Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 3/6/2013 9:17'(GMT+7)

Văn hóa Việt: Không sợ mất gốc!

Lễ hội Tịch điền, một minh chứng cho truyền thống trọng nông nghiệp ở Việt Nam.

Lễ hội Tịch điền, một minh chứng cho truyền thống trọng nông nghiệp ở Việt Nam.


Hệ giá trị văn hóa Việt Nam

Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng trong quá trình tồn tại đều hình thành cho mình một hệ giá trị riêng. Hệ giá trị văn hóa giúp hình thành nhân cách con người, nên đạo Khổng-Mạnh dạy người quân tử “ngũ thường” gồm: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đạo Phật dạy con người: Hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhắc nhở cán bộ: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Các công ty, doanh nghiệp cũng đều phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó “quy tắc vàng” cho nhân viên của họ chính là “khách hàng là thượng đế”. Ở tầm quốc gia, mỗi đất nước đều mong muốn phát triển một “sức mạnh mềm”, trong đó nòng cốt là việc phổ biến cho người ngoài biết hệ giá trị văn hóa của họ.

Hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã được các học giả như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu nhắc đến các giá trị được xem là bản sắc văn hóa Việt với hệ thống 7 giá trị: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" chỉ ra 5 giá trị bền vững, được vun đắp trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc là: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng (gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc); lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.

Các học giả trong Hội thảo khoa học “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới, hội nhập” đều thống nhất hệ giá trị văn hóa Việt Nam có tính tiếp thu, khả biến. Trong thực tế, hệ giá trị văn hóa của bất kỳ quốc gia dân tộc nào đều có đặc điểm này. Vấn đề là dù tiếp biến đến đâu, các quốc gia, dân tộc đó đều giữ cho mình giá trị gốc. Ví dụ như người Nhật Bản, Hàn Quốc, theo PGS, TS Lê Thanh Bình (Học viện Quan hệ quốc tế) họ có văn hóa rất cởi mở, song họ vẫn giữ giá trị gốc là chữ “Lễ”. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam ta chọn cho mình giá trị gốc nào trong thời đại giao lưu, hội nhập hiện tại?

Không sợ mất gốc

Trong số 61 tham luận được gửi đến hội thảo khoa học “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới, hội nhập” có nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đang có nguy cơ mất gốc. Để minh chứng, các học giả dẫn ra nhiều giá trị văn hóa đang bị biến đổi theo hướng tiêu cực. Ví dụ như ở lĩnh vực âm nhạc, thời kỳ đầu đổi mới ta tiếp thu những loại nhạc “ráp” (một phần của văn hóa híp-hốp), đến sau này là sự phát triển ồ ạt của những loại hình âm nhạc lai căng từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật… rồi thời gian gần đây lại trở lại với dòng nhạc “sến” từng phát triển trong xã hội ta từ nửa thế kỷ trước. Sự phát triển một cách thất thường trong lĩnh vực âm nhạc dẫn đến những hiện tượng “kỳ lạ” mà nhiều người gọi là giá trị văn hóa đảo lộn: Một ca sĩ từ hải ngoại về, chất giọng đã yếu, hát những bài ảo não nhảm nhí thì lại được nhiều người đón nghe; trong khi đó những chương trình trình diễn của những danh ca đích thực thì lại đìu hiu ế ẩm.

Hội làng, hiện tượng văn hóa làm nên bản sắc dân tộc Việt.

Đó là chỉ riêng lĩnh vực âm nhạc, một phần nhỏ của đời sống văn hóa nghệ thuật. Thực tế còn có sự xuống cấp của lối sống, thẩm mĩ, ứng xử làm tổn hại đến nhiều giá trị khác của gia đình, cộng đồng. TS Phạm Hồng Toàn (nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào) cho rằng, những biến đổi này sinh ra do nền giáo dục của ta không dạy chữ “sỉ” (xấu hổ). Không biết xấu hổ đâm ra hứa suông, hứa hão; không biết xấu hổ đâm ra đánh mất nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Trái với tâm trạng bi quan của một số người, GS, TS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh rằng, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã trong giai đoạn chuyển đổi. Đồng ý với chữ “chuyển” này, các học giả Hồ Sĩ Vịnh, Nguyễn Duy Bắc, Nguyễn Đình Quang... có chung nhận xét: Văn hóa Việt Nam ta đang ở giai đoạn tiếp thu biến đổi và giai đoạn hiện nay là giai đoạn then chốt chưa từng có trong lịch sử. Thật vậy, nếu nhìn ngược lại quá trình hình thành và phát triển mấy nghìn năm của dân tộc dễ thấy, trong cả một thời kỳ dài chế độ phong kiến chúng ta có nhiều lần đổi thay chế độ, cho đến thời kỳ thực dân chiếm đóng… song dù thể chế có đổi thay thế nào thì văn hóa vẫn không biến đổi, về bản chất là “làn sóng” của văn minh nông nghiệp. Trong một giai đoạn rất ngắn, chúng ta đang chuyển tiếp giữa “làn sóng” văn minh công nghiệp và văn minh tri thức, và quãng thời gian 15 năm (tính từ Hội nghị Trung ương 5) hoặc 27 năm (tính từ Đổi mới) vẫn là thời gian quá ngắn để tạo ra những chuyển biến về văn hóa.

Ở đây, nếu nhìn vào lĩnh vực di sản-lễ hội ta sẽ thấy rất rõ vấn đề. Trong suốt một thời gian trong và sau chiến tranh, ta phải hạn chế nhiều hoạt động lễ hội. Khoảng gần 20 năm gần đây, ở nhiều nơi, các hoạt động lễ hội phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát. Từ những hoạt động tín ngưỡng thờ cúng vốn trước diễn ra rất đơn giản thì sau biến tướng trở thành mê tín dị đoan. Từ lúc “cởi mở” các hoạt động lễ hội đến nay, đúng như dự đoán của nhiều học giả, các hoạt động lễ hội đã đi vào chiều hướng cân bằng. Biểu hiện bằng các hiện tượng: Loại bỏ những phần nghi lễ biến tướng, hạn chế các hoạt động hội hè thiếu lành mạnh; lễ hội đi vào chiều sâu, tôn vinh các tấm gương đạo đức của anh hùng, người có công với nước; giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ... Tất cả sự chuyển biến này đều đã được dự báo trước.

Bên cạnh tâm trạng bi quan về sự biến đổi hệ giá trị văn hóa, còn có những định kiến khắt khe về việc tiếp biến văn hóa. Những thái độ cho rằng cần phải ngăn chặn tất cả những luồng văn hóa ngoại bản, lai căng… thực ra cũng không hợp lý. Học giả Đào Hùng (Tạp chí Xưa và nay) có nhận xét: “Phải tiếp thu văn hóa thế giới thì mới chinh phục được văn hóa thế giới”. ông lấy ví dụ từ hiện tượng của bài hát và điệu nhảy Gangnam Style làm thế giới “điên đảo” trong thời gian vừa qua. Về bản chất âm nhạc Gangnam Style chẳng có đặc trưng gì gọi là Hàn Quốc; về ngôn ngữ cũng vậy, ngoài những câu hát tiếng Hàn mà người nghe chẳng cần quan tâm người ta chỉ đúc kết được một câu “dở Hàn dở Mỹ”: “ồ-pa-gang-nam-style!”. Nhiều người trên thế giới cũng chỉ cần có thế. Anh chàng ca sĩ Psy cũng chỉ cần có thế! Nếu không tiếp thu văn hóa ngoại lai thì ta không bao giờ có cơ hội làm thế giới “điên đảo” với một sản phẩm văn hóa. Nếu không có cơ hội để thế giới biết tới thì ta cũng chẳng có cơ hội giới thiệu những thứ văn hóa đích thực của ta. Chuyện này có thể thấy rất rõ ở văn hóa híp-hốp Mỹ, thứ mà khoảng 60 năm trước chính người Mỹ cũng lên án gay gắt vì sự nhảm nhí, nhưng đến nay họ đã tận dụng để giới thiệu văn hóa của họ đi khắp thế giới như một đặc trưng của người Mỹ.

Trở lại với vấn đề gốc, đó là hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Chúng ta thực may mắn đã được cha ông, tổ tiên trang bị cho nhiều phẩm chất tốt mà đã được nhiều học giả đi trước đúc kết thành năm đặc tính bản sắc gốc, đó là: Tính cộng đồng, tính ưa hài hòa, tính trọng âm (theo văn hóa học là ưa những giá trị ổn định, trọng tình, trọng nữ), tính tổng hợp và tính linh hoạt. Những đặc tính này đã nằm trong căn cốt người Việt, với những lợi thế đó, ta sẽ không sợ đánh mất mình trong thế giới giao lưu, hội nhập, đầy cởi mở hiện nay.

Theo QĐND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất