua Trung ương, tặng cụ chiếc quạt, “để quạt cho phong trào phát triển”), công tác huấn luyện cán bộ thi đua đến việc thường xuyên viết bài, nói chuyện về thi đua ái quốc, Người mong muốn thông qua phong trào thi đua yêu nước, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam truyền thống như: yêu nước, đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, tiết kiệm, kiên cường bất khuất, sáng tạo trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa, nhưng cũng rất thuỷ chung và nhân ái, chan hoà, v.v.. ngày một được bồi đắp và phát triển.

Thi đua là hoạt động tích cực và sáng tạo, là sự phấn đấu không ngừng của các cá nhân, tập thể để đạt được đến chân thiện mỹ. Thiết thực và tích cực, Người nói: “Yêu nước thì phải thi đua. Tư tưởng yêu nước phải tỏ ra trong công việc thực tế, trong Thi đua ái quốc”[11] và mỗi người “phải sửa đổi ít nhiều trong công việc thi đua, làm cho phong trào thi đua sâu hơn và thiết thực hơn nữa”, đồng thời “mong mọi người và mọi cơ quan cứ theo đà ấy, cố gắng thi đua, tẩy bỏ những khuyết điểm còn sót lại, phát triển những ưu điểm đã sẵn có”[12], để sự nghiệp cách mạng mau chóng thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho rằng, “các nước tư bản chủ nghĩa không có tài gì thi đua; chỉ có XHCN, dân chủ nhân dân mới thi đua được” và “nhờ có thi đua mà nhân tài càng phát triển, của cải càng dồi dào, nhân dân càng sung sướng” nên Người vẫn kêu gọi: Thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc. Thi đua yêu nước, không phải ganh đua, không phải cạnh tranh, góp phần làm cho phong trào thi đua phát triển toàn diện, làm cho sức sống của phong trào vượt không gian và thời gian. Vì vậy, không chỉ thu hút đông đảo nhân dân cả nước, tinh thần Thi đua yêu nước còn thu hút cả kiều bào ta ở nước ngoài. Bằng nhiều cách khác nhau, người thì góp tiền, người thì góp sức (Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Lương Đình Của, v.v..), tất cả đều đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào việc “gây hạnh phúc cho dân”. Từ thực tiễn và thành quả cách mạng đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Bất kỳ làm việc gì, cố mà thi đua, giúp nhau thi đua, cùng tiến bộ, không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi, không ngừng phát huy lòng yêu nước, đẩy mạnh thi đua xây dựng và bảo vệ đất nước thì đều “ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước”.

Nhìn lại chặng đường 60 năm qua (11/6/1948 -11/6/2008), mặc dù vẫn còn những tồn tại, nhưng rõ ràng Thi đua yêu nước thực sự là một phong trào có sức mạnh và tiềm năng to lớn. Hiện nay, cùng với việc tiếp tục triển khai cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và tệ quan liêu thì tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc. Theo những chỉ dẫn, nội dung, biện pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Thi đua yêu nước đã góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh tế thắng lợi thì nay nhất định cũng sẽ góp phần đưa sự nghiệp đổi mới của chúng ta đến thành công, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh./.

Theo Dangcongsan.vn

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất