Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 16/6/2013 9:57'(GMT+7)

Thách thức với những người làm phim tài liệu Việt Nam

Ngay từ khi ra đời, phim tài liệu đã khẳng định được vị thế của mình trong nghệ thuật điện ảnh và trong đời sống văn hoá tinh thần của con người. Thực tế sáng tác cho thấy, nhiều vấn đề xã hội, nhiều sự kiện, nhiều hình thức thể hiện, chỉ có phim tài liệu mới làm được, mới nói được và nói có sức thuyết phục, tạo ấn tượng, đồng thời mang đến những nhận thức cho người xem. Sức mạnh đó đôi khi không có ở các thể loại phim khác.

Hai cuộc chiến tranh quá dài và những vấn đề hậu chiến tranh đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng cho những người làm phim tài liệu Việt Nam và những thế hệ điện ảnh trong và sau chiến tranh, để lại nhiều dấu ấn đặc biệt cho điện ảnh thế giới. Năm lần đoạt giải liên tục cho phim tài liệu hay nhất tại 5 kỳ liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương cũng đủ để những người làm phim tài liệu Việt Nam tự hào là một cường quốc về phim tài liệu trong khu vực.

Đạo diễn phim tài liệu người Đức Heidi Specogna cũng khẳng định không một loại phương tiện truyền thông nào đáp ứng nổi nhiệm vụ phản ánh cuộc sống xã hội, quá khứ và hiện tại, điểm mạnh và điểm yếu của mỗi người một cách thấu đáo, phổ quát, sâu sắc và lay động như phim tài liệu.

Đạo diễn phim tài liệu người Pháp bà Anna Pitoun nhận định phim tài liệu là một công cụ tuyệt vời để giải thích mọi thứ. Thông qua phim tài liệu, bạn có thể dễ dàng diễn tả mức độ phức tạp của vấn đề. Quan trọng hơn, bạn có thể diễn tả điều đó một cách có cảm xúc. Phim tài liệu giúp mọi người suy nghĩ. Nghĩa là thông qua đó, mọi người có thể phát triển ý kiến riêng của bản thân họ. Trên thế giới hiện nay, khán giả có thể sẵn sàng xem những bộ phim tài liệu không chỉ kéo dài 50 phút mà có thể kéo dài tới 90 phút hoặc hơn 2 tiếng. Nói về một vấn đề, nếu trong bản tin thời sự, khán giả chỉ được giải thích trong vòng 2 phút, thì với phim tài liệu, bạn có thể được giải thích kỹ càng, có thời gian để suy nghĩ. Phim tài liệu thật sự cần thiết trong xã hội vì mọi thứ hiện nay thay đổi rất nhanh, chúng ta không có đủ thời gian để hiểu hết những gì đang diễn ra. Với các bộ phim tài liệu, chúng ta có thể dừng cuộc đua để có thời gian nghiên cứu.

Với sáng kiến của Đại sứ quán Thuỵ Sỹ, Italia, phái đoàn Walloni Bruxelles (Bỉ), Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Việt Nam, năm 2009, lần đầu tiên liên hoan phim tài liệu Châu Âu  - Việt Nam được tổ chức. Một tuần lễ với một phòng chiếu luôn đầy ắp người xem, một không khí thật đặc biệt cho những người yêu phim tài liệu và cho những người làm phim tài liệu. Một đặc điểm chung của những bộ phim chiếu tại các liên hoan phim tài liệu quốc tế diễn ra ở Việt Nam là đã phản ánh sự giao thoa và đa dạng văn hoá giữa cộng đồng các dân tộc, những xung đột, mâu thuẫn giữa con người với con người từ những nền văn hoá khác nhau, bảo tồn và lưu giữ nét đặc sắc văn hoá trong xu thế toàn cầu. Từ đó đến nay, các liên hoan phim Châu Âu - Việt Nam liên tục diễn ra, số lượng các nước tham dự cũng tăng dần lên. Có những buổi chiếu, đã phải mở thêm phòng chiếu thứ 2 bên cạnh phòng chiếu chính vì số lượng khán giả đến xem rất đông. Sau các buổi chiến, nhiều cuộc giao lưu giữa khán giả và các tác giả phim đã được tổ chức, làm cho khán giả yêu phim tài liệu ở Việt Nam lại thêm yêu phim tài liệu hơn. Qua những bộ phim của các nước, những người làm phim tài liệu Việt Nam cảm nhận, học hỏi được rất nhiều về cách làm, ngôn ngữ, cách tiếp cận…

Trên thực tế, những người làm phim tài liệu Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đạo diễn Đào Thanh Tùng đã nhận xét: “Phim tài liệu của chúng ta thường ngắn ngủi, khán giả chưa kịp ngồi ấm chỗ đã thấy chữ HẾT, chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo của câu chuyện ra sao đã thấy tác giả kết luận lại bộ phim. Phim tài liệu của nước ngoài, các tác giả chuẩn bị đầy đủ thể lực, kỹ thuật chiến thuật, các miếng đánh để thi đấu trong 90 phút như một trận bóng đá. Phim tài liệu Việt Nam chỉ đủ sức thi đấu trong 20-30 phút. Nghĩa là phim của chúng ta đá 1/3 trận đấu. 2/3 thời gian còn lại, chúng ta xem họ chơi thế nào. Phim tài liệu của chúng ta một mình một chợ nên chơi một mình một kiểu”. Đạo diễn Đào Thanh Tùng đã lấy ra một ví dụ cụ thể: “Khi làm phim tài liệu về nhà tù Côn Đảo, tác giả đã phải dồn 113 năm lịch sử nhà tù với các âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, với chân dung của những người tù vào một khuôn khổ hữu hạn của phim. Trong phim cái gì cũng có, nhưng chưa tới đầu đũa vấn đề này đã nhảy sang vấn đề khác. Chưa kể các nhà làm phim tài liệu Việt Nam không chuẩn bị đầy đủ về tâm thế, độ dày dặn của tư duy, mảng miếng kỹ thuật để bắt tay vào một công việc dài hơi”.

Đạo diễn Nguyễn Thước  - Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lại tự nhận thế hệ của ông là thế hệ ảnh hưởng quá mạnh của một cách làm phim cũ là thích kể chuyện bằng lời bình, mang nặng tính giáo dục, tuyên truyền. Ông cho biết: “Tôi là một trong hai người ở Hãng phim nhận quyết định tiếp nhận về Hãng cuối cùng và sau đó là 10 năm liền Hãng phim không nhận một ai. Sự hẫng hụt một thế hệ đã làm mất đi sự tiếp nối hữu cơ và đã ảnh hưởng tới sự phát triển theo cái logic tự nhiên của nó”. Cũng cần phải nói thêm một cách công bằng, các nhà làm phim tài liệu Việt Nam hiện nay  mới chỉ được phép làm phim trong vài ba tháng, không được làm trong thời gian một vài năm như các làm phim tài liệu nước ngoài vẫn thường làm. Tâm thế của người làm nghề khác nhau đã tạo nên sự khác biệt trong phương pháp tiếp cận hiện thức cộng với tính tác giả quá mạnh đã tạo nên sự sống động và giàu sức thuyết phục trong phim của các bạn.

Trong nhiều năm qua, hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã tổ chức nhiều lớp học do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Tổ chức điện ảnh VARAN cũng liên tục mở các lớp học tại Hãng phim. Một thế hệ làm phim mới đang hình thành và đang tìm tòi cho mình một hướng đi. Một số tác giả cũng đã thử nghiệm phim dài theo thời lượng của các phim tài liệu thế giới. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm với tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các nhà làm phim trẻ thể nghiệm làm phim như Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD của Hội Điện ảnh Việt Nam với những Dự án “10 tháng 10 phim ngắn”, “Chúng em làm phim”, Hãng phim Xanh trong thành phố Hồ Chí Minh với dự án “89.600km”… đã có những bộ phim ngắn với những cách kể, cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau của những nhà làm phim trẻ về những vấn đề giản dị của cuộc sống. Chùm phim ngắn đó đã được mang đi trình chiếu miễn phí của các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Đạo diễn Nguyễn Thước đã nhận xét: “Những bộ phim ấy làm cho các sinh viên của tôi nghiêng ngả. Ở những phim ấy, quả thực sáng tạo nghệ thuật đã diễn ra như một cuộc chơi với tất cả đam mê và tình yêu. Như vậy, có thể thấy rằng, những nhà làm phim trẻ đã thực sự thành một đội ngũ chưa hay vẫn đang còn manh mún? Quả thực, những điều mới rất khó chấp nhận. Vì những phong cách làm phim của VARAN gần như không được vào sản xuất chính thống. Hệ thống truyền hình ở Việt Nam chỉ chấp nhận những phim mỗi tập dưới 30 phút. Những phim dài trên 60 phút thì việc phát sóng trên truyền hình rất khó”.

Bà Anna Pitoun cũng khẳng định làm phim tài liệu không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, kể cả khi ngày càng nhiều người muốn làm phim tài liệu và có nhiều cơ hội để chiếu phim tài liệu trên các kênh truyền hình. Ở nước Pháp, sẽ rất vất vả để thuyết phục một kênh truyền hình chi tiền sản xuất một bộ phim. Người làm phim phải viết hàng trang giấy để mô tả ý tưởng, giải thích tại sao bạn muốn làm phim, tại sao vào thời điểm này, tại sao lại là anh/chị làm phim này, anh/chị sẽ làm phim này như thế nào, điều gì sẽ diễn ra trong bộ phim, bộ phim có hoàn thành đến cuối cùng không, các nhà sản xuất và kênh truyền hình muốn biết họ đầu tư vào đâu? Thường thì đạo diễn Anna Pitoun sẽ tự sử dụng máy quay của mình, quay vài cảnh và bắt đầu thuyết phục nhà đầu tư. Ở nước ngoài, việc bỏ ra 2-3 năm để làm một bộ phim tài liệu là hoàn toàn bình thường. Hơn thế nữa, ở nước ngoài, phim tài liệu được chiếu trên truyền hình hoặc tại các rạp chiếu phim. Khán giả sẵn sàng mua vé để xem.

Đối mặt và vượt qua những thách thức của các nhà làm phim tài liệu Việt Nam, đạo diễn Bùi Quang Thắng (Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam) đề nghị nên kết nối, tạo thành mạng lưới những nhà làm phim tài liệu trong nước và quốc tế, để họ có thể giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, học hỏi những cách làm phim mới, những cách tiếp cận mới của xu hướng làm phim tài liệu trên thế giới, kể cả cách kêu gọi tài trợ đầu tư cho những bộ phim.

Đạo diễn Bùi Quang Thắng cũng nhấn mạnh đến kế hoạch để “phát triển” khán giả phim tài liệu, tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với những loại phim tài liệu khác nhau, để họ có thể chấp nhận và yêu thích những bộ phim tài liệu nước ngoài, những xu hướng làm phim tài liệu mới. Suy cho cùng, phim tài liệu sản xuất ra không có khán giả thì cũng không có tác dụng gì. Ông cũng kêu gọi sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông đối với dòng phim tài liệu để dòng phim này đến gần được với khán giả hơn.

Bên cạnh đó, để phim tài liệu Việt Nam phát triển, cần nhìn nhận đến rất nhiều vấn đề khác như phim tài liệu trên truyền hình như thế nào, thu hút khán giả và phổ biến phim tài liệu dưới nhiều hình thức mới, đào tạo các nhà làm phim tài liệu độc lập như thế nào… Rõ ràng, để có những bộ phim hay có giá trị thì phải cần những nghệ sỹ có tài năng. Tài năng không phải cứ muốn là có. Tài năng cần được phát hiện và nuôi dưỡng. Người nghệ sỹ cần được khuyến khích sáng tạo. Đó là tất yếu. Và quả thực, Việt Nam thực sự có một không gian sáng tạo tốt cho các nhà làm phim tài liệu để khai thác hết tiềm năng của thể loại phim này đang là một vấn đề cấp thiết được đặt ra.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất