Cách đây hơn 4 năm, vào đầu Xuân Kỷ Hợi, cả nước ta hồ hởi, phấn khởi hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X phát động. Ngay từ đầu, dư luận xã hội đã có sự nhất trí cao về sự cần thiết phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là niềm tự hào, vinh dự và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Trải qua 4 năm, với biết bao công việc đã làm, Cuộc vận động thực sự đã trở thành một hoạt động chính trị rộng lớn, đều khắp, lôi cuốn được đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia.
Đánh giá kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác còn có ý kiến khác nhau, nhưng điều mà ai cũng thấy và thừa nhận là Cuộc vận động đã tạo nên sự quan tâm lớn của toàn xã hội về vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức. Trong học tập các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; trong các hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Người, đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên các đoàn thể chính trị xã hội học Bác, nói về tấm gương đạo đức của Bác, trao đổi, thảo luận, bàn về cách thức làm theo Bác. Nhờ có Cuộc vận động mà trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân ta đã tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, thừa nhận tư tưởng của Người là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta.
Qua Cuộc vận động chúng ta đã thấy rõ hơn tầm cao của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời cũng thấy rõ sự gần gũi, giản dị của tấm gương đạo đức, như chính đời thường của Bác, ai cũng có thể học tập và làm theo. Đó là sự kết hợp sâu sắc, nhuần nhuyễn giữa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tư tưởng đạo đức đó được kết hợp với những giá trị lớn lao của đạo đức cộng sản, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải giải phóng con người; vì vậy mà mang bản chất của truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, Việt Nam và thế giới, có sức sống mãnh liệt và sức lôi cuốn đối với các tầng lớp nhân dân, với các dân tộc trên thế giới.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm triển khai Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã khẳng định: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ của toàn Đảng, là công việc lâu dài, mãi mãi trong mỗi con người và tổ chức; đó chính là ý Đảng, lòng dân, mong muốn Đảng có chủ trương, biện pháp đúng, tổ chức để toàn Đảng, toàn dân “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có hiệu quả thiết thực trong những năm tới.
Đánh giá cao kết quả thực hiện Cuộc vận động trong những năm qua và để thực hiện nhiệm vụ tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng, Văn kiện Đại hội XI của Đảng chỉ rõ cần “đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng”(1).
Chủ trương trên của Đảng tiếp tục nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân. Bởi vì, trong giai đoạn phát triển mới với những chuyển biến lớn lao trong xã hội từ quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong 10 năm tới, việc học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh “đạo đức là gốc” thật sự có ý nghĩa đối với mỗi con người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng.
Hồ Chí Minh ví đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người khẳng định, đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách; “có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước”; “khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn”, mới “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; “ lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”(2). Thực tiễn của xã hội ngày càng chỉ rõ cho chúng ta những chân lý đơn giản ấy.
Trong điều kiện toàn cầu hóa, cơ chế vừa đấu tranh, vừa hợp tác trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc thì chúng ta càng nhận thức rõ hơn nguồn lực và sức mạnh chủ yếu để xây dựng xã hội mới của dân tộc ta là tinh thần dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quán triệt tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” trên cơ sở giá trị đạo đức “yêu nước, thương dân” Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng.
Ngay từ năm 1946, Người đã khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi hội viên, đoàn viên các đoàn thể chính trị - xã hội, mọi tầng lớp nhân dân thấm đậm tinh thần yêu nước, nêu cao trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên, lên trước; tự mình nhủ mình hãy làm một điều gì tốt đẹp cho nước, cho dân theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chúng ta sẽ có được sức mạnh to lớn biết nhường nào cho sự phát triển của đất nước.
Ngày nay, khi mà lao động của mỗi người cơ bản còn để “kiếm sống” theo cơ chế thị trường, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình càng cần thiết và quan trọng. Hồ Chí Minh coi đây là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất, thấm đượm truyền thống của dân tộc ta. Làm theo Hồ Chí Minh, sẽ có được tình thương yêu với đại đa số nhân dân, những người lao động bình thường trong xã hội, những người còn nghèo, khổ, gặp rủi ro, tai nạn. Thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh yêu thương con người, hãy làm một việc cụ thể cho con người, góp một chút để trong xã hội ta “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, sẽ là nguồn động viên mỗi người tích cực hơn trong các công việc xã hội. Thương yêu con người, tin vào con người, với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc, với người thì khoan dung, độ lượng, rộng rãi giúp nâng con người và chính mình lên. Đó là cơ sở để đoàn kết, thực hiện phê bình, tự phê bình một cách chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, giúp mỗi người ngày càng tốt đẹp hơn.
Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về yêu nước thương dân, tự mình thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết. Cần kiệm liêm chính là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh, là mối quan hệ “với tự mình”. Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công, vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công, vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính. Đó là tinh thần nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của người cán bộ, đảng viên.
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, luôn luôn là một trong những nhân tố quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Giai đoạn phát triển mới, với những chuyển đổi to lớn trong đời sống xã hội gắn liền với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng càng trở nên cần thiết. Để làm được việc đó, không thể có cách nào khác là quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh như lời dạy của Bác Hồ. Năm 1960, khi nói về Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “30 năm Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”. Đồng thời Người cũng thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, được mọi người yêu mến, ca ngợi không có nghĩa là vẫn được yêu mến nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là công việc rất quan trọng, đồng thời cũng cần có một quan niệm đầy đủ, đúng đắn làm cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả. Quy luật xã hội đã chỉ rõ, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, nên trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, còn đan xen những quan niệm đạo đức khác nhau, giữa cái cũ và cái mới. Bởi vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là một phong trào, không thể làm một lần là xong và tư tưởng đạo đức đã hình thành trong Đảng và xã hội không phải là đứng im, bất biến. Xây dựng nền tảng đạo đức, nền tảng tinh thần của xã hội, theo Hồ Chí Minh là cuộc chiến đấu khổng lồ để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo nên những cái mới mẻ tốt tươi”. Do vậy, với mỗi người, mỗi gia đình, tổ chức…, phải coi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, mãi mãi. Cần khắc phục tư tưởng chủ quan, nóng vội, hoặc do dự, trù trừ, thiếu sự quyết tâm, thiếu kiên trì trong thực hiện. Việc học tập các chủ đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là bước khởi đầu, tạo điều kiện để tiếp tục nâng cao nhận thức, để tự mình tự giác làm theo.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là công việc chung của toàn Đảng, toàn dân, nhưng cũng là công việc của mỗi người. Với mỗi người, nhận thức rõ sự vĩ đại và sự gần gũi của tư tưởng đạo đức, và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ai cũng có thể học tập và làm theo là cơ sở để tự thân, tự giác thực hiện, trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày. Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới vừa là mục tiêu, vừa là động lực của các quá trình cải biến cách mạng; đồng thời quan trọng hơn là để tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới./.
PGS.TS Ngô Văn Thạo
---------
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb CTQG, H, 2011, tr.57.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd. t.1, tr. 446