Công nghiệp văn hoá được xác định trong các lĩnh vực chủ chốt là: Truyền thông, thiết kế, thời trang, sản phẩm tương tác, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phim ảnh và nghệ thuật thị giác. Tất cả đều nhấn mạnh hai yếu tố là công nghiệp và sáng tạo.
Mới đây, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Phát triển cơ chế tài chính và khuôn khổ pháp lý mới cho công nghiệp văn hóa (CNVH) tại Việt Nam” thuộc chương trình “Hỗ trợ chuyên môn nhằm củng cố hệ thống quản lý nhà nước về văn hóa ở các nước đang phát triển” do UNESCO và Liên minh châu Âu hợp tác thực hiện. Từ buổi tọa đàm này đã chỉ ra những tiềm năng và hạn chế của CNVH Việt Nam; cũng như đề ra những giải pháp bước đầu để thúc đẩy nền CNVH Việt Nam phát triển.
CNVH ở Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa hiệu quả
Khái niệm CNVH và các lĩnh vực CNVH chưa có một định nghĩa duy nhất. Tuy nhiên, hầu hết các định nghĩa đều nhấn mạnh vấn đề CNVH là quá trình sản xuất, tái sản xuất và truyền bá các dịch vụ văn hóa được tạo ra bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa. Một nền CNVH thực sự là phải để tạo ra việc làm và lợi nhuận. CNVH được xác định trong các lĩnh vực chủ chốt là: Truyền thông, thiết kế, thời trang, sản phẩm tương tác, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phim ảnh và nghệ thuật thị giác. Tất cả đều nhấn mạnh hai yếu tố là công nghiệp và sáng tạo.
Dựa vào các đặc điểm của CNVH nói trên, các chuyên gia đánh giá: Các hoạt động văn hóa ở Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa hiệu quả, chủ yếu sống bằng bao cấp của Nhà nước. Hệ thống sản xuất phân phối các sản phẩm văn hóa chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp của Nhà nước đảm nhiệm, sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ còn hạn chế. Việc đầu tư ngân sách cho hoạt động văn hóa nhìn chung còn thấp so với các ngành khác, chỉ chiếm khoảng 0,3% GDP; đồng thời, đóng góp của hoạt động văn hóa trong cơ cấu sản phẩm trong nước cũng rất hạn chế. Trong khi đó, CNVH đã trở thành ngành trụ cột trong nhiều nền kinh tế. Chẳng hạn, ở châu Âu, ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 3% GDP (tương đương 500 tỷ euro/năm) và giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người.
Thực tế cho thấy, tiềm năng cho ngành CNVH ở Việt Nam không hề thua kém quốc gia nào trong khu vực do nước ta có thị trường tiêu thụ các sản phẩm văn hóa, dân số trẻ có khả năng sáng tạo, trình độ truyền thông hỗ trợ CNVH cũng dần nâng cao, áp lực thuế tương đối thấp.... Tuy nhiên, đa số người dân, các doanh nghiệp lẫn các nhà quản lý lại không được hiểu một cách đầy đủ về CNVH; từ đó, chưa mạnh dạn để khai thác và làm lợi cho đất nước.
PGS, TS Lương Hồng Quang (Phó viện trưởng Viện VHNT Việt Nam) cho rằng: Các lĩnh vực trong CNVH đã xuất hiện ở Việt Nam từ 10 năm trước nhưng chúng ta lại chưa có được chiến lược tổng thể để phát triển. Thậm chí, một số người đồng nhất CNVH với… thương mại hóa văn hóa nghệ thuật. Lấy ví dụ, tổng lợi nhuận khai thác từ chú mèo máy Đô-rê-mon là 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, bản thân Đô-rê-mon là sản phẩm từ trí tuệ họa sĩ, quảng bá hiệu quả do truyền thông ở Nhật phát triển... Chắc chắn sẽ không có hiện tượng thần kỳ Đô-rê-mon nếu họa sĩ không đam mê sáng tạo và cũng không biết quảng bá mà chỉ chăm chăm đuổi theo số lượng hoặc nghĩ ra các bộ truyện rẻ tiền, độc hại.
Nhiều đề xuất hỗ trợ CNVH phát triển
Sau khi khảo sát về thực trạng sinh hoạt văn hóa ở các đô thị, các chuyên gia UNESCO cho rằng: Hiện tại không có một cơ chế tài chính có hiệu quả và khung pháp lý thích hợp trong hoạt động tài trợ để hỗ trợ cho ngành CNVH. Giải quyết hai vấn đề cơ bản nói trên mới có thể nghĩ đến một ngành CNVH Việt Nam đích thực vừa sáng tạo mà cũng năng động.
Chuyên gia UNESCO Tom Fleming đề xuất: Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần kết nối với các đối tác từ công lập cho đến tư nhân và xã hội dân sự để xây dựng chiến lược phát triển cho CNVH bằng những bước đi ngắn hạn đến dài hạn. Và phục vụ cho chiến lược đó là những dự án nền tảng. Nhà nước cần tiên phong đầu tư cho các ngành CNVH mà Việt Nam có lợi thế phát triển chẳng hạn như điện ảnh. Doanh thu bán vé phim ở Việt Nam hiện nay tăng gần gấp 3 lần so với 10 năm trước khoảng 30 triệu USD với 3,5 triệu khán giả. Nhưng doanh số ấn tượng này chủ yếu lại từ phim nước ngoài. Nếu Nhà nước biết khai thác nhân lực, hỗ trợ trang thiết bị, đầu tư cho các kịch bản phim có chất lượng, bắt tay với các hãng tư nhân có thực lực thì may ra mới có nền điện ảnh chuyên nghiệp “siêu lợi nhuận”. Điều này không có nghĩa Nhà nước quay trở lại thời kỳ bao cấp kinh phí mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ gián tiếp. Nếu việc hỗ trợ đi vào thực hiện, có nghĩa cơ chế tài chính sẽ chuyển từ cơ chế “xin-cho” vốn kém hiệu quả trong việc xin tài trợ cho các ngành CNVH sang mô hình “đầu tư”.
Ý kiến khác cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng một siêu vùng văn hóa hay thành phố sáng tạo. Thành phố sáng tạo này có thể hiểu như những đặc khu phát triển CNVH, là những siêu vùng dành riêng cho nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống. Các đơn vị kinh doanh ở gần nhau sẽ thuận tiện cho nguồn cung, nhân lực, đầu ra; chính sách kinh tế, động viên về thuế, vốn, vì thế cũng sẽ tập trung. Chuyên gia UNESCO William Codjo cho rằng: Thử nghiệm thành phố sáng tạo nên trước hết ở TP Hồ Chí Minh vì đây là một thành phố năng động, tiếp đó có thể xây dựng ở Hà Nội hoặc Đà Nẵng. Trên thực tế, mô hình này đã được áp dụng ở một số vùng như Thượng Hải hoặc khu nghệ thuật 798 ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Châu Âu cũng đã có một số vùng thành công như khu vực sáng tạo thời trang ở phía Bắc của I-ta-li-a, vùng sáng tạo phía tây thủ đô Luân Đôn (Anh)...
Những kinh nghiệm và lý thuyết phát triển CNVH của các nước phát triển có thể không phù hợp với điều kiện một nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu cấp bách trong việc xây dựng nền CNVH ở Việt Nam cần phải được trả lời ngay bằng những hành động thiết thực, quyết liệt. Muộn còn hơn không! Bởi, còn gì tốt hơn khi có một nền văn hóa đã đậm đà bản sắc dân tộc nay còn dồi dào khả năng sáng tạo và quan trọng hơn là có thể đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước./.
(Trần Hoàng Hoàng/QĐND)