Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 9/7/2008 11:3'(GMT+7)

Sự trung thực và đúng mực của ngòi bút

Nhà Báo Hữu Thọ

Nhà Báo Hữu Thọ

Hoạt động báo chí của Người rất phong phú: viết báo, sáng lập và quản lý tờ báo, hướng dẫn các hoạt động báo chí. Nếu hoạt động cách mạng của Người liên tục, bền bỉ cho tới lúc cuối cùng thì Người cũng viết báo cho tới những ngày cuối cùng của cuộc đời. Khi bắt đầu hoạt động cách mạng, Người học viết rồi viết báo để vạch mặt thực dân, phong kiến, cổ vũ và tổ chức nhân dân vùng lên phá xích xiềng nô lệ, giành chính quyền. Khi đã có chính quyền, là nguyên thủ quốc gia, là lãnh tụ của Đảng, Người rất quan tâm tới báo chí, luôn hướng dẫn báo chí, vẫn tiếp tục viết báo. Có người thống kê trong thời gian này, Người đã viết hơn 1.300 bài báo với hơn 30 bút danh khác nhau. Có những phong trào lớn như Tết trồng cây, thi đua Đại Phong... xuất phát từ những bài báo của Người - ký bút danh. Có những tác phẩm lớn trở thành sách gối đầu giường của cán bộ, công chức cho tới ngày nay và có thể mãi mãi là những bài báo ký bút danh XYZ tập hợp trong cuốn sách ‘’Sửa đổi lối làm việc’‘ mà chúng ta vừa kỷ niệm 60 năm ngày phát hành. Rồi bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Nhân Dân vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng, năm Người qua đời, mà ngày nay chúng ta coi như Di chúc chính trị về đạo đức cán bộ, công chức của Người, cũng được ký bút danh của một nhà báo. Kể lại như thế để thấy Người rất coi trọng báo chí và sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phong phú.

Trong dịp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, những người làm báo tổ chức Hội thảo về đạo đức Hồ Chí Minh với nghề báo là việc làm rất cần thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, công chức. Cùng với những tiêu chuẩn về đạo đức chung đối với những ‘’đày tớ’ của dân, Người còn nêu cụ thể những nội dung đạo đức của từng ngành, từng giới nhất là những ngành có quan hệ rộng rãi tới xã hội như bộ đội, công an, nhà giáo, thầy thuốc, quan toà, nhà báo... Đối với những người làm báo, có lúc Người khiêm tốn, thân tình, coi như ‘’một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm’‘ để đưa ra những lời dặn dò, lời khuyên và ‘’xung phong’‘ phê bình về những vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

Những lời dặn dò khuyên bảo của Người rất toàn diện, từ việc xác định vị trí tờ báo trong xã hội, mục tiêu của mỗi tờ báo... mà xác định nhân cách, trách nhiệm công dân, đạo đức chính trị, đạo đức nghề nghiệp... của người làm báo. Đã 39 năm kể từ ngày Người từ biệt chúng ta, đất nước đã hoà bình, thống nhất, đang đổi mới, hội nhập ngày càng sâu vào đời sống quốc tế, báo chí cũng đã đổi mới rất nhanh. Thời gian đã lùi xa, thực tiễn hoạt động báo chí vừa phong phú vừa phức tạp nhưng ngẫm lại những lời khuyên bảo của Người vẫn có ý nghĩa sâu sắc. Đã có nhiều tác giả đề cập toàn diện sự nghiệp và tư tưởng của Người về báo chí... Ngay trong phạm vi đạo đức của người viết báo, Người cũng đề cập rất nhiều nội dung mà tôi đã nhiều lần viết bài thu hoạch trên một số báo. Trong phạm vi cuộc Hội thảo này tôi xin phép được đề cập một vấn đề mà tôi nghĩ đang có tính thời sự trong hoạt động báo chí của ta lúc này.

Ngẫm rằng, làm nghề báo luôn luôn phải tỏ rõ thái độ trước các sự kiện và con người, khen hoặc chê, biểu dương mặt này phê phán mặt kia... qua thông tin, phản ánh, bình luận. Đó là việc bình thường của người làm báo, nhưng lại không đơn giản. Đối với những người có lương tâm nghề nghiệp còn cho đó là công việc khó khăn thậm chí có việc có lúc rất khó khăn. Tuy nhiên việc này lại không dễ vì có việc thấy rõ ngay đúng sai, nhưng có những việc phải chờ một thời gian qua kiểm nghiệm thực tiễn mới đánh giá được giá trị của từng tác phẩm báo chí. Có lúc người làm báo vô cùng phấn khởi thấy việc biểu dương đúng đắn, thậm chí ‘’anh hùng nhận giữa trần ai’‘ coi như dự báo đúng về một nhân tố mới ngay từ khi còn là cái nụ, cái mầm. Cũng có lúc hối hận khi khen ngợi, biểu dương thậm chí thổi phồng lên mây xanh những sự kiện hoặc con người không đúng, gây ngộ nhận của xã hội, làm hại ngay cả những người được biểu dương như một ngôi sao. Cũng có lúc chê sai, chê quá mức, thậm chí bôi nhọ, hạ nhục một đơn vị, một con người tốt, hoặc mới sai lầm ở mức vừa phải, làm huỷ hoại danh dự, gây đau khổ cho một con người, một đơn vị, thậm chí gây ra đổ vỡ hạnh phúc một gia đình, phá sản một doanh nghiệp. Cũng như một số đồng nghiệp, trong cuộc đời làm báo của mình, tôi cũng có lúc mắc sai lầm tương tự. Đó là nỗi day dứt của những người làm báo có lương tâm. Nhắc lại tình hình trên, tôi không có ý làm nhụt nhuệ khí của những cây bút có trách nhiệm, dám dấn thân trong các tác phẩm báo chí của mình, chỉ muốn cảnh báo về sai lầm và hậu quả của nó mà không một nhà báo chân chính nào muốn xảy ra trong sự nghiệp cao quý của mình và cũng để nhớ tới lời dặn dò của Bác Hồ với người làm báo.

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm biểu dương người tốt việc tốt cũng như nghiêm khắc phê bình thói hư tật xấu và các khuyết điểm của cán bộ, công chức. Người đã nói với các nhà báo: ‘’Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội, của bạn ta. Đồng thời phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội, không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu’‘. Người không bằng lòng với một số nhà báo, bài báo ‘’thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta’‘. Nghĩa là ngòi bút chân chính phải tỏ thái độ dứt khoát ‘’phò chính, trừ tà‘’ như Người đã dặn dò giới trí thức ngay từ ngày đầu của nước Việt Nam mới.

Để tránh những thiếu sót, thiên lệch khi đánh giá, khen chê đòi hỏi cả phẩm chất và năng lực của người viết. Năng lực của mỗi người bao giờ cũng có giới hạn vì không ai dám vỗ ngực cho rằng lĩnh vực nào mình cũng giỏi, cũng thông thạo, nhưng nếu khiêm tốn, luôn luôn học hỏi, rồi thận trọng và có trách nhiệm trong công việc, tìm hiểu và suy nghĩ kỹ càng trước khi cầm bút thì có thể khắc phục được phần nào những lỗ hổng trong kiến thức để có năng lực đánh giá đúng đắn sự kiện, từ đó tỏ thái độ đúng mực, điều đó lại làâ đạo đức, phong cách. Mặt quan trọng của nhân cách, đạo đức của người làm báo, theo tôi là “sự trung thực” có thế nào nói thế ấy như lời dạy của Hồ Chủ tịch. Tiếp nối tinh thần đó, điều 3 trong Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 8 thông qua cũng nêu rõ “Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”.

Cùng với sự trung thực trong tìm hiểu, đánh giá sự kiện khi xác định thái độ khen chê. Hồ Chủ tịch còn dặn: ‘’Nêu cái hay cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại’‘. Ngẫm lại lời khuyên của Người trong quá trình biểu dương nhân tố mới vừa qua, bên cạnh việc đưa còn mờ nhạt, thiếu hấp dẫn thì vẫn có những bài viết ‘’thổi phồng’‘, có bài, có bạn do thiếu hiểu biết, do thiếu điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng thì cũng có bài, có bạn do đạo đức nghề nghiệp, khi nhận lời nhờ vả, thậm chí là nhận tiền để viết thuê cho những người và đơn vị nhờ tay nhà báo để mua danh, mua tước.

Nhà báo phải góp phần đấu tranh với các khuyết điểm, tệ nạn vì lợi ích chung, cũng là theo lời dặn của Bác Hồ khi Người gọi bọn tham nhũng là ‘’giặc nội xâm’‘ phải diệt trừ tận gốc. Nhưng Người lại dặn khi phê bình ‘’phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn‘’ với tinh thần xây dựng. Theo tôi, thật thà là không gian dối, giả tạo, đặc biệt là không bịa đặt; chân thành là nói lên, viết lên từ đáy lòng mình, như người trong cuộc; đúng đắn được hiểu là đúng mực, không cường điệu, suy diễn, có trách nhiệm về thái độ và hành vi của mình.

Trên cơ sở những lời dặn dò đó, ngẫm lại công việc của chúng ta trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, bên cạnh những việc làm tốt được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận thì cũng có những trường hợp cường điệu, thổi phồng, bóp méo thậm chí bịa đặt, suy diễn. Có khuyết điểm do phong cách nghề nghiệp, mới nghe qua đã viết, không theo lời dạy của Người về tinh thần trách nhiệm, sự cẩn trọng của người làm báo: ‘’Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết’‘, mà Người gọi là ‘’nói càn’‘, ‘’viết càn’‘. Nhưng cũng có một số trường hợp viết bài do thù ghét cá nhân, do bị mua chuộc. Có người cho rằng có một số ít nhà báo đã dùng ngòi bút tham gia vào vụ đâm thuê chém mướn... làm mất uy tín của tờ báo, thậm chí của cả giới báo chí.

Sở dĩ phải có tấm lòng trung thực, thái độ đúng mực trong biểu dương, phê bình vì tờ báo có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành dư luận xã hội, đồng thời “địch rất chú ý, bạn rất quan tâm”, cho nên Người dặn ‘’phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung và cách viết’‘, vì cùng một thông tin nhưng với giọng điệu, hình thức thể hiện khác nhau đều có thể tạo nên dư luận khác nhau. Đó cũng là lời dặn dò về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của những người làm báo.

Như trên đã nói, trong phạm vi đạo đức có đạo đức con người, đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp liên quan tới nhau, vì không thể là nhà báo tốt nếu không có nhân cách tốt, không là công dân tốt. Chỉ trong phạm vi đạo đức nghề nghiệp, Hồ Chủ tịch cũng đề cập nhiều nội dung, tôi xin phép chỉ đề cập một khía cạnh mà tôi nghĩ rằng đang có ý nghĩa thời sự, trước hết để răn mình trong khi tiếp tục làm nghề./.

(Nhà Báo Hữu Thọ)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất