Lịch sử mãi mãi ghi: ngày 28-1-1941, đất nước đón một người con của dân tộc, sau 30 năm đi tìm chân lý đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào.
Được sự giúp đỡ của cán bộ và đồng bào địa phương, ngày 8-2-1941, với tên gọi mới là Già Thu, Bác vào ở và làm việc tại hang Cốc Bó (tiếng Nùng có tên nghĩa là đầu nguồn) - một hang núi kín đáo của dãy núi hùng vĩ (Bác đặt tên là núi Các Mác, ở thôn Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bẳng). Đồ đạc của Bác không có gì ngoài chiếc va li mây đựng tài liệu, cái máy chữ và chiếc sàn ghép lại bằng những cành cây nhỏ trên một tấm phên tre. Ban ngày, Bác ra bờ suối (nơi đầu nguồn Bác đặt tên là suối Lênin) có sẵn một tảng đá bằng phẳng, thay cho chiếc bàn để ngồi làm việc. Và ''sáng ra bờ suối, tối vào hang”, Người đầu chăm lo một sự nghiệp lớn ''hai tay xây dựng một sơn hà”.
Nhờ có ngày Xuân ấy - ngày Bác về với Tổ quốc, với đồng bào và cũng từ mùa Xuân ấy, Đảng ta, nhân dân ta, cách mạng Việt Nam ta có người trực tiếp dẫn lối đưa đường. Từ mùa Xuân ấy, theo lời khuyên của Bác: ''Khuyên ai xin nhớ chữ đồng. Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh'', những người Việt Nam yêu nước quy tụ, tổ chức lại trong Mặt trận dân tộc thống nhất – Mặt trận Việt Minh.
Sau mùa Xuân ấy, chúng ta có lực lượng vũ trang hùng mạnh, mang bản chất ''Bộ đội Cụ Hồ'': ''Trung với nước, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng'', góp sức cùng với dân tộc bách chiến, bách thắng.
Từ mùa Xuân ấy, Đảng ta có người trực tiếp giáo dục rèn luyện, nên mới 15 tuổi đã làm cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra kỷ nguyên mới cho dân Việt Nam và đặt cơ sở cho những thắng lợi vẻ vang về sau của cách mạng Việt Nam; 45 tuổi thống nhất giang sơn; 56 tuổi làm cuộc đổi mới, để tạo đà cho Việt Nam ta phát triển mạnh trong thế kỷ 21.
Từ mùa Xuân ấy, tới những mùa Xuân sau, bắt đầu từ Tết Xuân năm 1942, chúng ta cảm ơn Người đã cho chúng ta có những giây phút thiêng liêng, nhưng lại gần gũi như ruột thịt của người Cha, người Bác, người Anh. Trong phút giao thừa của Tết cổ truyền dân tộc, Người gửi tới mỗi người, mỗi gia đình những vần thơ chúc Tết, với những tình cảm sâu sắc của mình.
Tháng ngày thắm thoát chóng như thoi,
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm này,
Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!
Năm nay là năm rất vẻ vang
Cách mệnh thành công khắp thế giới! (1). Và Tết Xuân 1942 này, Người đã cho mọi người Việt Nam ta biết trước thời điểm nước nhà sẽ độc lập bằng câu kết cuối cùng trong cuốn Lịch sử nước nhà “Việt Nam độc lập 1945”.
Và từ mùa Xuân ấy, ngày 6-1-1946, ngày quốc dân đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước nhà, Bác Hồ - vị lãnh tụ tối cao của dân tộc đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%. Đó là Xuân “đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”; là Xuân “đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”; là Xuân mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dânn độc lập, tự do”.
Mùa Xuân năm 1951, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II là Đại hội: Xây dựng một Đảng Lao động Việt Nam rất mạnh mẽ; đứa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; xây dựng Việt Nam dân chủ mới; góp sức vào việc giữ gìn dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài – Bằng sức mạnh của dân tộc, đất nước trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước.
Xuân năm 1960, Xuân “Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh; Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ”. Xuân cho ta niềm tự hào lớn lao về Đảng, như trong bài diễn văn quan trọng Bác Hồ đã đọc tại Lễ kỷ niệm Đảng 30 tuổi có 4 câu thơ mang ý nghĩa tổng kết:
“Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.
Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”.
Và bắt đầu từ Xuân này, nhân dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trên đất nước Việt Nam, như Bác Hồ đã có Thơ chúc Tết:
“Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.
Cả nước một lòng hăng hái tiến lên,
Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ”.
Xuân Mậu Thân năm 1968, đã đi vào lịch sử, đó là mùa Xuân tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt củ quân dân miền Nam, tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến tranh, buộc địch phải lui vào chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường. Cuộc Tổng tiến công này là bước tập dượt cho cuộc Tổng tiến công toàn thắng mùa xuân năm 1975. Vì thế, đất nước vào Xuân 1968 với khí thế:
“Xuân này hơn hẳng mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên
Toàn thắng ắt về ta!”.
Tết năm 1969, khi gặp Đoàn đại biểu miền Nam, Bác có nói: Bác kêu gọi đánh Mỹ 20 năm, chứ chưa bao giờ kêu gọi 21 năm. Thực tế lịch sử: năm 1954 Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam ký kết, theo Hiệp định sau 2 năm (tức đến 1956) nước nhà tổng tuyển cử thống nhất. Nhưng năm 1955, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, hất cẳng Pháp. Thế là từ năm 1955, cả nước ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cho đến năm 1975, cuộc chiến chống Mỹ thắng lợi.
Cuộc Tổng tiến công của toàn quân dân miền Nam, với chiến dịch mang tên Anh hùng dân tộc vĩ đại Chí Minh, mùa Xuân 1975, giang sơn Việt Nam thu về một mối. Cả nước chung sức, chung lòng bảo vệ nền độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Và bắt đầu từ đây, những mùa Xuân sau Việt Nam đã thực hiện được nguyện vọng cao cả mà như thơ Xuân 1969 - bài thơ chúc Xuân cuối cùng của Bác Hồ đã chúc: ''... Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn''. Lại nhớ lời tiên tri của Bác từ năm 1960, về ngày thống nhất giang sơn Việt Nam liền một dải: ''Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ Diệm, chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc – Nam nhất định sẽ sum họp một nhà'' (Trong văn bản 2 chữ ''chậm lắm'' được gạch đi bằng nét bút chì bi).
Mùa Xuân năm 2000, đó là mùa Xuân cuối cùng của thế kỷ 20, thế kỷ mà với dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam dưới sự dẫn dắt của người Anh hùng vĩ đại Hồ Chí Minh hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng: ''Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là mùa xuân Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 70 tuổi, tổng kết đợt 1 của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn để Đảng thật sự là đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo dân tộc, đất nước và cùng với đất nước, dân tộc bước sang thế kỷ 21.
Xuân 2001 - Xuân Đảng ta tiến hành Đại hội IX – Đại hội phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Xuân cả nước một lòng vượt qua khó khăn, với Nghi quyết IX của Đảng giành thắng lợi to lớn và toàn diện.
Xuân 2006 đến - Xuân Đảng ta tiến hành Đại hội X – Đại hội đánh dấu thời điểm có ý nghĩa trọng đại: đất nước đã qua 5 năm đầu tiên của thế kỷ 21 thực hiện Nghị quyết Đại hội IX; 15 năm thực hiện Cương lĩnh và 20 năm thực hiện đường lối đổi mới; Xuân thứ 60 nhân dân ta hưởng dụng quyền dân chủ và quyền lợi của một người dân độc lập, tự do.
Xuân 2011 - Xuân, Đảng ta tiến hành Đại hội XI, ''Đại hội quyết định Chiến lược tiếp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN''. Định hướng mà Bác đã vạch ra cho ta từ mùa Xuân 1960 ''Con đường phía trước'' : ''Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm ngàn lần và giúp người làm nên những việc phi thường. Muốn có máy phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu. Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hoá nước nhà là con đường ấm no thật sự của nhân dân''.
Xuân này, đất nước, nhân dân nô nức kỷ niệm 70 năm ngày Bác về nước, để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, để đưa con thuyền Việt Nam đến bến bờ vinh quang ngày nay. Trong bối cảnh của ngày Xuân 2011 này, khi hàng trăm triệu trái tim và khối óc người Việt Nam đứng vững trên đôi chân và ngẩng cao đầu, để tiến lên trong độc lập, tự do, trong ấm no hạnh phúc, bỗng trong lòng mỗi người lại vang lên lời thơ của Bác khi về thăm lại hang Cốc Bó năm 1961.
“20 năm trước ở hang này,
Đảng vạch con đường đánh Nhật – Tây
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu,
Non sống gấm vóc có ngày nay”./.
TS. Trần Viết Hoàn