Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 20/8/2011 10:27'(GMT+7)

Kỷ niệm một thời tuyên truyền kháng chiến

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Trước giờ khai mạc, một cơn mưa mùa hè bất chợt ập đến. Cơn mưa dai dẳng vẫn không làm mọi người tham gia lúng túng bởi ai cũng hiểu những hạt mưa trong đêm hè oi bức không thể cản bước những người đã từng đội bom, cõng đạn, những người đã từng cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Trong đêm gặp gỡ, giao lưu ấy, cán bộ, tuổi trẻ ngành Tuyên huấn - Văn hóa đã có dịp được nghe lại những câu chuyện hào hùng của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Chuyện của chị Tuyết

Sau lời giới thiệu của người dẫn chương trình, cũng là một người con Ban Tuyên huấn Quảng Nam trong kháng chiên chống Mỹ - nhạc sĩ Hoàng Bích, xuất hiện trên sân khấu là chị Phan Thị Ánh Tuyết, người con của quê hương Chợ Được anh hùng. Chị trải lòng mình qua những câu chuyện như kể về chính cuộc đời của mình. Dù đã bước vào tuổi 63, mang trong mình nhiều di chứng của chiến tranh nhưng chị vẫn giữ được giọng kể hùng hồn, bài dân ca Khu 5 “Quảng Nam tung cánh chim bằng” vẫn được chị thể hiện với giọng hát trong trẻo, với niềm đam mê say đắm như ngày nào.

Năm 1965, nhân một chuyến biểu diễn ở vùng Đông Thăng Bình, những đồng chí lãnh đạo trong Đoàn Văn công giải phóng tỉnh đã phát hiện ra năng khiếu hát dân ca, múa, kịch của cô gái Ánh Tuyết nên đã quyết định tuyển chị vào Đoàn. 17 tuổi, chị từ biệt cha mẹ, bà con, khoác ba lô lên chiến khu luyện tập. Với năng khiếu bẩm sinh lại được các chú, các anh đi trước như nhạc sĩ Khánh Cao, Ngọc Anh, Hoàng Lê... tận tâm kèm cặp nên chỉ trong một thời gian ngắn, từ một cô gái quê mùa, Ánh Tuyết đã trở thành diễn viên chính của Đoàn. Những vai diễn trong các vở kịch “Một mạng người”, “Tiếng trống Tây Nguyên”, “Nổi gió” được chị thể hiện rất thành công và luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

Năm 1968, trong một chuyến về chợ Cẩm Khê cõng gạo, đoàn của chị không may bị địch phục kích. Cô gái làng Tuyên ấy rơi vào tay giặc. Từ năm 1968 - 1973, trải qua các nhà tù từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quy Nhơn, rồi Cần Thơ, chị Tuyết vẫn giữ vững tấm lòng sắc son với Đảng, với cách mạng; là một trong những người tham gia đấu tranh kiên cường nhất. Trong tù, được ở cùng những chị cùng làm công các tuyên truyền, văn nghệ như chị Hồng Ân - văn công của Ban Tuyên huấn Khu 5, chị Nguyễn Thị Hạnh, chị Bích Liên... nên chị Tuyết cũng nhanh chóng trưởng thành và trở thành hạt nhân trong các phong trào văn nghệ trong tù. Những bài hát: Bài ca hy vọng, Bài ca may áo, Tiếng chày trên sóc Bom-bo... qua giọng ca của chị không chỉ giúp chị em tù chính trị giữ vững được ý chí đấu tranh, vững tin hơn vào sự nghiệp cách mạng mà còn khiến cho bọn gác tù xúc động, có cảm tình với chị em hơn. Một niềm vui đã đến với chị khi ngày 20-12-1970, chị Tuyết được kết nạp vào Đảng tại nhà tù Quy Nhơn.

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, ngày 15-02-1973, chị Tuyết được trao trả tại Lộc Ninh. Được trở về trong vòng tay che chở của đồng bào, đồng chí, chị vui mừng đến trào nước mắt. Ngay trong đêm đó, chị đã tham gia đêm biểu diễn văn nghệ chào đón nữ tướng Nguyễn Thị Định, tướng Trần Văn Trà đến thăm đoàn. Tiếng hát của những nữ tù trở về đã khiến cả những vị tướng dày dạn trận mạc cảm động, không kìm được nước mắt.

Cuối năm 1973, chị về lại Quảng Nam và tiếp tục tham gia Đoàn văn công giải phóng tỉnh cho đến ngày toàn thắng. Gần 40 năm đã trôi qua nhưng chi vẫn nhớ như in những bài hát, vai diễn đã từng theo chị trong suốt những năm tháng kháng chiến. Chị tâm sự: “Cái nghiệp văn công đã ngấm vào tôi như máu thịt. Buổi giao lưu hôm nay đã làm sống lại trong tôi nhiều kỷ niệm của một thời không quên...”.

Nhớ về một thời chiếu bóng

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đáp lời kêu gọi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hàng ngàn người con Thanh Hóa đã lên đường vào Nam, tham gia chiến đấu trên mảnh đất Quảng Nam. Anh Lê Văn Lược là một trong số đó.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đông Sơn, Thanh Hóa, năm 1965, anh gia nhập quân đội và được lệnh vào Nam trong biên chế Tiểu đoàn 31, Sư đoàn 230 Quân khu 5. Năm 1970, biết anh là một trong những chiến sĩ đã từng có kinh nghiệm chiếu bóng khi còn công tác ở Ty Văn hóa Thanh Hóa, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy đã quyết định trưng dụng anh về Ban Tuyên huấn Khu 5. Năm 1971, trong một lần đi dự Hội nghị tại Khu ủy, đồng chí Hoàng Minh Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lại quyết định xin anh về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam để xây dựng đội chiếu bóng. Anh bén duyên với mảnh đất Quảng Nam từ đó.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Nam là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Đội chiếu bóng Quảng Nam dưới sự chèo lái của anh đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt, đói cơm lạt muối, bom đạn kẻ thù để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp vào thắng lợi chung của ngành Tuyên huấn.

Trong buổi giao lưu, anh kể về những lần thoát hiểm, những lần bị địch phục kích, khi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc với một giọng kể thanh thản đến lạ lùng. Bởi anh và đồng đội luôn coi cái chết như một lẽ tất yếu trong điều kiện thời chiến, với họ, “dưới mưa bom bão đạn mà sống được mới là điều vô lý” (lời anh Trịnh Xuân Hinh). Đó là lần chiếu phim ở Kỳ Quế, quân địch đến sát bên lưng mà bà con vẫn bắt phải mang cho hết bánh tét để về căn cứ ăn Tết. Đó là lần trễ hẹn với nhân dân Bình Phú, Bình Lâm, Bình Trị (Thăng Bình) ngay trong tối Mồng 1 Tết năm 1973. Đó là lần về Phú Hương, Phú Phong (Quế Sơn), bị địch càn phải cõng máy, cõng gạo rút lên núi trong đêm. Vì mang quá nặng mà cả người và máy lăn xuống hố bom, may mà thoát chết.... Những ký ức như bị đánh thức, những kỷ niệm như cứ ùa về. Anh xua tay: “Nhiều lắm! Nhiều lắm nhưng nhớ nhất vẫn là những lần chiếu phim về Bác Hồ. Tốc độ hình ảnh thì 24 hình/giây mà bà con cứ biểu phải quay thật chậm lại để bà con nhìn thật kỹ Bác Hồ, để thỏa lòng mong ước bao năm. Hơn 30 năm làm nghề chiếu bóng, nhưng đó là kỷ niệm làm tôi nhớ nhất”.

Đêm đã về khuya, còn rất nhiều những mẫu chuyện, những kỷ niệm của một thời tuyên truyền kháng chiến chưa được kể. Trời mưa ngày càng nặng hạt nhưng không ai muốn bước chân đi. Nhạc sĩ Hoàng Bích - người dẫn chương trình đành phải xin phép khất lại trong những buổi giao lưu, gặp gỡ lần sau. Qua những lời kể của các anh, các chị, các chú, các bác, lớp trẻ chúng tôi như được sống lại những giây phút hào hùng của một thời.

Về nguồn thăm chiến trường xưa

Từ ngày 15 - 17/8/2011, Đoàn cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã có chuyến hành quân về nguồn thăm lại chiến trường xưa.

Trên hành trình của mình, đoàn đã lần lượt về thăm các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Sơn, huyện Tiên Phước - chiến khu trong những năm chống Mỹ; thăm gia đình và viếng hương các đồng chí Vũ Thiếp, Phạm Việt Dũng là lãnh đạo Ban Tuyên huấn cũ; thăm và tặng quà gia đình cơ sở cách mạng, cán bộ, nhân viên của ngành trên tuyến hành trình và giao lưu “Kỷ niệm một thời tuyên truyền kháng chiến” với cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam./.


Lê Năng Đông



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất