Thứ Năm, 3/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 21/1/2011 15:49'(GMT+7)

Hành trình tri thức Đông Du tại Nhật Bản: Cuộc hội ngộ với trí thức yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ 20

 

Điểm đến đầu tiên của hành trình tìm về dấu tích của phong trào Đông Du xưa là nghĩa trang Tokyo. Theo Tiến sĩ sử học Hồ Hữu Nhựt (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh), Tokyo là thành phố nằm ở phía Đông Nhật Bản, đồng thời nếu so sánh về địa lý thì cả đất nước Nhật Bản cũng nằm ở phía Đông nước ta, phía mặt trời mọc. Chính vì vậy khi quyết định tổ chức một phong trào đưa những thanh niên hiếu học, thông minh, chịu đựng gian khổ, quyết chí bền gan, không bao giờ thay đổi chí hướng sang Nhật Bản để du học, lĩnh hội kiến thức mới để về canh tân đất nước, người sĩ phu yêu nước Phan Bội Châu đã chọn Tokyo là điểm dừng chân đầu tiên và đặt tên cho phong trào là “Đông Du”.

Cùng với Phan Bội Châu một trí thức yêu nước khác được người dân Nhật Bản biết đến nhiều trong giai đoạn đó là chàng thiếu niên Trần Đông Phong. “Phong là một trong những du học sinh đã đến Nhật Bản trong phong trào Đông Du xưa, người tay hòm chìa khóa lo tài chính giúp các sinh viên Việt Nam sang Nhật học tập thời đó. Công tác này là cơ hội tốt để Phong xây dựng được nhiều mối quan hệ với người địa phương”. Điều này cũng lý giải việc: dù không có người thân thích hay họ hàng ở Nhật, nhưng trước bia mộ Trần Đông Phong luôn có một lọ hoa cúc tươi và nhang khói thường xuyên.

12 thành viên trong đoàn thanh niên, sinh viên, học sinh Việt Nam sang Nhật Bản lần này cũng hết sức xúc động khi nghe câu chuyện về bác sĩ Asaba. Cách đây 100 năm, đích thân cụ Phan Bội Châu đã cho dựng tấm bia mộ báo ân bác sĩ Asaba tại chùa Jorin, ở thành phố Fukuroi. Vào thời điểm phong trào Đông Du gặp khó khăn, bức bách về vấn đề nhận viện trợ tài chính từ Việt Nam sang, cụ Phan Bội Châu đã phải cấp tốc viết một bức thư cho bác sĩ Asaba - một người chưa từng gặp mặt để đề nghị được giúp đỡ. Vậy mà bức thư sáng gửi đi, chiều đã có hồi âm với số tiền 1.700 yên (tương đương gần 100 tháng lương của hiệu trưởng thời đó), với vài dòng giản dị “Nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau nếu cần đừng ngại, cứ lên tiếng. Tôi sẽ làm những gì có thể làm được”. Do nghĩa cử cao đẹp này, 9 năm sau khi bị trục xuất khỏi Nhật, cụ Phan Bội Châu đã quay trở lại tìm gặp bác sĩ Asaba, tuy nhiên lúc này được tin ông đã mất. Tiếc thương và ơn nghĩa chưa kịp báo đáp cho người giúp mình, cụ Phan Bội Châu đã về nước gom góp tiền quay lại Nhật lập bia báo ân bác sĩ Asaba. “Câu chuyện trượng nghĩa giữa cụ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba khiến tôi rất cảm động và hiểu ra rằng tình bạn và lòng nghĩa hiệp vẫn luôn tồn tại bất kể thời đại và dân tộc nào” - Nguyễn Nhật Nam, một học sinh tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang cùng đi với đoàn xúc động chia sẻ. Sau khi thăm nghĩa trang Tokyo, Đoàn đã đến gặp gỡ ngài nghị viên thành phố Fukuroi; thăm trường trung học của thành phố; thăm quan cảng Kobe; viếng Đền Sesoji - ngôi đền cổ nhất, là nơi diễn ra nhiều lễ hội ở Thủ đô Tokyo và tham gia chương trình hỗ trợ giáo dục Giải thưởng Đông Du do Công ty Thép Việt - Nhật Vina Kyoei và cộng đồng phát triển cá nhân và nghề nghiệp Motibee tài trợ. Đoàn đã trao số tiền quyên góp được từ Hội thi Đuốc sáng Đông Du trao tặng cho 3 giáo giáo viên và 6 học sinh có nghị lực tiêu biểu tại đây.

Kết thúc 7 ngày “Hành trình tri thức Đông du” tại Nhật Bản, các bạn trẻ Việt Nam đã có dịp tìm về với nơi khởi nguồn của phong trào Đông Du cách đây vừa đúng 105 năm; được tiếp cận thực tế và tiếp thu những điều mới mẻ từ đất nước, con người Nhật Bản. “Hành trình có ý nghĩa như một ngọn đuốc thắp sáng tinh thần tự học, tinh thần dân tộc để cống hiến cho đất nước mình của các bạn trẻ Việt Nam yêu nước” - Ông Đinh Hoàng Hải, đại diện Ban tổ chức “Hành trình tri thức Đông Du” chia sẻ.

... "Nằm trong các hoạt động của “Hành trình tri thức Đông Du”, ngày 22-1-2011, tại huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu), Ban tổ chức chương trình hỗ trợ giáo dục Giải thưởng Đông Du sẽ tổ chức trao tặng 1 thư viện sách và 35 học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh. Trước đó, trong năm 2010 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 28 học sinh được nhận học bổng Đông Du (3 triệu đồng/học bổng) và có 1 giáo viên, 1 học sinh của tỉnh được tham dự chuyến “Hành trình tri thức Đông Du” tại Nhật Bản. Đến nay, chương trình đã dành hơn 1,7 tỷ đồng giải thưởng và học bổng trao tặng cho 320 gương học sinh nghị lực và giáo viên tâm huyết trên cả nước".


Theo Thành Luân/ Báo Đại đoàn kết
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất