Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 9/6/2013 22:26'(GMT+7)

Khắc phục một số lệch lạc, tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá

Nhóm giải pháp này xếp ở vị trí đầu tiên, có  tính đột phá, huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện cho xây dựng văn hóa, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tính chiến lược lâu dài, thể hiện quan điểm đúng đắn của Đảng: “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”.

Có thể nói, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một sáng kiến của Đảng ta trên cơ sở tổng kết các phong trào văn hóa đem lại hiệu quả cao từ năm 1954 đến nay. Phong trào "Người tốt, việc tốt" xuất hiện ngay sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc nước ta, với tên gọi là “Người mới, việc mới”. Năm 1960, xuất hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1990, ở làng Trang Liệt (Bắc Ninh) và làng Đông Cao (Thanh Hóa), người dân mở đầu phong trào xây dựng làng, bản, ấp văn hóa. Năm 1992, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội, đánh dấu mốc quan trọng là đơn vị nhà nước mở đầu thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trên địa bàn dân cư, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội khởi xướng thêm nhiều phong trào văn hóa, như: giúp nhau xóa đói giảm nghèo; khuyến học, khuyến nông; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; dạy tốt, học tốt; xây dựng tủ sách, phòng đọc sách báo… Năm 1995, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư trên cơ sở kế thừa những nhân tố tích cực của các phong trào văn hóa đang triển khai trên địa bàn dân cư.

Tuy nhiên, trước thời điểm ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nảy sinh một số vấn đề:

- Trên địa bàn cấp xã, một số phong trào văn hóa chồng chéo nhau, mạnh ai nấy làm, thiếu một cơ quan điều phối thống nhất.

- Nhiều phong trào tự phát "sớm nở, tối tàn" vì thiếu cơ chế, chính sách, điều kiện tài chính nên việc duy trì và nâng cao chất lượng phong trào gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó giải quyết.

- Các phong trào văn hóa phát triển không đồng đều, nơi nào có điều kiện thì làm, nơi nào không có điều kiện thì buông lỏng. Cuộc vận động chưa mở rộng ra các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa đưa ra giải pháp tháo gỡ các vướng mắc nêu trên đồng thời yêu cầu các cấp ủy Đảng vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia… hướng vào cuộc thi đua yêu nước “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tư tưởng toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết cộng đồng của dân tộc, từ tư tưởng đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, đồng thời kế thừa thành quả của Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và được nâng lên với nội dung và tầm cao mới, nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội”.

Để đảm bảo cho phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng trên toàn quốc, ngày 23-12-1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 235/1999/TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, theo đó cấp tỉnh, huyện, xã hình thành các Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo các cấp ra đời đóng vai trò quan trọng tập hợp các phong trào văn hóa vào một Ban Chỉ đạo chung để thống nhất hành động, khắc phục chồng chéo trong triển khai các phong trào văn hóa.

Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gồm 5 nội dung cụ thể:

- Phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo;

- Xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh;

- Xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật;

- Xây dựng môi trường văn hóa sạch - đẹp - an toàn;

- Xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - thể thao cơ sở.

Rõ ràng, tư duy về nội dung xây dựng đời sống văn hóa được nhìn nhận theo nghĩa rộng, văn hóa nằm trong mối quan hệ đa chiều với kinh tế, chính trị, pháp luật, môi trường và thiết chế văn hóa, thể hiện quan điểm của Đảng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Ban Chỉ đạo yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh 7 phong trào chủ yếu: Người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; gia đình văn hóa; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; làng, bản ấp, khu phố văn hóa; công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang… có nếp sống văn hóa và phong trào học tập, lao động sáng tạo.

Sau 12 năm triển khai, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức tổng kết 5 năm (giai đoạn 2000 - 2005), 10 năm (giai đoạn 2000 - 2010) phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Qua mỗi lần tổng kết, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện để phong trào phát triển vững chắc. Một số danh hiệu văn hóa đã được đưa vào Luật Thi đua, Khen thưởng (gia đình văn hóa; thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố văn hóa). Xác định các đầu việc được ngân sách Nhà nước cấp đảm bảo hoạt động của Ban Chỉ đạo; hoàn thiện mô hình và nâng tầm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương (trước đây Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ tháng 6-2012, Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ); xây dựng cơ chế phối hợp giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo; ban hành các chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa…

Các phong trào văn hoá khởi đầu ở các địa bàn dân cư đã được nhân rộng sang lĩnh vực cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với các danh hiệu cơ quan văn hoá, đơn vị văn hoá, trường học có đời sống văn hoá tốt... Nhiều địa phương chủ động sáng tạo đưa các nội dung xây dựng đời sống văn hoá vào các đối tượng, như: xây dựng dòng họ văn hoá (Quảng Nam), tuyến phố văn minh (Hà Nội), chùa văn hoá (Sóc Trăng), chợ văn hoá (Quảng Trị, Lâm Đồng)... Hình thành một số tập quán tốt đẹp tương thân, tương ái ở các địa phương, như Ngày vì người nghèo; hội nghị biểu dương Người tốt, việc tốt hàng năm nhân ngày giải phóng Thủ đô (10-10) ở Hà Nội; phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực trong các trường học, đặc biệt Ngày hội đại đoàn kết dân tộc hàng năm ở khu dân cư nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11). Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã lôi cuốn các tầng lớp xã hội tham gia, huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo, xây dựng đời sống văn hoá. Qua đó đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá, giúp các gia đình chính sách neo đơn, khó khăn; chăm sóc, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hoá cách mạng và các di sản văn hoá phi vật thể ở địa phương.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương và các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp. Các chủ trương lớn của Đảng như Chỉ thị 27-CT/TW  của Bộ Chính trị (khoá VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào do các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương phát động, như: phong trào phòng, chống tội phạm xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; kế hoạch hoá gia đình; xây dựng nhà văn hoá thôn, bản... được lồng ghép vào nội dung, chương trình công tác, kế hoạch hành động của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

Phong trào đã góp phần hình thành nhiều điển hình văn hoá, chứng tỏ “sức mạnh mềm” của văn hoá đối với phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao chất lượng sống của con người. Đó là điển hình huyện Hải Hậu - anh hùng về thành tích văn hoá; thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu (nay đã tách, và thành lập TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu) đạt danh hiệu chuẩn thị xã văn hoá; thị xã Hội An (nay là TP. Hội An) - điển hình về mô hình bảo tồn, phát huy di sản văn hoá nhân loại gắn với phát triển du lịch...

Các phong trào chính trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã có sức lan toả và phát triển rộng trên toàn quốc đạt được kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đến tháng 12-2012, cả nước có 9.766.800/11.431.794 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá (đạt tỷ lệ 85%); có 41.487/62.826 làng/thôn/ấp/bản đạt chuẩn văn hoá (66%); có 30.866/32.480 công sở, cơ quan đạt chuẩn văn hóa (95%).

Tuy đạt được những kết quả lớn như trên, nhưng qua tổng kết bước đầu ở cấp huyện và nhận định, đánh giá của một số nhà nghiên cứu thì phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá vẫn còn một số hạn chế, lệch lạc cần được khắc phục. Bức tranh rõ nét nhất là phong trào phát triển chưa đồng đều ở các vùng miền; kết quả đạt được ở một số nơi chưa vững chắc; chất lượng các danh hiệu văn hoá một số nơi còn thấp, chưa tương xứng với số lượng, nên thiếu sức thuyết phục; phong trào xây dựng đời sống văn hoá trong công nhân lao động, nhất là ở các liên doanh, khu chế xuất chuyển biến chậm, gặp nhiều khó khăn. Ban chỉ đạo phong trào ở một số nơi hoạt động yếu kém, còn nặng hành chính, hội họp.

Đáng quan ngại là xuất hiện một số "căn bệnh" cản trở sự phát triển của phong trào ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, đó là:

Bệnh hình thức: Không thường xuyên đôn đốc nâng cao chất lượng phong trào mà làm qua loa cho có việc; khi có lãnh đạo cấp trên, tổ công tác về kiểm tra thì lo đối phó, trưng bày cờ biển, khẩu hiệu, dọn dẹp vệ sinh môi trường; khi được danh hiệu văn hóa thì tổ chức đón rước linh đình, lãng phí tiền của. Họp hành nhiều, mất thời gian, nhưng không đi vào trọng tâm công việc.

Bệnh thành tích: Chạy theo bề nổi ít chú ý bề sâu. Chạy theo số lượng ít quan tâm đến chất lượng, nhất là trong bình xét gia đình văn hóa, làng, bản, ấp văn hóa, khu dân cư tiên tiến; thường che giấu khuyết điểm, thổi phồng những việc đã làm được; làm thì ít báo cáo thì hay. Chất lượng chưa thực sự tương xứng với danh hiệu.

Bệnh nóng vội: Thành tích xây dựng làng, bản, ấp văn hóa trên địa bàn xã, phường còn nhiều mặt chưa đạt chuẩn còn phải phấn đấu hoàn thiện nhưng đã vội vàng đề xuất xây dựng xã, phường văn hóa; có huyện còn nghèo, cơ sở hạ tầng thiếu thốn cũng đăng ký xây dựng huyện điểm văn hóa.

Bệnh coi nhẹ công tác lý luận: Phong trào hình thành và phát triển đã trên 12 năm, nhưng công tác tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, hình thành cơ sở lý luận nhằm tác động thúc đẩy phong trào làm chưa được nhiều; chậm xử lý vấn đề nảy sinh từ thực tiễn nên đã kìm hãm việc phát huy tối đa nguồn lực của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Chưa huy động và khai thác triệt để vai trò của trí thức ở các cấp trong nêu gương, hướng dẫn cộng đồng xã hội xây dựng đời sống văn hóa.

Bệnh coi nhẹ đào tạo nguồn cán bộ: Phong trào phát triển khá sâu rộng trong cả nước, nhưng trình độ cán bộ quản lý và tổ chức phong trào ở địa bàn xã, phường không theo kịp. Chưa coi trọng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng về xây dựng đời sống văn hóa cho cán bộ cơ sở, dẫn tới cán bộ nhiều nơi lúng túng trong xử lý công việc, làm theo kinh nghiệm, sa đà vào sự vụ.

Bệnh coi nhẹ sự phối hợp: Thành lập Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp là để hướng dẫn, phối hợp, điều tiết các hoạt động văn hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân và các cơ quan, đơn vị của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tổ chức các phong trào văn hóa, hạn chế tối đa sự lãng phí công sức, tiền của của Nhà nước, xã hội và nhân dân. Sự hiện diện của Ban Chỉ đạo các cấp không làm triệt tiêu các phong trào văn hóa của Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội, mà thông qua sự điều phối tạo điều kiện để các phong trào văn hóa phát triển đa dạng hơn. Chống khuynh hướng độc tôn hoặc bài xích, bất hợp tác với nhau của các chủ thể triển khai các phong trào văn hóa.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đến nay không chỉ là khẩu hiệu, mà đã thực sự trở thành một cuộc vận động văn hóa lớn của Đảng, Nhà nước, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và các cấp ủy, chính quyền tích cực triển khai. Tới đây, Trung ương sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), trong đó sẽ có đánh giá toàn diện phong trào này. Những nét phác thảo trên đây mới chỉ là nhìn nhận sơ bộ bước đầu về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Song chúng ta tin tưởng phong trào này ngày một phát triển vững chắc khi các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết khắc phục một số lệch lạc trong tổ chức phong trào như đã nêu ở trên, tạo cơ sở để Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa có tác động mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong cuộc sống./.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thức


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất