Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 9/7/2008 11:3'(GMT+7)

Hồ Chí Minh nói về Thi đua ái quốc của người cao tuổi Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc của người cao tuổi cũng đặc biệt được thể hiện ở mấy nội dung sau:

1. Người cao tuổi là một lực lượng xã hội, một đối tượng thực hiện phong trào thi đua trong phong trào “Người người thi đua”.

Trong lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948), Hồ Chí Minh nói: ‘’Mỗi người dân Việt Nam, bất kì già, trẻ, trai, gái... đều phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị’‘. Đáng lưu ý, trong các đối tượng đồng bào kêu gọi thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cụ phụ lão cũng được đề cập trước tiên, kế đến là các cháu nhi đồng; đồng bào phú hào, đồng bào công, nông, đồng bào trí thức, nhân viên chính phủ...

“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc.

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,

Đồng bào công nông thi đua sản xuất,

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,

Nhân viên Chính phủ thi đua tận tuỵ làm việc, phụng sự nhân dân”...

Trong lời kêu gọi Thi đua chuẩn bị Tổng phản công (1-8-1949) Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lời đầu tiên tôi thăm hỏi ‘’Các vị phụ lão”. Người còn kêu gọi “Các cụ, các bà thi đua tham gia Hội mẹ chiến sĩ”, “Các cụ phụ lão và chị em phụ nữ thi đua tổ chức đội du kích”.

Hồ Chủ tịch không chỉ kêu gọi mọi người “Thi đua ái quốc” mà còn tự khẳng định: “78 tuổi vẫn chưa già”: “Vẫn vững hai vai việc nước việc nhà và tiến bước cùng con cháu ta”(1).

2. Thi đua yêu nước của người cao tuổi có truyền thống lâu đời và có vị trí quan trọng, là nguyên nhân làm nên thành tích thi đua chung, có ý nghĩa to lớn “mới mẻ”, “tươi sáng”?

Thật là đặc biệt, trong lịch sử nước ta - Hội nghị Diên Hồng là biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của phụ lão ta, cũng là truyền thống thi đua yêu nước của phụ lão thời Trần nối tiếp cho đến ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: ‘’Truyền thống Điện Diên Hồng là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và của riêng phụ lão ta’‘,(2) đã nói lên truyền thống thi đua yêu nước lâu đời của phụ lão ta.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong ‘’Người người thi đua, Ngành ngành thi đua’‘, Thi đua yêu nước của Người cao tuổi có vị trí đặc biệt, tác dụng đặc biệt, cao cả, thiêng liêng, hệ trọng, lớn lao ở tầm quốc gia.

Trong bài: ‘’Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn’‘(3), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: ‘’Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà, nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hăng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm trọn nhiệm vụ... càng già, càng dẻo, lại càng dai; Tinh thần yêu nước gương mẫu chẳng nhường ai’‘.

Nhiều bài nói, viết khác Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định vị trí quan trọng thi đua yêu nước của người cao tuổi: ‘’Tuổi già nhưng chí không già’‘, góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh(4) và Tuổi cao chí khí càng cao’‘, chống Mỹ cứu nước già nào kém ai’‘(5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho rằng, nguyên nhân đạt thành tích thi đua còn do có ‘’sự giúp đỡ của các phụ lão’‘. Thi đua của người cao tuổi như một tác nhân, ‘’chất xúc tác’‘ kích thích, thúc đẩy, lôi cuốn phong trào thi dua của toàn xã hội, góp phần tạo nên thành tích chung. Trong thư gửi đồng bào huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh(6), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

‘’Cẩm Xuyên đạt được thành tích ấy là do:

- Sự cố gắng giúp đỡ của các cụ phụ lão, các vị nhân sĩ.

Sự chăm sóc ân cần của các cơ quan đoàn thể...’‘

. Trong thư khen ngợi đồng bào Ninh Bình(7), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: ‘’Thành tích đó là nhờ:

- “Sự giúp đỡ của các cụ phụ lão và các thân sĩ.

- Sự cố gắng của các cơ quan, đoàn thể...’‘

Thi đua yêu nước của người cao tuổi chẳng những có vị trí quan trọng, mà còn có ý nghĩa to lớn, ‘’mới mẻ’‘, ‘’tươi sáng’‘ như một hiện tượng mới, nhân tố mới, mở ra một khả năng mới sáng sủa, đẹp đẽ trong xã hội. Trong bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:(8) ‘’Tôi muốn nhắc một vài chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa rất to: Bà cụ Năm (Cao Bằng) 83 tuổi, xung phong sửa đường. Cán bộ khuyên bà cụ nghỉ, thì bà cụ nói: ‘’Càng già càng phải giúp kháng chiến. Sửa đường để bộ đội đi cho mau, giết cho nhiều giặc, thắng cho nhiều trận’‘... Đó là những lời mộc mạc từ đáy lòng thốt ra. Đó là những đoạn văn chương mới mẻ và tươi sáng do phong trào thi đua và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta nảy nở ra.

3. Cách làm thi đua của Người cao tuổi

Do vị trí, đặc điểm của Người cao tuổi, nên cách Thi đua yêu nước của Người cao tuổi cũng độc đáo, đa dạng: “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công tác”(9), ‘’Khua gậy đi trước..., ‘’San sẻ kinh nghiệm’‘(10), chân thành khuyến khích giúp đỡ. Đặc biệt là “Làm kiểu mẫu cho con cháu và đồng bào...”(11).

Tuổi tác, sức khoẻ, người cao tuổi không thể ‘’dời non, lấp biển’‘, ‘’Vào Nam, ra Bắc’‘. Người cao tuổi sử dụng lợi thế so sánh riêng có của mình, tuỳ sức mình và điều kiện cụ thể mà thi đua, chủ yếu là góp phần tạo ra động lực tinh thần, nêu gương sáng trong xã hội, và như vậy thi đua yêu nước của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi cũng quan trọng, cũng cần thiết và có trách nhiệm thi đua riêng.

Điều quan trọng, lí thú ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói một chiều. Người cao tuổi không chỉ hô hào, đôn đốc mà ‘’Miệng nói, tay làm’‘. Rất biện chứng. Người viết: ‘’Già dù yếu sức, mang mang nhẹ. Trẻ cố ra công, gánh gánh đầy’‘(12). Trong thư khen hai cụ già du kích Kiến An(13) Người viết” “Hai cụ thật xứng đáng với tổ tiên oanh liệt của ta... Chẳng những kêu gọi con cháu, mà tự mình hăng hái tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước.

Già, trẻ cùng thi đua.

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng, biểu dương kịp thời thành tích Thi đua yêu nước của Người cao tuổi.

Thấm đượm tính nhân văn cao đẹp và truyền thống ‘’trọng lão’‘, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những quan điểm độc đáo về người cao tuổi Việt Nam. Chính vì vậy, Người rất trân trọng cổ vũ, biểu dương kịp thời thành tích thi đua của người cao tuổi. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1941 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 55 bài nói, viết về người cao tuổi hoặc liên quan đến người cao tuổi, trong đó phần lớn là thư khen, cảm ơn, biểu dương thành tích thi đua của người cao tuổi. Nội dung rất đa dạng, khen cả cá nhân (là chủ yếu) và khen cả đơn vị. Lời lẽ khiêm tốn, nhã nhặn và với thái độ tôn kính, trân trọng.

Trong thơ khen tặng ba lão du kích tại Cao Bằng(14), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuổi cao chí càng cao; Múa gươm giết giặc ào ào gió thu; Sẵn sàng tiêu giệt quân thù; Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng” hay trong bài “Càng già càng giỏi”(15), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương: “Cụ Tân 87 tuổi ở Đông Anh đã có hũ gạo tiết kiệm để nuôi cán bộ và du kích; Cụ Vương Văn Đức, 75 tuổi dân tộc Tày ở Hà Giang đã góp sức xây dựng chi bộ “bốn tốt”, tổ chức Bạch đầu quân... đắp đường, làm thuỷ lợi, tăng gia sản xuất, trồng cây gây rừng, cụ Vương đều miệng nói, tay làm. Ở Hợp tác xã Ngọc Động (Gia Lâm) các cụ đã xung phong cấy sáu mẫu chiêm, nuôi chung 12 con lợn, trồng 7.000 cây ăn quả và 4.000 cây xoan hai bên đường làng. Các cụ ở huyện Phổ Yên (Bắc Thái) làm những vũ khí thô sơ... cụ Lộc đã 82 tuổi mà suốt ngày cặm cụi vót chông cho dân quân...’‘.

Trong Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão, Nguyễn ái Quốc - viết: ‘’Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu, nước suy sụp phụ lão phù trì...’‘(16).

Với thái độ tôn trọng, quý mến, thân tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: ‘’Những vị thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà’‘ (Thư gửi cụ Phùng Lục, phụ lão cứu quốc Ứng Hoà - Hà Đông đã miễn sự tế lễ linh đình trong ngày chúc thọ, đem 500 đồng quyên góp vào Quỹ kháng chiến)(17).

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh tuổi thọ của người cao tuổi được đánh giá như một tài sản quý giá, niềm hạnh phúc chung của đất nước, dân tộc.

Trong Thư gửi cụ Nguyễn Ban ở An Tường, Thăng Bình, Quảng Nam(18) khen cụ đã học xong chữ quốc ngữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: ‘’Đời xưa bên Trung Quốc có ông Tô Lão Tuyền, 72 tuổi mới bắt đầu đi học, tiếng thơm còn để đến ngày nay. Bây giờ nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mời đi học, chắc tiếng thơm sẽ truyền khắp cả nước... Cụ là một tượng trưng cho phúc đức của nước nhà’‘.

Một số vấn đề nêu trên phần nào đã thể hiện tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi.

Kế tục truyền thống vẻ vang của Hội phụ lão cứu quốc, nhất là sau khi thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam. Công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước của người cao tuổi Việt Nam luôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Từ kết quả sinh động của phong trào thi đua, Hội đã tổng kết đánh giá tổ chức các Hội nghị biểu dương người cao tuổi ‘’Tuổi cao - Gương sáng’‘ từ cơ sở và đã tổ chức các Hội nghị toàn quốc biểu dương người cao tuổi tiêu biểu trong phong trào thi đua và lần đầu tiên Hội đã tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc của người cao tuổi năm 2005(19).

Phong trào thi đua ‘’Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc’‘ của Hội Người cao tuổi là sự cụ thể hoá và hiện thực hoá một phần Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong đời sống xã hội, tạo nên những mô hình hay, kinh nghiệm tốt và tiền đề cho bước phát triển tiếp theo của Hội.

Kết quả các phong trào thi đua yêu nước của Hội Người cao tuổi Việt Nam không chỉ góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của Đảng và Nhà nước mà còn có tác dụng không nhỏ, tạo nên động lực giúp hội vượt qua khó khăn, thử thách, trưởng thành đi lên, khẳng định vị thế và uy tín xã hội của mình trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước./.

———————

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, xuất bản lần thứ 2, H, 1995, t.12, tr.357
(2), (3), Sđd, t.10, tr.312
(4), (5) Sđd, t.11, tr.245, 519,
(6), (7), (9), (11), (13), (14), (17), (18) Sđd, t. 5, tr 512, 517, 444, 682, 226, 334, 427, 674
(8) Sđd, t. 6, tr.469
(10) Sđd, t. 4, tr.24
(12) Sđd, t.3, tr.441
(15) Hồ Chí Minh về người cao tuổi và tổ chức người cao tuổi – Hội Người cao tuổi, H, 4-2003, tr 11.
(19) Hội nghị toàn quốc NCT làm kinh tế giỏi Hà Nội ngày 7-8/10/2003.
- Hội nghị biểu dương NCT trên lĩnh vực: giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, Hà Nội ngày 19-20/10/2004.
- Hội nghị toàn quốc biểu dương NCT tiêu biểu trong sự nghiệp ổn định chính trị, xã hội ở cơ sở, Hà Nội ngày 10-15/5/2005.
- Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất Hội NCT Việt Nam, Hà Nội ngày 20/8/2005.
- Hội nghị toàn quốc sơ kết năm năm (2001-2005) các hoạt động chăm sóc NCT Việt Nam, Hà Nội ngày 16-17/3/2006.

Đinh Văn Tư  
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất