Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 9/7/2008 14:38'(GMT+7)

Đổi mới công tác tư tưởng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Giồng Riềng (Kiên Giang)

Là huyện nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Kiên Giang, huyện Giồng Riềng có diện tích tự nhiên là 639,23 km2, dân số 224.192 người, trong đó dân tộc Khmer chiếm 16,25%so với dân số toàn huyện. Thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, những năm qua, Đảng bộ huyện Giồng Riềng đã có bước phát triển khá toàn diện, nhiều mặt phát triển nhanh; bình quân lương thực đầu người đạt hơn 2.000 kg, thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt 11 triệu đồng. Đảng bộ huyện Giồng Riềng có 2. 286 đảng viên, sinh hoạt ở 43 cơ sở đảng. Từ sau Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2005 -2010 tới nay, Đảng bộ huyện đã vận dụng sáng tạo những quan điểm, đường lối chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh ủy vào thực tiễn của địa phương. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, gắn với tăng cường công tác chính trị tư tưởng và đổi mới phong cách, lề lối làm việc, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; tính dân chủ, năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, đồng thời khắc phục được khuynh hướng buông lỏng vai trò lãnh đạo, hoặc bao biện làm thay, giải quyết công việc chồng chéo. Nói phải đi đôi với làm, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và trong hoạt động của Đảng.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện năm 2005, Ban Thường vụ huyện Giồng Riềng đã tập trung vào ba nội dung lớn, đó là: Tập trung tối đa các nguồn lực để thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện theo hướng phát triển nhanh, nhưng phải bền vững. Thứ hai là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, đủ sức đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo ở cơ sở. Thứ ba là để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ trên, yếu tố rất quan trọng là các cấp ủy phải coi trọng công tác tư tưởng, coi công tác tư tưởng là nhiệm vụ của toàn đảng bộ, của cán bộ, đảng viên và của cả hệ thống chính trị. Trước hết phải làm chuyển biến về nhận thức trong nội bộ cán bộ, đảng viên về tính cấp bách của việc tăng cường củng cố xây dựng hệ thống chính trị, của việc kinh tế mà trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân để nhân dân hiểu đúng, làm đúng chủ trương chỉ đạo của huyện, trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, trong đó vai trò làm gương của cán bộ đảng viên là hết sức quan trọng. Để thực hiện có hiệu quả các nội dung trên, Giồng Riềng tập trung vào phát triển kinh tế bền vững, ưu tiên cho những vấn đề trọng điểm, tạo ra được khâu đột phá mới. Đã tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của huyện, nhất là phát triển về kết cấu hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi một cách hợp lý. Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội đã được tổ chức triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hàng tháng, tùy theo điều kiện cụ thể, huyện chọn một ngày để cán bộ lãnh đạo huyện kết hợp với xã, cán bộ ấp và tổ nhân dân tự quản gặp gỡ đối thoại với dân, huyện gọi ngày này là ngày chính trị, ngày chính trị đã trở thành việc làm thường xuyên, có hiệu quả và được người dân hoan nghênh, vì ngày chính trị đã giúp người dân hiểu cụ thể hơn những chủ trương của huyện, của xã do chính cán bộ huyện, cán bộ xã truyền đạt giải thích, ngày sinh hoạt chính trị nhân dân được bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình vào công việc của huyện, của xã với tất cả tâm huyết của mình. Những vấn đề đã được tuyên truyền giải thích, được bàn bạc thống nhất, khi triển khai thực hiện nhân dân là người giám sát. Đây cũng là phương thức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tốt nhất. Ngoài việc gặp gỡ trao đổi, đối thoại trực tiếp với dân; huyện ủy chủ trương tất cả các chỉ thị, nghị quyết của của trung ương, của tỉnh và của huyện đều phải xây dựng đề cương cụ thể, ngắn gọn để dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm giai đoạn 2005 – 2010. Đảng bộ xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm đạt hiệu quả cao nhất là một trong những vấn đề vừa cơ bản, vừa là vấn đề bức xúc của cán bộ, đảng viên trong huyện. Nhưng chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào ở huyện thuần nông. Việc đầu tiên mà huyện tiến hành là quy hoạch một số vùng để làm thử việc sản xuất mô hình đa canh, nhưng để làm việc này phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ là nông dân giỏi nắm vững khoa học kỹ thuật, đồng thời lại có hiểu biết về sản xuất kinh tế hàng hóa phù hợp trong cơ chế thị trường, biết tổ chức sản xuất, quản lý ruộng vườn, tính toán được hiệu quả của từng vụ sản xuất, từng loại cây trồng vật nuôi một cách khoa học. Sau 2 năm thực hiện thực hiện có thể khẳng định vai trò to lớn của công tác khuyến nông trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện. Về thăm Giồng Riềng trong những ngày cuối năm, chứng kiến không khí sôi động, khẩn trương của người dân nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa quan trọng của vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp công thôn ở huyện thuần nông. Vượt qua những khu dân cư đông đúc của thị trấn, chúng tôi đã gặp ngay những canh đồng ngút màu xanh của lúa, của rau, của đậu. Trong đó, đáng chú ý là 53 dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, với mô hình sản xuất tổng hợp đa canh như: nuôi cá dưới ao, vèo; mô hình nuôi ba ba trong vuông; mô hình trồng tre lấy măng; mô hình lúa – cá - rau màu và chăn nuôi ; mô hình nuôi tôm càng xanh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những phong trào này đã được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân và đã trở thành phong trào rộng lớn trong toàn huyện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện tới xã, ấp đã chỉ đạo kịp thời, đồng bộ và có sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể ; đặc biệt là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc đi đầu thực hiện các phong trào ở địa phương. Từ chương trình khuyến nông, với mục tiêu chuyển giao nhanh các kiến thức về khoa học kỹ thuật nông nghiệp đến trực tiếp từng hộ nông dân, giúp họ tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến, tăng năng suất và chất lượng hàng hóa. Huyện đã phối hợp với trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật, trung tâm giống cây trồng mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật cho nông dân áp dụng. Cho đến nay hầu hết các ấp trong huyện đều có mô hình sản xuất đa canh tổng hợp, có nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng trên một ha, cá biệt có hộ thu nhập trên 100 triệu đồng một ha một năm. Không chỉ trên lĩnh vực nông nghiệp, Đảng bộ còn quan tâm chỉ đạo xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, mà trọng tâm là xây dựng các tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp. Đi thăm những cánh đồng thẳng cánh có bay, trên những con đường bê tông, dọc những kênh mương kiên cố, chúng tôi mới cảm nhận được biết bao mồ hôi, công sức của người dân nơi đây. Càng thấy hơn sự bề thế của một vùng quê trên trên đà đi lên do dám nghĩ, dám làm và biết làm, tận dụng được những tác động của tự nhiên, của cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng mức nhu nhập trên một đơn vị canh tác. Trong năm 2007, huyện đã tập trung xây dựng trên 113.087 mét đường bê tông xi măng, với tổng giá trị kinh phí đầu tư trên 13 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 12 tỷ đồng. Các công trình phúc lợi này đã góp phần tích cực nâng cao đời sống người dân, đồng thời cũng tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động kinh tế địa phương phát triển đa dạng hơn. Các xã Thạnh Hưng, Ngọc Chúc, Hòa Thuận, Lonh Thanh vv.. đều đã chuyển đổi thành công cây trồng vật nuôi kết hợp: lúa- cá - rau màu. Đến đầu tháng 12 năm 2007, hầu hết các chỉ tiêu của huyện đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó cơ cấu nông, lâm nghiệp vẫn là lĩnh vực chủ yếu, chiếm tới 72,44% GDP.

Để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhanh hơn, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội đề ra, Đảng bộ huyện đã có sự đổi mới đáng kể trong công tác chỉ đạo và điều hành. Việc ban hành các nghị quyết luôn sát thực tế để vừa khai thác được thế mạnh của địa phương vừa mang yếu tố kích thích thúc đẩy phát triển. Việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch cũng được chỉ đạo đồng bộ với sự tham gia của chính quyền, mặt trận, các đoàn thể. Các tổ chức mặt trận và đoàn thể còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quy ước, hương ước trong cộng đồng khu dân cư. Cuộc vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền cũng được chú trọng làm tốt nên tạo được nhiều niềm tin nơi quần chúng nhân dân. Nhưng điều quan trọng nhất để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua là huyện đã xây dựng được một Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện./.

Lê Xuân Bảo

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất