Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 8/8/2012 21:0'(GMT+7)

Hát về những con người sống mãi với thời gian

Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ

Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ

Đất nước Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với nhiều chiến thắng vang dội. Góp phần vào bao chiến công oai hùng ấy có công lao không nhỏ của những người con đã hy sinh thân mình, hoặc đã gửi lại chiến trường một phần xương máu. Họ là những con người sống mãi với thời gian, bởi máu xương của các anh chị cống hiến cho đất nước đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc.

Biết bao người con đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại nơi chiến địa để giữ gìn nền độc lập tự do của Tổ Quốc, đem lại màu xanh cho quê hương. Và những người mẹ tiễn đưa chồng con ra đi rồi mỏi mắt ngóng trông mà họ không bao giờ trở lại. Đó là những thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt nam anh hùng – những con người mà Tổ quốc mãi ghi công, nhân dân mãi biết ơn. Họ được gọi bằng cái tên kính cẩn: những con người sống mãi với thời gian. Âm nhạc Cách mạng đã góp phần ca ngợi bao người con trung hiếu ấy.

Họ xuất hiện trong ca khúc không phân biệt lứa tuổi, miền quê. Những hy sinh của họ đều xuất phát từ lòng yêu nước, yêu tự do, vì nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Tuổi nhỏ có Kim Đồng với bài hát cùng tên của Phong Nhã “Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít, dấn bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu…”. Và chị Võ Thị Sáu hy sinh khi mới 16 tuổi đã đi vào huyền thoại của dân tộc, là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn viết thành bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” với những ca từ xúc động khó quên “Mùa hoa Lê ki ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng, đã chết cho mùa hoa…”

Sau sự kiện ngày 15/10/1965, người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi đã đặt mìn “đón tiếp” bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mắcnamara, hàng loạt vần thơ, điệu nhạc ra đời. Bên cạnh những câu thơ của Tố Hữu trong bài “Hãy nhớ lấy lời tôi”, âm nhạc cũng góp thêm nhiều giai điệu, mà phải kể đến 2 ca khúc nổi tiếng, đó là Lời anh vọng mãi ngàn năm (Vũ Thanh), Nguyễn Văn Trỗi anh còn sống mãi ( Nguyễn Đức Toàn). Những ca từ “Noi gương anh còn có triệu người, cả miền Nam đang sôi tim gan, cuồn cuộn dâng lên như phong ba” (Lời anh vọng mãi ngàn năm – Vũ Thanh) đã đánh thức lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt nam đứng lên đấu tranh dành lại độc lập tự do.

Còn rất nhiều những ca khúc khác viết về những tấm gương hy sinh anh dũng cho độc lập tự do của Tổ Quốc như Màu hoa đỏ (Nhạc Thuận Yến - Thơ Nguyễn Đức Mậu); Bế Văn Đàn sống mãi (Huy Du); Những cánh chim Hồng Gấm (Phạm Tuyên); Hát về Lê Đình Chinh (Bảo Chung); Cỏ non thành cổ ( Tân Huyền); Dáng đứng Việt Nam (Nhạc Nguyễn Chí Vũ, lời thơ Lê Anh Xuân)… Đặc biệt nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn có một loạt bài hát ca ngợi những người con trung hiếu ấy. Đó là các ca khúc Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương; Noi gương Lý Tự Trọng; Bài hát Ngô Mây

Một bài hát được ra đời gần đây nhất (tháng 4 năm 2012) đó là bài “Thành phố bất tử” (nhạc Vũ Trọng Tường - ý thơ Hồng Hà). Với lời ca thật xúc động “Hàng lối các anh nằm như đường phố thân quen. Thành phố các anh nằm dẫu chẳng một ánh đèn đêm. Nhà có số nhưng trùng tên chủ hộ. Vằng tiếng trẻ thơ lạnh bếp lửa hồng. Thành phố rạng rỡ những chiến công Khe Sanh, Cam Lộ, Đường 9…Thành phố những linh hồn người lính tuổi đôi mươi sống mãi với thời gian. Khúc quân hành vẫn theo anh lặng lẽ, thành phố anh hùng của đất mẹ Việt Nam…”. Bài hát viết về nghĩa trang Trường Sơn nhưng được liên tưởng đến một thành phố - đó là thành phố mãi mãi tuổi 20 - thành phố bất tử, như các anh vẫn sống mãi với non sông đất nước.

Lần trở lại thời gian, có một bài hát đầu tiên viết về những con người hy sinh vì đất nước, đó là Hồn tử sĩ của Lưu Hữu Phước “đêm khuya âm u ai khóc than sương mù”. Bài hát đã trở thành khúc mặc niệm trong các buổi lễ tiễn đưa những người con anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc về với đất mẹ qua phần diễn tấu nhạc không lời.

Có những người con may mắn trở về sau cuộc chiến nhưng đã gửi lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Họ là những thương binh. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ công ơn họ. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, trở về với cuộc sống đời thường khi đã gửi lại chiến trường một phần cơ thể. Họ sống bình dị, có ích giữa quê hương trong sự ngưỡng mộ, biết ơn của cộng đồng, làng xóm. Trở về quê hương, các anh vẫn phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục cống hiến tài năng của mình cho công cuộc xây dựng đất nuớc. Trong cuộc sống thường nhật, ta vẫn gặp lại các anh với nhiều cương vị khác nhau. Họ là những nhà báo, nhà lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước. Họ cũng là những người thầy đem cái chữ đến cho các em thơ. Hình ảnh người thương binh trong ca khúc Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến) đã khiến ta xúc động đến nghẹn ngào. Những dấu nạng hình lỗ đáo như những vết chân tròn in trên bãi cát làm trĩu nặng lòng người. Một sự cảm phục và thương mến trào dâng, có cái gì đó nghèn nghẹn rưng rưng trong ta khi biết người thương binh ấy hàng ngày “vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương…”

Đẹp biết bao hình ảnh người thương binh trong bài hát Người thầy giáo thương binh của Nguyễn Đức Toàn “Vun xới những mầm xanh với tất cả tâm tình. Dù còn một cánh tay vẫn làm nên chiến thắng. Ngọn lửa của trái tim đã làm nên lẽ sống. Ngọn lửa của trái tim hóa thành bao sức sống”

Những bà mẹ Việt Nam anh hùng - người đã tiễn chồng con ra trận mà “khóc thầm lặng lẽ” khi chồng con của mẹ không trở về. Trong ca khúc Đất nước ( nhạc Phạm Minh Tuấn - thơ Tạ Hữu Yên) đã viết “nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ quạnh hiu…”. Đất nước ta có biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng như vậy. Như mẹ Nguyễn Thị Thứ được coi là biêủ tượng của Mẹ Việt Nam anh hùng khi đã 9 lần khóc con, 2 lần khóc con rể và cháu ngoại. Vì đất nước mẹ đã hiến dâng tất cả phần máu thịt của đời mình. Dân tộc Việt Nam tự hào có những bà mẹ vĩ đaị như vậy, đã sinh ra những người con anh hung với tấm lòng trung hiếu xả thân vì đất nước. Mẹ Thứ mãi là người mẹ Việt nam vĩ đại nhất. Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh người mẹ Việt nam với tấm lòng biết ơn vô bờ bến.

Trong bài Hát về mẹ Việt nam anh hùng, Nhạc sĩ An Thuyên có viết: “Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời…”. Mẹ tiễn con ra đi để rồi “Biết mấy chờ mong mỏi mòn từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại…”. Nhưng mẹ yên tâm bởi “Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non. Mẹ mãi mãi cùng con trên đường dài, núi sông hôm nay biết ơn người mẹ hiền”. Đất nước và nhân dân Việt Nam mãi tự hào vì mẹ đã “trọn tình nước non,” và luôn “tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng”

Nhân dân ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ thương binh bằng nhiều việc làm thiết thực như chăm sóc phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, các phong trào “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Ngay cả các em nhỏ cũng có những hành động đền ơn đáp nghĩa. Ca khúc Trồng hoa trên mộ liệt sĩ, Đưa chú thương binh qua đường (Trần Đức) đã thể hiện những việc làm đầy ý nghĩa ấy của các em nhỏ. Hàng năm, biết bao việc làm tri ân những anh hùng liệt sĩ. Một trong số đó là những chuyến đi thăm lại chiến trường xưa để tìm lại đồng đội. Ca khúc Hát dưới thành Quảng Trị của Vũ Trọng Tường đã viết “Đồng đội ơi, chúng tôi về đây dẫu người còn người mất, chúng tôi hát những bài hát năm xưa. Bài ca ra trận, bài ca người lính…” Và thật xúc động khi họ đã “hát với linh hồn người lính bùng cháy những trận đánh năm xưa, âm vang từ lòng đất như bè trầm hùng tráng, bản trường ca anh hùng…”

Biết bao bài hát khác chưa được nhắc đến trong bài viết. Những ca khúc đó mãi là bản hùng ca ca ngợi những người con anh dũng hy sinh xương máu cho Tổ Quốc. Viết về những con người sống mãi với non sông đất nước - những liệt sĩ thương binh - là đề tài không bao giờ cạn, như truyền thống đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta. Mỗi khúc ca ấy như một trang lịch sử bằng âm thanh đã tái hiện lại một thời đau thương mà hào hùng của dân tộc. Hơn bao giờ hết, đạo lý uống nước nhớ nguồn đã thể hiện rõ nét trong ca khúc cách mạng Việt Nam. Các anh hùng liệt sĩ và những người thương binh “tàn mà không phế” ấy sẽ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là tấm gương sáng để lớp trẻ ngày nay soi chung, tiếp bước truyền thống yếu nước, để cống hiến sức mình trong công cuộc dựng xây đất nước. Các anh chị là những con người bất tử, sống mãi với thời gian. Những hy sinh của họ không uổng, máu xương của các anh năm xưa đổ xuống để hôm nay cây đời được mãi mãi xanh tươi.

Nguyễn Thị Diệp






Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất