Thứ Năm, 3/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 20/2/2011 18:18'(GMT+7)

Người tiên phong trên mặt trận văn hoá thông tin

Tháp Chuông tại Thành Cổ Quảng Trị. (Ảnh minh hoạ).

Tháp Chuông tại Thành Cổ Quảng Trị. (Ảnh minh hoạ).

Thị xã Quảng trị, một đô thị có chiều dài lịch sử hơn 200 năm hình thành và phát triển, một mãnh đất có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng. Làm thế nào để khơi dậy những lớp trầm tích văn hóa và làm cho những giá trị văn hóa của thị xã Quảng trị thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành cội rễ cho sự phát triển của địa phương luôn là điều băn khoăn, trăn trở với anh Cao Trọng Cân, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Quảng trị.

Xuất phát từ những đòi hỏi trên, trong những năm qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng đơn vị, làng, khu phố văn hóa ở thị xã được xác định là giải pháp có tính bền vững, là phong trào có tính nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, từng bước chuyễn các yêu cầu về phát triển sự nghiệp VH-TT-TDTT của thị xã trở thành những yêu cầu của phong trào; để từ cơ sở, huy động các nguồn lực cho việc xây dựng sự nghiệp VH-TT ở cơ sở, phục vụ nhu cầu đời sống của cộng đồng dân cư và từng bước nâng cao đời sống tinh thần của xã hội.

Thấm nhuần lời Bác dạy: “Văn hoá, văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”, anh Cao Trọng Cân luôn đi sâu tìm tòi, học hỏi, theo dõi hoạt động, diễn biến của xã hội để có sự tham mưu chỉ đạo kịp thời phong trào văn hóa văn nghệ của một mảnh đất anh hùng địa linh nhân kiệt. Anh đã xây dựng các chương trình tuyên truyền để vận động nhân dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng gia đình văn hóa, tôn tạo và phát huy giá trị của các công trình di tích lịch sử tại TX Quảng Trị....

Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thị xã Quảng Trị luôn coi trọng xây dựng đời sống văn hóa, lấy gia đình văn hóa làm hạt nhân của phong trào và là vườn ươm “người Quảng Trị thanh lịch, văn minh”. Sau nhiều năm triển khai thực hiện phong trào, đời sống văn hóa của thị xã Quảng trị đã có những chuyển biến tích cực và rõ nét, những thành quả của phong trào có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống KT-XH-QPAN của địa phương, tạo ra cơ sở vững chắc để đến năm 2004, thị xã Quảng trị được UBND tỉnh phê duyệt đề án và cho phép phát động xây dựng thị xã Quảng trị theo mô hình điển hình văn hóa của toàn tỉnh.

Suốt 5 năm phấn đấu liên tục cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, trực tiếp là của Ban Chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống văn hóa tỉnh đến tháng 9 năm 2009, thị xã Quảng trị được UBND tỉnh kiểm tra công nhận và trở thành đơn vị cấp huyện thị đầu tiên trong toàn tỉnh được công nhận là đơn vị điển hình văn hóa.

Những kết quả của phong trào xây dựng đơn vị điển hình văn hóa là kết quả tổng hợp sức mạnh được huy động từ các nguồn lực trong hệ thống chính trị đến các cộng đồng dân cư, đã góp phần quan trọng vào việc làm thay đổi diện mạo đời sống KT- VH- XH và QPAN của địa phương. Đạt được kết quả đó, công lao đầu tiên phải kể đến anh Cao Trọng Cân- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã.Từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa, ý thức và vai trò của cá nhân, gia đình và cộng đồng được phát huy trở thành những nhân tố tích cực, chủ động trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh; thực hành dân chủ, kỷ cương xã hội; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tạo lập môi trường cảnh quan đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng thị xã điển hình văn hóa.

Các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án xây dựng thị xã trở thành đơn vị điển hình văn hóa được cụ thể hóa trở thành những yêu cầu nhiệm vụ chính trị và những chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành và được triển khai sâu rộng, góp phần tạo ra những chuyển biến quan trọng trong đời sống kinh tế và an sinh xã hội. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc đối tượng chính sách; các hoạt động lễ hội, hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, các cuộc vận động nhân đạo v.v được xã hội hóa một cách mạnh mẽ, góp phần làm sâu sắc thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Các chương trình văn hóa đô thị, chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các đề án phổ cập PTTH, xây dựng trường điểm quốc gia, đề án xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cùng với các chương trình y tế quốc gia… đã được triển khai từ các nguồn lực của Nhà nước và của cộng đồng xã hội một cách đồng bộ, góp phần vào việc xây dựng môi trường, cảnh quan, không gian văn hóa đô thị, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân sinh hoạt, học tập, rèn luyện sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát huy nhân tố con người trong giai đoạn mới.

Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của hệ thống di tích, nhất là các di tích lịch sử cách mạng thường xuyên được quan tâm và mang lại những kết quả khả quan. Cùng với sự đầu tư tôn tạo di tích Thành cổ của tỉnh và trung ương, việc tổ chức khá thường xuyên các lễ hội cách mạng đã góp phần giới thiệu các giá trị văn hóa của các di tích trong cụm di tích Thành cổ Quảng trị đến với đồng bào cả nước, huy động nhiều nguồn lực đầu tư để tôn tạo di tích ở 2 bờ sông Thạch Hãn và xây dựng các công trình văn hóa tâm linh trên địa bàn. Công tác sưu tầm, nghiên cứu các di tích văn hóa truyền thống, di sản văn hóa dân gian đang từng bước khởi động và trên đà chuyển động tích cực. Trong đó, các chương trình lễ hội cách mạng, các hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ không chỉ có giá trị trong việc kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa, phục vụ cho yêu cầu giáo dục truyền thống, nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân và làm cho các giá trị văn hóa của mãnh đất Thành cổ thấm sâu vào đời sống tinh thần xã hội mà còn góp phần giới thiệu hình ảnh của thị xã Quảng trị đến với bạn bè trong cả nước và quốc tế, thu hút nhiều khách tham quan đến với các di tích trên địa bàn.

Mười năm làm công tác quản lý ngành Văn hóa và Thông tin thị xã là quảng đường không dài trong hành trình đi lên của một ngành lại càng quá ngắn so với tiến trình lịch sử của địa phương. Với anh Cao Trọng Cân và những người làm công tác văn hóa văn nghệ lại còn có ý nghĩa sâu sắc hơn. Nhìn lại những gì đã làm được là kết quả của bao lo toan, vất vả, tâm huyết và trách nhiệm của mình để ngành VH-TT thị xã có những bước chuyễn vượt bậc và thực sự trưởng thành. Ghi nhận những thành tích đạt được, ngành Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng trị đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba; Riêng anh Cao Trọng Cân vinh dự được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen năm 2009.

Mặc dù đạt được những thành tích như vậy, nhưng anh Cao Trọng Cân vẫn khiên tốn nói: Đó là kết quả tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng; của những nổ lực, cố gắng của toàn ngành, khi biết vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đứng chân trên mảnh đất Thị xã có bề dày về lịch sử văn hóa, phát huy truyền thống cách mạng của mãnh đất Thành cổ anh hùng để xây dựng và phát triển.

Bản thân anh chỉ nghĩ rằng: Là người con của thị xã thì cần phải có trách nhiệm với mảnh đất Thành cổ, với những người đã khuất. Lịch sử và đời sống văn hóa thị xã vẫn còn đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề cho ngành Văn hóa và Thông tin thị xã ở phía trước, đòi hỏi những người làm công tác văn hóa thị xã phải nổ lực, phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác và làm tròn trách nhiệm trước yêu cầu của sự nghiệp thì chắc chắn sẽ vượt qua được những khó khăn, thách thức và hoàn thành được các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Anh thực sự là người tiên phong trên mặt trận văn hóa thông tin!./.

THU HÀ

(Nguồn: Tạp chí TĐKT) 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất