Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 3/10/2013 22:45'(GMT+7)

Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy đạo đức-công dân còn nhiều bất cập

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Đây là một trong những nội dung được nêu trong Thông báo số 1231, ngày 30/9/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDDT) về Kết quả Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức-công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam, tổ chức mới đây tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ GDĐT tổ chức với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; đại diện một số trường ĐH-CĐ Sư phạm và 32 Sở GDĐT trên cả nước cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia về giáo dục...

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến thảo luận trực tiếp và gần 200 tham luận của các nhà khoa học - nghiên cứu, cán bộ quản lý, giảng viên - giáo viên các cấp học gửi về Hội thảo, Thông báo của Bộ GDĐT đã nêu rõ những kết quả, thực trạng, giải pháp liên quan đến giáo dục đạo đức-công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, đánh giá về kết quả và hạn chế của Chương trình, Sách giáo khoa; Phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thời gian qua.

Thông báo nêu rõ: Chương trình, sách giáo khoa giáo dục đạo đức-công dân hiện hành có những ưu điểm so với trước đây. Về cơ bản, mục tiêu môn học đã đáp ứng đúng quy định của Luật Giáo dục; đã chú trọng đến giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật gắn với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; được biên soạn công phu với các chủ đề lớn về đạo đức, pháp luật, kinh tế, chính trị-xã hội; tích hợp nhiều nội dung xã hội cần thiết cho người công dân tương lai...

Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học; chú trọng sử dụng các phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học. Việc chuyển hướng dạy học từ truyền thụ kiến thức thuần túy sang rèn luyện kỹ năng và định hướng phát triển thái độ cho người học bước đầu được giáo viên coi trọng.

Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, giáo viên môn giáo dục đạo đức-công dân bước đầu đã thực hiện được việc kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm và đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh... Việc ra đề kiểm tra nhiều nơi đã thực hiện theo quy trình ra đề gắn với việc xây dựng ma trận câu hỏi; đề kiểm tra đã từng bước gắn với việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn,...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã có bước tiến đáng kể. Nguồn cung giáo viên dạy môn Giáo dục công dân dồi dào hơn trước do nhiều trường ĐH-CĐ Sư phạm mở thêm ngành Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân. Đa số giáo viên giáo dục đạo đức-công dân có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nhà giáo. Công tác bồi dưỡng đã được các Sở GDĐT quan tâm tổ chức thường xuyên và có tác dụng nhất định.

Cùng với những kết quả cơ bản nêu trên, những hạn chế, yếu kém được nêu rõ là: Chương trình và Sách Giáo khoa hiện hành đặt ra mục tiêu kiến thức quá cao, không phù hợp với năng lực và tâm lí nhận thức của học sinh phổ thông; còn mang tính hàn lâm, nặng về giáo dục pháp luật, chính trị, nhẹ về giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; chưa thường xuyên chú trọng đến việc hướng dẫn tự học, rèn luyện kĩ năng cho học sinh; cấu trúc/thiết kế chương trình còn "cứng" và "đóng", không tạo điều kiện cho việc cập nhật những thay đổi của đất nước và thời đại... Kiến thức về pháp luật, triết học, kinh tế chính trị, CNXH khoa học ở nhiều bài học còn khô khan, trừu tượng, khó hiểu. Việc tích hợp, lồng ghép kiến thức trong môn học chưa linh hoạt. Hình thức tổ chức dạy học còn đơn điệu, chủ yếu tiến hành trong phòng học....

Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục đạo đức-công dân còn nhiều bất cập, vẫn thiếu rất nhiều giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành, đặc biệt ở cấp THCS. Số giáo viên được đào tạo trên chuẩn còn ít. Các trường CĐ Sư phạm chủ yếu đào tạo ghép môn, trong đó môn Giáo dục công dân chỉ chiếm 30% thời lượng trong các chương trình, nên những giáo viên này ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy môn học. Một bộ phận giáo viên chưa tâm huyết với nghề, chưa cập nhật được kiến thức mới, chưa quan tâm đổi mới phương pháp... Lực lượng giảng viên ở các khoa, trường sư phạm cũng đang rất thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng. Chương trình đào tạo giáo viên trong các trường Sư phạm chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới; chất lượng đào tạo còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng giáo viên chưa thật hiệu quả...

Thứ hai, khuyến nghị về định hướng và giải pháp đổi mới giáo dục đạo đức- công dân ở trường phổ thông trong thời gian tới.

Khẳng định vai trò của giáo dục đạo đức-công dân là một bộ phận của quá trình giáo dục công dân, nhằm giáo dục học sinh về giá trị sống, phát triển thái độ, tình cảm, niềm tin đúng đắn đối với tự nhiên, xã hội và con người, ý thức trách nhiệm của công dân, hình thành thói quen tự giác thực hiện nghĩa vụ, quyền hạn của công dân Việt Nam trong thời đại CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Xác định đổi mới cách tiếp cận chương trình giáo dục đạo đức-công dân theo hướng chú trọng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; không chỉ coi trọng khối lượng kiến thức mà phải đặc biệt chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, động cơ... vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày...

Việc đổi mới Chương trình, Sách Giáo khoa đạo đức-công dân cần có các mạch nội dung chủ yếu là: giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục văn hóa pháp luật; giáo dục kỹ năng sống dựa trên các giá trị sống đúng đắn; những hiểu biết ban đầu về chính trị, kinh doanh... Cần tinh giảm những nội dung khó, trừu tượng, không phù hợp lứa tuổi, không thiết thực; kế thừa, điều chỉnh cách tiếp cận một số nội dung kiến thức có giá trị và phù hợp, đảm bảo tính chất giáo dục nhẹ nhàng, tự nhiên để phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, tình cảm và sự phát triển của học sinh, xã hội và thời đại. Cần mở rộng, nâng cao dần nội dung qua từng cấp học; kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại; tích hợp giáo dục tinh thần trách nhiệm trước xã hội với kiến thức của các lĩnh vực khoa học và cập nhật những đổi thay của đất nước, thời đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Sách Giáo khoa đạo đức-công dân cần được biên soạn theo hướng kết hợp một cách hợp lí giữa trang bị kiến thức với hướng dẫn thực hành; nội dung "mở", có thể kích thích khả năng tư duy, tìm tòi sáng tạo và tính linh hoạt, vận dụng của người học và người dạy; lựa chọn những nội dung thiết thực với cuộc sống; tăng phần bài tập tình huống; hệ thống câu hỏi, bài tập cần tránh đơn điệu, hình thức...                   

Trong giáo dục đạo đức-công dân cần coi trọng tính thuyết phục để học sinh thấy đúng, thấy hay mà tin và làm theo, giúp các em dần dần hình thành những phẩm chất và năng lực của người công dân tích cực; phải coi trọng các hoạt động trải nghiệm của người học để hình thành ý thức, phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai.

Hình thức dạy học/giáo dục đạo đức-công dân phải đổi mới theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả: dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân, ở trong lớp, ngoài lớp và ngoài trường; tăng cường các sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, công tác đoàn, đội của học sinh; tăng cường thực hành, rèn luyện kỹ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; tích cực sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại nhằm đa dạng, cập nhật thông tin, tạo ra sự hứng thú cho học sinh.

Các hình thức kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn đạo đức-công dân phải hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Không chỉ dừng lại ở điểm số các bài kiểm tra, mà còn phải chủ yếu dựa vào những nhận định, nhận xét cụ thể, thường xuyên dựa trên các biểu hiện về năng lực nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử trong toàn bộ quá trình các hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh ở trường, ở nhà và ở cộng đồng. Coi trọng việc động viên, khích lệ những cố gắng, tiến bộ, góp ý sửa chữa các thiếu sót, vượt qua các trở ngại về tâm lí của học sinh theo phương châm đánh giá vì sự tiến bộ của các em...  Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng tiến bộ của học sinh. Chú ý hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình. Áp dụng các tiến bộ khoa học trong việc đánh giá thái độ, hành vi...

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạo đức-công dân cần rà soát, xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng các yêu cầu về năng lực nghề nghiệp giáo viên; có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo giáo viên đạo đức-công dân và các trường phổ thông để đảm bảo sự thống nhất trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Bằng các giải pháp khác nhau, cần nhanh chóng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên hiện tại đang dạy Giáo dục công dân mà chưa qua đào tạo đúng chuyên môn. Tăng cường tổ chức các hội thi giáo viên giáo dục đạo đức-công dân giỏi để khuyến khích, trao đổi kinh nghiệm và nhân điển hình tiên tiến.../.

Thiên Cầm
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất