Chủ Nhật, 8/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 28/11/2018 14:57'(GMT+7)

Phê bình sao cho hiệu quả

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Sáng thứ bảy, tôi nhận cuộc điện thoại từ người bạn cũ. Giọng buồn rười rượi, anh chia sẻ với tôi chuyện xảy ra với mình trong hội nghị tổng kết cuối năm vừa diễn ra ở cơ quan. Thì ra, anh bị phê bình đến mức cảm thấy xấu hổ trước tập thể, giờ chỉ muốn xin chuyển công tác đến cơ quan khác.

Tôi giật mình! Tại sao việc phê bình trong tập thể lại sinh ra tâm lý cực đoan đến vậy? Phê bình vốn là cách thức để giúp nhau tiến bộ. Thường thì người được phê bình sẽ cảm nhận đầy đủ hơn giá trị của tình đồng chí, đồng đội; trở nên tự giác và quyết tâm hơn để sửa chữa khuyết điểm. Vậy mà...

Tìm hiểu, tôi biết rằng: Thì ra, anh bị một cán bộ lớn tuổi hơn trong cơ quan phê bình thái quá về kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Điều đáng buồn là người phê bình lại chủ ý liệt kê hàng loạt những điểm yếu từ nhiều năm qua; thái độ phê bình gay gắt theo lối "bới lông tìm vết"; ngôn từ phê bình thiếu tế nhị, thậm chí thể hiện sự coi thường. Cách phê bình đó không chỉ tác động tiêu cực đến tư tưởng của người được phê bình mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cả đơn vị. Thế mới thấy, để thực hiện hiệu quả việc tự phê bình và phê bình thực sự là điều không hề đơn giản.

Hiện nay, khi mà phần đông cán bộ, đảng viên quán triệt sâu sắc, thực hành nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng về tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì đâu đó vẫn xuất hiện một số cá nhân "mượn danh chính nghĩa", "mượn nghĩa phê bình" để thực hiện những ý đồ và toan tính cá nhân. Kết cục, hiệu quả phê bình không đạt như mong muốn, làm xáo trộn tâm lý tập thể, gây mất đoàn kết nội bộ, sinh ra bè cánh, phe phái...

Để khắc phục, đấu tranh với biểu hiện, tình trạng "lựa gió bẻ măng", "bới lông tìm vết" trong tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối tránh mọi động cơ vụ lợi, phê bình không đúng đắn vì thành kiến cá nhân. Tập thể cơ quan, đơn vị ở cấp nhỏ nhất phải là "thành trì vững chắc" nói không với các biểu hiện ích kỷ, hẹp hòi, không thừa nhận thành tích của nhau nên lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu khuyết điểm, hạ thấp uy tín đồng chí, đồng nghiệp.

Hơn bao giờ hết, ở thời điểm này cần quán triệt đầy đủ lời dạy của Bác Hồ để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng: "... Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống". Thậm chí, cần sớm nhận diện rằng: Việc lợi dụng tự phê bình và phê bình để đấu đá, hạ bệ nhau... cũng là một dạng, một biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ hiện nay.

Cùng với đó, để thực hành tự phê bình và phê bình thực chất, mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định rõ nội hàm của phê bình như Bác Hồ từng đúc rút: "... chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người". Điều đó có nghĩa, người phê bình có quyền và trách nhiệm lên án, đấu tranh, bài trừ mọi hành vi, khuyết điểm, nhưng tuyệt nhiên không được khinh khi, xúc phạm nhân cách đồng chí, đồng nghiệp.

Việc tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên "như rửa mặt hàng ngày", chứ không thể "tích tiểu thành đại", chủ ý liệt kê khuyết điểm người khác để xướng hô trên diễn đàn tập thể. Đó thực chất là hành vi, là biểu hiện sống thiếu văn hóa và xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm con người... cần được sớm ngăn chặn, bài trừ. 

Phê bình là "nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm". Có nghĩa, trước hết phải nêu lên ưu điểm của người được phê bình, rồi mới đề cập đến cái chưa được; phải đánh giá đúng cái hay, cái tốt của đồng chí, đồng nghiệp để kết hợp khen-chê hài hòa, tạo ra tâm lý tích cực cho người tiếp nhận.

Trong khi Trung ương và cấp ủy, lãnh đạo các cấp chủ trương khuyến khích mạnh mẽ việc nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; quyết liệt đẩy mạnh đấu tranh chống tiêu cực, khuyết điểm, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, ban hành, hoàn thiện các chế tài, công cụ giám sát, kiểm tra hiệu quả và cách thức vận hành nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở các cấp; kịp thời phát hiện sai phạm và các biểu hiện lợi dụng tự phê bình và phê bình thực hiện những mục đích sai lệch, cá nhân, cơ hội chủ nghĩa... để có giải pháp xử lý triệt để, hiệu quả./.

Nguyễn Tấn Tuân (qdnd.vn)

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất