Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa được xác định là “vùng đất phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều” - có vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế; nơi khởi nguồn của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và là nơi phát tích của nhiều vương triều trong lịch sử Việt Nam.
Phát huy truyền thống yêu nước, trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Ngày 29/7/1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập - là một trong những Đảng bộ tỉnh được thành lập sớm nhất trong cả nước. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cùng với cả nước viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một kho tàng lịch sử vô cùng quý báu của địa phương, là một bộ phận quan trọng hợp thành lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam.
TĂNG CƯỜNG NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN, XUẤT BẢN; ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
Qua gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương của Thanh Hóa đã góp phần bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng trong các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; góp phần tạo động lực và năng lực nội sinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương của Thanh Hóa thời gian qua cũng còn không ít khó khăn, hạn chế và bất cập. Vẫn còn không ít vấn đề đặt ra liên quan đến nhận thức vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác lịch sử Đảng; về bảo đảm nguyên tắc tính Đảng và tính khoa học trong nghiên cứu, giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; việc xuất bản các công trình lịch sử Đảng phục vụ đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng; việc đúc kết các truyền thống quý báu, những kinh nghiệm, bài học sâu sắc, quy luật riêng và lý luận của cách mạng Việt Nam; vấn đề giáo dục, tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương trong tổ chức đảng và hệ thống giáo dục, đào tạo…
Nhằm khắc phục những vấn đề bất cập, hạn chế nêu trên, ngay sau khi Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử đảng bộ các địa phương, lịch sử và kỷ yếu của các ban, sở, ngành, đoàn thể và các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng nhằm ghi lại những chặng đường lịch sử hoạt động đấu tranh của Đảng bộ; nêu bật những thắng lợi, thành tựu cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh; làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận cách mạng, nhằm giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.
Đối với cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình, cụ thể như: Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2015-2020); Lịch sử 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020); Các chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh và các huyện, thị, thành phố ở Thanh Hóa; Giáo dục lịch sử, văn hóa tỉnh Thanh Hóa... Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã tiến hành biên tập, xuất bản sách về hồi ký cách mạng, như: Hồi ký Lê Mạnh Trinh; Hồi ký Đinh Chương Dương; Hồi ký Nguyễn Văn Huệ; Dưới cờ Đảng quang vinh... Qua đó cung cấp kịp thời, sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh những nội dung, kiến thức cơ bản về lịch sử truyền thống xứ Thanh, quá trình hoạt động cách mạng của các đồng chí lão thành cách mạng tiền bối; góp phần phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Các công trình của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp những nội dung, kiến thức cơ bản về lịch sử truyền thống xứ Thanh, quá trình hoạt động cách mạng của các đồng chí tiền bối.
Các ban, sở, ngành của tỉnh cũng đã nghiêm túc tổ chức nghiên cứu và biên soạn các công trình lịch sử, điển hình như: Lịch sử hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa (1930-2015); Lịch sử Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa (1930-2018); Kỷ yếu Hội Liên hiệp Khoa học - Kỹ thuật; Biên niên sự kiện Lịch sử công an tỉnh (2007-2015); Lịch sử Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, tập 2 (1995-2018)...
Đối với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, đã có 27/27 đơn vị xuất bản sách lịch sử Đảng bộ. Ngoài ra, các huyện, thị, thành ủy cũng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể biên soạn, xuất bản lịch sử truyền thống ngành, các ấn phẩm chuyên đề về sự kiện, nhân vật tiêu biểu của địa phương, đơn vị.
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ cấp xã cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay đã có trên 90% xã, phường, thị trấn tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương.
Việc tuyên truyền, phát huy giá trị các công trình lịch sử; sách lịch sử đảng bộ địa phương; lịch sử đấu tranh cách mạng; công trình nghiên cứu trên lĩnh vực văn hóa và những ấn phẩm liên quan được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cấp ủy và hệ thống tuyên giáo các cấp trong tỉnh tích cực triển khai, thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú như: hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên; các hội nghị, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể; các buổi sinh hoạt chuyên đề; trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng; kỷ niệm các sự kiện chính trị lớn tại địa phương, đơn vị; sách, báo... Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, nhiều địa phương đã luôn chú trọng tăng cường các hoạt động sáng tạo như tổ chức cho học sinh, sinh viên đi điền dã, tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; lồng ghép lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương vào các tiết học lịch sử.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn liền với sự ra đời của chi bộ Đảng, như: Lễ kỷ niệm ngày thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên; ngày truyền thống của các đảng bộ huyện Hà Trung, Thọ Xuân, Quan Hóa, Thường Xuân, Nông Cống, Thiệu Hóa, Như Thanh, thành phố Sầm Sơn… Với tinh thần chủ động, các địa phương và nhiều đơn vị trong tỉnh đã triển khai đưa nội dung lịch sử đấu tranh cách mạng, địa lý địa phương vào giảng dạy trong các nhà trường; đưa lịch sử Đảng bộ vào chương trình giảng dạy lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và các lớp trung cấp chính trị; Phòng Giáo dục và các trường THPT tổ chức nghiên cứu, biên soạn tài liệu lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương đưa vào giảng dạy trong các nhà trường và tổ chức các hoạt động về nguồn, báo công dâng Bác, tri ân các gia đình có công với cách mạng. Nhiều lớp bồi dưỡng tại các Trung tâm chính trị thường xuyên tổ chức cho học viên thăm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, của tỉnh; tham quan và tìm hiểu các di tích lịch sử, di tích cách mạng, nhà truyền thống… qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Cùng với những nỗ lực của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và hệ thống Tuyên giáo các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh, những kết quả quan trọng đạt được trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã luôn được các cấp ủy và chính quyền coi trọng, xem là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong công tác chính trị - tư tưởng của các cấp ủy đảng và tổ chức đảng. Với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã đạt được những kết quả nhất định từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương trong thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế như: một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện chưa quan tâm đúng mức về công tác nghiên cứu, biên soạn và phát huy giá trị của các công trình; một số nơi đội ngũ cán bộ làm công tác này chưa đạt yêu cầu, dẫn đến chất lượng công trình chưa cao; công tác thẩm định các công trình lịch sử ở cấp huyện đối với những xã, phường thị trấn chưa được chú trọng đúng mức; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực hiện đúng yêu cầu về tổ chức thực hiện nghiên cứu và biên soạn lịch sử; kinh phí dành cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử có lúc, có nơi chưa được thường xuyên; công tác tuyên truyền các công trình về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đến cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số địa phương cấp huyện chưa được thực hiện bài bản, thiếu thường xuyên liên tục.
Hội thảo khoa học về Danh xưng Thanh Hóa. (Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa)
Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; phấn đấu đến năm 2025 có 100% đảng bộ huyện, thị, thành phố trong tỉnh biên soạn, bổ sung lịch sử đảng bộ đến năm 2020; 90% các ban, ngành biên soạn lịch sử truyền thống hoặc kỷ yếu; 100% số xã, phường, thị trấn nghiên cứu, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống... một số nội dung được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xác định thực hiện có chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới là:
Một là, tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng và nội dung của công tác lịch sử Đảng trong tình hình mới; xem công tác lịch sử Đảng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trước mắt và lâu dài để giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Hằng năm và trong nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng phải quan tâm chỉ đạo về công tác lịch sử Đảng và có sơ kết, tổng kết, khen thưởng những đơn vị làm tốt.
Hai là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử theo hướng ổn định lâu dài, bố trí đủ cán bộ chuyên trách lịch sử Đảng có chuyên môn, kinh nghiệm ở Ban Tuyên giáo các cấp. Tăng cường bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở các địa phương.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng, nhất là công tác thẩm định bản thảo các công trình lịch sử trước khi xuất bản, phát hành. Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo các cấp tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thẩm định các công trình lịch sử; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác lịch sử Đảng cho các địa phương, ban, ngành, đoàn thể; chỉ đạo lựa chọn cơ sở in ấn có uy tín, chất lượng, nhằm đảm bảo công trình có giá trị cả về nội dung lẫn hình thức
Bốn là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đối với các cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ bằng những hình thức phong phú, đa dạng và sinh động như kết hợp học tập với tham quan khu di tích cách mạng; sản xuất các chương trình video clip về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, các nhân vật lịch sử với phương châm dễ hiểu, dễ nhớ; tăng cường các bài viết, bài báo, các cuộc thi trên các trang thông tin điện tử về những ngày lễ lớn, những sự kiện, nhân vật lịch sử của dân tộc, địa phương, cơ quan, ngành./.
Đào Xuân Yên
Ủy viên Ban Thường vụ
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa