Thứ Sáu, 27/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 13/5/2012 11:24'(GMT+7)

Bình Dương "giữ chân" người lao động bằng chất lượng dịch vụ xã hội

Ngày càng có nhiều nhà ở xã hội được xây dựng tại tỉnh Bình Dương.

Ngày càng có nhiều nhà ở xã hội được xây dựng tại tỉnh Bình Dương.

Chính sách xã hội hướng đến người lao động

Từ địa phương có cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ sản xuất lạc hậu, sau 15 năm phát triển, tỉnh Bình Dương luôn giữ được mức tăng trưởng cao và toàn diện, GDP bình quân hằng năm đạt 14,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp 62,2%, dịch vụ 33,7% và nông nghiệp chỉ còn 4,1%. Ðến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp, tổng diện tích 9.000 ha, với hơn 14 nghìn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đầu tư khoảng 91 nghìn tỷ đồng và gần 15 tỷ USD, thu hút hơn 700 nghìn lao động, chủ yếu lao động ngoài tỉnh. Sự phát triển kinh tế vượt bậc đã đưa Bình Dương sánh ngang các tỉnh, thành phố lớn. Yếu tố nào làm nên kỳ tích Bình Dương?

Có lý giải rằng, chính sách "trải chiếu hoa", thu hút nhà đầu tư, đã đưa Bình Dương từ tỉnh thuần nông, sang tỉnh công nghiệp-đô thị. Tuy nhiên, thực tế là, chính hàng trăm nghìn lao động, ngày đêm miệt mài trong những công xưởng, nhà máy, trực tiếp làm ra của cải vật chất, là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của Bình Dương phát triển.

Với "tầm nhìn xa trông rộng" Bình Dương coi sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đô thị hóa, do lực lượng lao động và doanh nghiệp là động lực chính. Trong đó, lượng lao động trẻ nhập cư, chiếm hơn một phần ba dân số, được chính quyền tạo mọi điều kiện để giải phóng năng lực, đồng thời cung cấp dịch vụ xã hội, như y tế, giáo dục và nhà ở với khả năng tốt nhất có thể, để họ yên tâm lao động, sản xuất.

Lãnh đạo tỉnh khẳng định, để có nguồn nhân lực ổn định, Bình Dương quan tâm đến giáo dục, đào tạo nghề, y tế và nhà ở... phục vụ người lao động, nhất là lao động nhập cư, thì họ sẽ gắn bó, coi đó là quê hương thứ hai, quyết tâm "an cư lạc nghiệp". Những năm qua, ngoài chuẩn hóa các trường tiểu học, trung học cơ sở, Bình Dương từ chỗ chỉ có vài trường nghề, nay phát triển 11 trường đại học, cao đẳng, sáu trường trung cấp và hàng chục trung tâm dạy nghề, mỗi năm đào tạo và cung ứng cho thị trường lao động của tỉnh hàng chục nghìn người có trình độ, tay nghề cao. Ngoài ra, Bình Dương đã ký hợp tác với 14 tỉnh và thông qua trung tâm giới thiệu việc làm với 30 tỉnh, thành phố trong cả nước về đào tạo nghề và cung ứng lao động, đó là chủ trương táo bạo, nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động, theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ngoài nâng cao năng lực hoạt động bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh các tuyến, Sở còn chú trọng tăng cường đầu tư trang thiết bị cho mạng lưới y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế gần các khu, cụm công nghiệp để tiện chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ngoài giờ cho công nhân, người lao động; đồng thời đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa y tế, tạo điều kiện cho các thành phần tư nhân, các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng mạng lưới y tế, với chính sách khám bảo hiểm y tế cho người lao động.

Ðề án nhà ở xã hội của tỉnh Bình Dương được người lao động rất quan tâm. Theo Tổng Giám đốc Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng, riêng giai đoạn 2011-2015 sẽ thực hiện 37 dự án trên diện tích đất quy hoạch là 220 ha, tổng vốn đầu tư gần 11 nghìn tỷ đồng, xây dựng khoảng 64 nghìn căn hộ với tổng diện tích xây dựng hơn 2,7 triệu m2 phục vụ chỗ ở cho hơn 164 nghìn người. Dẫn chúng tôi thăm những căn hộ được thiết kế khoa học, tiện nghi, dễ dàng chuyển đổi căn hộ 30m2 thành 60m2..., giá từ 90 triệu đồng đến 140 triệu đồng/căn, một cán bộ của Becamex IDC nói, hiện đã nhận hàng nghìn hồ sơ xin mua nhà của người lao động.

Ngoài ra, theo LÐLÐ tỉnh Bình Dương còn có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho người lao động như: Vận động các chủ nhà trọ không tăng giá thuê nhà công nhân; cứ bốn người/phòng thì được mua 50 kW điện giá nhà nước; tổ chức xe đưa đón về quê ăn Tết; hỗ trợ tiền cho các đối tượng nghèo, đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, không có điều kiện về quê ăn Tết... Do chính sách xã hội tốt, vì vậy Tết Nhâm Thìn vừa qua, gần 200 nghìn công nhân ở lại Bình Dương, sau Tết có hơn 90% số công nhân trở lại làm việc.

Doanh nghiệp cũng đầu tư vào người lao động

Chuyện Bình Dương giữ chân người lao động bằng nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội, với mục đích cùng phát triển, cùng thụ hưởng thành quả lao động và gắn bó lâu dài với mảnh đất này, bớt tư tưởng "đứng núi nọ, trông núi kia" đã lan tỏa đến các doanh nghiệp, trong và ngoài nước. Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Trần Văn Dũng, đến nay đã có hơn 200 doanh nghiệp chủ động xây dựng chỗ ở cho công nhân và từ nay đến năm 2015, khoảng 60% số công nhân lao động sẽ có chỗ ở ổn định.

Giám đốc nhân sự Công ty TNHH một thành viên may mặc Bình Dương Nguyễn Hồng Anh cho biết, sở dĩ công ty giữ chân được người lao động, là nhờ việc quan tâm chế độ tiền lương, phúc lợi, trong đó đầu tư 120 tỷ xây dựng bốn block nhà ở cho hơn 1.000 công nhân, ai không ở sẽ được công ty hỗ trợ 150 nghìn đồng/tháng, vì thế bảy năm nay, số lượng công nhân luôn ổn định từ 2.500 đến 2.700 người. Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, từ năm 2008 đã đầu tư 1,5 triệu USD, trên diện tích đất hơn 8.500m2, xây dựng 70 phòng trang bị đầy đủ tiện nghi làm nhà ở cho công nhân, thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa doanh nghiệp và người lao động. Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam tại KCN VSIP I cũng đầu tư xây dựng 134 phòng ký túc xá, mỗi phòng đủ chỗ sinh hoạt, nghỉ ngơi cho 4 công nhân và đang có kế hoạch xây thêm hai khu  tương tự, để hơn 1.000 công nhân yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với công ty. Năm 2011, Công ty Thiên Nam đã xây dựng khu nhà ở công nhân, với quy mô diện tích 10 nghìn m2, tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng... Ngoài dạy nghề, nhiều công ty còn đầu tư cả trạm y tế, thư viện, khu vui chơi giải trí..., với mục đích để giữ chân người lao động.

Có được thành quả phát triển kinh tế-xã hội trong những năm qua, là do Bình Dương làm tốt chính sách với người lao động, đặc biệt là chính quyền các cấp đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội, trong đó chủ chốt nhất vẫn là giáo dục, y tế và nhà ở để người lao động yên tâm làm việc. Từ thực tế Bình Dương, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính và điều chỉnh quy định chưa hợp lý, cho phép xây nhà ở công nhân "trên diện tích đất chờ nhà đầu tư" trong các KCN, một mặt để tránh lãng phí, mặt khác để công nhân đi lại thuận tiện hơn.

Do phát triển nhanh, người nhập cư đông, Bình Dương cũng gặp phải vấn đề quá tải về y tế, thiếu nhà trẻ, trường học dành cho con em công nhân; nơi ở trọ của nhiều công nhân dưới tiêu chuẩn; đời sống của nhiều công nhân còn khó khăn, đặc biệt là tệ nạn xã hội, an ninh trật tự tại khu vực giáp ranh với Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh khá phức tạp.

Ðể phát triển bền vững, ngoài việc ổn định việc làm, Bình Dương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học, bệnh viện phục vụ nhu cầu học tập, chữa bệnh của con em công nhân, người lao động. Tránh tình trạng con em công nhân thất học, hoặc phải gửi trong những nhà trẻ tư nhân không bảo đảm an toàn.

Lê Thẩm/ Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất