Thứ Sáu, 13/9/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 17/1/2019 16:36'(GMT+7)

Chuyện sông, chuyện rạch

Người ta quan sát thấy rằng, trừ những dòng sông kín, còn lại tất cả dòng sông đều đổ ra biển. Và trên con đường ra biển cả, dường như những dòng sông không chỉ có một dòng chính, mà còn có những nhánh sông, những con rạch được tách ra, để sau đó cùng chảy ra đại dương. Thì đó, dòng Mê-Kông từ thượng nguồn đổ về nhưng khi ra biển Đông đã tách thành chín nhánh mới được gọi là Cửu Long. Lấy chuyện phân nhánh của những dòng sông là để liên tưởng đến chuyện phân luồng học sinh trong ngành Giáo dục của mình.

Ai cũng biết bất cứ xã hội nào trên thế giới thì "thầy" phải ít hơn "thợ". Trong bất kỳ một tổ chức nào cũng như vậy và trong bất kỳ trong một doanh nghiệp nào cũng vậy. Nếu mà ngược lại thì người ta "phán" liền, rồi "một thằng lính mà chín thằng quan". Do vậy, phân luồng trong giáo dục là chuyện bình thường trên khắp thế giới này. Nó cũng giống như phân luồng của những dòng sông vậy. Mỗi học sinh có những năng lực khác nhau, điều kiện khác nhau, thiên hướng khác nhau thì sao chỉ có một con đường để đi chung? 

Nhưng sự đời không đơn giản như những gì diễn ra trong thế giới tự nhiên. Tâm lý xã hội chạy theo “bằng cấp” và “đẳng cấp” là một lực cản lớn nhất. Từ lý lẽ đó đã dẫn dắt tâm lý của các bậc phụ huynh luôn mong muốn con em mình phải "bằng chị bằng em", "hổng lẻ con em người ta là ông nghè ông cử  mà con em mình thì học nghề trung cấp, cao đẳng thì sao không thấy tui tủi"… Rồi thành tích của cán bộ quản lý và giáo viên cũng góp phần cho xu hướng phân luồng luôn gặp trắc trở. Thì đó, tỷ lệ học sinh đậu vào đại học đang là thước đo cho chất lượng của một cơ sở giáo dục kia mà... Tất nhiên, còn những rào cản khác thuộc về cơ chế, chính sách ở tầm vĩ mô. Tinh thần hiếu học của người Việt mình thì đâu đâu cũng sâu đậm. Tuy nhiên, câu chuyện khoa bảng đang làm méo mó trong việc cân đối nguồn nhân lực cho sự phát triển, tạo thêm gánh nặng không đáng có cho nhiều gia đình, làm lãng phí nguồn lực xã hội.

Trong cuộc sống, chắc không thiếu những câu chuyện về con đường đi khác nhau của học sinh. Chuyện kể rằng, có hai người bạn thân cùng lớp, sau khi tốt nghiệp, một người đi tiếp lên học đại học, rồi cao học... Với thành tích học giỏi, người đó đi làm cho một doanh nghiệp nước ngoài. Người còn lại chọn cho mình con đường học nghề. Với hoài bão trở thành một ông chủ nhỏ, người đó học tiếp kiến thức kinh doanh và kỹ năng điều hành doanh nghiệp, khi gom góp đủ kiến thức và kỹ năng, trở thành người chủ một doanh nghiệp nhỏ. Sau một thời gian thành đạt người đó trở lại trường và tiếp tục theo học những bậc cao hơn. Vậy là, cuối cùng cả hai đều ra biển lớn nhưng bằng hai con đường khác nhau: Một người đi làm thuê và một người làm chủ!

"Nói dông nói dài" để thấy vui trong bụng khi nghe lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh vừa "khoe" năm nay có hơn 600 học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã đăng ký vào học nghề để đi làm việc ở nước ngoài. Tất nhiên, con số đó còn ít so với yêu cầu phân luồng nhưng bước đầu đã cho thấy có sự thay đổi đáng mừng. Để thực hiện tốt chủ trương phân luồng, rất cần đến sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội. Phải hiểu giá trị của việc phân luồng là tạo ra một nguồn nhân lực hài hoà, cân đối cho sự phát triển. Đừng tạo ra và bám víu với tâm lý "chỉ có một con đường vào đại học và con đường đó là vinh quang nhất, tự hào nhất". Tâm lý xã hội đang tạo ra một áp lực lớn cho học sinh - Đó là điều sai lầm cần thay đổi nếu không muốn dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng tiếc. Thì đó, báo chí đưa tin không ít học sinh bị trầm cảm vì không thi đậu vào đại học, thậm chí có em còn tự tử vì mặc cảm, vì xấu hổ…

Coi lại tiểu sử của những người kiệt xuất, những doanh nhân thành đạt, thấy đâu thiếu người xuất thân từ đi bán hàng rong, phụ bếp, lái xe... Nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, sau này họ trở thành những tấm gương khởi nghiệp. "Không có nghề nào là hèn mọn, chỉ có con người hèn mọn", đó là điều thiên hạ tổng kết từ lâu rồi.

Không có sự thay đổi nào là dễ dàng cả, nhất là thay đổi tâm lý từ trong nhà trường đến gia đình và xã hội. Nhưng thế giới người ta làm được sao mình cứ mãi "loay hoay", "trên đổ dưới, dưới trách trên", "nhà trường đổ cho gia đình, gia đình than phiền nhà nước"? Sao cả xã hội lại trách móc nhau rằng để hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp là lãng phí, là bao gia đình gặp khó khăn... ? Thay vì than phiền sao không cùng nhau chung tay hành động? Muốn hành động thì phải có người đi đầu và chịu trách đeo bám đến cùng, nếu không thì lại ‘đánh trống bỏ dùi”. Phải có mục tiêu, chỉ tiêu và tiến độ cụ thể để cùng nhau hành động mới thành công. Đó là câu chuyện của cả nhà trường, gia đình và xã hội chứ đâu của riêng ngành Giáo dục.

Hãy nhớ rằng tất cả dòng sông đều chảy ra biển cả, chỉ khác nhau con đường đi mà thôi!

Xích Lô

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất