Bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa đang là một bài toán khó ở các địa phương. Chúng ta đã nói nhiều, bàn nhiều nhưng vẫn còn thiếu một giải pháp tổng thể, căn cơ cho vấn đề này. Thiếu kinh phí để bảo tồn chỉ là một yếu tố. Cái chính vẫn là cách làm văn hóa, trách nhiệm đối với lịch sử của đội ngũ cán bộ chức năng và cả người dân.
Anh bạn tôi là nghiên cứu sinh, đang làm luận án tiến sĩ chuyên ngành lịch sử, từ Hà Nội vào miền Nam khảo sát thực tế phục vụ cho đề tài nghiên cứu về công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của hệ thống di tích thời kỳ tiền khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945. Một trong những địa phương được anh tập trung thu thập tài liệu, nghiên cứu là tỉnh Long An (trước đây là tỉnh Tân An). Đây là địa phương đầu tiên được Xứ ủy Nam Kỳ chọn để phát động khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 21/8/1945.
Sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại này được lưu dấu tại nhiều công trình, di tích, trở thành tài sản văn hóa vật thể vô giá cho muôn đời sau. Tuy nhiên, phần lớn các di tích lịch sử về sự kiện này đều rơi vào tình trạng không được bảo tồn đúng mức, bị hư hỏng, xuống cấp, tôn tạo không đúng nguyên mẫu kiến trúc, sử dụng sai mục đích, một số di tích đã bị phá bỏ. Những di tích được bảo tồn thì việc phát huy giá trị lịch sử - văn hóa trong tuyên truyền, giáo dục rất hạn chế.
Cũng theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của anh thì hiện nay, ngoại trừ ở Hà Nội, hệ thống các công trình di tích lịch sử - văn hóa về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 được bảo tồn và phát huy khá hiệu quả; phần lớn các địa phương khác trên cả nước đều gặp khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều bất cập.
Cái khó ở đây là hệ thống di tích liên quan đến sự kiện lịch sử trọng đại này tồn tại trên diện rộng, hầu như địa phương nào cũng có, nên việc quản lý, bảo tồn đòi hỏi phải tốn nhiều công sức, kinh phí. Chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, bảo tồn di tích những năm qua bên cạnh những kết quả tích cực là sự xâm nhập của yếu tố thương mại, làm sai lệch nhiều nguyên mẫu kiến trúc.
Nhiều địa phương đã gắn kết công tác bảo tồn di tích với du lịch để khai thác các "tua" du lịch truyền thống, thu hút khách tham quan đến với các di tích này, nhưng do nghèo nàn về hình ảnh, hiện vật nên hiệu quả không cao. Thậm chí, sự quy hoạch, phát triển du lịch tự phát ở nhiều địa phương đã làm nhiều di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến sự kiện này bị biến dạng, sử dụng sai mục đích.
Tại một cuộc tọa đàm về công tác bảo tồn, phát huy hệ thống di tích lịch sử Cách mạng mới đây, một nhà sử học kiêm giảng viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ ý kiến lo ngại khi cho rằng, ngày càng có sự thiên lệch lớn giữa sử sách và di tích. Trong lúc hệ thống tài liệu, công trình nghiên cứu, giáo trình giảng dạy ngày càng dày lên thì di tích lịch sử trong thực tế lại càng nhạt nhòa, xuống cấp. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì đến một lúc nào đó, giới trẻ chỉ còn biết đến các sự kiện lịch sử này trên trang sách. Một số hãng phim ở Thành phố Hồ Chí Minh ấp ủ thực hiện tác phẩm điện ảnh về giai đoạn lịch sử này, nhưng kịch bản vẫn nằm trong kho vì thiếu bối cảnh quay. Các công trình di tích hiện tại không đủ điều kiện để thực hiện các cảnh quay tái hiện lịch sử vì đã bị chiếm dụng tràn lan.
Bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa đang là một bài toán khó ở các địa phương. Chúng ta đã nói nhiều, bàn nhiều nhưng vẫn còn thiếu một giải pháp tổng thể, căn cơ cho vấn đề này. Thiếu kinh phí để bảo tồn chỉ là một yếu tố. Cái chính vẫn là cách làm văn hóa, trách nhiệm đối với lịch sử của đội ngũ cán bộ chức năng và cả người dân. Nâng tâm và tầm cho đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở và cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di tích lịch sử -văn hóa là vấn đề đã được đặt ra từ lâu, nhưng sự chuyển biến ở các địa phương vẫn còn là một khoảng cách khá xa so với yêu cầu nhiệm vụ./.
(Thanh Kim Tùng/QĐND)