Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 9/7/2008 14:39'(GMT+7)

Phòng chống thiên tai ở Việt Nam: Cần một tầm nhìn, sự đồng thuận và quyết tâm cao hơn

Tuy nhiên, năm 2007 cũng là năm theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học, đó là năm mà chúng ta đã phải đối mặt với với nhiều hiểm họa thiên tai bất thường do sự biến đổi khí hậu của trái đất đưa lại. Thực tế này càng cho thấy đã đến lúc chúng ta cần có một cách nhìn tổng thể hơn về vấn đề phát triển kinh tế-phòng chống thiên tai-và phát triển bền vững. Bài viết dưới đây là sự tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu, của nhiều tác giả, với hy vọng đưa lại cho bạn đọc bức tranh toàn cảnh về vấn đề này

1- Tình hình thiên tai ở nước ta và thế giới một số năm gần đây.

Năm 2007.

Ngay từ đầu năm, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo khô hạn, thiếu nước kéo dài đến tháng 11/2007. Ngay sau đó, Tây Nguyên hạn nặng. Tháng 5/2007 ở Quảng Nam, các trạm bơm nhiễm mặn, các hồ chứa cạn nước. Tình trạng này nhanh chóng lan rộng tại nhiều tỉnh khiến Chính phủ phải quyết định chi 33,7 tỷ đồng chống hạn. Ngay sau cơn đại hạn, hàng chục trận lũ dữ liên tục tàn phá miền Trung. Mở màn là trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, nhấn chìm hai huyện Tuyên Hoá, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đầu tháng 8.

Ngay sau đó, hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây lũ lớn tại Hương Khê, Vụ Quang tỉnh Hà Tĩnh; để lại hậu quả khủng khiếp: 23 người chết, thiệt hại kinh tế 450 tỷ đồng.

Chưa kịp khắc phục hậu quả, miền Trung lại gồng mình chống chọi với bão số 5 (mạnh trên cấp 12), 6 đợt lũ lớn (từ 3/10 đến 14/11). Trong đó, trận lũ giữa tháng 11 cướp đi 50 sinh mạng; hàng trăm người bị thương; thiệt hại về kinh tế có địa phương lên tới trên 1.000 tỷ đồng.

ở phía Nam, từ tháng 10 đến cuối năm, ĐBSCL và TP.HCM hứng chịu những đợt triều cường lịch sử (có đợt được cho là cao nhất trong hơn 40 năm qua), hàng chục đoạn đê bao bị nước xô vỡ, thiệt hại ban đầu được tính theo bạc tỷ.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tổng thiệt hại do bão lũ gây ra ở nước ta trong năm 2007 ước tính 11.520 tỷ đồng, làm thiệt mạng 462 người, 33 người mất tích, 856 người bị thương.

Năm 2006 và trước đó.

Thiên tai năm 2007 được nhiều người đánh giá là ác liệt, diễn ra trên diện rộng và bất thường hơn mọi năm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại một cách có hệ thống diễn biến thiên tai những năm trước đó thì chúng ta thấy, dường như dấu hiệu bất thường này đã được cảnh báo sớm, như một hệ quả tất yếu về các phản ứng của thiên nhiên trước các tác động của con người vào bầu khí quyển trái đất.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, năm 2006, Việt Nam đã “đón” 10 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, 9 đợt lũ quét đã làm 339 người chết, 274 người mất tích và hơn 2.000 người bị thương (trong đó những trận bão kinh hoàng nhất là Xangsane, Durian, Chanchu), thiệt hại về tài sản gần 20.000 tỷ đồng. Mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra được đánh giá ở mức cao nhất trong vòng 35 năm lại đây. Chính phủ đã phải chi gần 734 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai và xuất kho 3.700 tấn gạo để khắc phục hậu quả.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, từ thập kỷ 90 tới nay, thiên tai có chiều hướng ngày càng khốc liệt, dữ dội và bất thường hơn, mức độ thiệt hại cũng ngày một gia tăng. Một ví dụ cụ thể về điều này là, vào năm 1996 - năm được đánh giá có mức thiệt hại do thiên tai gây ra là cao nhất so với 20 năm trước đó, tổng thiệt hại do bão lũ là 700 triệu USD. Nhưng mức thiệt hại đó chỉ bằng thiệt hại do một trận bão năm 2006 gây ra. Nếu nhìn gần hơn, từ năm 1995 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại do bão lũ ước tính khoảng 1,2 tỷ USD (bằng 2% GDP cả năm).

Thế giới.

Sự tổn thất ngày càng tăng do thiên tai gây ra không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Thế giới trong những năm gần đây cũng ở tình trạng tương tự. Theo tài liệu của tổ chức Khí tượng Thế giới, trong giai đoạn 10 năm từ 1992-2001, những thảm hoạ thiên tai trên thế giới đã làm hơn 622.000 người thiệt mạng, hơn hai tỷ người chịu ảnh hưởng. Những tổn thất về kinh tế do thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng thủy văn gây ra ước tính khoảng 446 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 65% tổng số thiệt hại do các loại thiên tai gây ra.

Theo thống kê của Hiệp hội Chữ Thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm Thế giới, năm 2006, thế giới đã trải qua 427 cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Các nhà khoa học đã ghi nhận, trong giai đoạn 2004 – 2006, các thảm họa thiên nhiên đã tăng đến 70%. Trong 10 năm trở lại đây từ (1997 đến 2006), số lượng thiên tai tăng đến 60% so với một thập kỷ trước đó (giai đoạn 1987 -1996), tức là từ 4241 vụ lên 6806. Số nạn nhân do thảm hoạ gây ra cũng đã tăng gấp đôi, từ 600 000 người lên 1.200.000. Số lượng người bị ảnh hưởng cũng tăng từ 230 triệu người lên 270 triệu người.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, tần suất xảy ra thiên tai giữa Nam - Bắc, hay Đông - Tây là như nhau, song có tới 95% số người chết do thảm hoạ thiên tai lại ở những nước đang phát triển. Thiệt hại lớn chủ yếu do có những trận bão lốc và bão nhiệt đới với số lượng nhiều và cường độ mạnh bất ngờ. Trận bão Uynma cường độ mạnh nhất kể từ năm 1850, gây thiệt hại 15 tỷ USD, trong khi cơn bão Katrina có cường độ mạnh thứ 6 trong số các trận bão năm 2005, gây thiệt hại hơn 125 tỷ USD tại khu vực Bắc Mỹ.

Thiệt hại kinh tế toàn cầu vì thiên tai năm 2005 vượt qua mức 200 tỷ USD, theo ước tính của hãng bảo hiểm Munich Re Foundation. Riêng bão Katrina đã gây thiệt hại 125 tỷ USD ở miền Nam nước Mỹ.

2- Vì sao thiên tai lại gia tăng.

Theo phân tích của các nhà khoa học trên thế giới, nguyên nhân dẫn đến những sự biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu và thủy văn như trên có rất nhiều, nó là sự tổ hợp của những biến đổi của tự nhiên và sự tác động của con người tới môi trường sinh thái, nhưng có thể nêu ra hai nguyên nhân chủ yếu đó là:

1. Do sự biến đổi của nền nhiệt độ trên toàn cầu đang có xu thế nóng lên, dẫn đến sự tan rữa của các khối băng khổng lồ ở 2 địa cực làm cho mực nước biển đang ngày càng dâng cao, các dòng hải lưu trên biển cũng bị thay đổi…

2. Do sự phát triển với tốc độ cao của nền công nghiệp trên toàn thế giới và do sự tác động ngày càng mạnh mẽ của con người vào môi trường tự nhiên làm cho bầu khí quyển bao quanh trái đất đang bị biến động….

Theo Báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc công bố ngày 17-11 (đây là báo cáo dựa trên 29.000 dẫn chứng và các mô hình nghiên cứu bằng máy tính, và là sản phẩm của hơn 2.000 khoa học gia làm việc trong Uy ban quốc tế về thay đổi khí hậu) - các nhà khoa học thế giới đã thống nhất cho rằng Trái đất ấm dần lên đã trở thành thách thức lớn của nhân loại, và nguyên nhân của tình trạng này có đến hơn 90% là do hoạt động của con người gây ra. Đây chính là nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp dẫn đến tình trạng thiên tai trên toàn thế giới những năm gần đây trở nên dữ dội, ác liệt, rộng khắp và bất thường hơn. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã phải khuyến cáo, chỉ có hành động khẩn cấp của toàn thế giới mới có thể giải quyết thảm họa này.

Theo ông Christophe Bahuet, Phó giám đốc thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cảnh báo Việt Nam sẽ là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tuy hiện giờ tất cả còn đang nghiên cứu và dự đoán, nhưng theo các kịch bản do các chuyên gia môi trường đưa ra, diện tích đất nông nghiệp ở Việt Nam sẽ bị thu hẹp đáng kể trong những thập kỷ tới. Theo ước tính của ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu nước biển dâng cao thêm 1m, 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa, đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập mất 5.000 km2 và đồng bằng sông Cửu Long bị mất từ 15.000 đến 20.000 km2. Tổng cộng Việt Nam sẽ bị mất 12-14% diện tích đất trồng lúa, tức là mất gần 5 triệu tấn thóc/năm và không còn khả năng xuất khẩu gạo.

Căn cứ vào thực tiễn đất nước mình, giới khoa học Việt Nam, một mặt vừa chia sẻ, đồng thuận với những tổng kết có giá trị khoa học, thực tiễn cao của thế giới, mặt khác đã tập trung đi sâu nghiên cứu, tổng kết, phân tích làm rõ hơn những nhân tố mang tính chủ quan của chúng ta trong việc làm cho thiên tai ở Việt Nam ngày càng nặng nề hơn, gây hậu quả lớn về người, tài sản và môi trường sống con người. Nạn phá rừng và tình trạng khai thác, sử dụng phí phạm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát triển kinh tế không bền vững, gây ô nhiễm môi trường... được xếp là những nguyên nhân đứng hàng đầu, song cũng là vấn đề nan giải, chậm được khắc phục nhất.

Nếu như hiện nay trên thế giới, tốc độ phá rừng đang diễn ra ở mức độ phi mã: mỗi năm có tới 180.000 km2 rừng nhiệt đới bị xoá sổ, khiến hàng nghìn ha đất trồng trọt bị sa mạc hoá, thì theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: diện tích rừng tự nhiên của nước ta cũng đang suy giảm với tốc độ “chóng mặt”. Vào những năm 40 của thế kỷ trước, diện tích rừng tự nhiên là trên 14 triệu ha, thì đến năm 90 chỉ còn trên 9,3 triệu ha, trong đó diện tích rừng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề nhất. Diện tích đất trống, đồi núi trọc nay đã vượt diện tích rừng tự nhiên. Khu vực Tây Bắc - một phần mái nhà của châu thổ sông Hồng, độ che phủ chỉ còn 14%.

Qua các trận bão lũ, các nhà khoa học lên tiếng rằng vấn đề bảo vệ môi trường để hạn chế lũ lụt, thiên tai là cấp bách và bài học về sự trả giá cho môi trường vẫn không bao giờ cũ. Trong cuộc hội thảo “Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam”, giáo sư Võ Quý (người duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế Hành tinh xanh), nói rằng: “Trong số nhiều vấn đề môi trường mà Việt Nam phải đương đầu, nghiêm trọng nhất là nạn phá rừng, khai thác rừng cạn kiệt”. Hội thảo này đưa ra con số: Tây Nguyên ở những năm 60 có 90% diện tích được che phủ bởi rừng, nhưng từ năm 1996 đến nay, mỗi năm Tây Nguyên mất đi 10.000ha rừng.Và điều đáng buồn là chiến tranh, bom đạn đã không đầu độc môi trường nhiều hơn những gì mà con người đã gây ra trong hơn 30 năm xây dựng đất nước. Nạn phá rừng, việc khai thác cát sỏi và việc quy hoạch hệ thống đê đập bất hợp lý là những gì đang diễn ra ở miền Trung liên tục trong nhiều thập kỷ qua, khiến cho sự tàn phá của thiên tai ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta đối xử với thiên nhiên như thế thì chuyện lũ lụt tàn phá ở miền Trung năm 2007 là tất yếu, không thể khác được. Kể cả khi có được cảnh báo sớm hơn nữa vẫn thế, không có cách gì tránh được cơn giận dữ, trả đũa của thiên nhiên.

Nạn phá rừng không chỉ diễn ra với những cánh rừng đại ngàn, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn để lấy gỗ mà còn được thực hiện không thương tiếc với cả những cánh rừng ngập mặn (RNM) ở các tỉnh ven biển để phát triển kinh tế. Theo tiến sĩ Vũ Văn Triệu, Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam, RNM là hệ sinh thái đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa to lớn về đa dạng sinh học đối với việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Quan sát của các nhà khoa học đã cho thấy, những năm qua, nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào nước ta, nhưng nơi nào RNM được trồng và bảo vệ tốt thì các đê biển vùng đó vẫn vững vàng trước sóng gió lớn, dù là đê biển được đắp từ đất nện, trong khi những tuyến đê biển được xây dựng kiên cố bằng bê tông hoặc kè đá nhưng RNM bị chặt phá để chuyển sang nuôi tôm như Cát Hải (Hải Phòng), Hậu Lộc (Thanh Hóa) thì bị tan vỡ. Theo nhóm khảo sát của GS-TSKH Phan Nguyên Hồng (Trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái RNM, ĐH Sư phạm Hà Nội), độ cao sóng biển giảm mạnh khi đi qua dải RNM, với mức biến đổi từ 75% đến 85%, từ 1,3m xuống 0,2m - 0,3m.

Tương tự, đợt sóng thần khủng khiếp ngày 26-12-2004, hơn 2 triệu người ở 13 quốc gia châu á và châu Phi bị thiệt mạng, môi trường bị tàn phá nặng nề, nhưng kết quả khảo sát của IUCN (Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới) và UNEP (Chương trình Môi trường thế giới) cùng các nhà khoa học cho thấy, những làng xóm ở phía sau “bức tường xanh” RNM với băng rừng rộng gần như còn nguyên vẹn vì năng lượng sóng đã được giảm từ 50% đến 90%, nên thiệt hại về người rất thấp hoặc không bị tổn thất… RNM ở ấn Độ, khoảng từ làng xóm ra bờ biển 1 km, so với nơi không có rừng thiệt hại giảm 50% - 80%. ở Phuket (Thái Lan) cũng vậy.

Nhưng, RNM của nước ta đứng trước nguy cơ bị khai thác quá mức để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, dẫn tới bị tàn phá nặng nề. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 1943 diện tích RNM Việt Nam trên 400.000 ha, đến năm 1996 giảm còn 290.000 ha và 279.000 ha vào năm 2006. Những hạn chế bộc lộ thời gian qua trong quản lý và sử dụng RNM là nhận thức xã hội còn thấp, ngay cả việc nghiên cứu khoa học cũng chưa tương xứng, quản lý chưa thống nhất. Vì vậy, nếu không gắn kết giữa hệ sinh thái RNM với việc phát triển bền vững, sẽ khó có thể tiếp tục giữ diện tích rừng hiện có nhằm giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cùng với nạn phá rừng, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học thì tình trạng phát triển sân golf ồ ạt hiện nay ở các địa phương cũng đang là mối đe dọa gây suy thoái môi trường và mất cân đối các hệ sinh thái. Theo một số nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về sân golf trên thế giới cho biết, nhiều người nhầm tưởng, sân gofl là “không gian xanh”, song sự thực không phải như vậy. Bởi loại cỏ trồng ở các sân golf là cỏ phải nhập từ nước ngoài, đó là các giống cỏ rất “khó tính”, phi tự nhiên. ở sân golf, người ta sử dụng rất nhiều loại thuốc trừ sâu, trừ nấm, thuốc trừ cỏ dại và rất nhiều phân bón hoá học để chăm sóc cỏ mặt sân. Số hoá chất dùng cho mỗi ha sân golf cao gấp 5 lần sử dụng trên đồng ruộng. Và nguy hại hơn, các chất độc này là tác nhân gây ung thư rất cao. Người ta ước tính mỗi hecta sân golf phải tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm. Số hóa chất này bị nước tưới, mưa… hòa tan cuốn xuống các ao hồ, sông suối và nước ngầm, tiếp tục là nguồn ô nhiễm nước nghiêm trọng cho khu vực. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, ở sân golf việc trừ sâu bằng máy phun đã phát tán 90% độc chất vào không khí. Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều hóa chất ở sân golf làm các vùng đất canh tác nông nghiệp chung quanh không thể được áp dụng chương trình quản lý sâu bệnh tổng hợp. Người ta cũng đã tính toán được rằng, một sân golf cỡ 20 lỗ, mỗi tháng sẽ “ăn” khoảng 150.000 m3 nước. Hơn nữa, để hình thành được các sân golf, sẽ phải hy sinh rất nhiều cánh rừng và diện tích đất canh tác (làm dự án sân golf Tuyền Lâm 36 lỗ liên doanh với Hàn Quốc, người ta tính rằng Đà Lạt sẽ phải hy sinh 60 ha rừng với tổng cộng khoảng 18 – 20 nghìn cây thông; dự án sân golf 36 lỗ ở Hà Nội do Cty cổ phần Vincom làm chủ đầu tư cũng sẽ chiếm diện tích lên tới 528 ha (bao gồm cả khu sinh thái). Phần đất lớn này sẽ thuộc các phường Long Biên, Cự Khối, Thạch Bàn ( quận Long Biên) và một phần xã Đông Dư ( huyện Gia Lâm); dự án Sân golf 36 lỗ do BITEXCO làm chủ đầu tư cũng sẽ chiếm diện tích 296 ha và “ăn” vào đất của địa bàn 3 xã ngoài đê sông Hồng là: Vạn Phúc, Duyên Hà và Yên Mỹ…)

Một mặt trái nữa của các sân golf là tạo nên sự bất bình đẳng xã hội: những địa điểm có sinh cảnh đẹp nhất, hàng trăm hecta đất rừng và hàng triệu tấn nước sạch bị “hi sinh” chỉ phục vụ cho thú vui của một nhóm nhỏ người trong xã hội. Tài nguyên thiên nhiên bị sử dụng một cách lãng phí và không công bằng. 128 ha đất tại sân golf Kim Nỗ từng là đất đai canh tác nuôi sống hơn 600 hộ dân trong vùng, nay địa phương chỉ “mong muốn đưa được 180 con em vào làm việc trong sân golf”. Đồi Cù tuyệt đẹp bên hồ Xuân Hương (Đà Lạt) nay kín cổng cao tường, chỉ một số lượng ít ỏi khách quốc tế được dạo chơi, chiêm ngưỡng. Hơn 10 năm trước, người ta đã vẽ ra những viễn cảnh tươi sáng như “sẽ là điểm nhấn cho du lịch Đà Lạt”, “sẽ đóng góp hàng triệu USD mỗi năm”. Từ đó đến nay, sân golf vẫn trong tình trạng thua lỗ. Chính quyền, cộng đồng dân cư địa phương và đa số khách du lịch, cả trong và ngoài nước, được hưởng lợi gì từ sân golf này trong khi vẫn phải gánh chịu những hậu quả sinh thái do hoạt động của sân golf gây ra?

Vì mặt trái của sự phát triển sân golf như vậy, nên ngay từ đầu những năm 90, trên thế giới đã có ba tổ chức là Mạng lưới toàn cầu hành động chống các sân golf của Nhật Bản (Global Network for Anti - Golf Course Action - GNAGA), Mạng lưới du lịch châu á của Thái Lan (Asian Tourism Network - ANTENNA) và Mạng lưới con người và môi trường châu á - Thái Bình Dương của Malaysia (Asia-Pacific People and Environmental Network - APPEN) đã đồng tài trợ một hội nghị ở Malaysia với 20 đoàn đại biểu các nước châu á. Hội nghị đã ra tuyên bố kêu gọi thành lập Phong trào chống sân golf toàn cầu (The Global Antigolf Movement). Uỷ ban Tổ chức Thế vận hội quốc tế (IOC) đã bác bỏ việc đưa môn golf vào chương trình thi đấu thể thao của Olympic Atlanta 1996 dù Mỹ là đất nước của môn chơi golf. Từ năm 2000 đến nay phong trào chống việc xây dựng sân golf đã lan rộng ra nhiều quốc gia ở châu Âu và Mỹ. Ngày 29/4 hằng năm đã được chọn làm Ngày thế giới không có golf (World No-golf day).

3 - Chúng ta đã và sẽ làm gì.

Làm gì để giảm thiểu thiên tai, là mối quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh một số hoạt động mà chúng ta đã và đang làm ngày càng có hiệu quả trong phòng chống thiên tai, đó là: dự báo sớm tình hình thiên tai; chỉ đạo chuẩn bị đối phó với thiên tai; tổ chức cứu trợ, cứu nạn sau thiên tai, các bộ, ngành chức năng cũng đã có nhiều đề án nghiên cứu về giảm thiểu thiên tai như: “Chiến lược và chương trình hành động quốc gia giảm nhẹ thiên tai Việt Nam” (do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc và Bộ NN-PTNN thực hiện), “Nghiên cứu phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia cho 14 lưu vực lớn của Việt Nam” (Bộ NN-PTNN và Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản - JICA thực hiện), “Định hướng quy hoạch lũ miền Trung” (công trình cấp Nhà nước)., Dự thảo “Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” do Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão còn thực hiện… ở tầm cao hơn đó là sự kiện, tháng 8 năm 2004, Chính phủ đã ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam. Trong đó nêu rõ hệ thống các mục tiêu của phát triển bền vững, các lĩnh vực kinh tế, xã hội,tài nguyên thiên nhiên, môi trường cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững và giải pháp tổ chức thực hiện phát triển bền vững. Định hướng cũng xác định 8 nguyên tắc phát triển bền vững của Việt Nam là: Con người là trung tâm của phát triển bền vững; Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa với phát triển xã hội, với khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên theo nguyên tắc "mọi mặt: kinh tế, xã hội và môi trường đều có lợi"; Bảo vệ và cải thiện môi trường phải được coi là một yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển. Phải áp dụng đồng bộ các công cụ pháp lý và kinh tế, kết hợp với tuyên truyền vận động; Phát triển phải bảo đảm một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai; Khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, mạnh và bền vững đất nước; Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương, của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân; Gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Đây là một chiến lược khung , bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức cá nhân thực hiện và phối hợp hành động nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ 21. Và đây cũng chính là con đường khôn ngoan nhất để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì việc chủ động đối phó khi thiên tai xảy ra trong thời gian qua, mặc dù làm tốt nhưng mới chỉ là giải pháp phần ngọn; còn các các đề án nghiên cứu giảm thiểu thiên tai đã có thì vẫn chưa toàn diện, chưa tập trung và mang tính dài hơi. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam do Chính phủ ban hành được đánh giá là rất đúng và trúng với thực trạng phát triển của nước ta hiện nay, song việc quán triệt, cụ thể hóa những mục tiêu, những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển bền vững vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, ngành còn chưa tốt, chưa đồng đều, chưa đồng bộ và thiếu một quy hoạch tổng thể. ở một số nơi, khái niệm phát triển bền vững vẫn được sử dụng như một mĩ từ thời thượng trong các báo cáo cho thêm phần ấn tượng. Còn trên thực tế, mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu, vấn đề sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, công bằng xã hội vẫn còn bị xem nhẹ, là hàng thứ yếu. Tình trạng nói hay làm dở, nói không đi đôi với làm, nói một đường làm một nẻo trong thực hiện phát triển bền vững, phòng chống thiên tai vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương, ngành. Nhiều người vẫn hồn nhiên cho rằng bão lũ, triều cường, vỡ đê, dịch bệnh..vv. là tại trời, là do ta gia cố đê chưa tốt, chưa đủ kinh phí vv.. mà không thấy rõ nguyên nhân sâu xa và trách nhiệm của mình đối với thiên tai. Tình trạng phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ lấy gỗ hoặc chuyển sang rừng sản xuất, phá rừng ngập mặn để chuyển đổi cây trồng, nuôi tôm, phát triển ồ ạt các sân golf, khai thác không theo quy hoạch các nguồn tài nguyên v.v.... diễn ra ở nhiều địa phương thời gian qua là minh chứng cho nhận xét đáng buồn nêu trên.

Trái đất ấm dần lên đã trở thành thách thức lớn của nhân loại. Toàn thế giới phải đồng tâm hiệp lực trong nỗ lực khắc phục biến đổi khí hậu, tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra. Tinh thần cơ bản này của bản Báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) năm 2007 cần được xem xét nghiêm túc ở Việt Nam. Đã đến lúc việc phòng chống thiên tai ở nước ta cần phải được giải quyết gắn liền với việc giải quyết nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu cũng như phải tính đến ảnh hưởng của tình trạng nước biển đang dâng lên trong các kế hoạch kinh tế và phát triển ở Việt Nam. Để làm được điều này, chúng ta cần có một tư duy khoa học nghiêm túc và đầy đủ về thiên tai, môi trường, cần một tầm nhìn xa hơn trong chiến lược phát triển kinh tế, quy hoạch và cần một sự đồng thuận cao hơn của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, sự phát triển của mọi quốc gia chỉ thành công khi có định hướng lâu dài đúng đắn, khoa học. Sự ngắn hạn của tầm nhìn, cách hiểu trong cơ cấu vĩ mô, tổng thể chắc chắn sẽ phải trả giá nặng nề./.

Tổng hợp: Nguyễn Tiến

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất