Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 15/11/2009 21:23'(GMT+7)

GS, TS Trần Văn Khê: Bảo tồn không gian cồng chiêng Tây Nguyên quan trọng nhất là giới trẻ

GS.TS. Trần Văn Khê.

GS.TS. Trần Văn Khê.

Phóng viên:  Xin GS cho biết một vài nét đặc thù của cồng chiêng Tây Nguyên?

GS.TS. Trần Văn Khê: Cồng chiêng Tây Nguyên có những nét độc đáo, dựa trên triết lý sống, tư duy của các dân tộc Tây Nguyên. Đó là sự đa dạng, linh hoạt trong diễn tấu, trong biên chế của dàn cồng, không căn cứ vào độ cao và chức năng của mỗi loại cồng trong khi biểu diễn mà có liên quan tới tổ chức xã hội: có cồng mẹ, cồng cha, cồng con, cồng cháu…Cách gõ cồng cũng đặc biệt, hết sức linh hoạt: dùi làm bằng gỗ cứng, gỗ mềm, bọc da, gõ bằng tay phải hay tay trái, trong khi gõ, tay có thể bóp vành cồng tạo nên âm thanh khác nhau…  

Trong dàn cồng chiêng, vị trí của mỗi cá nhân cũng hết sức đặc biệt: đối tượng quan trọng nhất bao giờ cũng ở giữa, dàn cồng đi vòng quanh đối tượng từ phải sang trái, ngược chiều kim đồng hồ, với ý nghĩa ngược thời gian trở về dĩ vãng, từ bên ngoài vào trong tim…

Không chỉ là một nhạc cụ, cồng chiêng còn có chức năng như một sợi dây linh thiêng, nối liền giữa con người với thần linh. Cồng chiêng có mặt trong mọi giai đoạn sống của con người:từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi giã biệt cõi đời, cũng như có mặt trong mọi hoạt động cộng đồng của người Tây Nguyên: mừng lúa mới, cưới hỏi hay ma chay…


GS.TS. Trần Văn Khê chụp ảnh kỷ niệm cùng các nghệ nhân trẻ Chăm H’roi.


Phóng viên: Vậy cồng chiêng của các dân tộc khác nhau có khác nhau không, thưa GS?

GS.TS. Trần Văn Khê: Về mặt ý nghĩa, cồng chiêng của các dân tộc cơ bản là giống nhau: đều là phương tiện truyền tin cho cộng đồng, là vật thiêng để liên hệ với thần linh. Tuy nhiên về mặt hình thức, mỗi dân tộc đều có một cách thể hiện riêng của mình, giống như một vườn hoa đua sắc với trăm loại hoa. Như vậy là, có thể hình thức khác nhau, nhưng nội dung là như nhau.

Phóng viên: Theo GS, sau bốn năm được công nhận là di sản, chúng ta đã làm được những gì để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng?

GS.TS. Trần Văn Khê: Tôi cho rằng cái được lớn nhất là không để bị chảy máu cồng chiêng. Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã ý thức được giá trị quý báu của những gì mình có trong tay. Họ không bán cồng ra ngoài, mà đã biết giữ lại, sưu tầm thêm và truyền dạy cho thanh niên trong làng. Quan trọng nhất là bản thân lớp trẻ ở những nơi này cũng đã ý thức được tầm quan trọng của cồng chiêng, muốn học đánh cồng và tự hào về cái hay, cái đẹp của dân tộc mình. Họ đã chơi cồng bằng cả tâm hồn mình, chứ không chỉ là tay gõ, chân múa mà trong đầu không có tư duy về cồng chiêng.

Cồng chiêng Tây Nguyên cần lớp kế tục như những cậu  bé này.

Trước đây, người phương Tây cũng đã có nghiên cứu về cồng chiêng, nhưng họ không phải  là người Việt, không phải người dân tộc nên không thể hiểu sâu và nắm rõ triết lý sống trong cồng chiêng như chính những người dân bản địa. Vì vậy những gì mà họ nắm được trước đây phần lớn chỉ là mô tả hình thức: số lượng bao nhiêu, cao độ bao nhiêu, đánh ra sao mà không thể nắm được cái hồn của cồng chiêng như người các dân tộc Tây Nguyên.

Khi người Tây Nguyên, đặc biệt là lớp trẻ, nếu chịu khó học, nắm được phương pháp nghiên cứu khoa học, hiểu rõ được cái hay, cái đẹp của cha ông mình, thì sẽ có ý thức bảo vệ và giữ gìn.

Phóng viên: Thưa GS, hiện nay có một số buôn làng hoàn toàn không còn cồng chiêng, một số địa phương đã mua cồng chiêng từ nơi khác để cung cấp cho họ, điều này có nên chăng?

GS.TS. Trần Văn Khê: Hiện nay cồng chiêng ở Tây Nguyên không phải do người Tây Nguyên làm ra, mà phần lớn được đưa lên từ những làng đúc dưới đồng bằng. Theo tôi, cung cấp cồng chiêng kiểu này hoàn toàn chấp nhận được, miễn là ở nơi đó có những người chỉnh chiêng giỏi. Chính những người chỉnh chiêng đó làm nên thanh âm của dàn cồng cho buôn làng mình.Người chỉnh chiêng sẽ điều chỉnh âm thanh của dàn cồng theo đúng thẩm mỹ của người Tây Nguyên, phù hợp với triết lý sống của vùng đất nơi họ ở.

Một tốp múa trẻ tại đêm khai mạc Liên hoan.

Phóng viên: Theo GS, những việc tiếp theo trong quá trình bảo tồn không gian cồng chiêng Tây Nguyên là gì?

GS.TS. Trần Văn Khê: Bảo tồn nghĩa là giữ lại cho cồng chiêng đừng mất mát, chứ không phải là giữ mọi thứ không thay đổi, bắt người đời nay phải sống như người đời xưa. Tức là phải chấp nhận một vài biến chuyển do cuộc sống mới, nhưng phải làm sao để cồng chiêng đừng biến chất, không còn là cồng chiêng mà trở thành loại nhạc cụ bị ngoại lai. Một điều quan trọng nữa là thuyết phục được giới trẻ yêu quý, từ đó có ý thức giữ gìn di sản cha ông.

- Xin cảm ơn GS.

(Nguồn: ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất