Công tâm mà nói, cái “sự tham” của con người ít nhiều cũng là một trong những động lực thôi thúc người ta phấn đấu trưởng thành, tiến bộ. Nhưng khác nhau ở chỗ: Người nào kiểm soát được lòng tham, không để lòng tham đi quá giới hạn cho phép thì người đó làm chủ được cuộc đời. Ngược lại, người nào để cho lòng tham như một “con ngựa bất kham” thì người đó sẽ khó “cầm cương” được sinh mệnh mình.
Phật giáo cho rằng, cuộc đời này có “ngũ trần dục lạc”, đó là “tài dục” (tham muốn của cải, vàng ngọc), “sắc dục” (tham muốn sắc đẹp mỹ miều), “danh dục” (tham muốn địa vị cao sang, tiếng tốt), “thực dục” (tham muốn thức ăn ngon), “thùy dục” (tham muốn ngủ nghỉ nhiều). Cũng theo Phật giáo, chúng sinh dễ mắc vào “tam độc” là “tham, sân, si”. Trong ba thứ phải tránh đó, muốn không phải rơi vào khổ đau thì trước tiên cần phải biết tránh xa lòng tham.
Thật ra trong kiếp trần gian, mấy ai mà không ít nhiều bị vương vấn, quyến luyến bởi “ngũ trần dục lạc”, nhưng nếu ai vương vấn đến mức mụ mị đầu óc, quyến luyến đến mức bị mê hoặc mù quáng thì chẳng khác nào lạc lối vào “mê cung” vui ít buồn nhiều, sướng trong ngắn ngủi, khổ dài lê thê. Ví như về sự “tài dục”. Người nghèo thì ham muốn có chút của cải, tiền bạc để trang trải đủ sinh hoạt, cuộc sống đã đành. Đằng này không ít quan chức đã có của ăn của để, thậm chí sở hữu tài sản mấy đời ăn không hết, thế nhưng vì lòng tham không đáy nên vẫn tìm mọi cách để bòn rút của công theo kiểu “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”, thậm chí “ăn của dân không chừa một cái gì”. Đến khi sa vào vòng lao lý thì mới thấm thía câu “tham vàng bỏ ngãi”, tức là tham tiền mà đánh mất hết cả lương tri, tình nghĩa; hay “tham thực cực thân”, tức là chỉ vì tham tiền, tham ăn đến mức cái thân bị đày đọa!
Ước vọng, mong muốn có địa vị xã hội, có danh thơm tiếng tốt là chính đáng, song phải đi lên bằng chân tài thực đức của mình thì cái danh ấy mới được người đời vị nể, trọng vọng. Còn những ai đó chỉ vì danh vị mà phải lao tâm khổ trí, ra luồn vào cúi, chạy chọt chức quyền bất chấp cả điều hay lẽ phải, luân thường đạo lý, thì cái danh trở nên rẻ mạt, vị trí sẽ sớm lung lay.
Không phải bây giờ, mà cách đây hơn hai thế kỷ, nhà thơ Nguyễn Gia Thiều từng thốt lên như một lời ai oán: “Mồi phú quý dử làng xa mã/ Bả vinh hoa lừa gã công khanh” (Cung oán ngâm khúc). Phú quý như một thứ “mồi nhử” có sức cám dỗ con người ghê ghớm; còn vinh hoa là một thứ “bả” có sức mê hoặc khiến con người không còn tỉnh táo, không làm chủ được bản thân nên bị sa vào cạm bẫy lúc nào mà không hay biết.
Nói thế để thấy, thời nào cũng vậy, vinh hoa phú quý như một thứ ma lực đầy quyến rũ. Chỉ có điều, nếu ai tinh anh, sáng suốt không để cho vinh hoa phú quý làm “mờ mắt” mình thì người đó có thể làm chủ cuộc sống và được xã hội tôn trọng. Còn nếu ai bị vinh hoa phú quý dụ dỗ, mê hoặc đến mức chuyếnh choáng đầu óc, quay cuồng nhân tâm thì khó có thể bảo toàn được nhân cách làm người.
Vậy nên, để tránh rơi vào cạm bẫy “ngũ dục”, nếu ai có “tâm tham”, nhất là những người có chức sắc, địa vị xã hội, thì đừng quên “tu tâm” và tập tính “thiểu dục, tri túc”. “Tu tâm” để có tâm tính tốt đẹp, tử tế. “Thiểu dục” là biết ham muốn vừa phải, đúng mực. “Tri túc” là biết đủ, biết dừng lại đúng lúc, đúng chỗ. Biết sống “thiểu dục, tri túc” thực chất là biết kiểm soát lòng tham của mình để từ đó có một cuộc sống bình an, giản dị, thảnh thơi, đồng thời tránh được những phiền muộn, hệ lụy và không bị bủa vây, cương tỏa bởi “mồi phú quý, bả vinh hoa” như lời tiền nhân cảnh tỉnh./.
Thiện Văn
Bài đăng TCTG số 11/2018