Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 19/6/2013 10:24'(GMT+7)

Chuyển biến từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Lào Cai

Cắt băng khánh thành điểm văn hóa ở TP Lào Cai

Cắt băng khánh thành điểm văn hóa ở TP Lào Cai

Xác định xây dựng môi trường văn hóa là cơ sở để hình thành con người mới mang sắc thái Lào Cai, môi trường văn hóa được thực hiện từ môi trường gia đình ra tới cộng đồng, làng bản, và tại các cơ quan, trường học, Lào Cai có cách làm khoa học và toàn diện. Khi triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại các địa phương đều tiến hành khảo sát, điều tra, phân loại các khu vực để có cách làm, giải pháp khác nhau cho phù hợp. Mỗi khu vực đều xây dựng các tiêu chí về gia đình, làng văn hóa, cơ quan, trường học văn hóa, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, theo địa bàn và từng giai đoạn.

Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh: Trong việc xây dựng  gia đình văn hóa, tỉnh Lào Cai chú trọng giải quyết những vấn đề nổi cộm và cấp bách về xây dựng gia đình ở vùng cao như: hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, bất bình đẳng giới, phụ nữ đi khỏi địa phương, chăm sóc, giáo dục trẻ em ... Về cách làm, có các giải pháp như xây dựng các câu lạc bộ tuyên truyền, xây dựng các mô hình mẫu, xây dựng hương ước, quy ước (chú trọng, tôn trọng hương ước, quy ước dân gian); lập ra các hội đồng người có uy tín trong cộng đồng, gắn với vai trò của già làng, trưởng bản để tuyên truyền triển khai thực hiện. Vì vậy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư tưởng, đạo đức của người dân, đã huy động sức người, sức của, phát huy sức mạnh toàn dân tộc vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội chung của tỉnh.

Xác định phong trào xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chỉ đạo các các khu dân cư tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc” ở khu dân cư. Năm 2012, đã có 99,8% khu dân cư tổ chức Ngày hội, qua đó biểu dương 10.920 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu nhằm tôn vinh vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Có thể thấy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa thực sự đi vào ý thức mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ.

Nổi bật nhất là công tác xóa bỏ tập quán lạc hậu, xoá đói giảm nghèo; giữ vững ổn định trật tự xã hội; thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, bảo tồn văn hoá truyền thống, giữ gìn cảnh quan môi trường; thực hiện các phong trào đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo”; mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Nếu năm 2000, toàn tỉnh có 51.636 hộ gia đình văn hoá (chiếm 44%) thì đến năm 2012, toàn tỉnh Lào Cai có trên 105.000 hộ gia đình văn hóa (chiếm 73,8%). Điển hình trong phong trào này là huyện Bảo Yên, huyện Bảo Thắng, huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai.

Đặc biệt, phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa được đẩy mạnh góp phần tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh cho nhân dân. Cho đến nay, các làng, bản văn hoá đã đạt được các tiêu chí về phát triển kinh tế từng bước xoá đói giảm nghèo; đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú; chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhân dân các dân tộc có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, năm 2000 toàn tỉnh có 256 thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chí văn hóa thì đến năm 2012 có 1.319/2.199 làng, bản tổ dân phố (chiếm 60%) trong đó có 315 làng bản duy trì giữ vững danh hiệu văn hoá liên tục từ 8 – 10 năm; điển hình là huyện Bảo Yên, huyện Bảo Thắng, huyện Bắc Hà.

Đặc biệt từ năm 2010, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã có nhiều sự quan tâm, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nên hiệu quả của phong trào ngày càng cao hơn. Đến nay đã có 1.083/1.689 làng bản văn hóa tại các xã xây dựng nông thôn mới (chiếm 64,1%). Đây cũng là một trong những phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt cho các phong trào thi đua tại các xã vùng nông thôn. Trong năm 2012, nhân dân các xã trong tỉnh đã đóng góp trên 140 tỷ đồng, trên 500 nghìn ngày công lao động và hiện hơn 381 nghìn m2 đất để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hoá được duy trì và từng bước nâng cao về chất lượng. Nét nổi bật nhất là các cơ quan, đơn vị, trường học đã đẩy mạnh phong trào văn hoá – văn nghệ, thể dục thể thao để giao lưu, học hỏi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho tầng lớp công nhân viên chức lao động, học sinh. Đến nay các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã xây dựng được 459 đội văn nghệ xung kích với hơn 2.745 người; thành lập được 890 đội bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá với hơn 3.000 vận động viên tham gia và thường xuyên tổ chức giao lưu và thi đấu với cơ sở. So với năm 2000, toàn tỉnh chỉ có 253 cơ quan, thì Tính đến năm 2012, toàn tỉnh có 1.343 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hoá (trung bình mỗi năm tăng hơn 100 cơ quan, đơn vị văn hoá).

Đặc biệt, quán triệt và thực hiện Kết luận 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Lào Cai đã có nhiều cách làm sáng tạo: tổ chức nhiều hội nghị già làng, trưởng bản phổ biến quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội của tỉnh và ký cam kết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong cưới xin, tang lễ. Một số hạn chế trước đây trong tiêu chí công nhận làng văn hoá như cảnh quan môi trường làng bản, xây dựng công trình vệ sinh, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới xin, tang lễ... đã dần được khắc phục. Theo đó, đã  có trên 75% số hộ gia đình có 3 công trình vệ sinh về nước sạch – nhà tắm – nhà tiêu; 90% số làng thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Điển hình trong công tác này là xã Phú Nhuận huyện Bảo Thắng, xã Việt Tiến huyện Bảo Yên, xã Bản Lầu huyện Mường Khương, xã Sín Chéng huyện Si Ma Cai.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, thời gian tới tỉnh Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thực hiện nhiệm vụ văn hoá trong thời kỳ mới; cùng với phát triển kinh tế từng bước xây dựng, hình thành một môi trường xã hội văn hóa lành mạnh. Tiếp tục gắn việc xây dựng nông thôn mới vào cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới,việc tang, lễ hội. Đặc biệt chú trọng đến vai trò của những người có uy tín tại cộng đồng dân cư như già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ… tập huấn những đối tượng này thành hạt nhân tuyên truyền tại cơ sở. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung, tiêu chí xây dựng đời sống văn hoá phù hợp với tính chất, đặc điểm từng loại hình cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức gương mẫu thực hiện cuộc vận động nhằm đưa các phong trào phát triển toàn diện, rộng khắp trên các lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn./.

Nguyên Sa (Lào Cai)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất