Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 26/2/2012 15:32'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Tạo bước đột phá ở xã thuần nông

Dạy nghề cho nhau để xóa đói giảm nghèo ở xã Cư Pơng

Dạy nghề cho nhau để xóa đói giảm nghèo ở xã Cư Pơng

 Đến xã anh hùng Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk những ngày này, đi trên nhiều con đường vừa được rải nhựa và bê tông sẽ cảm nhận thật rõ không khí phấn khởi của một địa phương đang nỗ lực xây dựng NTM.


Xã Cư Pơng nằm cách trung tâm huyện Krông Búk 30 km về hướng Tây có 7 dân tộc anh em cùng chung sống ở 18 thôn buôn với hơn 10 nghìn nhân khẩu. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây đã nuôi giấu nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Hòa bình lập lại, đồng bào các dân tộc Cư Pơng lại tập trung phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Từ năm 2001, được sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước thông qua các chương trình 134, 135 và thay đổi cách làm ăn nên cuộc sống nơi đây ngày càng khởi sắc. Tuy là xã vùng sâu, cách trung tâm huyện Krông Búk 30 km, có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng Cư Pơng lại nức tiếng giàu có. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất của xã đạt trên 320 tỷ đồng, thu ngân sách trên 13 tỷ đồng.

Ngay sau khi tiếp nhận chủ trương xây dựng nông thôn mới, Cư Pơng đã tích cực phát huy nội lực, sức đóng góp của nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ đời sống và sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi đạt hiệu quả cao. Trong nông nghiệp, Cư Pơng hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa với các loại cây trồng chủ lực là cà phê, điều, hồ tiêu và cao su. Hiện nay, diện tích các cây công nghiệp dài ngày của xã là gần 6.000 ha, trong đó, cà phê hơn 5.500 ha, cao su 180 ha, điều 196 ha...Đồng bào các dân tộc đã thực hiện tốt các biện pháp thâm canh nên năng suất các loại cây trồng ngày càng tăng lên. Hiện nay, hộ khá, giàu của xã trên 30%, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm mạnh. Thời gian tới, xã khuyến khích đồng bào mở rộng diện tích các cây trồng nói trên, phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện, các trường đại học, công ty chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả và đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, xã đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, đường điện, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp của để nâng cấp, cải tạo các tuyến đường liên buôn, liên xã. Khi có đề án xây dựng nông thôn mới của xã, đồng bào tích cực tham gia đóng góp tiền, ngày công, nhiều gia đình trong buôn đã tự nguyện hiến đất, hiến cây để tạo thuận lợi cho việc làm đường giao thông nông thôn. Trong năm 2011, xã đã xây dựng được 2 công trình thuỷ lợi (Ea Tuk và Ea Brơ) với kinh phí gần 20 tỷ đồng, nạo vét hơn 10 km kênh mương. Nhiều hộ còn góp vốn kéo điện 3 pha để tưới nước cho cà phê nên đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí xăng dầu, ngày công...

Phát huy tiềm năng nội lực cùng với tranh thủ nguồn vốn huy động từ bên ngoài, xã đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất khang trang. Năm 2011, trụ sở làm việc của xã đã được đầu tư xây dựng mới. Các trường học đều được xây với khuôn viên rộng rãi và đầy đủ các phòng chức năng, phục vụ tốt công tác dạy và học. Trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đã đạt chuẩn quốc gia. Xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và có gần 50 em đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia đảm bảo việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Tuy không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng Cư Pơng đã đạt được 10/19 tiêu chí mà chương trình đề ra.

Ông Bùi Xuân Giàu, Chủ tịch UBND xã cho biết: xây dựng NTM là việc làm có tính chiến lược và lâu dài. Có được sự thành công bước đầu trong quá trình thực hiện đề án xây dựng NTM của xã, trước hết xã đã làm tốt công tác tuyên truyền. Tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, không chần chừ, ỷ lại mà phải có sự vào cuộc thật quyết liệt của tất cả các thôn buôn trong xã. Đồng bào có hiểu, có thấy được lợi ích thiết thực thì mới đồng tình ủng hộ.

Đảng bộ, chính quyền xã đang tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, kết hợp sự vận động đóng góp của nhân dân, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp... để đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Đó là nhân tố, là tiền đề để xã Cư Pơng xây dựng thành công mô hình NTM và mô hình này sẽ tạo bước đột phá cho sự phát triển của một xã thuần nông./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất