Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 20/8/2012 18:8'(GMT+7)

Ca trù khắc khoải chờ cơ chế

Một canh hát ca trù ở đình làng Lỗ Khê.

Một canh hát ca trù ở đình làng Lỗ Khê.

Nuôi dưỡng ca trù trong điều kiện khó

Trước năm 2005, cả nước mới có 22 câu lạc bộ ca trù, 20 nghệ nhân và giới trẻ dường như chỉ ca được ba bài: hát nói, xẩm huê tình, hát ru. Hiện, cả nước có trên 60 câu lạc bộ ca trù; phát triển mạnh ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Riêng Hà Nội chiếm gần 1/3 tổng số câu lạc bộ của cả nước với sự tham gia đông đảo của các đào nương, kép đàn. Lực lượng nòng cốt là các đào nương lứa tuổi 45 – 50, có được nhiều kỹ năng bài bản, có thể hát từ 10 – 15 thể cách, trong đó nhiều thể cách phức tạp. Ngoài ra, đào nương lứa tuổi từ 10 – 15 khá nhiều, hát hay và đặc biệt yêu ca trù. Tuy vậy, ca trù đang dần khôi phục trong đời sống hiện nay, phần lớn nhờ vào cộng đồng là những người đang nắm giữ ca trù. Người ta đến với ca trù, gìn giữ ca trù đơn thuần vì niềm đam mê, vì trách nhiệm với vốn cổ mà dường như chưa nhận sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng.

Không ai khỏi chạnh lòng khi nghe ông Nguyễn Thế Thiêm, chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê (huyện Đông Anh, Hà Nội) tâm sự: “Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê có trên 50 người, đến với nhau bằng sự say mê nghề tổ, tự bỏ kinh phí để hoạt động và chút lòng hảo tâm của một số cá nhân trong làng. Ngoài số tiền ít ỏi huyện hỗ trợ mở lớp đào tạo hát ca trù, còn đầu tư cho hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ thì chưa. Nhưng tôi cho rằng, Nhà nước phải có kinh phí hợp lý mới khuyến khích được nhiều người theo nghề, người ta phải có thừa hưởng mới ràng buộc được với nhau”. Cũng cần nói thêm rằng, Lỗ Khê xưa chính là một trong ba trung tâm ca trù của cả nước và hiện nay còn nhà thờ Tổ nghề, còn thần phả, còn sắc phong… Nói như nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Đặng Hoành Loan, nguyên Viện phó Viện Âm nhạc Việt Nam thì: “Lỗ Khê xứng đáng được khôi phục lại vị thế này”.

Tương tự như vậy, ca nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long (Hà Nội) cũng trăn trở: “Khi ca trù đang trong giai đoạn làm hồ sơ vận động công nhận là di sản thế giới, nhiều người theo học vì hy vọng sẽ có nhiều cơ hội sau này. Nhưng sau khi ca trù chính thức trở thành di sản thế giới, thực tế lại không được như vậy nên nhiều người bỏ nghệ thuật này. Bản thân các thành viên trong câu lạc bộ cũng phải tự lo kinh phí để hoạt động, không có tâm huyết không thể làm được”.

Khắc khoải chờ cơ chế

Với không gian trải rộng khắp 15 tỉnh, thành trong cả nước và nhất là khi đã trở thành di sản thế giới, ca trù không phải của riêng ai, trách nhiệm gìn giữ và phát huy cũng là chung của mọi người. Chính vì thế, sự vào cuộc để bảo tồn và phát huy giá trị ca trù của các địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa có sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng bởi vì lý do duy nhất ca trù không phải riêng của địa phương đó.

Trong khi đó, cũng là di sản thế giới nhưng tỉnh Phú Thọ xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xoan rất cụ thể. Tỉnh Bắc Ninh cũng có những hành động rất tích cực trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát quan họ. Duy chỉ có ca trù chưa được may mắn như thế. Ngay cả Hà Nội, một trong ba trung tâm ca trù của cả nước nhưng chưa có động thái mạnh, chưa có chính sách, kế hoạch trong việc hỗ trợ để bảo tồn và phát triển ca trù, nếu chưa nói không được quan tâm như các tỉnh khác. Trong khi, Hà Nội là cái nôi lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, văn học của ca trù. Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Thăng Long Phạm Thị Huệ tâm tư: “Cái khó hiện nay là Nhà nước chưa có chính sách cụ thể cho ca trù, chưa có đơn vị nào của Nhà nước đứng ra làm dự án mà chỉ có người làm nghề tự vận động”.

Nhưng cũng phải thừa nhận, Nhà nước chưa có một chế tài, quy định pháp lý trong việc đầu tư cho ca trù nên các địa phương lúng túng, không biết ứng xử thế nào trong việc đầu tư, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật không phải của riêng địa phương mình.Vấn đề này dẫn đến mắc mớ, ca trù đứng trong tình trạng không địa phương nào có trách nhiệm và không tỉnh thành nào tìm ra đường lối, chính sách, kế hoạch để hỗ trợ, giúp đỡ cho ca trù phát triển. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Đặng Hoành Loan khẳng định: “Điều đó dẫn đến nguy cơ nếu các cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan chính quyền không quan tâm, không có hành động cụ thể thì người ta sẽ chán. Đây là lỗ hổng lớn trong bảo tồn vốn di sản”.

Cũng theo ông Loan, Nhà nước cần sớm có văn bản pháp quy để bảo vệ và phát triển ca trù nói riêng, các di sản văn hóa phi vật thể khác nói chung và xây dựng kênh kinh phí riêng như kênh kinh phí trùng tu di tích lịch sử. Bởi cần phải cân đối giữa văn hóa hiện đại với cổ truyền, giữa hội nhập và bảo tồn, nếu đánh mất quá khứ sẽ sai lầm trong tương lai./.

(Đinh Thị Thuận/TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất