Thứ Ba, 8/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Bảy, 1/8/2009 21:36'(GMT+7)

Chuyển biến trong công tác phát triển đảng viên ở Chi Lăng

Ải Chi Lăng hôm nay (Ảnh minh hoạ).

Ải Chi Lăng hôm nay (Ảnh minh hoạ).


Ðến nay, các chi bộ mới thành lập đã khẳng định năng lực lãnh đạo của mình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của một số chi bộ thôn vẫn còn những yếu kém cần khắc phục.

Chi Lăng là một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Cuối năm 2004, Chi Lăng triển khai thực hiện Chỉ thị 36 của Tỉnh ủy về công tác phát triển đảng viên, xóa thôn, trường chưa có đảng viên, giảm thôn còn ghép chi bộ. Huyện ủy Chi Lăng đã xây dựng kế hoạch và quán triệt đến từng chi bộ, đảng  bộ cơ sở. Với công tác phát triển đảng viên, Huyện ủy chủ trương đề ra chỉ tiêu phấn đấu cho từng chi bộ, coi đây là tiêu chí xếp loại tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, nhất là Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đổi mới phương thức hoạt động đưa thanh niên tham gia các phong trào thi đua yêu nước, qua đó phát hiện, giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú với chi bộ Ðảng. Sau năm năm thực hiện Chỉ thị, số lượng đảng viên trong toàn Ðảng bộ huyện đã tăng gấp hai lần so với năm 2004. Trong công tác giảm trường ghép chi bộ, các chi bộ, đảng bộ nhà trường cũng có nhiều cố gắng, nên đến nay đã không còn trường  ghép  chi bộ.

Khó khăn nhất với Chi Lăng là công tác giảm thôn ghép chi bộ. Năm  2004, Chi Lăng có khoảng 20 thôn ghép chi bộ, chủ yếu tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chỉ thị 36, các đảng ủy xã đã rà soát, thống kê số lượng đảng viên các thôn. Ðối với những thôn có đủ điều kiện thành lập chi bộ thì triển khai việc tách và tổ chức chi bộ độc lập. Với những thôn số đảng viên không đủ để thành lập chi bộ, Ðảng ủy xã phân công đảng viên chi bộ thôn gần đó sinh hoạt cùng, tập trung phát triển đảng viên tại chỗ, khi có đủ số lượng và điều kiện thì thành lập chi bộ mới. Ở những thôn khó khăn, các đồng chí đảng ủy viên trực tiếp xuống sinh hoạt cùng. Với cách làm này, sau năm năm Chi Lăng đã tách và thành lập mới hơn 40 chi bộ thôn.

Theo Bí thư huyện ủy Chi Lăng Hoàng Trúc: Hầu hết các chi bộ thôn mới thành lập đều khẳng định được vai trò lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của mình. Thôn Thưa Phầy, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng có 36 hộ đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Là thôn đặc biệt khó khăn, cho nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Cả thôn có hai đảng viên, phải sinh hoạt ghép với chi bộ thôn A Phèo. Năm 2004, thực hiện Chỉ thị 36, chi bộ thôn A Phèo nhiều lần sinh hoạt chuyên đề về công tác phát triển đảng viên; phân công nhiệm vụ phát triển đảng cho từng đảng viên. Từ đó, công tác phát hiện nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng quan tâm hơn. Sau sáu tháng đã phát hiện, bồi dưỡng một quần chúng ưu tú, trẻ tuổi là đồng chí Nông Văn Vít, trưởng thôn Thưa Phầy. Ðến hai năm sau, Thưa Phầy thành lập chi bộ độc lập. Từ khi có chi bộ, việc ra nghị quyết lãnh đạo các nhiệm vụ của thôn sát đúng với thực tế; chi bộ ngày càng khẳng định được vai trò trong chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân.

Phần đông các chi bộ, đảng bộ cơ sở phát huy tốt vai trò lãnh đạo, nhưng vẫn còn một số chi bộ hoạt động lúng túng do hầu hết là đảng viên mới kết nạp; một số bí thư, phó bí thư chi bộ năng lực còn hạn chế. Chính vì vậy Huyện ủy Chi Lăng vẫn tiếp tục tăng cường cán bộ cho 12 chi bộ thôn mới thành lập. Thêm vào đó, số lượng đảng viên ở các chi bộ này ít (chỉ từ hai đến  ba đảng viên) do nguồn phát triển đảng hạn chế. Ðồng chí Lý Văn Phong, Bí thư Ðảng ủy xã  Vạn Linh, nơi có hai thôn còn phải sinh hoạt ghép cho biết: Nhiều năm nay các chi bộ thôn này không kết nạp được đảng viên do thanh niên trong thôn học hết lớp bảy hoặc lớp 12 là thoát ly thôn xóm; người thì đi học, người thì đi làm đủ mọi nghề để mưu sinh, lập nghiệp. Ở lại thôn chủ yếu là lứa tuổi trung niên từ 40 trở lên. Ðể phát hiện và bồi dưỡng được một đảng viên trẻ, có trình độ là khó.

Ðây cũng là thực trạng của nhiều thôn trong xã. Có những chi bộ như chi bộ thôn Làng Ðăm, đồng chí Lâm Văn Thôn là cán bộ quân đội về hưu đã 66 tuổi, nhưng vẫn phải đảm nhiệm cương vị bí thư chi bộ vì chưa tìm được đảng viên có năng lực thay thế. Nhiều chi bộ mới thành lập luôn trong tình trạng "tái ghép" trở lại do đảng viên đi làm ăn xa. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Mai Sao Vi Văn Lê, nơi cũng còn một thôn ghép chi bộ thì việc tuyên truyền vận động quần chúng ưu tú gia nhập Ðảng chưa được các tổ chức đảng và đảng viên thường xuyên quan tâm thực hiện và cách tuyên truyền vận động vẫn còn khô cứng. Ðây là nguyên nhân chính làm cho công tác phát triển đảng còn nhiều hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục. Thực tế tại các thôn vẫn còn nhiều quần chúng tốt, có năng lực nhưng chưa thuyết phục được họ phấn đấu vào Ðảng. 

Làm việc với các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Chi Lăng, chúng tôi được biết các đồng chí đang chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tiếp tục tăng cường phân công cấp ủy viên có năng lực theo dõi, giúp đỡ các chi bộ. Kiên quyết không rút cán bộ tăng cường về nếu chi bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Tăng cường mở lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ công tác Ðảng, kiến thức quản lý nhà nước cho các đồng chí cán bộ chủ chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành. Trong công tác phát triển đảng viên, Huyện ủy Chi Lăng chủ trương trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Ðiều lệ Ðảng mở rộng các đối tượng phát triển đảng; đổi mới phương pháp tuyên truyền giáo dục để quần chúng ưu tú tha thiết phấn đấu trở thành đảng viên. Bên cạnh đó, Huyện ủy cũng xác định cần quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có chi bộ còn yếu hoặc phải sinh hoạt ghép để bà con  yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với thôn, bản./.

(Theo: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất