Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 13/6/2013 9:34'(GMT+7)

Truyền hình thực tế cần phù hợp công chúng Việt Nam

Trong quá trình xã hội hóa truyền hình, sau nhiều nỗ lực tìm tòi những định dạng truyền hình thực tế thuần Việt mà chưa thành công, các nhà đài buộc phải bạo tay chi tiền để mua bản quyền các chương trình đang "hot" từ những nước có nền công nghiệp giải trí phát triển. Ðó là lý do tại sao các gameshow được gắn mác truyền hình thực tế như: Vietnam’s Got Talent, Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, The Voice, Thử thách cùng bước nhảy, Master Chef... liên tục đổ bộ, chiếm sóng "giờ vàng" trên các kênh truyền hình. Vẫn biết khi mang một cuộc thi có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài vào Việt Nam, nhà sản xuất phải tuân thủ các nguyên tắc bắt buộc của đối tác như giữ nguyên format sân khấu, cách thức tuyển chọn, cách thức chơi... Nhưng việc tuân thủ một cách thái quá, máy móc như cố "ép cho giống" của một số chương trình truyền hình thực tế đã không khỏi gây "chướng tai gai mắt". Như tập mười chương trình Vua đầu bếp-Master Chef Việt Nam phát sóng tháng 5 vừa qua chẳng hạn, hành vi thẳng tay đổ đĩa bánh xèo của một thí sinh vào sọt rác vì cho rằng món ăn không đạt yêu cầu đã làm người xem phẫn nộ. Thoạt đầu, lối hành xử phản cảm này khiến phải đặt ra câu hỏi đây là hành động buộc phải làm theo yêu cầu của nhà tổ chức, hay thí sinh cho phép mình được như vậy? Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến giám khảo nữ duy nhất của chương trình - đầu bếp Tịnh Hải, nếm sản phẩm của một thí sinh rồi nhăn nhó và nhổ vào sọt rác, thì mới nhận ra: họ đang cố làm giống hệt các giám khảo của Master Chef Mỹ. Tiếp đó, là nhận xét nặng nề của bộ ba giám khảo như "Tôi cảm thấy các bạn chưa bao giờ ăn món này và hình như không phải đang sống trên quê hương của chính mình" càng khiến người xem bất bình. Rõ ràng, với lối sống tế nhị, kín đáo của người Việt Nam, những bắt chước thái quá như trên rất khó chấp nhận, nhất là khi lại được phát sóng trên kênh truyền hình trước sự theo dõi của hàng triệu người. Lẽ ra nhận xét của giám khảo phải là góp ý, xây dựng, động viên, thì đã trở thành lời mắng nhiếc, thậm chí xúc phạm tới người chơi và cả khán giả đang theo dõi chương trình!

AI từng xem Vietnam’s Next Top Model hẳn không thể quên câu nói vô cảm, lặp đi lặp lại qua các mùa thi của người mẫu Xuân Lan được lý giải là "phải làm đúng format chương trình": "Người bị loại ngay sau đây sẽ phải dừng cuộc chơi, trở về phòng thu dọn hành lý và rời khỏi đây ngay lập tức". Chưa kể suốt những số phát sóng, người mẫu này còn không e dè đưa ra một số câu nói theo lối đốp chát, thái độ trịnh thượng đối với thí sinh. Sau các hành xử khiếm nhã, đa số giám khảo đều biện minh là mình đang cố gắng để kích thích sự sáng tạo của người chơi bằng sự nghiêm khắc; song thử hỏi, khi người chơi cảm thấy bị tổn thương hoặc mất niềm tin vào bản thân vì những lời nói thô bạo, lạnh lùng như vậy thì họ có thấy được khuyến khích để sáng tạo hay không?

Không chỉ gây phản cảm bằng hành xử, giám khảo của một số chương trình truyền hình thực tế còn không ngại phô diễn các màn đấu khẩu, đôi co, làm người xem có cảm giác rằng chính các giám khảo cùng ngồi ghế nóng của một chương trình cũng còn thiếu tôn trọng lẫn nhau. Theo dõi Bước nhảy hoàn vũ, người xem không ít lần ngỡ ngàng trước những pha "cướp lời" khi bất đồng quan điểm giữa giám khảo Khánh Thi và Trần Ly Ly. Lời nói theo kiểu đá xoáy, giễu cợt về chuyên môn cũng thường diễn ra giữa hai giám khảo Khánh Thi và Lê Hoàng. Bên cạnh đó là cách cho điểm thiếu đồng đều khó thuyết phục của giám khảo. Rõ ràng nhất là lối cho điểm rất khó lường của giám khảo Lê Hoàng. Vừa khen hết lời xong, giám khảo này vẫn cho thí sinh điểm 7, hoặc ngược lại, dù tỏ ra không thích nhưng lại hào phóng cho điểm 9-10. Hành xử này đã biến Lê Hoàng trở thành một ẩn số mang đến nhiều bất ngờ cho chương trình và giúp Lê Hoàng luôn có "vé vàng" trong vai trò là giám khảo suốt các mùa giải Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, mặc cho lối nói đanh đá, châm chọc, na ná nhau của anh đã giảm sức hút khi khán giả đã thấy nhàm tai. Bên cạnh Lê Hoàng, sự có mặt của Khánh Thi bốn mùa giải Bước nhảy hoàn vũ, hay sự quen mặt của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, người mẫu Thúy Hạnh... trong một số chương trình truyền hình thực tế cũng khiến người xem có cảm giác nhạt nhẽo. Bổ sung gia vị cho tình trạng, còn là một số "chiêu" gây sốc một cách lộ liễu như màn giả gái phản cảm năm trước và trò quảng cáo thô thiển của "mỹ nhân ngư" khi gắn lên trang phục hàng loạt nhãn mỳ gói Hảo Hảo trong mùa giải năm nay...

Theo dõi những gameshow truyền hình thực tế, người xem khó có thể không liên tưởng tới nhận định "không scandal không thể là truyền hình thực tế" và các sự kiện gây sốc đã trở thành thủ pháp nhằm thu hút khán giả. Yếu tố "thực tế" luôn bị hoài nghi vì có biểu hiện của sự dàn xếp kết quả từ phía nhà sản xuất. Vietnam Idol 2010 từng làm dấy lên vấn đề này khi Uyên Linh đột ngột bị loại và Ðăng Khoa bất ngờ xin rút lui giúp cô ca sĩ trẻ nhanh chóng được cứu nguy, thẳng tiến vào những vòng trong và trở thành quán quân của cuộc thi? Kế đến, Cặp đôi hoàn hảo 2011 cũng để lại nhiều băn khoăn trong đêm thi cuối cùng, khi có vẻ kết quả chung cuộc được sắp xếp từ trước? Nghi án dàn xếp kết quả lên tới đỉnh điểm khi The Voice lộ clip trao đổi thông tin giữa giám đốc âm nhạc Phương Uyên và các huấn luyện viên cùng bản sắp xếp thành tích được lập từ đầu? Gần đây, kết quả cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2013 cũng bị dư luận nghi ngờ có sự thiếu công bằng?... 

Lợi nhuận khổng lồ thu từ quảng cáo cũng như tin nhắn bình chọn trong mỗi chương trình truyền hình thực tế luôn tỷ lệ thuận với sức nóng của chương trình đó. Vì vậy, việc nhà sản xuất phải tìm cách lôi kéo công chúng là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, để gia tăng độ hot vì mục đích lợi nhuận mà cố tình đi ngược lại văn hóa tiếp nhận, văn hóa thưởng thức của dân tộc thì không thể chấp nhận. Dù gần gũi thì mỗi một quốc gia vẫn có hệ thống chuẩn mực văn hóa riêng của mình. Khi quyết định mua một phiên bản truyền hình nước ngoài, dẫu quy định về bản quyền có khắt khe đến mức nào, thì nhà sản xuất vẫn phải coi sự đóng góp với văn hóa dân tộc là yếu tố hàng đầu. Nhà tổ chức giỏi phải biết cách dung hòa các yếu tố bắt buộc của format quốc tế với văn hóa bản địa. Tiếc rằng, nhiều chương trình truyền hình thực tế được phát sóng tại Việt Nam, dành cho người Việt Nam, cố gắng thu hút người Việt Nam lại không thể hiện được điều đó. Bắt chước cứng nhắc, tuân thủ thái quá, vô hình chung đã làm thui chột khả năng sáng tạo, tính đột phá của những chương trình thực tế phiên bản Việt Nam. Minh chứng cụ thể là các sân chơi này bao giờ cũng chỉ thu hút ở mùa đầu tiên, đến những mùa giải sau càng nhạt dần, thiếu hấp dẫn. Bởi vậy, để chương trình truyền hình thực tế thật sự trở thành một món ăn dễ hấp thụ với số đông người Việt, việc tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc phải trở thành yếu tố tiên quyết trong việc xây dựng và sản xuất chương trình.

Từ sự bức xúc của dư luận, các cơ quan có trách nhiệm với truyền hình thực tế phải quan tâm đến vấn đề, mà trước hết cần xây dựng các chương trình truyền hình thực tế như là sự tổng hòa các yếu tố cơ bản: văn hóa tổ chức chương trình, văn hóa giám khảo và văn hóa thí sinh. Năm 2012, Thử thách cùng bước nhảy được xem là chương trình lặng lẽ nhất vì không có bất kỳ scandal nào, nhưng cũng là chương trình được công chúng tán thưởng nhất. Người xem không chỉ cảm nhận được tình yêu, đam mê, lao động nghệ thuật của thí sinh, mà còn được theo dõi một cuộc chơi công bằng trên tinh thần cống hiến. Ðiều này càng khẳng định đâu phải cứ gây sốc thì mới tạo nên sức hút của một chương trình? Trên hành trình chuyên nghiệp hóa, truyền hình Việt Nam đang cần bắt kịp với xu thế của truyền hình quốc tế và truyền hình thực tế là một xu hướng phát triển với ưu thế riêng. Hy vọng sau các bước đi đầu tiên với không ít chuệch choạc, truyền hình thực tế ở nước ta sẽ có các phiên bản thật sự thuần Việt, rồi sáng tạo ra chương trình của riêng mình, từ đó lôi cuốn khán giả bằng tính nhân văn và giá trị nghệ thuật./.

Theo Nhân Dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất