(TCTG) - Khi nói tới các điều kiện cơ bản đảm bảo cho giáo dục và đào tạo phát triển, cần chú ý tới yếu tố nguồn lực con người trực tiếp làm công tác giáo dục; và nguồn lực tài chính cho hoạt động giáo dục.
Nhân việc dư luận xã hội đang quan tâm tới vấn đề tăng học phí, chúng tôi xin có một số ý kiến sau đây:
1.Nhận thức đúng tác động của việc cải thiện đầu tư tài chính để nâng cao chất lượng giáo viên; nhưng cần phải tiếp thu kinh nghiệm lịch sử:
Nguồn lực con người trực tiếp làm công tác giáo dục, bao gồm hai đối tượng là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của họ là yếu tố có tính quyết định tới chất lượng giáo dục và đào của một quốc gia. Chỉ thị 40 – CT/TW của Ban Bí thư (khoá IX) ngày 15-6-2004, về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đã chỉ rõ: “xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo”. Đến nay sau 5 năm thực hiện Chỉ thị trên, số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tuy nhiên vẫn còn quá nhiều bất cập, cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành giáo dục và đào tạo. Những hiện tượng ứng xử của giáo viên với học sinh rất đáng lo ngại trong các nhà trường (chủ yếu là bạo hành học đường) đã khiến cho xã hội lo ngại; những việc làm mang tính thương mại hoá trong các cơ sở giáo dục (dạy thêm để tăng thu nhập, thu các khoản phụ phí) đang làm mất đi sự thánh thiện của nghề giáo. Để góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, trước hết cần phải có biện pháp kích cầu bằng kinh tế, làm sao để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản thu chính đáng của mình. Đổi mới cơ chế tài chính cũng là một giải pháp cho vấn đề này, tuy vậy nếu không xử lý khéo thì sẽ đẩy vấn đề này đến sự tuyệt đối hoá về giải pháp kinh tế đối với nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Lịch sử xây dựng và phát triển nền giáo dục cách mạng của nước ta trong 64 năm qua đã để lại bài học kinh nghiệm quí báu: trong điều kiện kinh tế đất nước còn nghèo, nhưng nếu có chủ trương đúng, có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giàu tâm huyết với nghề thì nhất định sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, hình thành được thé hệ trẻ Việt Nam đủ đức, đủ tài gánh vách trọng trách lịch sử. Nhắc lại bài học kinh nghiệm này rất có thể sẽ gặp phải sự phản ứng của tư tưởng cho rằng “đã hết rồi cái thời mang mũ rơm đi học đường dài”, “cần phải có thực mới vực được đạo”; sự phản ứng như vậy nếu có cũng là lẽ đương nhiên, bởi vì hơn 20 năm đổi mới vừa qua, khi nước ta chuyển đổi cơ chế thì ít nhiều những mặt trái của cơ chế thị trường đã len lỏi bào mòn môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa mà nước ta đã từng dày công xây dựng trong thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Cho dù có những suy nghĩ trái ngược nhau thì chúng ta cũng cần thống nhất rằng: tăng kinh phí đầu tư là cần thiết, song đừng lầm tưởng là chất lượng giáo dục sẽ tăng theo tỷ lệ thuận với mức đầu tư. Nếu so mức đầu tư của nhà nước ta cho giáo dục với các nước phát triển thì ta không bằng, nhưng với các nước trong khu vực thì đó cũng chưa phải là quá chênh lệch, vậy mà chất lượng giáo dục nước ta chưa được như mong muốn, còn có mặt thụt lùi (nhất là giáo dục đạo đức). Trong khoảng gần 10 năm lại đây, tốc độ đầu tư qua các dự án giáo dục bằng nguồn vay của ngân hàng thế giới đã được đẩy mạnh, trong đó có dành nhiều kinh phí để giáo viên và cán bộ quản lý bồi dưỡng, tham quan học hỏi kinh nghiệm nước ngoài...nhưng chất lượng và nghiệp vụ sư phạm của họ vẫn chưa được nâng lên đủ tầm trước yêu cầu cuộc sống. Cần phải xem lại vấn đề quản lý nguồn vốn đầu tư cho giáo dục, nếu cứ như tình trạng hiện nay thì chắc chắn việc tăng đầu tư cũng sẽ lại kém hiệu quả. Tăng đầu tư phải gắn liền với tăng cường sự giám sát sử dụng vốn đầu tư, đó là 2 mặt biện chứng cho vấn đề đổi mới cơ chế tài chính giáo dục.
2. Giữ vững tính định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện rõ vai trò chủ đạo đầu tư tài chính của nhà nước cho sự nghiệp giáo dục; nhưng cũng càn có sự chia sẻ của nhân dân:
Nguồn lực tài chính cho giáo dục và đào tạo, bao gồm hai nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục và kinh phí đóng góp của nhân dân để chia sẻ với nhà nước. Mức chi từ ngân sách cho giáo dục và đào tạo được coi là nguồn tài chính chủ yếu; nguồn tài chính công này dùng để đảm bảo việc chi trả lương cho giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên và các hoạt động thường xuyên cho cơ sở giáo dục; bên cạnh đó còn phải đảm bảo nâng cấp về cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục. Hiện nay, do khả năng tài chính của nhà nước còn hạn hẹp, nên ngân sách đầu tư cho giáo dục mới đảm bảo ở mức 20% ngân sách quốc gia (cách đây 10 năm thì tỷ lệ này mới đạt khoảng 15%); trong đó phần chi của Nhà nước chiếm 92,7% tổng chi ở các trường công lập và chiếm 78,2% tổng chi toàn xã hội tại các trường công lập và ngoài công lập. Tuy vậy, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì mức đầu tư của nước ta cho giáo dục nhìn chung còn rất thấp; việc tăng mức đầu tư là cần thiết, nhưng phải dựa trên nguyên tắc “kinh phí nhà nước là chủ yếu, xã hội cùng chia sẻ với nhà nước”. Do tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong giáo dục nên về cơ bản nhà nước cần bao cấp đối với giáo dục phổ thông theo lộ trình phổ cập cho phép (điều này là xu hướng của thế giới, một số nước đã bao cấp cho mỗi người được thụ hưởng từ 12-14 năm đi học), còn giáo dục đại học và dạy nghề bậc cao thì có sự chia sẻ của nhân dân. Ở những nước phát triển, mức đầu tư của nhà nước đã lớn, song sự chia sẻ tài chính một cách tự giác, mang tính xã hội hoá cũng rất cao, do vậy hệ thống giáo dục tư thục ở các nước này phát triển khá mạnh. Trong khi đó ở nước ta, công tác khuyến học tuy có nhiều chuyển biến quan trọng, nhưng việc nâng cao trách nhiệm góp vốn tái đầu tư từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hầu như không có. Sở dĩ có điều này có lẽ vẫn do quan niệm cho rằng việc sử dụng nhân lực qua đào tạo được xem như là một hành vi “nhân đạo” (giải quyết việc làm), nên các doanh nghiệp chưa coi đó là một sự thụ hưởng từ giáo dục và phải có trách nhiệm trở lại đối với ngành giáo dục. Vì thế đổi mới cơ chế tài chính giáo dục cũng cần quan tâm tới việc làm cho cá nhân, tổ chức xã hội có ý thức trách nhiệm đóng góp công sức vào phát triển giáo dục.
3.Thực hiện công bằng xã hội, hỗ trợ tối thiểu về mặt tài chính cho con em các gia đình thuộc diện chính sách:
Thực tế cho thấy nhiều địa phương đã gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho giáo viên, không đủ vốn đối ứng cho một số dự án nâng cấp cơ sở vật chất trường học. Ở những nơi có điều kiện phát triển kinh tế (chủ yếu là các thành phố lớn, đô thị) thì việc vận động vốn đóng góp - dưới danh nghĩa xã hội hoá giáo dục, đã ít nhiều góp thêm nguồn kinh phí hỗ trợ để nâng cấp trường lớp, mua sắm thiết bị nhỏ, phục vụ cho một số hoạt động liên quan tới dạy học. Ở những vùng kinh tế khó khăn, chủ yếu thuộc địa bàn miền núi, nông thôn thì hầu như mọi nguồn kinh phí chi cho hoạt động giáo dục của cơ sở đều phụ thuộc vào kinh phí của nhà nước, nếu có sự hỗ trợ thì cũng rất nhỏ, chủ yếu là kết quả của công tác xã hội, nhân đạo và một phần do kết quả vận động khuyến học; những hỗ trợ như vậy thường chỉ có tác dụng hỗ trợ học sinh trong việc mua sách vỡ, ăn bán trú. Với một đất nước có khoảng 75% dân số là nông dân, tương ứng với đó là tỷ lệ học sinh, sinh viên thuộc diện khó khăn khi phải đối mặt với những khoản chi tiêu cho việc học tập (mức kinh phí cho sinh viên nghèo được vay dù tăng đột biến song có lẽ vẫn chỉ như muối bỏ biển, khả năng thu hồi vốn là rất phập phù); cho nên nếu như tăng học phí thì đối tượng người học thuộc nhóm nghèo (và phụ huynh của họ) sẽ càng gặp khó khăn hơn; từ đó nảy sinh một số hệ luỵ bất an. Chính vì thế, giải pháp tăng cường hỗ trợ cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách là hết sức cần thiết, thể hiện tính nhân văn, công bằng xã hội, góp phần xây dựng nước ta trở thành một xã hội học tập.
4. Lộ trình đổi mới phải đảm bảo tính an sinh xã hội, tránh gây hệ luỵ đối với tư tưởng chính trị trong nhân dân:
Do giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, liên quan và tác động hàng ngày tới hầu hết các tầng lớp xã hội, nên đổi mới tài chính hay đổi mới một địa hạt nào đó trong giáo dục cũng đều liên quan tới đời sống xã hội. Kinh nghiệm thực tế từ đổi mới chương trình, đổi mới thi, từ một số dự định khác chưa thành của ngành giáo dục trong thời gian qua đã cho ta bài học kinh nghiệm về những “tác động ngược” khi chưa tìm được sự đồng thuận xã hội; vì vậy muốn đổi mới tài chính giáo dục thì phải đảm bảo tính khoa học, tính khả thi, tránh gây bức xúc xã hội.
Những năm gần đây, số học sinh, sinh viên du học tự túc ngày một tăng, điều này phản ánh về khả năng chi trả tài chính cho giáo dục trong một bộ phận gia đình khá giả đã tăng, nhưng có một tình trạng ngược lại là số học sinh bỏ học cũng có dấu hiệu tăng lên. Trong bối cảnh thế giới đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, giá cả tăng vọt, đồng tiền mất giá, những đối tượng học sinh, sinh viên thuộc gia đình khá giả cũng phải điều chỉnh kế hoạch du học của mình, nguyên nhân là do không đủ nguồn tài chính, còn những đối tượng thuộc gia đình khó khăn chắc chắn cũng sẽ phải tạm lùi mơ ước được cắp sách tới trường. Những khó khăn kinh tế tuy không ảnh hưởng trực tiếp như với kinh doanh sản xuất - đẩy hàng ngàn người lâm vào cảnh thất nghiệp, thất thu, nhưng nhất định đã và sẽ gây khó khăn đối với đa số học sinh, sinh viên. Do vậy, các cấp lãnh đạo, quản lý giáo dục cần thận trọng để đưa ra một lộ trình phù hợp cho đề án đổi mới tài chính giáo dục, có lẽ nên thực hiện trong khoảng từ 3 đến 5 năm, mỗi năm đưa ra một số chỉ tiêu và biện pháp triển khai; trước mắt cần xác định thời điểm thực hiện và mức độ tăng học phí cho phù hợp (nên lùi lại 1 năm để kinh tế qua cơn khủng hoảng), tránh gây mất ổn định tư tưởng chính trị trong nhân dân.
TS. Trần Viết Lưu