NHỮNG BÀI HỌC LỚN
Thứ nhất, xác định nội dung tuyên truyền phù hợp, bám sát mục tiêu cách mạng.
Trong thời gian 30 năm hoạt động tại nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã đi đến nhiều nước trên thế giới, vừa lao động mưu sinh, vừa tự học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu. Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, viết nhiều bài đăng trên các báo “Người cùng khổ”, “Đời sống thợ thuyền”,... Đặc biệt, Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, tố cáo sự thối nát, bất công, vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ thống trị của chúng tại Đông Dương; đồng thời, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa. Tất cả các bài viết đều được truyền bá trong các tầng lớp nhân dân và bí mật chuyển về nước. Với những hoạt động này, Nguyễn Ái Quốc khẳng định nguyện vọng tự do, ý chí bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam là chính đáng.
Ở giai đoạn này, công tác thông tin đối ngoại được Người hướng đến mục tiêu tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa; đồng thời, tố cáo, lên án những chính sách cai trị cùng các thủ đoạn đàn áp, cướp bóc của thực dân Pháp ở Đông Dương, thuyết phục nhân dân tiến bộ Pháp đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do và công lý của nhân dân Việt Nam.
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá những tư tưởng cách mạng chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, thổi lên ngọn lửa yêu nước trong lòng nhân dân; đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam, chuẩn bị quan trọng về tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam. Nhờ đó, nhân dân cũng nhận định được về tình hình thế giới, đặc biệt là những biến chuyển diễn ra trong lịch sử các cường quốc, hướng mọi người đến cái nhìn về cuộc sống tự do, hạnh phúc của Đảng Cộng sản đem lại.
Ngay sau khi nước ta tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo và triển khai công tác đối ngoại. Đồng hành với các hoạt động đối ngoại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thông tin đối ngoại giai đoạn này nhằm mục đích hướng tới việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, độc lập và hòa bình, muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ, không gây thù oán với một ai và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, làm cho dư luận thế giới thấy rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thông tin đối ngoại được đẩy mạnh nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại phục vụ công cuộc xây dựng miền bắc; tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam; vận động, thúc đẩy hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam và phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh; tạo ra cục diện mới đấu tranh ngoại giao sắc bén trong đàm phán, nhất là tại Hội nghị Pa-ri, kết hợp với mặt trận quân sự và chính trị để kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất cho đất nước, tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc tổng tiến công Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ hai, xác định đối tượng tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm.
Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới tính riêng biệt và đặc trưng của từng nhóm đối tượng công chúng, sao cho cách tiếp cận, phương thức truyền tải phù hợp và hiệu quả nhất. Các nhóm đối tượng được phản ánh trong những tác phẩm chính luận lớn, những bài diễn văn hay những lần trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm:
(1) Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa.
Tiêu biểu là lá thư gửi Stalin thông báo về sự tồn tại của dân tộc Việt Nam cùng với cuộc chiến giành lại độc lập từ thực dân Pháp năm 1945(1); lá thư gửi Chính phủ Liên Xô đề nghị đưa vấn đề Việt Nam ra trước Hội đồng Liên Hợp Quốc(2); chùm bài báo “Thư từ Trung Quốc” đăng trên báo “Notre voix” (Tiếng nói của chúng ta) từ 1938-1939(3) nói về tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Trung Quốc chống lại phát xít Nhật; loạt 10 bài báo đăng trên tờ “Cứu vong nhật báo” của Trung Quốc với bút danh Bình Sơnnăm 1940; các bài trả lời phỏng vấn báo chí các nước Liên Xô và XHCN Đông Âu….
(2) Chính giới và nhân dân các nước đế quốc.
Tiêu biểu là việc Nguyễn Ái Quốc gửi Bản yêu sách 8 điểm của Nhân dân An Nam năm 1919 tới hội nghị các nước thắng trận trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Bản yêu sách sau đó được đăng lại bởi cơ quan ngôn luận Đảng Xã hội Pháp với nhan đề “Quyền các dân tộc”. Ngoài ra, còn có thư gửi Tổng thống Mỹ Truman năm 1946 đề nghị Mỹ ủng trợ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam(4); trả lời phỏng vấn báo Newsweek năm 1949(5); thư gửi Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân Pháp 1947(6)...
(3) Nhân dân các nước thuộc địa (tại châu Phi, Trung Đông, Mỹ La Tinh(7)).
Người gửi rất nhiều thông điệp, thể hiện sự đồng cảm, kêu gọi nhân dân các dân tộc thuộc địa tăng cường đoàn kết trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa; ra sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
(4) Giai cấp công nhân, những người theo chủ nghĩa cộng sản trên thế giới.
Năm 1922 Nguyễn Ái Quốc lập ra báo Người cùng khổ (Le Paria) - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Thuộc địa, phản ánh nội dung xoay quanh tinh thần đoàn kết và giải phóng con người. Nguyễn Ái Quốc cũng viết bài cộng tác với các báo cách mạng nổi tiếng thế giới như: L' Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, La Vie d'Ouvriers (Đời sống thợ thuyền) của Liên đoàn Lao động Pháp, Mezdunarodnaia Telegramma (Điện tín Quốc tế) của Quốc tế Cộng sản III, Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô...
(5) Việt kiều ở các nước đế quốc đấu tranh cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nước nhà.
Tiêu biểu là Lời kêu gọi gửi tới người Việt tại Pháp tháng 5/1945 tán dương sự phản đối của Việt kiều tại Anh đòi Chính phủ rút quân Anh - Ấn khỏi miền Nam Việt Nam; đồng thời kêu gọi họ đại diện mạnh mẽ cho tiếng nói của dân tộc Việt Nam trên thế giới.
(6) Người dân Việt Nam ở trong nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng hoạt động thông tin nhằm cổ vũ nhân dân đi theo cách mạng và học hỏi kinh nghiệm đấu tranh, tổ chức của các nước khác. Người thành lập báo Thanh niên - Cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội nhằm đóng góp vào việc truyền bá tư tưởng Mác - Lênin trong nhân dân Việt Nam, tăng cường hiểu biết của người dân về tình hình thế giới, lịch sử của các nước đế quốc, tình hình ở Liên Xô. Năm 1926, Người thành lập báo Công nông; năm 1927, thành lập báo Lính Kách mệnh, trong đó thường xuyên có một số tin bài tiếng nước ngoài như Hán, Anh, Pháp... với nội dung đa dạng, bám sát mục tiêu cách mạng.
Thứ ba, đa dạng phương thức và phong cách truyền thông đối ngoại của Hồ Chí Minh.
Trước hết, báo chí là phương thức truyền thông đối ngoại chủ lực mà Hồ Chí Minh sử dụng. Hồ Chí Minh viết báo - làm báo - tiếp xúc với báo chí một cách tích cực, chủ động để tận dụng tối đa hiệu quả mà phương thức truyền thông này mang lại.
Trong suốt thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người thường xuyên viết các bài báo dưới nhiều thứ tiếng khác nhau, đăng trên các tờ báo khác nhau để vạch ra tội ác của thực dân Pháp và nỗi khổ của nhân dân lao động, trong đó có Việt Nam. Các bài báo Vấn đề dân bản xứ, Phong trào công nhân ở Viễn Đông,... đăng trên L’Humanité, La Vie Ouvrière, Thông tin Quốc tế, Quốc tế Nông dân, báo Sự thật… hướng tới cả nhân dân các nước thuộc địa và nhân dân Việt Nam. Đồng thời, các bài báo trên các tờ báo nước ngoài là phương tiện để Hồ Chí Minh trực tiếp vạch mặt tội ác của thực dân Pháp, phản đối hoạt động chiến tranh của các thế lực phản động Mỹ. Bên cạnh đó, đây là kênh thông tin giúp nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu rõ bản chất của các đế quốc, tính phi nghĩa của các hành động xâm lược, can thiệp, qua đó thúc đẩy sự ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Đáng chú ý, Hồ Chí Minh cũng chủ động trả lời phỏng vấn báo chí như một kênh hữu hiệu để dư luận thế giới hiểu rõ tình hình, chủ trương của Việt Nam. Tính từ năm 1945, Người đã tham gia trả lời hơn 100 bài phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Người cũng triển khai hoạt động thông tin đối ngoại thông qua việc xuất bản sách và nhiều tác phẩm chính luận đặc sắc, có tác động lớn lao tới dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế. Cuốn Đường Kách mệnh tổng hợp những bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927. Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” được xuất bản lần đầu tiên năm 1925 ở thủ đô Pa-ri, Pháp, được đánh giá là một trong những tác phẩm phóng sự vừa giàu chất báo chí, vừa giàu chất văn học.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh rất chú trọng sử dụng phương thức truyền thông dưới dạng tiếp xúc, quảng bá. Thứ nhất, Người tích cực tham gia và phát biểu trên các diễn đàn quốc tế lớn. Trong quá trình tham dự các buổi sinh hoạt chính trị đó, Người đã khéo léo lồng ghép các vấn đề thuộc địa và tình hình Việt Nam, từ đó lên án mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân. Thứ hai, Người tham gia sinh hoạt tại nhiều câu lạc bộ địa phương như Phôbua, Hội nghệ thuật và khoa học, Hội những người bạn của nghệ thuật, Hội du lịch, Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, định hướng tư tưởng và vận động các thành viên tham gia vào cuộc đấu tranh dân tộc. Thứ ba, Người thành lập Hội Liên Hiệp thuộc địa và là thành viên của Ban chấp hành để kêu gọi sự đoàn kết của các nước trong công cuộc giải phóng khỏi thực dân. Thông qua việc tạo dựng vị trí của mình tại các trung tâm phong trào quốc tế, Người có cơ hội để nói lên các vấn đề về thuộc địa và Việt Nam.
Thứ tư, về phong cách tuyên truyền đối ngoại.
Có thể thấy rõ sự kiên định, thẳng thắn của Hồ Chí Minh trong công tác tuyên truyền đối ngoại khi lên án chủ nghĩa thực dân và kẻ thù. Trên các diễn đàn, hội nghị, Người sẵn sàng phê bình Đảng Cộng sản Pháp chưa có sự quan tâm đúng mực với tình hình các nước thuộc địa. Khi tiếp cận nhân dân các nước trên thế giới cũng như nhân dân Việt Nam, Người lại thực sự giản dị, thái độ chân thành dễ cảm hóa và thuyết phục lòng người. Với bất kì hoạt động tuyên truyền đối ngoại nào, Người cũng nhất quán quan điểm và khẳng định mạnh mẽ thông điệp chống lại áp bức bóc lột và đòi hỏi nhân quyền.
Phong cách viết cũng như đối thoại của Hồ Chí Minh luôn ngắn gọn, súc tích, lý lẽ khách quan, khoa học lồng ghép trong yếu tố văn hóa, nghệ thuật xen lẫn với sự hài hước, dí dỏm rất tinh tế.
Trong giai đoạn này, thông tin đối ngoại trở thành công cụ đắc lực góp phần hiện thực hóa hoạt động đối ngoại, cũng như tạo nên những làn sóng dư luận ủng hộ Việt Nam ở trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại, đem lại chiến thắng cho Việt Nam không chỉ trên bàn đàm phán mà cả trên mặt trận chiến trường giải phóng miền Nam. |
PHÁT HUY GIÁ TRỊ NHỮNG BÀI HỌC QUÝ TRONG CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, những biến chuyển nhanh chóng trong tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra cho công tác thông tin đối ngoại cả thuận lợi và thách thức đan xen. Thuận lợi là những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, cơ đồ và vị thế ngày càng được nâng cao của đất nước. Địa bàn và đối tượng của công tác thông tin đối ngoại ngày càng mở rộng, có nhiều kênh thông tin, quảng bá hình ảnh Việt Nam. Đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ giúp thông tin đối ngoại tiếp cận các phương tiện, kỹ thuật thông tin hiện đại, những phương thức chuyển tải thông tin mới phong phú, đa dạng và hiệu quả. Mặt khác, công tác thông tin đối ngoại cũng đứng trước nhiều thách thức. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, nhiều trào lưu, khuynh hướng tư tưởng, thông tin sai trái dễ xâm nhập vào xã hội ta, tác động tới tư tưởng, tình cảm và lối sống của con người Việt Nam. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục sử dụng những chiêu bài “dân chủ, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ” để xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động nhằm làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác thông tin đối ngoại đã từng bước trưởng thành và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những tư tưởng, phương châm đối ngoại kinh điển mà Bác chỉ ra như “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “ngoại giao tâm công”, “ngũ tri” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến) cũng như những bài học tuyên truyền làm sao để “dân nhớ, dân hiểu, dân tin và dân làm theo” mãi là những bài học nằm lòng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại.
Trong tình hình hiện nay, thực hiện phương châm mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại”, yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động thông tin đối ngoại Việt Nam là cần đổi mới tư duy và nâng cao khả năng thích ứng. Công tác Thông tin đối ngoại cần được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực, đổi mới theo hướng hiện đại. Phát huy tính chủ động, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, đặc biệt là phương thức truyền thông mới trên nền tảng Internet, mạng xã hội, không gian mạng.
Đặc biệt, lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại cần không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, nhanh chóng thích ứng với các xu hướng truyền thông, thông tin trên thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những tác động mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Công tác thông tin đối ngoại sẽ tiếp tục học tập và phát huy các bài học lý luận và thực tiễn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng đổi mới và sáng tạo, nâng cao hiệu quả quảng bá cơ đồ, tiềm năng đất nước, nâng cao uy tín và vị thế quốc gia, góp phần xứng đáng vào việc triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.
TS. Lê Hải Bình
Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Phó Trưởng Ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương
------------------------------------------------
(1) (2) http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ve-buc-dien-gui-ngai-stalin-508
(3) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2018/6/3/12/Le-Hong-Phong-tieu-su.pdf
(4) https://vov.vn/chinh-tri/3-buc-thu-dinh-menh-giua-chu-tich-ho-chi-minh-va-2-tong-thong-my-950015.vov
(5) Christopher E. Goscha (2006). Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950). Journal of Vietnamese Studies, Vol. 1, Numbers 1-2, pps. 59–103
(6) Benard B. Fall (Ed) (1967). Ho Chi Minh on revolution: selected writings, 1920-66. The New American Library, Inc. https://www.bannedthought.net/Vietnam/HoChiMinh/HoChiMinhOnRevolution-SelectedWritings-1920-66.pdf
(7) Benard B. Fall (Ed) (1967). Ho Chi Minh on revolution: selected writings, 1920-66. The New American Library, Inc. https://www.bannedthought.net/Vietnam/HoChiMinh/HoChiMinhOnRevolution-SelectedWritings-1920-66.pdf