Công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có kết quả phân loại đánh giá công chức, cơ quan sẽ thông báo với công chức bằng văn bản về việc giải quyết thôi việc, sau đó ra quyết định giải quyết thôi việc.
Đó là một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Nghị định quy định về thôi việc và nghỉ hưu đối với công chức do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo để đưa ra lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân..
Đào thải công chức yếu kém chính là cách tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giữ chân người có năng lực trong bộ máy Nhà nước.
Việc đánh giá cán bộ sẽ dựa trên các nội dung: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm trong công tác; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo Dự thảo, các đối tượng bị cho thôi việc trong trường hợp này sẽ được hưởng chế độ thôi việc theo quy định, tức là cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng. Ngoài ra, công chức có đơn tự nguyện xin thôi việc và được chấp thuận cũng sẽ được hưởng chế độ thôi việc.
Một điểm mới nữa là Dự thảo Nghị định quy định rõ việc kéo dài thời gian công tác đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ).
Theo Điều 13 Dự thảo Nghị định, nếu các đối tượng này có nguyện vọng và đủ điều kiện theo quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và thực hiện các thủ tục kéo dài thời gian công tác.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng quy định một số trường hợp ngoại lệ công chức được lùi thời điểm nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí, như trường hợp thời điểm nghỉ hưu và hưởng chế độ của công chức trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán; công chức đang điều trị bệnh hoặc đang mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày./.
(Cổng TTĐTCP)