Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 17/6/2013 14:58'(GMT+7)

Một số kinh nghiệm trong thực hiện NQTU5 ở Đắk Nông

Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên ở huyện Cư Jút- Đắk Nông

Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên ở huyện Cư Jút- Đắk Nông

Từ sau ngày thành lập tỉnh năm 2004 đến nay, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương về lĩnh vực văn hóa, Những năm qua, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương, căn cứ tình hình địa phương, Tỉnh ủy Đắk Nông cũng đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung  ương 5 (khóa VIII)- Gọi tắt là NQTU5 ở địa phương, như: Chỉ thị số 27-CT/TU của Tỉnh uỷ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chương trình hành động số 33-CT/TU của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Tỉnh ủy, mà trực tiếp và thường xuyên là Thường trực Tỉnh ủy, đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện  các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Định kỳ hằng năm, trong các hội nghị tổng kết của Đảng bộ, việc kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ  về văn hóa đều được thực hiện một cách nghiêm túc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU, đánh giá 2 năm thực hiện Chương trình 09-CTr/TU của TU về việc tiếp tục thực hiện NQTU5, kịp thời điều chỉnh những vấn đề hạn chế, tồn tại, thiết thực đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Các cấp chính quyền của tỉnh đã kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, các giải pháp của Tỉnh ủy bằng việc ban hành hàng loạt các đề án, chính sách phát triển văn hóa như:  Đề án phát triển văn hoá thông tin tỉnh Đăk Nông đến năm 2010;  Đề án “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá Lễ hội - Hoa văn - Cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2005 - 2009”; Đề án xã hội hoá hoạt động văn hoá giai đoạn 2006 -2010;  “Phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2006 – 2010”; “Tiếp tục thực hiện Bảo tồn, phát huy Lễ hội -  Hoa văn - Cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc tại chỗ tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2010 – 2015”; Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; “Quy định chính sách khuyến khích xã hội đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Đăk Nông”; Đề án tổng thể phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2012-2020, v.v..

Theo đó, việc học tập, nghiên cứu, quán triệt Kết luận Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 10 (khoá IX); Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; Kết luận số 83-KL/TW của Ban Bí thư về tình hình lễ hội, tâm linh, ngoại cảm; Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị, khóa X về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” được Tỉnh ủy chỉ đạo kịp thời, nghiêm túc, với sự tham gia của 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện. Riêng Kết luận Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 10 (khoá IX) về tiếp tục thực hiện NQTU5, toàn tỉnh Đắk Nông đã tổ chức 70 lớp học tập, nghiên cứu, quán triệt cho hơn 1.350 cán bộ, đảng viên và 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng chuyên đề về quan điểm của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật cho đối tượng cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở và đội ngũ văn nghệ sỹ. Công tác tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến nội dung NQTU5 và các văn kiện của Đảng triển khai thực hiện đến các tầng lớp nhân dân được các cơ quan báo chí của địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở phản ánh kịp thời, thường xuyên. Những kinh nghiệm hay, những điển hình tiêu biểu, cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện NQTU5 cũng được các cơ quan báo chí, truyền thông các cấp thông tin thường xuyên với các chùm tin, bài cập nhật về: Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung và các giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; chính sách văn hóa với tôn giáo...

Thông qua việc tổ chức quán triệt đó, nội dung của NQTU5 đã đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của toàn xã hội; tạo hành lang pháp lý phù hợp và thông thoáng cho nhân dân và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ hoạt động và sáng tạo văn hóa. Và thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, các quy định, việc thực hiện NQTU5 đã thu được kết quả tích cực. Các phong trào thi đua tiêu biểu như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn”; “Nông dân xây dựng gia đình nông dân văn hoá, tham gia xây dựng thôn, buôn, bon văn hoá, xã, phường văn hoá”; "Thanh niên thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Sáng tạo trẻ”, “4 mới” trong thanh niên nông thôn (kỹ thuật mới, thị trường mới, mô hình mới, ngành nghề mới); “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo” “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” ,“Thanh niên sống đẹp”; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… phát triển mạnh, ngày càng thu hút đông đảo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt. Phong trào xây dựng con người Việt Nam mới, đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa... có bước phát triển mới, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Vai trò nêu gương của cha mẹ, người lớn tuổi được nêu cao; lối sống nhân văn, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng được trân trọng, v.v.. Từ đó đã tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa cho đảng viên ở cơ sở và quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số chưa rộng khắp. Nội dung thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng còn nghèo nàn, thiếu vắng những chuyên đề có tính định hướng lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn.  Mặt hạn chế lớn trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện NQTU5 là chất lượng xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết ở các cấp chưa cao. Còn tồn tại tình trạng “rập khuôn”, “lặp lại” các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra trong chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên; chưa đề ra được những nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu có tính đột phá, sát thực với tình hình cơ sở. Một số chỉ tiêu về văn hóa đặt ra trong giai đoạn 2004 – 2010 không phù hợp với thực lực của địa phương; thiếu tính kế thừa, đồng bộ trong quá trình xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết. Cùng đó, công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết ở một số cấp ủy còn bị động, chưa được thường xuyên...

Từ thực tiễn 15 năm thực hiện NQTU5 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, các cấp ủy Đảng và chính quyền phải nhận thức một cách đầy đủ, thấu đáo, toàn diện các quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thấu suốt quan điểm xem văn hoá vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu và động lực của quá trình phát triển kinh tế -xã hội. Theo đó, phải nhất quán quan điểm: Phát triển kinh tế phải gắn liền với kinh tế và đồng hành với giải quyết tốt những vấn đề về văn hóa và đạt được sự công bằng, tiến bộ về xã hội. Gắn kết nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn là phải ra sức bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo các giá trị của di sản văn hóa, môi trường sinh thái với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Hai là, tăng cường công tác quản lý đi đôi với đầu tư, phát triển văn hóa. Theo đó, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp phải cụ thể hoá các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác văn hoá vào chương trình làm việc thường kỳ, ưu tiên đầu tư ngân sách cho sự nghiệp văn hoá, nhất là đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá cơ bản ở cơ sở. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và sơ kết việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu về văn hoá, kịp thời cổ vũ cái đúng, cái đẹp; phê phán những thói hư tật xấu, trong đời sống xã hội, góp phần hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mỹ và nhân văn...

Ba là, phát huy vai trò chủ thể của người dân, lấy kiên trì vận động, tuyên truyền, thuyết phục làm phương pháp chính. Lấy phát huy dân chủ, khơi dậy ý thức trách nhiệm và tinh thần tự giác của nhân dân, huy động tiềm năng to lớn của nhân dân trong việc hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hoá làm động lực chủ yếu. Lấy gia đình, dòng tộc, thôn, bon, buôn… làm hạt nhân trong công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người mới và môi trường văn hóa lành mạnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, các khu dân cư, tộc họ; đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp từ sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, sâu sát của các cấp ủy Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, vai trò phối hợp tác chiến giữa các cơ quan ban ngành với Mặt trận và đoàn thể ở từng cấp.

Bốn là, công tác chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng những mô hình, điển hình để rút kinh nghiệm và nhân rộng phải được chú trọng thường xuyên, kịp thời. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết có những biện pháp cần thiết kết hợp giữa hai mặt “xây” và “chống”. Từ đó, kịp thời quảng bá, phát hiện và biểu dương những gương điển hình tiên tiến trong sáng tạo các tác phẩm văn học - nghệ thuật, trong các phong trào thi đua gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Năm là, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thật sự nêu gương trong việc xây dựng và thực hiện đời sống văn hóa. Nhất là gương mẫu, đi đầu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gương mẫu trong việc cưới, việc tang; giáo dục, quản lý tốt con cháu để không hư hỏng, không vi phạm pháp luật... Tăng cường phát hiện, biểu dương khen thưởng kịp thời những nhân tố mới, mô hình mới trên lĩnh vực hoạt động văn hoá, nhất là ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm: “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “Lấy cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực”…

Ngọc Vân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất