Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 16/11/2009 16:41'(GMT+7)

Chung kết Sao Mai khu vực phía Nam 2009: Nhạc nhẹ áp đảo

 

Nhạc nhẹ: Nửa đầu lấn cấn...

 Dòng nhạc nhẹ đã có một mở đầu khá lấn cấn nhưng lại ghi điểm ngoạn mục ở nửa sau. 4 thí sinh ở nửa đầu đều vướng ở những điểm khá cũ: chọn bài không phù hợp và cách thể hiện nghiêng về bề nổi.

 
Phan Ngọc Luân là người mở màn cho dòng nhạc nhẹ. "Cỏ và mưa" (Giáng Son) có lẽ là một ca khúc quá nặng kí với anh. Cộng với đó, cách thể hiện quá thiên về trình diễn dẫn tới phần thi của Luân thiếu điểm nhấn.
 
 Trần Phi Long có một chất giọng đẹp tuy nhiên tác phẩm “Cánh diều” của Ngọc Đại cũng là một lựa chọn không thật sự thích hợp. Dù đã chuyển tải được phần nào ý đồ của tác giả với cách hát mộc mạc, nhả chữ rõ ràng, có xúc cảm, nhưng cách xử lý của Phi Long không có gì mới, không ấn tượng.
 
Tác phẩm "Trăng khát" của Lê Minh Sơn với giọng ca Tấn Đạt cũng không nổi bật hơn. Thiếu cá tính, dàn trải dẫn tới... nhạt!
 
Nhưng có lẽ trường hợp có vấn đề chọn bài rõ nhất trong đêm qua là thí sinh Lâm Ngọc Đức. Giọng ca đẹp và đầy triển vọng nhưng Lâm Ngọc Đức đã chọn một ca khúc không hề có đất để khoe giọng “Niềm vui trên biển” (Hoàng Bửu). Với cách vào đầu khá ngọt, Đức đã cuốn người xem và khiến họ chờ đợi sự bứt phá ở phần sau.
 
Nhưng, Đức đã làm người nghe thất vọng với phần thể hiện đều đều, đậm chất biểu diễn văn nghệ quần chúng hơn là tham dự một cuộc thi âm nhạc. Cũng theo đó, chất giọng đẹp của anh bị chìm. Có lẽ nếu biết chọn ca khúc phù hợp với một cuộc thi âm nhạc lớn như Sao Mai, Lâm Ngọc Đức đã làm được nhiều nhiều hơn những gì anh đã thể hiện trong đêm qua… Hy vọng bước vào vòng trong Đức sẽ chú ý hơn ở khâu chọn bài, không để người xem phải thất vọng.
 
“Các bạn thí sinh chọn bài theo quan niệm có sẵn chứ không cân nhắc xem có nên hát bài đó trong một cuộc thi như thế này hay không. Đó chính là sai lầm trong chọn bài. Khi chọn bài, các thí sinh cần chọn những ca khúc phù hợp, phù hợp ở đây là phù hợp với chất giọng, với cách biểu diễn, với sự cảm nhận, lứa tuổi… và đặc biệt là với môi trường thể hiện” – NSND Trung Kiên góp ý thẳng thắn.
 
Nửa sau ấn tượng - "người cũ" đăng quang
 
Nhưng mọi sự lấn cấn và bí bức ở dòng nhạc nhẹ đã hoàn toàn bị đánh tan ở 4 thí sinh sau cùng. Lương Viết Quang, thí sinh đã từng lọt vào chung kết Sao Mai toàn quốc 2007, tiếp tục tái xuất trên sân khấu này nhưng với một lựa chọn mới: Thay vì dân gian Quang chọn nhạc nhẹ. Và, tác phẩm "Con cò" của Lưu Hà An – tác phẩm đã “đóng đinh” với giọng ca Tùng Dương - đã được Quang thể hiện tròn trịa với cách xử lý mới, đi vào lòng người, hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của người trước. “Tôi thật sự có cảm tình với giọng ca này. Quang xử lý ca khúc rất tốt. Nghe rất nhẹ nhõm!” – NSND Trung Kiên đã khen. Trong đêm qua, Quang cũng giật luôn giải thưởng “Ca sĩ được khán giả bình chọn nhiều nhất”.
 
Ca khúc “Về đi em”(Trần Tiến) có lẽ là một sự lựa chọn thông minh của Mai Quốc Việt. Phù hợp với chất giọng, quãng giọng và đặc biệt thí sinh đã cảm nhận được đầy đủ và sâu sắc nội dung của ca khúc. Tuy nhiên, cái khiến Việt bị chê nhiều nhất đó chính là quá "diễn". “Bạn quá nghiêng về sự biểu diễn nên đã che lấp mất tình cảm thực” - Nhạc sĩ Ngọc Châu thẳng thắn.
 
Dù không thật sự nổi bật và cách xử lý làm mới ca khúc chưa thật sự hợp lý nhưng Nguyễn Ngọc Linh với “Độc huyền cầm” (Bảo Lan) vẫn là một ca khúc lấy được cảm tình của khán giả cũng như khách mời.
 
Với những người yêu Sao Mai thì Đức Quang không phải là gương mặt lạ. Cũng như Viết Quang, Đức Quang đã từng lọt vào chung kết Sao Mai toàn quốc 2007 ở dòng dân gian. Trở lại cuộc thi với dòng nhạc nhẹ, Đức Quang đã được khán giả đặt khá nhiều kỳ vọng. Giọng ca dày, gương mặt sáng sân khấu, có kinh nghiệm chọn bài và biểu diễn… Đức Quang đã thể hiện khá thành công “Giấc phù du” (Hà Dũng).
 
Sự áp đảo về số lượng của các ca khúc dòng nhạc nhẹ là điều không nhiều bất ngờ với khu vực phía Nam bởi thành phố Hồ Chí Minh là thị trường màu mỡ nhất của nó. Tuy nhiên, sự bứt phá về chất lượng trong một cuộc thi như thế này là điều ít người dự đoán trước. Và, nếu có cách chọn bài hợp lý, có thể, trong năm nay, các thí sinh dòng nhạc nhẹ phía Nam sẽ "làm nên chuyện"...
 
Thính phòng – dân gian: Thiếu muối
 
3 giọng ca thính phòng đêm qua không có nhiều nổi bật. Có lẽ gây được nhiều ấn tượng nhất chính là giọng ca mở đầu Đào Nguyễn Tấn Phát với “Dòng sông Đăckrông đón mùa xuân về”. Dù cách xử lý thiếu nhất quán nhưng với lối hát chân chất, nhiều cảm xúc, Phát chiếm được khá nhiều tình cảm của người xem.
 
Trung Nhật là gương mặt cũ, anh đã từng vào chung kết Sao Mai toàn quốc 2007, dòng thính phòng nhưng chỉ dừng lại ở đó. Trở lại với Sao Mai năm nay, ưu điểm của Nhật là biết làm chủ sân khấu tuy nhiên cách hát quá cường điệu của anh khiến ca khúc “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi) mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của nó.
 
Lê Thị Huyền Trang với “Người mẹ miền Nam tay không bắt giặc” chưa phải là một phần thể hiện tốt. “Cần phải học tập thêm” đó là góp ý của cả 3 khách mời trong đêm qua dành cho Trang.
 
Về dòng dân gian, ở khu vực phía Nam chỉ chọn được 2 thí sinh vào chung kết khu vực. Đêm qua, thí sinh Phạm Thúy Hằng có một lựa chọn rất hợp lý. Cô mang tới một ca khúc mang âm hưởng dân gian Nam bộ “Mình ơi” (Minh Vy), sâu lắng, ngọt ngào. Qua 3 đêm chung kết, dễ nhận thấy một điều, với dòng nhạc dân gian, các thí sinh nên biết tận dụng thế mạnh trong âm giọng vùng miền của mình để chọn ca khúc phù hợp… Và có lẽ, chọn ca khúc mang đậm chất "quê mình" là một lựa chọn thông minh!
 
Thí sinh cuối cùng của dòng dân gian Nguyễn Thị Bích Hội chọn bài “Đá trông chồng” của Lê Minh Sơn. Hội có giọng ca khoẻ nhưng thiếu cá tính, phần thể hiện trong đêm qua thiếu lửa…
 
Với sự đánh giá của Ban giám khảo, các thí sinh  sau được bước tiếp vào chung kết SM toàn quốc:
 
- Nhạc nhẹ:                1. Lương Viết Quang
                                   2. Lâm Ngọc Đức
                                   3. Trần Phi Long
- Thính phòng:           
                                   1.Đào Nguyễn Tấn Phát
                                   2. Nguyễn Trung Nhật
- Dân gian:                 
                                   1. Phạm Thuý Hằng
                                   2. Nguyễn Thị Bích Hội.    


Như Quỳnh (theo VTV)  


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất