Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dao có mài mới sắc, vàng có thử mới trong, nước có lọc mới sạch, người có tự phê bình mới tiến bộ, Đảng cũng thế”(1).
Tự phê bình và phê bình - một quy luật phát triển của Đảng Cộng sản; một biện pháp có hiệu quả để “tôi luyện” phẩm chất, đạo đức và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng từ trung ương đến cơ sở. Một Đảng Cộng sản mà không coi tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên để xây dựng Đảng thì có thể dẫn tới sự tan rã, hoặc có làm nhưng chỉ là hình thức qua loa, hời hợt không có kết quả thì Đảng đó cũng không phát triển được. Công tác tự phê bình và phê bình đối với cán bộ,đảng viên trong các tổ chức của Đảng từ trung ương đến các cấp phải được coi như cơm ăn, áo mặc, không khí để sống hàng ngày. Đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “Người ta luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí”.
Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Uy tín của người cán bộ, đảng viên của Đảng ở các cấp tiêu biểu cho uy tín của Đảng và của giai cấp công nhân đối với xã hội. Uy tín đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để củng cố và phát triển vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và giai cấp; uy tín đó còn là một nhân tố không thể thiếu để củng cố lòng tin của nhân dân lao động và các tầng lớp khác trong xã hội đối với Đảng. Người cán bộ, đảng viên của Đảng ở các cấp phải luôn luôn thể hiện được uy tín qua phẩm chất chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, trí tuệ và năng lực lãnh đạo, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng và dân giao cho; phải là “tấm gương cách mạng” để mọi người soi chung.
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành được những thắng lợi to lớn làm vẻ vang cho dân tộc và đất nước. Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến những thắng lợi có tính lịch sử đó là hơn nửa thế kỷ qua Đảng ta đã chiếm được lòng tin tuyệt đối của nhân dân.
Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, sửa chữa sai lầm khuyết điểm để không ngừng hoàn thiện Đảng là một nguyên nhân quan trọng để Đảng chiếm được lòng tin tuyệt đối trong nhân dân. Vì vậy, việc củng cố lòng tin tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là một trong những nguyên tắc có ý nghĩa quyết định để giành thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng trong bất kỳ tình huống khó khăn nào.
Ngày nay, sự nghiệp đổi mới và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Đội ngũ lãnh đạo và đảng viên của Đảng không chỉ có nhiệt tình cách mạng mà còn phải có tri thức khoa học về xây dựng và quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ở các cấp qua hơn 20 năm thử thách trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, đã có sự phân hóa về phẩm chất và năng lực.
Thứ nhất, số đông cán bộ lãnh đạo đã chịu khó học tập, rèn luyện mọi mặt để tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, đi sát cuộc sống của nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao. Những đồng chí đó đã thành công trong sự lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở các ngành, các cấp và cơ sở, được nhân dân thừa nhận.
Thứ hai, một số cán bộ đã không theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng do không cố gắng vươn lên học hỏi và rèn luyện hoặc bảo thủ không chịu đổi mới, không tiếp thu sự phê bình góp ý của quần chúng nên không nâng cao được trình độ nhận thức và năng lực lãnh đạo. Những cán bộ này, trong công tác lãnh đạo, tỏ ra lúng túng về phương pháp, không chủ động và sáng tạo trong vận dụng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước khi thực hiện ở ngành mình, cấp mình và cơ sở mình. Không chỉ thế, họ còn mắc phải sai lầm như: trù dập, ức hiếp nhân dân, lợi dụng chức quyền để làm “ô dù” cho cán bộ dưới quyền mình hoặc đưa người thân họ hàng vào các cơ quan nhà nước, gây bè kéo cánh, tạo nên cái gọi là “ê kíp” để bao che cho những khuyết điểm và sự yếu kém của bản thân.
Thứ ba, một số ít cán bộ lãnh đạo bị “chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ” cám dỗ đã thoái hóa về phẩm chất đạo đức, kém ý thức tổ chức kỷ luật, đánh mất lòng trung thành với Đảng, với dân. Họ đã lợi dụng chức quyền để móc ngoặc và tham nhũng, đánh cắp tài sản của Nhà nước và tập thể biến thành của riêng mình. Những cán bộ này trước sau đều sẽ bị đào thải, phải bị xử lý theo luật pháp để Đảng luôn luôn được nhân dân tin yêu.
Muốn củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Đảng phải đặc biệt coi trọng giáo dụcì phẩm chất và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và đảng viên, trước hết là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng từ trung ương đến địa phương và cơ sở. Một trong những biện pháp có tác dụng tích cực để phát hiện và sửa chữa kịp thời những sai lầm, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng là đẩy mạnh tự phê bình và phê bình.
Phải tiến hành một cách nghiêm túc và thường xuyên tự phê bình và phê bình theo tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng tháng 3/1986 và Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII). Yêu cầu phải đạt được là: nói thật, nói hết những sai lầm khuyết điểm đã mắc phải trước tổ chức Đảng và trước dân. Việc xử lý những sai lầm khuyết điểm đó phải được tiến hành công minh và theo phương châm “trị bệnh cứu nước”. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, đảng bộ, không phải chờ đến khi khai hội hoặc tổng kết mới làm. Bác Hồ dạy: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn. Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”.
Kết quả của tự phê bình và phê bình ngoài yêu cầu trị được bệnh, cứu người còn có tác dụng “tôi luyện” thêm phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, qua đó lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ tài gánh vác nhiệm vụ mới của cách mạng hiện nay.
Đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng ở các ngành, các cấp trung ương, địa phương, cơ sở phải chủ động và nghiêm túc tự phê bình. Có như thế mới tạo ra không khí dân chủ, cởi mở để quần chúng phê bình cán bộ một cách thẳng thắng, đúng mực. Những đảng viên đang giữ những chức vụ cao, quyền hành lớn mà không tự phê bình nghiêm túc thì khó có sự phê bình trở lại của quần chúng. Tự phê bình phải nói đầy đủ cả hai mặt: ưu điểm và khuyết điểm trong việc thực hiện những nhiệm vụ được giao, trong quan điểm lập trường chính trị, trong tác phong công tác và lối sống. Theo Bác Hồ: “Tự phê bình rồi để sửa chữa cho nên phải thật thà, phải triệt để mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện chỉ có hình thức thì vô ích”. Khi nói về phê bình Bác viết: Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc, phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ tiến bộ càng mau chóng thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình. Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực… Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ, càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”. Khi đã được tập thể và tổ chức Đảng, quần chúng cấp mình xác nhận, phải báo cáo đầy đủ và trung thực lên cấp trên, tội đáng kỷ luật và bãi miễn thì phải nhận kỷ luật. Tội chưa đến mức đó và còn được đông đảo quần chúng đề nghị tiếp tục để lại vị trí công tác thì người cán bộ, đảng viên đó phải trình bày trước tổ chức Đảng và quần chúng nơi mình công tác phương án và biện pháp sửa chữa khuyết điểm. Tự phê bình cũng cần nói đầy đủ ưu điểm, nói đúng với tầm vóc của nó, không thổi phồng, làm ít nói nhiều; không lấy kết quả của người khác biến thành của mình. Khi đã được quần chúng thừa nhận những ưu điểm thì cơ quan cấp trên có những hình thức cổ vũ, động viên, khen thưởng thỏa đáng để họ phấn khởi phát huy cao hơn nữa trong công tác của họ. Về phía người phê bình cần có thái độ đúng đắn, xây dựng, phê bình phải có căn cứ xác dáng, khuyết điểm đến mức độ nào thì nói đến mức đó, tránh lối phê bình theo kiểu “đao to”, “búa lớn”, hết sức đề phòng việc gắn hiềm thù cá nhân để vu khống và nói cho hả dạ. Muốn phê bình người khác phải nhớ kỹ lời Bác dậy: “Nghiêm túc nhưng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Bác Hồ còn dậy: “Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ. Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ”.
Qua tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng nên tự xem xét mình có còn đủ phẩm chất, năng lực để đảm nhiệm vị trí công tác của mình nữa hay không, nếu không thì phải tự nguyện rút lui để nhường chỗ cho những người có đức có tài thay mình. Tổ chức đảng ở đó cũng phải đề cao trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề cán bộ, phải lãnh đạo để quần chúng đồng tình với việc sắp xếp và bố trí cán bộ. Nếu cán bộ, đảng viên còn đủ điều kiện giữ vị trí công tác đó hoặc cao hơn thì tạo điều kiện cho họ phát triển; nếu không còn đủ điều kiện nữa thì kiên quyết bãi miễn và cử người có đủ đức, tài thay thế. Việc xử lý những cán bộ phạm sai lầm hoặc thoái hóa phải được thực hiện công khai và đúng với những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Sau đó cần thông báo công khai rõ mức độ và hình thức kỷ luật của từng người đã bị xử lý trước nhân dân và các tổ chức quần chúng.
Tự phê bình và phê bình là một quy luật phát triển của Đảng. Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp và cán bộ đảng viên phải thực hiện nghiêm túc, không miễn trừ một ai. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp từ trung ương đến cơ sở là người đứng đầu mỗi tổ chức, tiêu biểu cho mỗi đảng bộ, chi bộ. Vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình của các đồng chí ấy có tác dụng nêu gương và thúc đẩy toàn đảng bộ, đơn vị cùng thực hiện. Nhân dân nhìn vào sự tự phê bình, tiếp thu phê bình và sửa chữa khuyết điểm của các cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà tăng thêm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, ra sức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước đến thành công./.
——————
(1) Những lời dạy của Bác Hồ về tự phê bình và phê bình đều trích từ: Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 2002, tr.165-166 và t.6, tr. 209-212,