Thứ Ba, 26/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 27/2/2011 17:2'(GMT+7)

Cô giáo người Mông và tấm lòng với đất huyện nghèo

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Nung nấu ước mơ trở thành cô giáo vùng cao

Sinh ra ở quê hương Cao Bằng nhưng cô lại lớn lên ở Tùa Chủa một huyện vùng cao đầy khó khăn vất vả của tỉnh Điện Biên. Tùa Chủa có diện tích gần 700 m2 chủ yếu là núi đá hiểm trở, giao thông đi lại hết sức khó khăn, với trên 45 ngàn dân gồm 7 thành phần dân tộc anh em sinh sống chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Dao, dân tộc Kinh chỉ chiếm 5,32%. Đời sống của bà con đồng bào các dân tộc còn nghèo, sản xuất chủ yếu là trồng ngô, lúa, một số loại cây nông sản như chè, bông và chăn nuôi gia súc.

Là người con của đồng bào dân tộc Mông, lớn lên trong nghèo khó và vất vả, cô hiểu sâu sắc về sự học để thoát nghèo. Những năm 1990, được học ở trường Dân tộc nội trú của tỉnh nhà là những tháng ngày cô không thể quên được. Cô kể, nhớ nhất là những quãng thời gian nghỉ hè, nghỉ tết, phải đi bộ mấy chục cây số để về thăm nhà và sau đó lại quay xuống trường. Vất vả là thế nhưng cô luôn khao khát được học và nung nấu ước mơ sau này trở thành cô giáo, ước mơ nơi đất huyện nghèo quê hương có trường cấp III để học sinh người dân tộc như cô không phải đi quá xa để học tập.

Để thực hiện ước mơ đó, cô đã cố gắng học tập và trở thành một trong 10 thí sinh đỗ thủ khoa năm 1994 của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng được sự khích lệ của thầy cô và bạn bè, cô đã vượt qua 4 năm đại học với nhiều thành tích. Năm 1998 khi ra trường, mặc dù có điều kiện ở lại thành phố nhưng cô đã quay về tỉnh nhà nộp hồ sơ xin việc. Cô quyết định trở về mảnh đất nghèo quê hương để thực hiện mong ước của mình.

Khi cô hoàn thành khoá học trở về, huyện Tùa Chủa của cô đã có trường cấp III được thành lập từ năm 1996. Với niềm đam mê nghề nghiệp, với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ và hơn hết là sự trải nghiệm quý giá về con đường học hành, cô đã bắt tay vào làm việc hăng say. Những năm đầu mới ra trường, cô được Ban giám hiệu tin tưởng giao nhiệm vụ Phó Bí thư rồi Bí thư Đoàn trường. Năm 2005, cô được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm 2008, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường.

Hãy có một tấm lòng

Là trường đóng trên địa bàn một huyện vùng cao nghèo, trong những năm qua, trường THPT huyện Tùa Chủa đã trải qua rất nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục còn nhiều điều đáng phải bàn. Có những năm tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp chỉ đạt 13,1%, tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt 67%, không có học sinh thi đỗ vào trường Chuyên nghiệp; tỷ lệ giáo viên khá, giỏi thấp, không có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trước thực trạng đó, chi bộ và Ban Giám hiệu nhà trường cùng tập thể hội đồng sư phạm đã tập trung tìm hiểu nguyên nhân yếu kém của nhà trường và tìm cách khắc phục nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Năm 2008, khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường, cùng với chi bộ, nhà giáo Hoàng Tuyết Ban đã xác định rõ một trong những nguyên nhân then chốt cơ bản nhất dẫn đến chất lượng giáo dục yếu kém đó là do chất lượng đội ngũ giáo viên. Cô cho biết: “Qua nhiều trăn trở suy nghĩ, tôi nhận thấy điểm yếu của đội ngũ giáo viên là sự thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy và trong giáo dục, đồng thời cũng thấy được thế mạnh của họ là sức trẻ, lòng nhiệt tình và sự đam mê nghề nghiệp.” Cô xúc động kể lại những câu chuyện cảm động về tấm gương nhiệt thành của các thầy cô giáo trẻ. Cô Nguyễn Thị Hiền, một cô giáo quê ở Bắc Ninh, khi học sinh bỏ học, cô đã đi về tận nhà em, cách trường 40 km để tìm em quay về trường học tập, trời tối, cô phải đốt đuốc đi bộ hàng chục cây mới vào đến nhà em. Thầy Đỗ Quyết Tiến, cô Đỗ Thị Mỹ Hạnh đã vượt qua bệnh tật của bản thân để trở thành những giáo viên dạy giỏi, tận tình dạy bảo học sinh... Theo cô muốn dạy tốt, trước hết người thầy phải có tấm lòng. “Những thầy cô giáo như thế thực sự đã có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập và sự tiến bộ của các em học sinh.”

Xác định được những điểm yếu và điểm mạnh của đội ngũ, vừa kiên trì tìm kiếm những giáo viên giỏi, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, cô vừa mạnh dạn cho giáo viên đi học hỏi và bồi dưỡng chuyên môn ở các trường có điều kiện thuận lợi hơn, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện kỷ cương nề nếp trong toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên của nhà trường. Cùng với sự cố gắng nỗ lực của cô cùng tập thể sư phạm nhà trường, tới nay, trường đã có một kết quả đáng khích lệ. Năm 2008 - 2009, kết quả đỗ tốt nghiệp từ 13,1% vươn lên đạt 59%, tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt 87%, tỷ lệ học sinh đỗ các trường Đại học, Cao đẳng đạt 56% (trong đó có 5 em đỗ thẳng vào các trường Đại học). Nhà trường được công nhận là Tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2009 - 2010, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 63%, tỷ lệ học sinh chuyển lớp thẳng đạt 84%, trong đó 25% đạt học lực khá - giỏi; có 12 em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hoá và máy tính cầm tay, có 2 học sinh được tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh. Đội ngũ giáo viên cũng có nhiều chuyển biến đáng mừng, từ chỗ không có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trong 2 năm đã có 2 đồng chí; có 7 giáo viên dạy giỏi cấp trường, các giáo viên khác về cơ bản được xếp loại từ trung bình trở lên, không có giáo viên yếu kém.

Có được kết quả đó, một phần là nhờ vào sự cố gắng nỗ lực của bản thân cô, quan trọng hơn là sự đoàn kết, lòng nhiệt tình đầy trách nhiệm của cả tập thể sư phạm. Cô tâm niệm: “Sự nghiệp giáo dục là vinh quang nhưng cũng là trọng trách nặng nề trước toàn xã hội để tạo ra được những lớp người mà như Bác Hồ từng nói: Phải “vừa hồng, vừa chuyên”. Muốn như vậy, người thầy giáo, cô giáo thực sự phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo trên tất cả mọi mặt.” Trong những năm công tác, cô luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, dồn tâm sức vào công tác chuyên môn và dạy bảo học sinh. Bao thế hệ học trò của cô đã ra trường, trưởng thành, có người cũng đã trở thành đồng nghiệp, tiếp tục cùng cô cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao đầy khó khăn và thử thách. 5 năm qua, cô liên tục được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh, Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Bằng khen, được tặng Kỷ niệm chương trong cuộc vận động  “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở khu vực phía Bắc và toàn quốc và là một trong các điển hình tiên tiến xuất sắc về báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ V năm 2010.

Cô tâm sự: “Thành tích của tôi chỉ là rất nhỏ bé trong sự nghiệp giáo dục nói riêng và trong công cuộc đổi mới của nước nhà nói chung. Dù vậy, tôi vẫn rất tự hào vì mình đã truyền nhiệt huyết, thắp được ngọn lửa mơ ước trong trái tim của các em học sinh thân yêu”./.

Phương Thanh

(Nguồn: Tạp chí TĐKT)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất