Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 12/2/2019 9:15'(GMT+7)

Một từ đẹp, bỗng nhiên thành... "bệnh"

Hai nhà ngôn ngữ học ngồi trò chuyện. Một người khơi mào:

- Tại sao dư luận gần đây nói nhiều đến cụm từ “bệnh thành tích”?

- Là bởi nó xuất hiện trong không ít lĩnh vực, tổ chức, cá nhân. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra.

- “Thành tích” vốn là một từ rất đẹp, rất ý nghĩa; là một trong những động lực thôi thúc mỗi cá nhân, tập thể nỗ lực phấn đấu. Nội hàm của từ “thành tích” đáng trân trọng, tại sao lại gắn với từ “bệnh”?

- “Bệnh” hiểu theo nghĩa đen là “trạng thái của cơ thể khi có sự biến đổi có hại cho sức khỏe”, nghĩa bóng là “trạng thái tư tưởng không lành mạnh”. Như vậy, “bệnh thành tích” là những suy nghĩ, nhận thức, thái độ, hành vi cố bám theo, chạy theo thành tích một cách bất thường xảy ra trong mỗi cá nhân, tổ chức, làm ảnh hưởng và gây tác hại đến sự phát triển lành mạnh của xã hội.

“Bệnh thành tích” thường được biểu hiện ở mấy cấp độ:

1. “Ham thành tích” là sự yêu thích thành tích một cách say mê. Đây là triệu chứng nhẹ của bệnh thành tích. Những cá nhân, tổ chức có biểu hiện này cơ bản cũng có tinh thần, động cơ phấn đấu theo chiều hướng khá tích cực, nhưng vì quá mải mê mà có lúc không tỉnh táo nên có thể không đạt được thành tích đích thực như mong muốn.

2. “Sính thành tích” là sự ưa chuộng thành tích một cách quá đắm đuối. Đây là triệu trứng khá nặng của bệnh thành tích, nó biểu hiện ở chỗ: làm gì cũng chỉ nghĩ đến thành tích, coi thành tích như là “động lực duy nhất” để thực hiện mục tiêu nào đó, đạt được ý đồ nào đó đã vạch ra.

3. “Nghiện thành tích” là mức độ “say” thành tích như một thói quen khó bỏ. Đây là triệu trứng nặng của bệnh thành tích, nó được thể hiện ở những thái độ, hành vi chỉ mải miết, quyết liệt “theo, đeo, bám, đuổi” thành tích bằng mọi giá, mọi cách, kể cả những cách tiêu cực mà chủ thể “nghiện thành tích” cũng không hề mong muốn.

4. “Sùng thành tích” là mức độ tôn thờ, sùng bái thành tích một cách cực đoan, mù quáng. Đây là biểu hiện nặng nhất của bệnh thành tích. Trong trường hợp này, người ta coi thành tích như “chìa khóa vạn năng” giải quyết mọi vấn đề, là “bệ đỡ” và “con đường ngắn nhất” để đạt được “tiền tài danh vọng” mà bất chấp cả luân thường đạo lý.

Trong bốn cấp độ trên, “ham thành tích” có thể được coi là một chất “kích thích”, một thứ “men say” tạo động lực phấn đấu cho mỗi cá nhân, tổ chức trong cuộc sống, học tập, lao động và công tác. Song, ham cũng phải có “điểm dừng”, hướng tới thành tích là đáng khuyến khích nhưng cần phù hợp với khả năng, thực lực của chủ thể Còn ba mức độ “sính, nghiện, sùng” thành tích đều là biểu hiện của sự biến dạng, méo mó trong tư duy và hành động, suy nghĩ và việc làm, thái độ và hành vi của chủ thể. Hậu quả của nó là làm lệch lạc động cơ phấn đấu, lệch chuẩn các giá trị đạo đức - văn hóa và lệch hướng mục tiêu thi đua chân chính, dẫn đến làm xói mòn niềm tin cho xã hội, bởi ranh giới thật-giả, thực-hư, đúng-sai, tích cực-tiêu cực… dễ bị xóa nhòa, lẫn lộn. 

- Nguyên nhân sâu xa dẫn đến “bệnh thành tích”? 

Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là do cơ chế, chính sách còn nhiều khe hở, lỗ hổng khiến cho “bệnh thành tích” như một thứ “dịch” nảy sinh, dễ lây lan, gây tác động tiêu cực đến chiều hướng phát triển lành mạnh của xã hội. Mặt khác, tâm lý háo danh, chuộng hình thức, thích phô trương và nhất là tư tưởng “con gà tức nhau tiếng gáy”, kèn cựa địa vị, đố kỵ thứ hạng… cũng là “vi rút tai hại” khiến cho “bệnh thành tích” càng có nguy cơ lan rộng. 

Như vậy, “bệnh lý” của “bệnh thành tích” đã được giải phẫu. Triệu trứng gây bệnh đã được chỉ ra, tác hại của nó cũng đã nhìn thấy. Vậy nên, việc cần kíp hiện nay là phải kiên trì, kiên quyết loại bỏ căn bệnh này ra khỏi mỗi cá nhân, tổ chức để góp phần làm lành mạnh văn hóa chính trị, văn hóa công quyền và văn hóa xã hội. 

Thiện Văn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất