Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 17/6/2013 16:53'(GMT+7)

Hà Tĩnh: Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Xác định con người là mục tiêu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như xây dựng đời sống văn hoá, Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng con người Hà Tĩnh thể hiện được cốt cách thủy chung, nhân nghĩa, cần cù, hiếu học, trọng nghĩa tình, đoàn kết tương thân, tương ái. Nhiều nét mới trong giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành. Nhận thức về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, truyền thống yêu nước, trình độ hiểu biết của người dân được nâng cao; ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của công dân đối với đất nước, xã hội, với cộng đồng được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến về phong trào xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc, lao động sáng tạo, phát triển kinh tế, hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới, đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình công cộng và các hoạt động phúc lợi xã hội... Tất cả đã góp phần tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức con người Hà Tĩnh trong giai đoạn cách mạng mới.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phải nhắc đến, đó là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Toàn tỉnh chung tay xây dựng Nông thôn mới”. Đặc biệt, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa, làng văn hóa, khối phố văn hóa, thôn văn hóa”, “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa” đã thu được những kết quả quan trọng. Phong trào Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp tổ chức quán triệt và thực hiện. Từ đó đã hạn chế được một số tiêu cực, hủ tục lạc hậu, thủ tục rườm rà, lãng phí trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Hà Tĩnh đã gắn xây dựng và phát triển văn hoá với phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mũi đột phá, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh đưa phong trào địa phương có những bước phát triển toàn diện. Các khu du lịch: Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Xuân Thành (Nghi Xuân), Đèo Con (Kỳ Anh), Nước Sốt (Hương Sơn)…; các khu di tích lịch sử văn hóa và cách mạng: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc, Tượng đài Xô Viết Ngã ba Nghèn… được tập trung đầu tư nâng cấp, tạo nên sự khởi sắc mới trên quê hương Hà Tĩnh. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển nhanh từ tỉnh đến cơ sở. Chất lượng thông tin ngày càng cao và phong phú, phản ánh kịp thời và rộng rãi tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện tốt việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, của Nhà nước đến nhân dân. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư khá quy mô, phát huy hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Lĩnh vực văn học nghệ thuật Hà Tĩnh đã có bước phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đội ngũ văn nghệ sỹ ngày càng được phát triển; nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng ra đời và đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi Trung ương và khu vực, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân Hà Tĩnh.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc được tỉnh đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các di tích quốc gia như: Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Đền thờ Nguyễn Biểu, Đền Võ Miếu, Chùa Thiên Tượng, Đền Nen, Đền thờ Ngô Phúc Vạn, Bia dẫn tích Trường Quân chính, vườn hoa tại Khu du lịch Thiên Cầm… Đến nay, toàn tỉnh có 322 di tích cấp tỉnh, 73 di tích cấp quốc gia, 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt. văn hoá phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt vừa qua, UNESCO - Tổ chức văn hoá, giáo dục và khoa học của Liên hợp quốc đã công nhận Ca Trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; Ban Chấp hành UNESCO đã nhất trí thông qua nghị quyết trình Đại hội đồng UNESCO công nhận Đại thi hào Nguyễn Du là danh nhân văn hoá thế giới; di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang được 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại..., góp phần làm cho bộ mặt văn hoá Hà Tĩnh thêm nhiều khởi sắc.

Hoạt động văn hoá trong các tôn giáo trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhu cầu tự do tín ngưỡng của nhân dân được đảm bảo. Chính sách đại đoàn kết dân tộc được thực hiện tốt, tạo không khí đoàn kết lương giáo giúp nhau trong cuộc sống, tích cực tham gia lao động sản xuất, hoạt động xã hội. Nhiều hoạt động lễ hội như: Lễ Noel, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan cùng nhiều lễ hội tôn giáo khác diễn ra sôi nổi, phong phú, thiết thực và có ý nghĩa. Đời sống kinh tế, văn hoá, giáo dục y tế ở vùng giáo được nâng lên rõ rệt. Phong trào thi đua yêu nước của người công giáo đã mang lại hiệu quả thiết thực, thực hiện đoàn kết giáo giới, đoàn kết giữa các tôn giáo với nhau, giữa người có đạo với người không có đạo để phát triển KT-XH, giữ vững ổn định về chính trị, quốc phòng - an ninh. Các vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc đã hướng dẫn bà con các tôn giáo đoàn kết xây dựng quê hương, xứ họ phồn vinh, xây dựng cuộc sống “Tốt đời đẹp đạo” thực hiện bổn phận và nghĩa vụ công dân “Kính Chúa yêu nước”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào có đạo. Đặc biệt, những nét văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn Hà Tĩnh như dân tộc Mã Liềng (hay còn gọi là dân tộc Chứt); dân tộc Mường; dân tộc Hoa và dân tộc Lào được bảo tồn và phát huy. Các chính sách văn hóa đối với tôn giáo và hợp tác quốc tế ngày càng rộng mở và đạt nhiều kết quả. Đây chính là những nét đổi thay đặc biệt, những bước tiến vượt bậc của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (khóa XIV), có thể nhận thấy những đổi thay lớn lao đang diễn ra trên quê hương Hà Tĩnh. Tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà ngày càng ổn định, nội bộ đoàn kết thống nhất, hệ thống chính trị cơ sở, kỷ cương phép nước được giữ vững; kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước; nếp sống văn hoá, văn minh từ nông thôn đến thành thị được quan tâm, quy chế dân chủ cơ sở ngày càng được nâng cao, hương ước, quy ước tiếp tục được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các phong trào thi đua yêu nước, "người tốt, việc tốt",  đã được nhiều gia đình, làng xã, thôn xóm, khối phố, cơ quan, đơn vị hưởng ứng mạnh mẽ và thu được những kết quả tích cực, làm chuyển biến sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong nhân dân. Môi trường văn hoá ngày càng được củng cố, phát triển lành mạnh và trong sáng.

Tuy nhiên, sau 15 năm nhìn lại, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện nghị quyết tại Hà Tĩnh đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trong sự nghiệp đổi mới. Việc chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết có lúc còn thiếu kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa đổi mới về công tác lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện. Sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể của các cấp thiếu đồng bộ nên chưa tạo được nguồn lực, sức mạnh tổng hợp. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa đầu tư đúng mức đối với hoạt động văn hóa; chưa ban hành các chương trình, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thiếu tính chiến lược nên hiệu quả thấp.

Trong tổ chức thực hiện, năng lực nhận thức và kinh nghiệm lãnh đạo lĩnh vực văn hoá của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể còn nhiều hạn chế và phiến diện. Chậm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương lớn, bị động trước những khuynh hướng mới xuất hiện và một số biến đổi phức tạp trên lĩnh vực văn hoá. Chưa có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tài năng, nâng cao năng lực của những người hoạt động, sáng tạo văn hoá; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để phát triển văn hoá trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thiếu toàn diện, chưa có tính bền vững, còn hình thức, một số địa phương có hiện tượng chững lại, việc kiểm tra công nhận các danh hiệu văn hoá còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, chưa chú trọng chất lượng. Sự nghiệp văn hoá phát triển còn chậm và thiếu vững chắc; chưa đủ sức để tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực đời sống xã hội, chưa tác động sâu sắc đến lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng còn khá lớn. Tiềm năng văn hoá ở một số địa phương, đơn vị chưa được khai thác, phát huy; công tác phát triển, sưu tầm và lưu giữ các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống như lễ hội, các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống, các môn thể thao truyền thống... chưa được quan tâm đúng mức.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (khóa XIV) có ý nghĩa chiến lược về văn hoá của cách mạng nước ta, tỉnh Hà Tĩnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết là một nhân tố quyết định để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm cho nền tảng tinh thần của chế độ, của xã hội nước ta ngày càng vững chắc, tiến bộ, phong phú, góp phần giữ vững độc lập, thống nhất, định hướng xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước. Để tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn về chất lượng và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển văn hoá, văn nghệ trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các cấp và các ban, ngành liên quan cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tuyên truyền sâu rộng các quan điểm chỉ đạo của NQTW5 (khoá VIII), NQ11 của Tỉnh ủy (khóa XIV), đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hành động số 848 của BCH Đảng bộ về thực hiện Kết luận Hội nghị TW lần thứ 10 (khóa IX); gắn với  thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Triển khai có hiệu quả chỉ thị 35, kết luận 05 về "Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và lực lượng vũ trang”, Chỉ thị 20 về "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”.

Hai là, nâng cao năng lực và hiệu quả chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với lĩnh vực văn hoá. Chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hoá từ cơ sở đến tỉnh. Tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tốt đẹp, phong phú. Nâng cao chất lượng và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” bằng những hình thức và biện pháp mới. Vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Ba là, tăng cường công tác thông tin cơ sở, xây dựng triển khai và thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển Báo chí, Xuất bản tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; không ngừng nâng cao trình độ chính trị và nghề nghiệp, chất lượng tư tưởng, vǎn hóa của hệ thống truyền thông đại chúng.

Bốn là, phát huy tính năng động của hệ thống chính trị tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc chăm lo phát triển văn hoá. Chú trọng bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Bố trí ngân sách thích đáng cho phát triển văn hoá. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên mọi lĩnh vực của văn hoá, huy động mọi tiềm năng và nguồn lực để phát triển văn hoá.

Năm là, kiện toàn đội ngũ làm công tác văn hoá từ cấp tỉnh đến cơ sở, có đủ trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để phục vụ sự nghiệp văn hoá đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới trong giai đoạn hiện nay.

Sáu là, cần đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu; chú trọng công tác phát triển Đảng trong trường học. Có kế hoạch triển khai và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục văn hoá, thẩm mỹ, giáo dục, khoa học, xã hội và nhân văn, giáo dục tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng bộ Tỉnh và truyền thống cách mạng của quê hương; giáo dục đạo đức lối sống phù hợp với từng đối tượng, cấp học.

Bảy là, định kỳ làm tốt công tác sơ kết, tổng kết; khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong thực hiện NQTW5 (khoá VIII) và NQ 11 của Tỉnh ủy (khóa XIV), nhằm động viên, biểu dương suy tôn các gương điển hình đồng thời phê phán, kỷ luật nghiêm minh các cá nhân, tập thể vi phạm để động viên phong trào.

Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, Hà  Tĩnh sẽ xây dựng được một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đã đề ra.

Hà Tiến Lam - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tĩnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất