Bài học về sự chậm trễ trong phòng ngừa, để rồi phải vội vàng trong khắc phục hậu quả luôn mang tính thời sự, nhất là khi mùa mùa bão đang đến gần.
Cách đây đúng một tháng, ngày 15/4, một vụ sạt lở đất đã kinh hoàng đã xảy ra tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ, cướp đi sinh mạng của nhiều người và chôn vùi nhà cửa, tài sản của họ.
Giờ đây khi nhìn nhận lại sự việc này, ta thấy rằng: Nếu như trước đó các ban ngành liên quan có những hành động kịp thời, giảm thiểu nguy cơ xảy ra vụ sạt lở, thì có lẽ tai họa đã không xảy ra. Bài học về sự chậm trễ trong phòng ngừa, để rồi phải vội vàng trong khắc phục hậu quả luôn mang tính thời sự, nhất là khi mùa mùa bão đang đến gần.
Trớc khi xảy ra ngày định mệnh đó, đã có những kiến nghị và cả lời cầu cứu của người dân sống dới chân bãi thải. Một số phóng viên có mặt tại hiện trường sau khi xảy ra sự cố được người dân nơi đây cho biết, đây là vụ sạt lở thứ ba tại bãi thải này. Như vậy có thể thấy rằng, đã có những dấu hiệu và lời cảnh báo về sự cố này trước khi nó xảy ra.
Điều này chắc chính quyền địa phương đã biết, đơn vị chủ quản bãi thải cũng đã biết, nhưng tại sao từ trước đó cho đến khi xảy ra tai họa đã không có bất cứ một hành động cụ thể nào nhằm ngăn chặn nó?
Theo thiết kế, bãi thải này được đổ đến độ cao dương 180m, thời điểm xảy ra sự cố thì bãi thải đang đổ đến độ cao 170m, có nghĩa là ngưỡng đổ cho phép còn 10m nữa. Phải chăng đây là cơ sở cho những biện minh về sự chậm trễ trong việc ngăn chặn tai họa đang hiện hữu?.
Lý do thứ hai của sự chậm trễ cũng cần được nói tới, đó là vấn đề kinh phí cho công việc giảm thiểu nguy cơ sạt lở. Nếu xét thuần túy về mặt kinh tế thì đây là khoản chi ngoài kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị chủ quản bãi thải, và nếu như các ban ngành liên quan có ý định hành động để ngăn ngừa tại họa, thì khoản kinh phí dành cho nó cũng rất khó được thông qua.
Vấn đề quan trọng ở đây là sự nhận thức, vì nếu xem xét sự việc ở góc độ đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân thì cái ngưỡng 10m kia đã không trở thành một con số vô tâm, vô tình và cái khoản chi dù chưa đến hạn kia cũng sẽ trở nên cấp thiết.
Nếu vụ sạt lở không xảy ra, thì với độ cao 10m để đổ thêm hàng nghìn tấn đất đá, tai họa cũng sẽ ập xuống người dân ở xóm Khuân 1 – xã Phục Linh – huyện Đại Từ – tỉnh Thái Nguyên vào một ngày không xa.
Điều phải đến đã xảy ra, dù không quá bất ngờ, nhưng hình như tai họa hay đến một cách bất ngờ. Hàng nghìn tấn đất đá đổ ập xuống cái xóm nhỏ bé khi nó còn đang chìm trong giấc ngủ và chắc là sẽ có người mà giấc ngủ ngày hôm đó đã trở thành giấc thiên thu.
Sau đó là công cuộc khắc phục hậu quả của vụ sạt lở, hàng chục cỗ xe – máy cùng với hàng trăm con người tìm kiếm trên đống đất đá rộng tới cả trăm mét vuông để tìm cho được thi thể của những người xấu số. Nhờ sự quyết tâm cao nhất của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, cùng những biện pháp tìm kiếm đặc biệt, hậu quả của sự cố đã được khắc phục phần nào, những gia đình có người thân bị mất, nhà cửa bị vùi lấp đã tạm yên tâm, ấm lòng nhưng thiệt hại về lâu dài vẫn còn đó.
Ở đây đã xảy ra điều mà cổ nhân từng dạy: “Cái sảy nảy cái ung” và “Một lần không tốn bốn lần không xong”.
Mùa mưa bão đang đến gần, năm nay được dự báo là sẽ có những diễn biến bất thường của thời tiết do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Tai họa thiên nhiên thường, bất ngờ khó đoán định, nhưng nếu có được sự chủ động phòng chống thiên tai thì chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế, giảm thiểu được những thiệt hại mà nó gây ra.
Hãy bắt đầu từ trong nhận thức và sau đó là những hành động cụ thể để cho những bài học có được từ thiên nhiên không nằm khô cứng trên những trang giấy, trong những bản báo báo cáo đang ngày một dày thêm… và như thế sẽ phần nào làm bớt đi những mất mát đau thương của con người./.
(Theo: VOV)