(TG)-Ban Thường vụ Tỉnh ủy công bố Ngày giải phóng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, ngày 23/3/1975 là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước.
Ngày 24/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) và công bố Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Đến dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Thượng tướng Ngô Xuân Lịch - Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Minh Triết - Nguyên UV BCT, Nguyên Chủ tịch nước; Trung tướng Phạm Văn Dĩ - Chính ủy Quân khu 7; Nguyễn Tấn Hưng - UVBCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Lợi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Trăm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Châu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; tham dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành, huyện, thị, lực lượng vũ trang, mẹ VNAH, lão thành cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, các chức sắc tôn giáo, đoàn viên thanh niên.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng đã ôn lại quá trình đấu tranh giành độc lập cho dân tộc vào những ngày Tháng Tư lịch sử. Trong đó, đồng chí Bí thư đã nhấn mạnh: Chiến thắng 30/4/1975 là trang sử hào hùng, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Và chiến thắng này đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng ta, khi tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Cùng với cả nước, quân và dân Bình Phước đã chiến đấu kiên cường, lập nhiều chiến công vang dội, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ như: Chiến thắng Lộc Ninh ngày 7/4/1972 giải phóng hoàn toàn một huyện ở Đông Nam bộ, thành lập chính quyền cách mạng, Lộc Ninh đã trở thành thủ phủ của chính quyền cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Chiến dịch đường 14 Phước Long ác liệt, mà đỉnh cao chiến thắng Phước Bình ngày 6/01/1975 - trung tâm tỉnh lỵ Phước Long, lần đầu tiên một tỉnh ở Miền Nam được giải phóng; Chiến thắng An Lộc - trung tâm tỉnh lỵ Bình Long ngày 23/3/1975 buộc địch phải rời căn cứ về quận Chơn Thành để án ngữ bảo vệ Sài Gòn. Là những mốc son quan trọng góp phần trực tiếp, quyết định đến thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những đóng góp to lớn đó, Đảng bộ, quân và dân Bình Phước được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trong những năm kháng chiến, Bình Phước là quê hương anh hùng, hàng vạn, hàng ngàn người con dũng cảm, trung kiên, một lòng, một dạ theo Đảng làm cách mạnh. 40 năm sau giải phóng, gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, và sau 18 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết tận dụng mọi thời cơ thuận lợi và khắc phục mọi khó khăn thách thức để phát huy tốt các nguồn lực dành được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chính trị - xã hội ổn định, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có tiến bộ, văn hóa - xã hội; y tế, giáo dục và đời sống nhân dân có chuyển biến và khởi sắc; quốc phòng - an ninh được giữ vững, là tỉnh hoàn thành sớm nhất việc phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch biểu dương và ghi nhận sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, những chiến công và thành tựu đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã đạt được trong suốt những năm kháng chiến, cũng như xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển.
Là một tỉnh miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ đầu nối giữ miền Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Vương quốc Campuchia, do đó Thượng tương Ngô Xuân Lịch lưu ý với Bình Phước, đó là:
Thứ nhất, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, phát huy và tận dụng các tiềm năng, những thế mạnh của địa phương; đồng thời tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác và phát triển xây dựng hạ tầng kinh tế quan trọng, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ gắn với phát triển cây công nghiệp chất lượng cao quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của hội nhập quốc tế và xây dụng nông thôn mới.
Thứ hai, cùng việc tập trung xây dựng phát triển kinh tế, Bình Phước cần quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực đời sống văn hóa - xã hội; tích cực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội; tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, thực hiện tốt chủ trương của trung ương, của tỉnh về đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng tỉnh Bình Phước thành khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc, xây dựng đường biên giới hòa bình, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đẩy mạnh nâng cao hiệu quả các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng chống tội phạm, chủ động nắm bắt đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dộc tộc, tôn giáo để phá hoại sự nghiệp cách mang; giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh bức xúc ngay tại cơ sở, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt về Nghị quyết TW4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy công bố Ngày giải phóng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, ngày 23/3/1975 là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Như vậy, ngày 23/3 hàng năm trở thành ngày hội hân hoan niềm vui chiến thắng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà.
Hồng Sơn