Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 9/7/2008 11:3'(GMT+7)

Một số nét đặc thù đối với công tác tư tưởng ở Tây Nguyên

Đây là nơi cư trú của trên 40 dân tộc trong cả nước, trong đó có 13 dân tộc bản địa đã sinh sống trên địa bàn này hàng nghìn năm. Do trình độ phát triển xã hội nhìn chung còn ở mức thấp nên tư duy của đồng bào dân tộc còn nặng về tư duy trực quan; khả năng nhận thức bản chất sự vật, sự việc còn hạn chế. Về tâm lý xã hội, họ là những người rất trọng danh dự; trọng lời hứa; giữ chữ tín; sống chân thật, cả tin; đời sống vật chất đơn giản; hồn nhiên, phóng khoáng; thích an phận, tự ti, ngại thay đổi; sống vị tha, có trách nhiệm; thích “cào bằng”…

Với những nét khái quát về đặc điểm đối tượng như trên, đòi hỏi người làm công tác tư tưởng phải chú ý một số nét đặc thù như sau:

Một là, người làm công tác tư tưởng phải có óc tư duy chính trị nhạy bén, chủ động phát hiện và giải quyết những vấn đề tư tưởng đang diễn ra trong đời sống của đồng bào.

Từ sau sự kiện tháng 2-2001 đến nay, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động một số người thuộc các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tham gia bạo loạn, vượt biên trái phép sang Campuchia đã làm cho tình hình một số nơi thiếu ổn định. Vì vậy, hơn bao giờ hết người làm công tác tư tưởng ở nơi đây phải thể hiện được sự vững vàng về lập trường quan điểm, nhạy bén về chính trị, phát hiện được những khía cạnh chính trị, tư tưởng nảy sinh trong cuộc sống đời thường để có những dự báo chính xác, quyết định hợp lý, điều chỉnh kịp thời, tác động có hiệu quả đến tư tưởng của đồng bào.

Muốn vậy, người làm công tác tư tưởng phải luôn bám sát thực tiễn sinh động. Chỉ có lăn lộn với thực tiễn mới có thể nhìn thấy, phát hiện ra những vấn đề mới nảy sinh. Nguyên tắc bám sát thực tiễn cũng chính là nguyên tắc về tính chủ động, tính khoa học của công tác tư tưởng. Nếu xa rời nguyên tắc này tất yếu công tác dân vận, mặt trận, tư tưởng không đạt được mục đích của mình. Những diễn biến ở Tây Nguyên thời gian qua là một bài học rất đáng suy nghĩ: Đó là, tình trạng quan liêu, thiếu sâu sát của một số cấp uỷ, chính quyền đối với công tác vận động quần chúng, nên đã để cho bọn phản động lợi dụng dụ dỗ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Hai là, người làm công tác tư tưởng phải thường xuyên gần dân, thật sự hiểu dân và thân dân.

Mác đã nói: Trong tính hiện thực của nó bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Do đó, để công tác tư tưởng đạt hiệu quả tốt chúng ta phải hiểu biết về con người trong quá khứ, phải biết những yêu cầu đối với con người trong hiện tại và tương lai. Người làm công tác tư tưởng ở khu vực Tây Nguyên phải hiểu biết sâu sắc về con người Tây Nguyên, lịch sử Tây Nguyên với tất cả những truyền thống vẻ vang của dân tộc nơi đây.

Hiểu dân tức là nhận biết được nhu cầu của họ, biết được họ đang suy nghĩ, trăn trở cái gì? Họ mong muốn những gì? Và, họ đang mong đợi gì ở người khác, nhất là ở người lãnh đạo, quản lý địa phương; hiểu dân tức là biết phát hiện và đáp ứng kịp thời những nhu cầu và lợi ích thiết thực của dân; hiểu dân là nhìn thấy cả cái thực tại và vạch ra được viễn cảnh (tương lai) đúng đắn cho dân phát triển.

Thân dân tức là nghe được dân nói (dân dám nói, muốn chia xẻ những suy nghĩ của họ), nói được cho dân nghe (dân muốn nghe) và làm được cho dân tin. Thân dân là biết chia sẻ, đồng cảm và gần gũi với cuộc sống của dân, mọi suy nghĩ và hành động đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của dân, phản ánh đúng tâm tư, tình cảm nguyện vọng của dân.

Vậy làm thế nào để hiểu được, thân được với dân? Phải gần dân, sát dân, luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu mọi tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của dân nhằm giải quyết kịp thời những nhu cầu và lợi ích chính đáng, thiết thực và cụ thể của quần chúng. Theo quan điểm của các nhà tâm lý học thì nhu cầu và lợi ích là nguồn gốc, động lực của tính tích cực hoạt động của con người. Trong lĩnh vực tư tưởng nguồn gốc nảy sinh và diễn biến tư tưởng luôn có liên quan và gắn liền với việc thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của họ. Thực tiễn cũng cho thấy rằng, nếu nội dung, hình thức, phương pháp tác động của công tác tư tưởng phù hợp với nhu cầu và chứa đựng được lợi ích của quần chúng thì nó sẽ nhanh chóng thâm nhập vào đời sống tinh thần của quần chúng, thành hành động thực tiễn của quần chúng; biến những ước mơ, lý tưởng thành hiện thực trong đời sống xã hội. Ngược lại, nếu nội dung của công tác tư tưởng không phản ánh nhu cầu và lợi ích, không hướng tới việc giải quyết nhu cầu và lợi ích thiết thực, cụ thể của quần chúng thì sẽ xuất hiện trạng thái tư tưởng thờ ơ, bàng quan, lạnh nhạt thậm chí là tư tưởng chống đối… Chính vì vậy, công tác tư tưởng phải lấy việc phản ánh nhu cầu, lợi ích, tư tưởng, tình cảm… của quần chúng nhân dân làm nội dung và lấy việc thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu của họ làm mục đích. Hay nói cách khác là công tác tư tưởng phải chú trọng đến vấn đề lợi ích cụ thể của những con người cụ thể, đương nhiên phải nhìn nhận vấn đề này trên cơ sở biện chứng giữa lợi ích chung với lợi ích riêng, lợi ích xã hội với lợi ích cá nhân. Thực hiện nguyên tắc này cũng có nghĩa mỗi cán bộ đảng viên phải có trách nhiệm với lời nói của mình, đảm bảo sự thống nhất giữa nói và làm. Và khắc phục được một số bệnh thường gặp của cán bộ nói chung, trong đó có người làm công tác tư tưởng đó là: bệnh vô trách nhiệm với lời nói của mình; bệnh nói chung chung, lơ mơ; bệnh lãnh cảm với đời sống của dân; bệnh nói nhiều làm ít “Ba voi không được bát nước xáo”; bệnh nói mà không làm; bệnh nói một đằng làm một nẻo.

Ba là, phải thực sự hòa đồng, thường xuyên đối thoại với đồng bào nhằm tăng cường sự hiểu biết, giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh.

Sự hòa đồng thể hiện trong cách nói năng, cung cách ứng xử với đời sống sinh hoạt đời thường của đồng bào. Sự hòa đồng phải được xuất phát từ cái tâm trong sáng, tấm lòng nhân ái, sự tôn trọng lẫn nhau giữa con người với con người. Do vậy, khi tiếp xúc với đồng bào tránh phô trương, quan cách, hách dịch cũng như gượng ép giả dối, mà nên từ tốn, giản dị để họ bớt sự e ngại, tự ti khi gặp cán bộ; sự hòa đồng còn thể hiện ở việc động viên, chia sẻ, thăm hỏi kịp thời nhất là những lúc đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn; sự hòa đồng còn thể hiện ở thái độ ân cần, cử chỉ thân thiện, dành thời gian thăm nơi sản xuất của đồng bào, phát hiện những cái họ cần, họ thiếu để kịp thời hướng dẫn cách thức sản xuất, chăm sóc vật nuôi, cây trồng. Sự hòa đồng được thể hiện ở việc quan tâm, chủ động tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng của đồng bào. Người Tây Nguyên hầu như hát múa từ tuổi nhi đồng cho đến khi già yếu. Trong các cuộc lễ hội, uống rượu cần là lúc đồng bào vui chơi giải trí sau những ngày lao động vất vả. Những lúc này tinh thần, tâm trạng của họ rất phấn khởi, cởi mở. Sự giao lưu trong lễ hội thể hiện sự quan tâm, thăm hỏi lẫn chia sẻ những tâm tư tình cảm cũng như việc trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, làm quen với nhau… Thường già làng thông qua những hình thức sinh hoạt này mà nắm rất chắc hoàn cảnh của từng người, từng hộ trong buôn.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đồng bào rất ít khi phát biểu ý kiến, bộc lộ suy nghĩ, quan điểm, thái độ của mình ở các cuộc họp, bởi họ chưa quen với các công việc hành chính, khuôn phép. Đồng bào muốn sự tự do, phóng khoáng, sự bình đẳng, sự thấu hiểu, sự chia sẻ qua không gian vui chơi trong các lễ hội. Chính vì vậy, người cán bộ muốn nghe được tiếng nói chân thành của họ, hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ cũng như muốn nói được cho họ nghe về những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì phải tận dụng những khoảng không gian này, hòa mình với cuộc sống của họ một cách thật tự nhiên và bình dị.

Bốn là, phải khéo léo tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào bằng hành động cụ thể, phong trào cụ thể và những tấm gương thuyết phục trong đời thường.

Đối với đồng bào Tây Nguyên cần vận động thông qua các phong trào cụ thể, việc làm cụ thể sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Đó chính là phương pháp tác động trực quan, trực tiếp dễ đi vào quần chúng, có tác dụng mạnh và có sức thuyết phục cao. Chẳng hạn, phong trào nông dân sản xuất giỏi, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, xoá đói giảm nghèo... Cùng với phong trào đó là việc nêu gương điển hình, mà trước hết là tấm gương của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, như tấm gương của nữ Chủ tịch xã Amí Pâng (Bliăk Niê) Buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, phát triển đời sống vật chất - tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong xã, đưa xã Ea Tiêu từ xã yếu kém nhất trong huyện trở thành điểm sáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện Krông Ana.

Như vậy, phương thức hoạt động đặc thù của công tác vận động quần chúng, công tác tư tưởng với đối tượng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên là nhấn mạnh thực tiễn, coi trọng nhận thức trực quan, thông qua những hình thức trực quan sinh động của cuộc sống mà hình thành, giác ngộ và củng cố niềm tin cho họ.

Năm là, công tác tư tưởng phải tạo bầu không khí dân chủ, tích cực, sáng tạo trong quần chúng thông qua các hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ngay từ nhỏ đã đắm mình trong các lễ hội văn hoá dân tộc truyền thống. Đó là những giá trị văn hoá không gì thay thế được. Chính các lễ hội là công cụ chuyển tiếp từ thế giới tưởng tượng, tâm linh sang thế giới của những trải nghiệm thực tiễn. Đồng bào tìm thấy niềm vui, sự thích thú và cả những ước mơ, khát vọng của mình trong các sinh hoạt lễ hội. Giá trị tinh thần của các lễ hội còn được kể đến như một nguyên tắc thoả hiệp giữa cái ước mơ và cái thực, giữa nguyên tắc thoả mãn và nguyên tắc thực tế, cho phép họ vẫn giữ được thế giới tinh thần của họ nhưng vẫn ý thức được đó không phải cuộc sống thực. Người làm công tác tư tưởng nếu lồng ghép được các yếu tố tư tưởng “kịch bản” vào các lễ hội truyền thống sẽ giúp đồng bào có sự tương tác lẫn nhau, mạnh dạn trao đổi, bày tỏ suy nghĩ của mình về các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương, đó là những cách thức tác động gián tiếp nhẹ nhàng nhưng hiệu quả tư tưởng rất lớn.

Tóm lại, muốn nâng cao chất lượng công tác tư tưởng với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đòi hỏi trước hết phải hiểu đối tượng, nắm được các phương pháp tác động hợp lý, nhiệt tình và có ý thức trách nhiệm với công việc mình đang làm./.

Theo Th.S Phan Thanh giản
Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực III

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất