Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 26/8/2012 9:36'(GMT+7)

Có một phương pháp luận của lý luận phê bình văn nghệ

 Nếu phương pháp luận là lý luận các phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực, là hệ qui tắc, biện pháp vận dụng vào việc khảo sát đối tượng của bất cứ ngành khoa học nào, thì phương pháp luận LLPB văn nghệ đòi hỏi nhà phê bình vận dụng linh hoạt phép biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, “mỹ học vận động” vốn là những nhân tố ưu việt của các thời đại nhằm đáp ứng hiệu quả đánh giá tác phẩm và sự cảm thụ của người xem, người nghe. Dưới đây là mấy vấn đề học thuật có liên quan tới phương pháp luận phê bình văn nghệ.

1. Lý luận phê bình văn nghệ và đời sống xã hội

LLPB tác động tới thực tiễn đời sống trước hết là việc phân tích, đánh giá, đối chiếu trực tiếp hoặc gián tiếp các hình tượng nghệ thuật, các luận đề xã hội nêu trong tác phẩm với những con người và những vấn đề lịch sử - xã hội - trung tâm của công luận. Để giải mã cấu trúc văn bản tác phẩm, người ta thường nói đến các lớp cắt của tác phẩm; hệ ngang (đồng đại) và hệ dọc (lịch đại, truyền thống) để tìm ra ý niệm triết học, luận đề đạo đức, điều mà nhà văn, nhất là các nhà văn lớn trao gửi thông điệp cho người đọc. Chinh phụ ngâm (1741) của Đặng Trần Côn (bằng chữ Hán, bản dịch thành công của Đoàn Thị Điểm) là bản thông điệp của nhà thơ lớn về cuộc chiến tranh phi nghĩa thông qua số phận chìm nổi, cô đơn, “trăm sầu nghìn não” của người chinh phụ khi phải xa chồng nơi chiến địa. Tác phẩm không chỉ dừng lại ở cảnh chiến chinh do các tập đoàn phong kiến chủ xướng, mà còn đẩy mọi cảnh vật, số phận con người thành “tâm lý sự kiện”. Chiến tranh, dù là chính nghĩa cũng là điều bất bình thường đối với con người. Và sau đó là triết lý về hạnh phúc lứa đôi, về cuộc sống Kiếp này hơn thẩy kiếp sau theo quan niệm quả - phúc của Phật giáo: Tiếng nói phản chiến của người chinh phụ đối lập với công danh, tước phong của vị chinh phu. Văn học dựa vào lịch sử, nhưng văn học triết luận hơn lịch sử được thể hiện ở những tuyên ngôn của tác giả, ở phát ngôn tổng kết của nhân vật. Thực tiễn đời sống là cơ sở của chân lý nghệ thuật, nhưng nhà văn, bạn đọc cần tránh hai nhầm lẫn: Hoặc đặt thực tiễn đời sống, hình mẫu nhân vật trùng khít với hình tượng nghệ thuật; hoặc tuyệt đối hóa khách quan hay tuyệt đối hóa chủ quan, trong lúc sáng tạo. Nhà văn miêu tả thực tiễn đời sống, viện dẫn lịch sử qua sự chọn lọc, khái quát hóa, sắp xếp những cái vốn rời rạc, thúc đẩy mối quan hệ xã hội giữa các nhân vật với mục tiêu cao nhất là tìm được triết học văn hóa của các hiện tượng xã hội, sự kiện lịch sử. Nhà văn có thể có ý thức trong quá trình sáng tác hay vô thức khi tổng kết triết học hoặc đạo đức học nhưng bổn phận của nhà phê bình là phải chỉ cho người đọc biết những kiến giải về cuộc đời và con người, về kinh nghiệm sống và cách xử thế…

Phê bình văn nghệ phải chịu ơn phương pháp luận phê bình trước hết là phải coi trọng “mỹ học vận động” và “tu từ học vận động”. Cái trước là những luận đề mỹ học được coi là cơ sở lý luận để phân tích văn bản tác phẩm. Khi nhà phê bình từ chối những tri thức mỹ học cũng là lúc những kiến giải, lập luận thường xa rời cái đẹp, rơi vào diện miêu thuật nhạt nhẽo lại cốt truyện, và sau cùng, đi theo con đường mòn của chủ nghĩa kinh nghiệm, cảm thụ tùy hứng cá nhân, không có lợi cho sự đọc của công chúng. Còn cái sau là cơ chế của việc khảo sát văn bản dựa trên kinh nghiệm cảm thụ cá nhân nhà phê bình, bằng khám phá tính đa nghĩa của hình tượng, bằng sự sáng tạo, liên tưởng đến những sự kiện nghệ thuật, bằng những câu văn tài hoa, thâm thúy để chuyển tải bề nổi, bề chìm của nội dung muốn nói.

2. Cuộc đời, quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ là chìa khóa để hiểu tác phẩm

Phê bình văn nghệ có ảnh hưởng tới số phận và cá tính sáng tạo của nhà văn, nghệ sĩ. Đối với mệnh đề thứ nhất, các nhà nghiên cứu - phê bình thường dùng phương pháp khảo sát tiểu sử, phương pháp khảo sát lịch sử - di truyền và truyền thống văn hóa vùng tức là cái nôi địa hình thái văn hóa của sự phát triển trí tuệ, truyền thống hiếu học, trọng học của từng dòng tộc, từng đại gia. Nhưng cần tránh đi quá sâu những chi tiết ngoài văn học, những hiện tượng đời tư không liên quan gì đến cá tính sáng tạo.

Nói phê bình là nói khen chê đúng mức. Lời khen chân thật sẽ làm gia tăng tính tự tôn, lòng tự tin của đối tượng được phê bình, nhưng lời chê, dù là lời chê khách quan cũng làm tổn thương đến tính tự ái của nhà văn nghệ sĩ. Biết làm sao được! Nếu không có phê bình thì không có động lực thúc đẩy sự trưởng thành sáng tạo của nhà văn. Chỉ có điều, nhà phê bình phải có những quy chuẩn, phạm trù, định đề, coi đó là những công cụ để phân tích những giá trị và những phản giá trị của tác phẩm. Ở đây đòi hỏi sự chừng mực của phê bình, tức là cái đẹp, cái chân thật là những phạm trù quan trọng của phê bình văn học.

Khảo sát cá tính sáng tạo cũng có ý nghĩa đối với tài năng, thế giới quan, thị hiếu, cảm thụ thẩm mỹ của nhà văn nghệ sĩ. Ngay cả những người tri âm, tri kỷ với nhà văn cũng không phải là một lần đã hiểu hết ý nghĩa tác phẩm của tác giả, nhất là những tác phẩm lớn. Trong văn học Nga, nhà thơ Viademxki - một người bạn tâm giao của A. Puskin cũng không hiểu đầy đủ thiên tài của nhà thơ lớn nước Nga, chỉ sau khi các bài phê bình của Biêlinxki về Puskin ra đời, thì thiên tài của ông mới trở thành hiện tượng của ý thức xã hội, có ý nghĩa triết học văn hóa. Trong phê bình văn học nghệ thuật, tri thức văn hóa tổng quát, văn hóa phê bình là mã số cho phép cách đọc và hiểu tác phẩm kể cả tác phẩm phê bình. Đọc những bài tranh luận của Huỳnh Thúc Kháng như Mê người trong tiểu thuyết cùng mê người trong tuồng hát, Lại câu chuyện bác Truyện Kiều, Không nên khinh lối văn chương châm phúng… chúng ta thấy cụ Huỳnh Thúc Kháng có một bề dày tri thức lịch sử - văn hóa của dân tộc và của Đông - Tây, đặc biệt là Bắc sử, để lại trong những tiểu luận của mình những tư tưởng cấp tiến, những giá trị nhân văn, những lý sự, những điển tích văn chương đã làm vững chắc cho những luận đề của mình. Trong Lại bàn vấn đề chánh học cùng tà thuyết (báo Tiếng Dân, 10 - 1930), vượt lên trên mọi lý do vụn vặt, chuyện Ông Ngô, Cụ Huỳnh xoi mói ông Quỳnh, nêu mục đích tranh luận không phải việc riêng tư, mà điều lớn lao hơn là bảo vệ chân chính nền quốc văn, quốc học dân tộc vào thời điểm trên văn đàn xuất hiện không ít tà thuyết. Ý nghĩa triết học - xã hội của những bài báo trên rất rộng. Chính Phan Khôi cũng phải thừa nhận là “Nhất ngôn cư yếu” nên trong mấy bài phê bình về sau cụ Phan gác hẳn chỗ cốt yếu ra ngoài tranh luận, còn Phạm Quỳnh đã tự hối mà không có cái giọng hăng hái như trước nữa, đủ biết bài Chánh học… có ảnh hưởng đến văn giới, công chúng tới mức nào!

3. Lý luận phê bình văn nghệ cần sự hỗ trợ của nhiều ngành khoa học hữu quan

Lịch sử nguồn gốc của phê bình văn học phát triển trong mối quan hệ bên trong giữa nó với triết học, mỹ học (lý thuyết cơ bản); với các khoa học có liên quan tới phân tích văn bản (thuyết cấu trúc, ký hiệu học); với các khoa học nghiên cứu thể thức đánh giá (giá trị học); với các khoa học nghiên cứu tâm lý, tâm linh, thị hiếu, sở thích của con người (tâm lý học nghệ thuật, dân tộc học, nhân học); với khoa học nghiên cứu bản thể văn chương, như một nghệ thuật bao gồm tư duy nghệ thuật, cấu trúc nghệ thuật, những phương thức miêu tả, ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng tác giả mang tên: Tôi…(thi pháp học).

Trong lịch sử phê bình văn học ở Nga, M. Bakhtin đã vận dụng thành công những phạm trù: đa thanh, phức điệu trong âm nhạc để phân tích thi pháp tiểu thuyết của Đôtxtôiepxki. Âydensơtanh (1898 - 1948) đạo diễn, nhà lý luận điện ảnh nổi tiếng Xô Viết ứng dụng những khái niệm của lý thuyết điện ảnh như Môngtagiơ, khuôn hình, cảnh, trường đoạn để nghiên cứu thơ A. Puskin. Về sau trong các công trình nghiên cứu âm nhạc của Mazenli thuật ngữ môntagiơ trở thành công cụ phân tích âm nhạc Sôtxtacôvích (nhạc sĩ xuất sắc Xô Viết). Việc áp dụng kinh nghiệm các loại hình nghệ thuật, các khoa học liên ngành là để làm phong phú phê bình văn học bằng những thủ pháp mới, bằng những kỹ thuật “giải phẫu” mới tác phẩm, nhằm đem lại cho người đọc những ấn tượng mới khó quên.

Trong nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật nước ta, nhiều nhà phê bình đã sớm ý thức vận dụng các khoa học “ngoài văn học” để tiếp cận cấu trúc tác phẩm và đã có những thành công nhất định. Giáo sư Hoàng Trinh đã vận dụng thi pháp ký hiệu học để nghiên cứu thơ hiện đại. Ông là người đam mê thơ ca dân tộc từ ca dao, tục ngữ, thơ cổ điển trung đại cho đến các nhà thơ hiện nay. Khai thác những kinh nghiệm về cách đọc thơ theo thi pháp ký hiệu học của Michael Riffaterre, của Iu. Lôtman, của Henri Meschenic, ông cho rằng, thơ là dây chuyền tạo nghĩa trong đó có bề nổi và bề chìm, có ngôn ngữ mô phỏng và ngôn ngữ nội hàm, cái nói ra và cái ẩn chìm, cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Mục đích của xu hướng nghiên cứu này là nhằm đổi mới cách đọc tác phẩm thơ, trả lại cho cấu trúc tác phẩm những yếu tố trước đây bị bỏ quên những vùng tiềm năng bị coi nhẹ. Ví dụ một câu ca dao:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Nói cây, thực ra là nói người, nói non, núi cao là để biểu đạt khối đoàn kết cộng đồng, phải lấy cây làm ẩn dụ thì mới nói được ý chụm, nói núi cao để chỉ sự đồng tâm hiệp lực của nhiều người. Trần Đình Sử trong Thi pháp thơ Tố Hữu (1995) cũng có những đóng góp đáng khích lệ cho phê bình văn học. Đặc biệt, ông dành hẳn một chương để tiếp cận hình thức thơ Tố Hữu như mối quan niệm tổng hợp về thơ: Chất thơ, những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu, quan niệm nghệ thuật về con người, về lịch sử và thời đại… Thơ Tố Hữu là một chính thể nghệ thuật độc đáo, một hiện tượng tiêu biểu cho thể loại thơ trữ tình - chính trị…

4. Phê bình văn nghệ dấy lên dư luận xã hội về tác phẩm

Tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn, nghệ sĩ. Nhưng khi nó ra đời thì không chỉ là của văn nghệ sĩ nữa, mà là sản phẩm văn hóa của xã hội, là đối tượng cảm thụ thẩm mỹ của người đọc. Sự tồn tại của tác phẩm văn chương trong xã hội giúp bạn đọc làm phong phú đời sống tình cảm, nâng cao tầm hiểu biết về nghệ thuật, về kiến thức nhiều mặt của dân tộc và thế giới, về kinh nghiệm sống và đạo đức của con người. Đồng thời dấy lên dư luận xã hội đối với tác phẩm: khen - chê; hay - dở; đẹp - xấu; hấp dẫn - phản cảm, lành mạnh - suy đồi, v.v.. Dư luận công chúng bao gồm: Phê bình chuyên nghiệp và phê bình không chuyên, báo chí và “xuất bản” bằng miệng. Cái sau không nên coi thường, vì những nhà phê bình này là số đông, thậm chí rất đông, có khi hàng triệu người. Dưới đây là mấy điểm cần lưu ý khi đề cập đến chức năng phê bình văn học: Ở đây chúng ta bắt gặp phương pháp “hoài nghi của R. Descartes” để suy định và cảm thụ. Chân lý trong tác phẩm văn nghệ chỉ có ý nghĩa tương đối. Có thời, người xem thường đồng nhất hình tượng nghệ thuật với hình mẫu trong cuộc sống. Rũ bỏ được ý niệm đó tức là tránh được lối phê bình đúng - sai thuần lý trí.

Phê bình tác động tới tâm hồn, tình cảm người đọc, môi trường nghệ thuật trong nhóm xã hội mà họ thường giao lưu, giúp họ hình thành thị hiếu và khuynh hướng xã hội, nhưng không phải lúc nào tác phẩm nghệ thuật cũng biến thành “sức mạnh vật chất” đối với người thưởng thức. Sự thẩm định các giá trị và phản giá trị của tác phẩm, của hiện tượng nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng của phê bình.

Đối với phê bình nghệ thuật, những yếu tố chính luận và yếu tố công dân là hết sức quan trọng. Đôtxtôiépxki nhấn mạnh rằng: Nhà phê bình là nhà chính luận, bắt buộc không chỉ có những kiến giải vững chắc, mà còn phải biết đưa chúng vào cuộc sống. LV. X. Vưgốtxki (1896 - 1934), nhà tâm lý nghệ thuật Xô Viết nổi tiếng có viết: “Nhiệm vụ của phê bình chỉ có một nửa thuộc về mỹ học, còn một nửa thuộc chính luận và khoa sư phạm xã hội” (1). Trong các bài phê bình văn học, để luận chiến với Phạm Quỳnh, Phan Khôi, nhà thơ trẻ Lưu Trọng Lư, chúng ta thấy yếu tố chính luận, yếu tố công dân của Huỳnh Thúc Kháng - nhà phê bình là ở chỗ, đề cao yếu tố tự do tư tưởng, dân chủ hóa báo chí, dấy lên một “phong khí luận học” trong học giới nước ta vào khoảng những năm 30 của thế kỷ trước.

Nhà phê bình vừa là người hướng dẫn bạn đọc, vừa là nhân chứng của người đọc. Nhà văn Pháp Sainte Beuve (1804 - 1869) nói: “Nhà phê bình văn học là người biết đọc sách và dạy cho người khác biết đọc sách”. Ở đây đòi hỏi nhà phê bình phải là phê bình chuyên nghiệp mới làm trọng tài cho người đọc được, bởi công chứng có thị hiếu, tâm lý, trình độ học vấn và dân trí khác nhau. Riêng thị hiếu người đọc chúng ta thấy có những hiện tượng đối lập nhau xô bồ: Tiến bộ và lạc hậu, lành mạnh và lố lăng, mà thị hiếu thì không thể một lúc có thể thay đổi được.

Vì vậy, công việc phê bình phải tạo nên ở công chúng cơ chế đánh giá độc lập, bằng cách trang bị cho họ những khái niệm, những nguyên lý sơ đẳng về mỹ học, về lý luận văn nghệ để họ tự thẩm định khi xem một tác phẩm. Biêlinxki nói: “Không có kiến thức thì không có khoái cảm”.

Trong phê bình cần tránh hai thái cực, hoặc tuyệt đối hóa yếu tố khách quan, hoặc tuyệt đối hóa yếu tố chủ quan.

Tuyệt đối hóa yếu tố khách quan là nhà phê bình xem xét văn bản tác phẩm bị đóng đinh bởi những định chế của lịch sử, của thời đại sinh ra nó, không tính tới sự biến đổi của thế giới quan, kinh nghiệm sống, tài năng của nhà văn. Ví dụ: những bài thơ hay, đứng được trong lòng người đọc trong hai cuộc kháng chiến cho đến hôm nay như: Mầu tím hoa sim, Tây Tiến; Núi Đôi; Cuộc chia ly mầu đỏ; Hương thầm; Quê hương; Lửa đèn; Trường ca biển; Hương cây - bếp lửa; Mặt đường khát vọng; Đất nước hình tia chớp; Trường ca sư đoàn, v.v.. là nhờ viết về đề tài chiến tranh oai hùng của dân tộc cả thế giới đều ngợi ca, nhưng cần tính đến đầy đủ cảm hứng và tài năng của nhà thơ.

Tuyệt đối hóa yếu tố chủ quan trong phê bình là đề cao quá đáng vai trò chủ thể sáng tạo, phút thăng hoa của tài năng, mà quên mất bối cảnh lịch sử - xã hội, môi trường nghệ thuật, truyền thống nghệ thuật mà nhà văn đó chịu ảnh hưởng.

Mỗi thời đại có cách đọc tác phẩm của mình. Cách đọc mới không thay đổi và sai lạc cách đọc thời đại trước đó. Mọi cách đọc đều bình đẳng như nhau. Cũng vậy, mỗi công dân đọc tác phẩm theo cách đọc của mình tùy theo thế giới quan, trình độ học vấn, thị hiếu, tâm trạng thời đại. Lép Tônxtôi là người đầu tiên phá vỡ thần tượng Sêchxpia ở châu Âu, ông chỉ ra những chỗ bất cập, kỳ quặc trong các hình tượng: Hămlét, Ôtenlô, Mắcbét… Khi phê phán tác phẩm văn viết kịch vĩ đại Anh, nhà văn Nga đã xuất phát từ những yếu tố nằm ngoài nghệ thuật, coi đạo đức của Sêchxpia không thể dung hợp được với lý tưởng đạo đức - triết học của mình: “Không chống điều ác bằng bạo lực”, đã bị đời sau phê phán. Đủ biết, sự đánh giá khác nhau ở mỗi thời đại khác nhau là sức mạnh nội tâm không chỉ là của cá nhân của người đánh giá mà còn là năng lượng tinh thần của thời đại ./.

 

GS. VS. HỒ SĨ VỊNH
---------------------

(1) Tâm lý học nghệ thuật, Nxb. KHXH, H, 1981, tr. 336.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất