(TCTG)- Trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn kéo dài suốt 387 năm (từ năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm vùng Thuận Quảng đến năm 1945, khi Vương triều Nguyễn sụp đổ) đã chịu nhiều tai tiếng bởi những cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau ở một vài vấn đề lịch sử then chốt.
Thấu hiểu tình hình và tâm trạng đó, từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Hội khoa học lịch sử Việt Nam cùng với các Hội khoa học lịch sử địa phương như Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã lần lượt tổ chức ngót 20 cuộc hội thảo về những giai đoạn lịch sử khác nhau, những vấn đề lịch sử khác nhau trong thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, mong tìm ra cách tiếp cận mới, phương hướng mới để tiếp cận chân lý thời kỳ lịch sử nhiều tai tiếng này. Kế thừa kết quả của các cuộc hội thảo khoa học đi trước, lần này, nhân dịp tròn 450 năm Nguyễn Hoàng theo chỉ dẫn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” vào khai phá vùng Thuận Quảng, Hội khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá (quê hương của Chúa Nguyễn) tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX trong hai ngày, 18 và 19-10-2008, nhằm đánh giá lại một cách khách quan, trung thực và khoa học những cống hiến và cả những hạn chế, từ đó mà xác định chân xác vai trò của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc.
Sau gần một năm chuẩn bị, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 91 báo cáo khoa học của các nhà sử học danh tiếng từ các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học trên mọi miền đất nước, đặc biệt có sự tham gia của các học giả nước ngoài như Trung Quốc, Pháp, Nhật, Nga, vùng lãnh thổ Đài Loan... Như vậy, Hội thảo lần này không chỉ mang đậm tính chất quốc gia, mà còn, trong chừng mực nào đó, mang tính chất quốc tế. Nhằm khắc phục tình trạng có “hội” mà không có “thảo” như các cuộc hội thảo khoa học đã từng được tổ chức ở ta, Ban tổ chức đã phân hội thảo thành 3 tiểu ban theo 3 nội dung lớn: Tiểu ban 1: Những vấn đề lịch sử các Chúa Nguyễn gồm 29 bản tham luận; Tiểu ban 2: Những vấn đề lịch sử Vương triều Nguyễn gồm 30 tham lụân và Tiểu ban 3: Di sản văn hóa thời Nguyễn gồm 31 tham luận, để các nhà nghiên cứu có nhiều thời gian tập trung thảo luận những vấn đề còn tồn đọng những điểm chưa đồng thuận, thậm chí trái ngược mà Ban tổ chức nêu ra cho từng tiểu ban.
Hội thảo dành một buổi cho phiên khai mạc và bế mạc, một buổi cho những người tham dự hội thảo về thăm các di tích lịch sử, nơi phát tích của giòng họ Nguyễn như Quý Hương, Gia Miêu ngoại trang ở Hà Long, Hà Trung và hai buổi cho các tiểu ban sinh hoạt khoa học. Hội thảo khoa học đã thu hút hơn 600 người quan tâm tới dự và đưa tin, bao gồm các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực trong nước và các học giả nước ngoài, phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và các địa phương, đặc biệt là những nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ như ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Di Niên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao v.v... Sau phiên khai mạc trọng thể để những người tham dự được nghe Lời Khai mạc hội thảo của ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá và Báo cáo đề dẫn của GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, hội thảo sinh hoạt khoa học theo ba tiểu ban.
Mỗi tiểu ban thường tập trung vào 6, 7 chủ đề quan trọng, mỗi chủ đề thường mời ba nhà nghiên cứu trình bày tham luận của mình và sau đó giành thời gian thảo luận xoay quanh chủ đề đó. Nhìn chung, hội thảo diễn ra trong bầu không khí khoa học, cởi mở, chân tình và mang đậm tính chất xây dựng. Tham luận của các nhà nghiên cứu đều gặp nhau ở một thái độ thống nhất cao, là cần thiết phải xem xét và đánh giá lại thời kỳ lịch sử này để đi tới ghi nhận và tôn vinh những cống hiến, cũng như chỉ ra một cách xác thực và thuyết phục những hạn chế của nó.
Sau hai ngày làm việc khẩn trương, hội thảo khoa học về Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn đã đạt được kết quả mỹ mãn như mong đợi. Tại hội thảo đã vang lên những tiếng nói đồng thuận cao hoặc gần như đồng thuận ở những vấn đề lớn sau đây:
1- Khẳng định vai trò to lớn của Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong sự nghiệp mở mang lãnh thổ về phía Nam để đạt tới một cương vực, một lãnh thổ rộng dài trên đất liền và hải đảo tương ứng với cương vực, lãnh thổ Việt Nam hiện đại.
2- Tiếp tục và hoàn thiện sự nghiệp thống nhất đất nước đã được khởi động từ thời Nguyễn Quang Trung trên hai phương diện căn bản là lãnh thổ và quyền lực.
3- Trên lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong nền nông nghiệp trồng lúa nước, mở rộng một cách đáng kể diện tích gieo trồng.
4- Để lại trong kho tàng văn hoá Việt Nam một di sản văn hóa đồ sộ, bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản văn hoá được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại, là Di sản văn hoá Huế, Phố cổ Hội An và Nhã nhạc cung đình Huế.
Điểm sáng ở hội thảo lần này là cùng với sự đồng thuận cao trong những vấn đề được nêu ở trên, đã không xảy ra hiện tượng “nhảy từ cực đoan này sang cực đoan khác” như thường bắt gặp trong một số cuộc hội thảo khoa học thời đổi mới tư duy. Cùng với việc ghi nhận và tôn vinh những công trạng sáng chói của Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, hội thảo cũng đã nêu lên và bước đầu phân tích một cách khoa học, khách quan những hạn chế của thời kỳ lịch sử này như: những căn nguyên lịch sử làm cho vương triều Nguyễn từ khi thành lập 1802 đến khi đất nước hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp năm 1884 không lúc nào bình yên; những sai lầm trong chính sách đối ngoại và đối với Thiên chúa giáo; sự thất bại của dòng canh tân đất nước nữa cuối thế kỷ XIX và trách nhiệm của nhà Nguyễn đến đâu trong sự thất bại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX; và thái độ ứng xử của chúng ta, những người đương thời, đối với các di sản văn hoá, cả vật thể và phi vật thể, mà nhà Nguyễn đã để lại trong mối tương tác giữa bảo tồn và phát triển, trong đó có những di tích lịch sử liên quan mật thiết đến dòng họ Nguyễn Gia Miêu và miền đất Hà Long, Hà Trung, nơi phát tích của Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn.
Dĩ nhiên, hội thảo khoa học lần này cũng như các cuộc hội thảo trước đó không thể giải quyết một lúc tất cả những vấn đề đã đặt ra. Bởi lẽ những người tham gia hội thảo đều ý thức được rằng, tiếp cận chân lý khoa học là một quá trình lâu dài, mỗi cuộc hội thảo khoa học chỉ lát được một vài hàng gạch như những nấc thang dẫn đến chân lý, đến sự thực lịch sử. Hội thảo khoa học về các vấn đề lịch sử bao giờ cũng là những cuộc hội thảo mở. Vẫn còn đó những vấn đề còn bỏ ngỏ, những vấn đề giải quyết chưa được thoả đáng, và vẫn còn đó những vấn đề mới phát sinh... Nói gọn lại, vẫn còn đó nhiều khoảng trống lịch sử trong thời kỳ Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn cần phải được khoả lấp bằng nhiều cuộc hội thảo tiếp theo. Dẫu sao, hội thảo khoa học lần này về Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn đã tạo được một cái đà, một xung lực cho giới sử học bước tới, tạo nền tảng khoa học khá vững chắc cho các cuộc hội thảo sau bàn về những vấn đề lịch sử còn tồn đọng thuộc thời kỳ lịch sử đầy biến động này.
Hy vọng là như vậy. Nhưng trước hết, giới sử học, các nhà giáo dục các cấp và các nhà quản lý nên khai thác triệt để kết quả tốt đẹp từ cuộc hội thảo này vào ba việc cần kíp sau đây. Thứ nhất, chỉnh sửa lại những gì trong các bộ sách giáo khoa lịch sử viết về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn không phù hợp với những nhận định đồng thuận cao trong cuộc hội thảo này. Thứ hai, với sự chủ trì của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Sở Văn hoá - Du lịch - Thể thao tỉnh Thanh Hoá, tiến hành nghiên cứu cẩn trọng, khoa học để khôi phục, tôn tạo và phát huy ảnh hưởng của Quần thể Di tích lịch sử liên quan tới dòng họ Nguyễn Gia Miêu và nơi phát tích của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trên mảnh đất Hà Long, Hà Trung. Thứ ba, trong tương lai không xa, với sự chủ trì của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với các trung tâm nghiên cứu lịch sử trên cả nước, các trường đại học, thu hút tất cả những nhà sử học tiêu biểu thuộc nhiều thế hệ, tổ chức biên soạn một bộ quốc sử xứng tầm với độ dài về thời gian, với sự phong phú về nội dung của lịch sử dân tộc. Bộ quốc sử đó, theo Giáo sư Phan Huy Lê, gồm khoảng 20 tập và điều quan trọng nhất là phải phản ánh được những thành tựu nghiên cứu mới nhất về Việt Nam ở trong nước và trên thế giới, nghĩa là phải mang tính khoa học, tính hiện đại cao. Bộ sử đó cũng cần quán triệt một số quan điểm khoa học về tính toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam, một đất nước trải rộng từ bắc chí nam, một cộng đồng dân tộc bao gồm nhiều tộc người, một quá trình lịch sử mang tính đa tuyến đã từng hội nhập lịch sử và văn hoá của các vương quốc đã từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay.
Với tất cả sự khiêm tốn của các nhà khoa học, chúng ta vẫn có thể nói to lên rằng Hội thảo khoa học về Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn được tổ chức tại Thanh Hoá vừa qua đã gặt hái được những thành công trên nhiều phương diện, nhưng trên hết và trước hết là xoá đi những mặc cảm, những tâm lý không tốt về nhà Nguyễn đã từng tồn tại khá lâu trong cộng đồng người Việt chúng ta, dù ở góc biển chân trời nào./.
Phạm Xanh
(Tổng thuật)