Chủ Nhật, 8/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Bảy, 8/6/2019 10:51'(GMT+7)

Chức vụ và chức danh

1. Gặp lại người bạn thân, anh kể câu chuyện của mình. Mới đây về quê, mẹ bạn ở tuổi bát tuần, hỏi: “Con có khỏe không, hai cháu có ngoan không?”. Trong khi bạn cảm thấy vô cùng thân thương, ấm áp khi nhận được câu hỏi thăm ân tình của mẹ, thì đứa cháu trai nói với bà nội: “Hình như bà hơi lẩm cẩm rồi. Chú cháu lúc nào chả khỏe mà bà cứ hỏi mãi câu ấy làm gì. Mỗi lần chú về thăm quê thì bà nên hỏi chú đã thăng quan tiến chức chưa thì chú mới vui lòng chứ!”.

Vừa lúc đó, anh trai bạn tiếp lời: “Cháu nói đúng đấy bà ạ. Chú út nhà ta chả chịu phấn đấu để có địa vị trong cơ quan, thì có mấy ai để mắt tới đâu”. Rồi anh trai bạn nói vừa như động viên, vừa như khích bác: “Chú vẫn được tiếng là hiền lành, học hành giỏi giang, năng lực chuyên môn tốt, nhưng chú không năng động hơn trong các mối quan hệ thì cả đời cũng an phận với chức danh chuyên viên thôi”. Đứa cháu bạn lại “khuyên” chú: “Có chức vụ vẫn thích hơn chức danh chú ạ. Vì khi mình có địa vị thì khối kẻ ra luồn vào cúi, lại dễ có thêm bổng lộc, làm ít mà vẫn có thu nhập cao. Trong khi làm chuyên viên thì quanh năm bận rộn, nếu nỗ lực lắm thì cũng có thể làm được vài ba công trình, giải thưởng được cấp trên khen ngợi, nhưng tiền thưởng chả đáng là bao. Đấy là chưa kể chú có chức vụ thì con cháu sau này mới hy vọng được nhờ vả chú chứ!”. Nghe vậy, bạn chỉ cười trừ mà không khỏi chạnh lòng, vì chính người thân của mình cũng bị ảnh hưởng tâm lý xã hội vẫn coi trọng chức vụ hơn chức danh.  

2. Ai là dân công sở, “người Nhà nước”, khi lâu ngày gặp lại bạn bè, người thân quen, sau những câu hỏi thăm xã giao, thường nhận được những câu hỏi như: “Đã lên chức chưa”?; “Ngồi ở ghế mới chưa?”; “Sắp đổi bảng tên chức vụ chưa”?; chứ ít khi thấy người khác hỏi: “Cậu có làm việc tốt không, công trình khoa học đã xong chưa, có đạt giải thưởng gì mới không?”…

Những câu hỏi ấy, dù vô tình hay hữu ý, dù vô tư hay mong muốn thật lòng, thì cũng ít nhiều tạo ra một áp lực vô hình đối với những công chức, viên chức chỉ có chức danh mà không giữ chức vụ.

Tại sao trong xã hội hiện thời, rất nhiều người, nếu không muốn nói là đại đa số vẫn quan niệm được thăng quan tiến chức mới là người công thành danh toại và được xã hội nể vì, trọng vọng? Tâm lý xã hội này có thật sự tích cực hay không? 

3. Với mong muốn có câu trả lời thấu đáo về vấn đề này, tôi đã hỏi chuyển một chuyên gia văn hóa. Ông kể lại câu chuyện “Hội đồng bô lão” trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” nổi tiếng. Hội đồng bô lão này gồm ba ông: ông Mù, ông Câm, ông Điếc. Dù bị khuyết tật cơ thể, không hoàn hảo về nhìn, nói, nghe, nhưng cả ba ông này vẫn được cả làng “vị nể”, vì có cái quyền phán quyết, bắt phạt cô Thị Mầu chửa hoang! Lại có thêm lộc “ăn trên ngồi trốc” chứng tỏ cái địa vị xã hội - dẫu chỉ ở cấp làng - vẫn được không ít người dân vô tư - ngây thơ “sủng ái, trọng vọng” đến nhường nào!

Rồi vị chuyên gia phân tích, dân ta có cả ngàn năm sống trong xã hội phong kiến, cho nên về cơ bản là không có quyền tự do. Chỉ có giới quan lại, từ lý trưởng trở lên, mới được ví như “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) đứng ở cái thế “thượng phong” được quyền chăn dắt, dạy bảo, điều khiển nhân dân. Trong khi truyền thống khoa bảng thời xưa, người ta đi thi chỉ nhằm mục đích đỗ đạt để được về làng “vinh quy bái tổ”, “võng anh đi trước, võng nàng theo sau” rồi ra làm quan suốt đời “ăn lộc vua, hưởng lộc nước”. Từ đó đến nay, nói đến quan chức là nói đến bổng lộc, nói đến vị trí “ăn trên ngồi trốc”, thế nên rất nhiều người đã tìm mọi cách để “mua quan bán chức” hòng có cái địa vị xã hội vừa dễ có điều kiện “vinh thân phì gia”, vừa dễ bề “mát mày mát mặt” với thiên hạ!

Sau khi trò chuyện, vị chuyên gia văn hóa nói với tôi như một lời cảm thán: Một khi xã hội mà vẫn quá đề cao quan chức, coi trọng chức vụ (cán bộ lãnh đạo, quản lý) hơn chức danh (giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia, chuyên viên, bác sĩ, kỹ sư…) thì nạn “chạy chức”, “chạy quyền” sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để. Vẫn biết vai trò “một người lo bằng cả kho người làm” là không nên xem nhẹ, nhưng trong thời đại tri thức hiện nay, nếu không có cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi để nuôi dưỡng, thu hút, trọng dụng, phát huy ưu thế của đội ngũ nhà khoa học, tri thức (những người chỉ có chức danh, mà không giữ chức vụ) thì nguy cơ tụt hậu của đất nước với thế giới ngày càng xa. Một thể chế tốt đẹp, một xã hội văn minh cần phải quan tâm cả những người giữ chức vụ và những người có chức danh, tránh tình trạng ứng xử thiên vị theo kiểu “nhẹ như bấc, nặng như chì” khiến cho “sĩ phu ngoảnh mặt” - một trong 5 nguy cơ có thể làm tiêu tan xã tắc mà tiền nhân từng cảnh báo. 

Thiện Văn

 

_______________________

 

Bài đăng TCTG in số 5/2019

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất