Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 18/2/2019 8:36'(GMT+7)

Giữ gìn ý nghĩa trò giành lộc trong các hội làng

Đã có nhiều kiến giải khác nhau về tình trạng lộn xộn cũng như bàn các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, để có hướng xử lý đúng và hiệu quả, cần nhìn nhận rõ nguồn gốc và bản chất của việc giành lộc trong lễ hội.

Các trò diễn trong một số hội làng xưa cũng như nay không chỉ nhằm diễn lại sự tích của Thành hoàng, biểu tỏ lòng biết ơn vị thần đã phù hộ, che chở cho cộng đồng dân làng, mà còn thể hiện những ước vọng tốt lành trong cuộc sống dựa trên nền nông nghiệp ruộng nước. Phần lớn các trò diễn hội làng đều có cuộc đua tài giữa trai đinh các giáp, nhiều trò có cuộc đua để giành “lộc” của thần. Dân gian quan niệm, giành chiến thắng trong các cuộc đua tài, giành được lộc của thần - dù chỉ một chút nhỏ, không chỉ thể hiện sức mạnh của cá nhân và tập thể với đối tác tham gia tranh tài mà còn nhận được những may mắn cho cộng đồng phe giáp, bản thân và gia đình. Vì vậy, đua tài quyết liệt để giành được lộc thần là điều đương nhiên trong các hội làng có trò diễn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các trò diễn gắn với đua tài, giành lộc ở nhiều hội làng diễn ra quá đà. Hội làng xưa thường chỉ tổ chức trong phạm vi từng làng; số hội liên làng, hội vùng (cho nhiều làng) không nhiều. Các trò diễn và các cuộc đua tài tranh lộc chỉ giữa tráng đinh (nam giới từ 18 tuổi đến tuổi trung niên) của từng làng hay các làng tham gia, người làng khác đến dự hội chỉ chứng kiến, không tham dự. Quy mô dân số bình quân của một làng Việt trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ hơn 900 người, cấu trúc vật chất của làng (đường sá, các cơ sở thờ cúng như đình, đền, chùa, miếu …), được xây dựng theo quy mô dân số đó. Ngày nay, dân số của phần lớn các làng đều tăng, trong khi khuôn viên đình, đền vẫn không thay đổi. Chỉ riêng số dân của từng làng có mặt trong hội và trong trò diễn, đã đông và “quá tải”, nay lại thêm một bộ phận đông đảo người các làng khác, thậm chí từ vùng khác đến cũng “vô tư” tham dự cuộc đua tài, giành lộc, làm cho không gian nơi diễn ra hội, nhất là trò diễn càng đông đúc, chật chội, quá tải gấp nhiều lần, tính tranh giành lộc chuyển sang “tranh cướp”, thậm chí “cướp bằng mọi giá” làm cho không gian, không khí hội lộn xộn, ngột ngạt. Con người ngày nay chịu rất nhiều áp lực của cuộc sống trong điều kiện nền kinh tế thị trường đầy khắc nghiệt, nhiều may rủi. Những cuộc tranh tài, giành lộc trong các hội làng là dịp để mỗi người “xả” nỗi bức xúc, trút rủi ro và giành may mắn bằng mọi giá.

Trong hội làng xưa, người ta vào tranh, giành lộc chỉ nhằm có một sự may mắn cho ước mơ hay khát vọng bình dị của cuộc sống dựa trên nền sản xuất nông nghiệp. Còn ngày nay, người ta xô vào cướp lộc bằng mọi giá để đạt được tham vọng lớn hơn rất nhiều: được giàu có, được thăng tiến, thậm chí xóa bỏ bức xúc. Ở một số ít hội, có tình trạng các nhóm thanh niên trong cùng một làng hay giữa hai làng còn lợi dụng trò tranh tài giành lộc để giải quyết mâu thuẫn…

Trong khi đó, số “lộc thần” phát ra để tranh giành có hạn, như hội phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) chỉ có sáu quả phết; hội “Giằng bông” làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chỉ có một cây bông; hội Gióng ở Phù Đổng chỉ có ba chiếc chiếu lễ … Số “lộc” này là vừa đủ để cho cuộc tranh tài của cư dân từng làng có quy mô dưới một nghìn người, trong một không gian tâm linh hẹp như trước đây diễn ra hấp dẫn, song lại quá chật chội với vài nghìn người trong hội ngày nay. Vì thế mới diễn ra cảnh để tranh giành quả phết may mắn, vài trăm thanh niên không ngại xô xát, đánh chửi nhau trên cánh đồng làng tại hội Hiền Quan; vài trăm thanh niên “bao vây”, sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” giằng lấy một cây bông trên khoảng sân đình rộng trên dưới 100 m2 của làng Sơn Đồng, hoặc đám đất không rộng trong hội Gióng, để giằng lấy chiếc chiếu lễ...

Để hạn chế tình trạng hỗn độn trong “cướp lộc” như nêu trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của trò diễn, của việc giành lộc bằng phát thanh, tờ rơi...; giáo dục từ trong cộng đồng gia đình, dòng họ, lớp tuổi, cả các hội, đoàn thể về ý thức và tư thế tham gia hội, nhất là khi tham gia giành lộc để mỗi người có một nhận thức và hành xử đúng. Cần kiên quyết xử lý những người có hành vi quá khích. Xưa kia, các làng đều đề ra quy định phạt rất nặng những người (bất kể là người làng hay người làng khác đến) có hành vi càn quấy trong hội, nhất là tự tiện tham gia “làm hỏng trò diễn”, “tranh cướp quá đà”…

Không chỉ “đánh” vào kinh tế (phạt tiền) mà cả vào danh dự, uy tín người vi phạm, như cho mõ và tuần phiên áp giải đi khắp làng bêu riếu, hoặc nhốt vào rọ tre rồi đưa lên một cây cao ngay trong khu vực hội, do vậy, không mấy người dám có những hành vi vi phạm. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là cần đổi mới, cải tiến việc tổ chức tranh lộc thần. Nên chăng, ở hội phết Hiền Quan, ngoài sáu quả phết chính, cần chế thêm nhiều quả phết và cũng đem lễ thần rồi chuyển ra ngoài, để tạo cơ hội giành lộc cho nhiều người. Cũng vậy, hội Giằng bông ở Sơn Đồng cần có thêm nhiều cây bông khác đem lễ thần để nhiều người có thể giành được…

Nhiều người cho rằng, việc làm thêm phết, hay cây bông là “sai nghi thức truyền thống”. Tuy nhiên, xã hội ngày nay đã thay đổi nhiều, nếu cứ khư khư “giữ truyền thống” thì tình trạng hỗn độn, tranh cướp quá đà của các hội không thể khắc phục…

Một mùa lễ hội lại đến, cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề để có các giải pháp hữu hiệu.

PGS, TS Bùi Xuân Đính

Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn: Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất