Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 16/11/2008 10:55'(GMT+7)

Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị theo quan điểm của Hồ Chí Minh

Cho đến nay, ở Việt Nam, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thường là qua mấy hình thức sau đây:

Một là, tự đào tạo, bồi dưỡng. Về hình thức này, tuy không qua trường lớp nhưng có kế hoạch, có ý thức học tập mọi lúc, mọi nơi, nhất là qua những thành công và thất bại trong công tác để rút ra những bài học cho bản thân mình.

Hai là, được đào tạo, bồi dưỡng theo trường, lớp, có hệ thống. Trong thời kỳ cách mạng Việt Nam sau năm 1954, nhiều cán bộ của Trung ương, của địa phương, các ngành được đào tạo, bồi dưỡng theo cách này. Hệ thống các lớp đào tạo của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trước đây, nay là Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hình thức này. Không phải ngẫu nhiên mà Trường được mang tên Nguyễn Ái Quốc, mang tên Hồ Chí Minh, và không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến hoạt động của Trường. Nhiều minh chứng nói rõ điểm này, trong đó đặc biệt là Lời ghi ở đầu trang quyển Sổ vàng truyền thống của Trường, khi Hồ Chủ tịch đến thăm tháng 9-1949 và đọc Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá I của Trường ngày 7-9-1957.

Ba là, vừa được đào tạo, bồi dưỡng theo trường lớp, vừa được rèn luyện trong thực tế, vừa là quá trình tự đào tạo.

Nghiên cứu cuộc đời Hồ Chí Minh, chúng ta thấy bản thân Người đã trải qua cả ba hình thức đó, nhất là hình thức chủ yếu và thành công nhất của Người là tự đào tạo, rèn luyện trưởng thành trong thực tế, còn học ở trường lớp thực ra rất dang dở. Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hồ Chí Minh quan tâm nhiều đến phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin cho cán bộ. Người rất thấm qua sự trải nghiệm của bản thân mình về sự tiếp nhận và vận dụng những điều đã học và tự học về chủ nghĩa Mác-Lênin trong cuộc đời.

Trước hết, Hồ Chí Minh lưu ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin phải phù hợp với đối tượng. Hồ Chí Minh có những tri thức uyên bác chủ yếu là do tự học trong cuộc sống. Người rất chú ý đến đối tượng người học. Cách giảng giải cho người nghe, bao giờ Hồ Chí Minh cũng chú ý đến người nghe là ai. Điều đặc biệt là Người có thể đàm đạo những vấn đề lý luận hóc búa, những vấn đề khoa học, văn học, nghệ thuật với những chính khách, những văn nghệ sĩ có tên tuổi lớn trên thế giới. Hồ Chí Minh là bạn của Mácsen Casanh, Vayăng Cutuyariê, Hăngri Bácbuýt, Picátxô, v.v. Nhưng, Hồ Chí Minh cũng nói những vấn đề lý luận hóc búa cho cả người nông dân mù chữ hiểu được. Đọc lại tác phẩm Đường cách mệnh, chúng ta thấy toát lên mẫu mực tuyệt vời về phương pháp huấn luyện cho người học hiểu được về con đường cách mạng Việt Nam, phù hợp với đối tượng thanh niên trí thức Việt Nam yêu nước khi mới bắt đầu tiếp xúc với con đường cách mạng vô sản.

Mục đích tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ cách mạng là làm cho người ta hiểu được, hiểu rồi thì hành động theo những điều đã hiểu, đúng như Hồ Chí Minh đã nêu “tuyên ngôn” về cách viết trong cuốn Đường cách mệnh: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả… Sách này chỉ ao ước sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!”(1). Hồ Chí Minh thường hay phê bình việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách không thiết thực do không chú ý phù hợp đối tượng. Câu chuyện sau đây do chính Hồ Chí Minh kể lại là một thí dụ điển hình:

“Nhớ hồi kháng chiến, có một lần Bác đi dự hội nghị về, thấy một số đồng chí đang nghỉ ở một gốc cây đa to bóng mát, Bác hỏi:

- Các cháu đi đâu về?

- Chúng cháu đi học.

- Học những gì?

- Học Các Mác.

- Có hay không?

- Thưa Bác, hay lắm.

- Có hiểu không?

Họ ấp úng:

- Thưa Bác, nhiều cái khó quá, không hiểu được.

Học như thế là phí công, phí của”(2).

Hồ Chí Minh thường phê bình những giảng viên cứ thao thao bất tuyệt nào là chủ quan, khách quan, biện chứng… mà không chú ý rằng, những người dự lớp huấn luyện là những anh chị em dân quân vừa mới xoá xong nạn mù chữ.

Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng Mác-Lênin phải gắn với thực tế. Hồ Chí Minh cho rằng, học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn. Lý luận là những điều được tổng kết, rút ra từ thực tiễn, nhưng nó chỉ là thứ lý luận suông khi nó không thâm nhập trở lại thực tiễn. Học thuyết Mác-Lênin chỉ có sức mạnh vật chất khi nó thâm nhập vào phong trào công nhân và các phong trào cách mạng khác. Trong học tập lý luận Mác-Lênin, việc chống lại bệnh giáo điều và chống lại bệnh xa rời những nguyên lý cơ bản của lý luận đó là hai điều cần chú ý như nhau. Học lý luận cốt để áp dụng vào thực tế, không nên biến lý luận Mác-Lênin thành những công thức; học lý luận không phải vì lý luận. Hồ Chí Minh phê bình rất nghiêm khắc cái kiểu học tầm chương trích cú, học thuộc lòng từng câu từng chữ, mà phải học để vận dụng vào công việc cụ thể của Đảng.

Sau cùng, trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phải chú ý học tập để kế thừa những kinh nghiệm tốt trên thế giới, đồng thời phải thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm hoạt động của Đảng ta để bổ sung vào kho tàng lý luận Mác-Lênin. Lý luận Mác-Lênin là những vấn đề chung nhất mà trên đó, mỗi đảng cộng sản phải vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước mình. Chính trong quá trình vận dụng như vậy, mỗi đảng lại nảy sinh những vấn đề mới mà lý luận Mác-Lênin chưa đề cập. Từ những vấn đề mới đó được tổng kết, mỗi đảng có thể bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm lý luận Mác-Lênin. Học thuyết Mác-Lênin luôn luôn là một học thuyết “mở”, nghĩa là nó luôn luôn được nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống. Do vậy, học tập kinh nghiệm tốt của các đảng anh em, của quá trình vận động cách mạng thế giới cũng có nghĩa là học tập những vấn đề mới của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đương nhiên, có hai mặt của vấn đề: trong khi học tập kinh nghiệm của các đảng cộng sản khác, phải chú ý đến đặc điểm của dân tộc mình để vận dụng cho phù hợp.

Đồng thời với quá trình đó là quá trình học tập đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta – những vấn đề này vốn là những nội dung mà Đảng ta đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tế đã cho chúng ta thấy rất rõ rằng, sự nghiệp chống giặc ngoại xâm do Đảng ta lãnh đạo cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã bổ sung và phát triển biết bao nhiêu là vấn đề mới vào lý luận Mác-Lênin. Do vậy, những kỹ năng phân tích, đánh giá tình hình quốc tế, phân tích những sự kiện trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phân tích những vấn đề trong cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương và kinh nghiệm của Đảng ta trong các thời kỳ, rút ra những vấn đề cụ thể làm sinh động thêm các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng là một phương pháp đáng chú ý trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Hệ thống các trường chính trị ở nước ta trong 60 năm đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị của chế độ mới, góp phần tích cực nhất vào việc xây dựng một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, có tầm trí tuệ và bản lĩnh cách mạng vững vàng. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống các trường chính trị càng có tầm quan trọng đặc biệt. Tình hình thế giới biến đổi không ngừng và nhanh chóng. Tầm trí tuệ của Đảng phải ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng. Hiện nay, công tác lý luận vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu soi sáng cho hoạt động thực tiễn của Đảng. Về mặt nào đó mà xét thì đây là một thực tế dễ hiểu trong tình hình hiện nay. Thế giới biến động nhanh chóng và chứa đựng nhiều yếu tố khôn lường trong điều kiện kinh tế tri thức, trong cơn lốc toàn cầu hoá. Trong điều kiện như thế thì thực tiễn đi nhanh hơn rất nhiều so với tư duy lý luận. Lý luận, do đó, không bị lạc hậu so với cuộc sống mới là chuyện lạ. Học tập vẫn là yêu cầu, là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của người cán bộ. Do vậy, Đại hội X của Đảng (2006) nhấn mạnh: “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập lý luận”(3). “Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Nâng cao trình độ trí tuệ, chất lượng nghiên cứu lý luận của Đảng…

Ngày 30-7-2005, Bộ Chính trị Khoá IX đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh: “Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo phải vừa bảo đảm tính khoa học, cơ bản và hệ thống, vừa bảo đảm tính hiện đại, thực tiễn và chuyên môn nghiệp vụ”. Quan điểm đó thể hiện tinh thần cơ bản theo quan điểm của Hồ Chí Minh đối với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta. Hiện nay, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đang triển khai đổi mới một cách mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó chú trọng vấn đề đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Liên hệ với quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, riêng về phương pháp, chúng ta có thể đề cập một số vấn đề sau đây:

- Chú trọng hơn nữa tất cả các khâu trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong trường học, có hai khâu cơ bản nhất phải được chú ý, đó là việc dạy và học. Mà nói đến vấn đề này tức là đề cập đến bài giảng và tài liệu học tập. Hiện nay, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đang tập trung nghiên cứu, biên soạn 11 khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từ chương trình trung cấp đến chương trình cao cấp lý luận chính trị, từ chương trình hệ đại học chuyên ngành, các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn đến các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ.

Hiện nay, khâu đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng của người lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế, nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu của người học. Do vậy, cần có nhiều hình thức học tập để tăng cường cho khâu này. Cần tăng cường khâu cho học viên nghiên cứu thực tế, ngoại khoá, thảo luận, tranh luận, diễn tập. Chính đây là phương pháp mà Hồ Chí Minh đã dùng trong mấy tháng ngắn dạy học tiểu học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết) và trong các khoá huấn luyện ở Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả nghiên cứu, học tập cũng cần được cải tiến để đánh giá đúng thực chất việc dạy và học của cả giảng viên và học viên. Phải đưa học viên, nhất là những học viên sau đại học, tham gia nghiên cứu khoa học gắn với những đề tài nghiên cứu mà Học viện tiến hành hằng năm.

- Lấy người học làm trung tâm, thực hành phương pháp dạy và học tích cực. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng tích cực là lấy người học làm trung tâm. Điều này đừng đồng nhất với các phương tiện máy móc hiện đại. Thật ra, phương pháp tiên tiến lấy người học làm trung tâm đã có trên thế giới hàng trăm năm nay rồi, trước khi có các phương tiện hiện đại nghe nhìn như hiện nay. Học viên phải trở thành người chủ động tiếp thu tri thức, chứ không phải bị động thầy giảng, trò ghi.

Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ tránh lối học thuộc lòng từng câu chữ, hiểu một cách máy móc lý luận Mác-Lênin, bởi vì lý luận Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, nó đầy tính sáng tạo. Hồ Chí Minh cho rằng, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng vào trong thực tế. Vấn đề là ở chỗ, phải tìm hiểu bản chất của các quan điểm Mác-Lênin và vận dụng vào hoàn cảnh từng lúc, từng nơi. Hồ Chí Minh phê bình một số người “không hiểu rằng: chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh. Vì vậy, họ chỉ học thuộc ít câu của Mác-Lênin, để loè người ta”(4). Hồ Chí Minh còn có quan niệm độc đáo rằng: “Các chú dạy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho mọi người hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là thế nào không? Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác… Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được”.

Trong học tập theo phương pháp tích cực, cần có sự liên hệ để phân tích những vấn đề của cách mạng Việt Nam. ở đây, theo Hồ Chí Minh, cần có đức tính khiêm tốn, không tự phụ, tự mãn, phải tự giác, không ngại khó, ngại khổ, phải “nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”(6).

Trong xã hội hiện nay, với sự phát triển của kinh tế tri thức, chúng ta đang đứng trước mâu thuẫn sau đây: khối lượng tri thức cần chuyển tải đến người học thực sự là khổng lồ nhưng khung thời gian, thời lượng cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng có hạn. Các tri thức luôn luôn mở và phát triển đến chóng mặt, kể cả những tri thức lý luận Mác-Lênin hiện đại cũng vậy. Càng ngày càng có nhiều môn khoa học liên ngành, đa ngành. Xã hội càng phát triển thì các môn khoa học càng xâm nhập, giao thoa nhau trên cơ sở sự phân chia các chuyên ngành. Để giải quyết tình trạng trên, không phải cứ tăng tiết học lên và tăng số môn học lên mà là ở chỗ phải cải tiến phương pháp dạy và học. Cần giới thiệu những vấn đề cơ bản, những phương pháp học tập, nghiên cứu cho học viên để họ tìm đọc tài liệu cần thiết, mở mang thêm tri thức. Phải tạo điều kiện tốt nhất cho học viên say mê nghiên cứu, đào sâu suy nghĩ, tranh luận, thảo luận xử lý tình huống, tránh học chay. Làm như thế, chúng ta mới đạt được mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị để góp phần phấn đấu đưa nước ta đến năm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Làm như thế, cũng tức là thực hiện ý tưởng của Hồ Chí Minh ghi trong trang đầu sổ vàng truyền thống của Trường mang tên Người, trong đó có ghi: học là để làm việc, làm người, làm cán bộ.

Tuyệt nhiên không thấy Hồ Chí Minh ghi là học để có bằng cấp./

 GS,TS. Mạch Quang Thắng

————————

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb CTQG, H, 1995, tr.262.

(2), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb CTQG, H., 1996, tr.95, 554.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H., 2006, tr. 285.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb CTQG, H, 1995, tr.247.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb CTQG, H, 1996, tr.500.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất