Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 24/8/2011 21:22'(GMT+7)

Tinh thần đổi mới Quốc hội ngày càng thể hiện rõ

Phiên họp thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Phiên họp thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Đổi mới là yêu cầu của cuộc sống, song trong từng thời điểm cụ thể, sự đổi mới được biểu hiện rõ ràng mới thực sự có ý nghĩa và tạo động lực cho quá trình tiếp tục đổi mới, cũng như tạo niềm tin nơi người dân.

Nếu nói kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII không khí đổi mới của một nhiệm kỳ mới đã phần nào được thể hiện khi các vấn đề quan trọng đã được Quốc hội thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắng và thông qua với số phiếu rất cao, thì phiên họp thứ nhất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nối được không khí đổi mới đó, qua cách đặt vấn đề, xem xét những nội dung quan trọng và đưa ra định hướng.

Còn nhớ, trong buổi họp báo ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh, kỳ họp đã hoàn thành các nội dung chương trình với một ý chí thống nhất rất cao.

Rất nhiều nội dung quan trọng được thông qua với tỷ lệ biểu quyết rất cao, có lúc đạt tới 100%. Điều đó thể hiện sự tin tưởng, ủng hộ song cũng gửi gắm kỳ vọng của các đoàn đại biểu, đại biểu và cử tri cả nước đối với những người đã được bầu, thể hiện niềm tin về tính hiệu quả của những nội dung được thông qua.

Phiên họp thứ nhất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII kết thúc sớm hơn dự kiến một ngày, song vẫn đảm bảo nội dung chương trình làm việc. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và tán thành chủ trương xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tất nhiên, từ chủ trương tới hành động là cả một quá trình và cần có sự nghiên cứu, thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, ngay trong cách định hướng và quyết định nhiều nội dung tại phiên họp thứ nhất cũng đã thể hiện được những đổi mới cụ thể.

Cách thức đổi mới thì nhiều, song yêu cầu thời gian được rút ngắn trong khi nội dung chương trình làm việc vẫn được đảm bảo, có chất lượng là điều cần được thực hiện ngay từ những khâu đầu trong một quy trình làm việc.

Diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/8, Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội đã đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai; Cho ý kiến về chủ trương xây dựng đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật: Lưu trữ, Khiếu nại, Tố cáo, Đo lường.

Trong những nội dung trên, nhiều vấn đề đã được Quốc hội khoá XII thảo luận và cho ý kiến, cơ quan soạn thảo các nội dung đã tiến hành nhiều hội thảo lấy ý kiến và chỉnh lý. Vì vậy, có thể nói, nội dung được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến là chu đáo, chất lượng.

Với các dự án luật, tuy vẫn còn ý kiến chưa hoàn toàn thống nhất, nhưng trên tinh thần đổi mới, người điều hành phiên họp quán triệt: Phải đảm bảo tính khả thi mới trình ra Quốc hội, cùng đó là những giải trình chặt chẽ, thuyết phục. Vì luật cứ được thông qua nhưng khi nghị định, hướng dẫn không thể áp dụng được vào cuộc sống thì chẳng có ý nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: “Nếu ra luật không khả thi thì đừng ra luật” để đảm bảo không bàn lan man, khó thống nhất và mất thời gian vì đã được bàn quá nhiều lần. Đó cũng là biểu hiện cụ thể của sự đổi mới.

Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XIII sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Theo đó, số lượng nội dung công việc rất nặng nề, lại rơi vào thời điểm những tháng cuối năm. Và chỉ có sự đổi mới, trước hết từ khâu chuẩn bị phải thật sự chu đáo, kỳ họp mới hoàn thành tốt đẹp nội dung chương trình như mong đợi.

Dự kiến nội dung kỳ họp thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến 13 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế- xã hội và các vấn đề quan trọng khác, đặc biệt là kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2011-2015)…

Các dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đã được Quốc hội khoá XII cho ý kiến tại các kỳ họp trước và có điều kiện thuận lợi về thời gian để chỉnh lý, hoàn thiện. Tuy nhiên, đa số đại biểu Quốc hội khoá XIII chưa được tiếp cận các dự án luật này.

Điều đó đòi hỏi các cơ quan trình dự án, thẩm tra dự án và các cơ quan liên quan phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương chuẩn bị, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, gửi các đại biểu nghiên cứu, tổ chức thảo luận ở địa phương.

Ngoài ra, việc Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiến hành nghiên cứu cải tiến một số vấn đề về quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp đã thể hiện rõ hơn quyết tâm đổi mới.

Theo đó, sẽ rút ngắn thời gian trình bày các tờ trình, Báo cáo tại kỳ họp theo hướng chỉ trình bày báo cáo tóm tắt; đổi mới việc thảo luận tại tổ và trên hội trường; cơ chế hoạt động của đại biểu giữa hai kỳ họp; đổi mới công tác điều hành… Tựu chung, tất cả đều hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội- một yêu cầu của cuộc sống, là mong muốn của hàng triệu cử tri./.

(Ngọc Thành/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất