Thứ Ba, 26/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 14/9/2011 16:41'(GMT+7)

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Sìn Hồ

Cán bộ, phóng viên Tap chi Xây dựng Đảng tìm hiểu về công tác tổ chức xây dựng đảng của Huyện uỷ Sìn Hồ

Cán bộ, phóng viên Tap chi Xây dựng Đảng tìm hiểu về công tác tổ chức xây dựng đảng của Huyện uỷ Sìn Hồ

Triển khai thực hiện Nghị quyết 42, từ tình hình thực tế của Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ gồm các đối tượng: Đối với các xã, thị trấn,  xây dựng quy hoạch cấp ủy, quy hoạch 18 chức danh cán bộ chuyên trách và công chức xã;  đối với cấp huyện, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo trưởng, phó các cơ quan, đoàn thể thuộc huyện, quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của huyện theo từng nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và 2015-2020.

Sau hội nghị triển khai ở Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Huyện ủy xây dựng hướng dẫn số 05-HD/TC ngày 25-5-2005 về công tác quy hoạch cán bộ; tổ chức hội nghị gồm bí thư, phó bí thư các chi bộ, đảng bộ cơ sở và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể huyện để triển khai quán triệt Nghị quyết 42 của Bộ Chính trị, hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch cán bộ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Huyện ủy; sao gửi các văn bản, tài liệu cho các cấp ủy cơ sở để tổ chức thực hiện; phân công nhiệm vụ cho các đồng chí huyện ủy viên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy về chất lượng quy hoạch cán bộ của cơ sở xã được giao phụ trách. Sau khi được triển khai, quán triệt và hướng dẫn thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan đã nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ, nắm được quan điểm chỉ đạo, các nguyên tắc và trình tự các bước xây dựng quy hoạch cán bộ.

Quá trình lựa chọn nguồn để đưa vào quy hoạch được thực hiện mở rộng gồm nguồn cán bộ tại chỗ trong cơ quan và nguồn cán bộ của cơ quan khác; nguồn cán bộ đương chức và nguồn cán bộ mới được giới thiệu bổ sung, đặc biệt, nhiệm kỳ 2010-2015 các xã, thị trấn đã mở rộng nguồn, đưa những học sinh là người dân tộc thiểu số tại địa phương đã tốt nghiệp THPT, được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ vào quy hoạch các chức danh công chức xã, về lâu dài đây sẽ là nguồn quan trọng cho các chức danh cán bộ chuyên trách xã. Thực hiện tốt việc xây dựng quy hoạch đồng bộ từ dưới lên, cán bộ trong quy hoạch của cấp xã và quy hoạch trưởng, phó các cơ quan, đoàn thể huyện là nguồn quan trọng để xây dựng quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ huyện ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt huyện. Quy hoạch cán bộ của các xã và cấp huyện đảm bảo 1 chức danh có ít nhất từ 2 cán bộ trở lên và 1 cán bộ được quy hoạch vào nhiều chức danh; đồng thời, sau khi kiểm điểm đánh giá cán bộ cuối  năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới.


Việc xây dựng quy hoạch cán bộ được sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp uỷ, đã thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ đồng thời mở rộng dân chủ trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ, dự kiến danh sách cán bộ đưa vào quy hoạch trước khi đưa ra hội nghị toàn thể cán bộ, đảng viên giới thiệu cho đến khi quyết định quy hoạch và trình cấp ủy cấp trên phê duyệt quy hoạch theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Thực hiện tốt việc công khai trong công tác quy hoạch cán bộ: Các tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch được công khai trong toàn thể cán bộ, đảng viên của cơ quan, đơn vị tham gia bỏ phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch; kết luận đánh giá cán bộ đưa vào quy hoạch được công khai đến  cấp uỷ, chi bộ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và được thông báo đến từng cán bộ được đánh giá; danh sách cán bộ đưa vào quy hoạch sau khi được duyệt đã được thông báo đến cấp uỷ cơ sở và tập thể lãnh đạo cơ quan.
Công tác quy hoạch cán bộ của Đảng bộ huyện cơ bản đã được thực hiện đồng bộ và gắn chặt chẽ với các khâu khác trong công tác quản lý cán bộ. Căn cứ vào quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đến năm 2015. Trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hàng năm các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo công khai, dân chủ và theo đúng quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, việc bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ trong quy hoạch cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách hợp lý, nhằm từng bước đưa cán bộ trong quy hoạch vào các vị trí phù hợp, để  rèn luyện, thử  thách, tạo uy tín, chuẩn bị cho việc giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh quy hoạch.

Kết quả, có 23 xã, thị trấn và 30 cơ quan, đoàn thể thuộc huyện thực hiện quy hoạch cán bộ chủ chốt; quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ huyện ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt huyện nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020. Ở 23 xã, thị trấn đã quy hoạch được 773 cán bộ cho 18 chức danh cán bộ chuyên trách và công chức xã; trong đó có 630 đồng chí trình độ văn hóa THCS trở lên, 254 được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên, 209 có trình độ lý luận chính trị sơ cấp và trung cấp.

Ở cấp huyện, đã quy hoạch được 126 cán bộ cho các chức danh lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó của 30 cơ quan, đoàn thể huyện; trong đó có 73 đồng chí có trình độ chuyên môn đại học, 48 đồng chí có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Quy hoạch được 71 đồng chí vào ban chấp hành và 31 đồng chí vào ban thường vụ huyện ủy, trong đó có 42 đồng chí có trình độ chuyên môn đại học, 52 có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

Nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể huyện đã nhận thức được mục đích, tác dụng của công tác quy hoạch cán bộ. Nhờ thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nên cho đến nay Đảng bộ huyện đã cơ bản khắc phục được tình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong kỳ đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015, cấp ủy huyện và 23/23 xã, thị trấn đã chuẩn bị tốt nhân sự cấp ủy gắn với nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND từ nguồn quy hoạch, đảm bảo về số lượng, chất lượng và cơ cấu, thành phần theo quy định, góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ và cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp ở địa phương; kịp thời kiện toàn cấp ủy cũng như các chức danh lãnh đạo, quản lý. Đối với các cơ quan, đoàn thể huyện cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý như những năm trước khi thực hiện Nghị quyết 42. Phần lớn cán bộ được bổ nhiệm hoặc được giới thiệu ứng cử các chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc diện quy hoạch đều phát huy được vai trò lãnh đạo, khả năng quản lý, điều hành, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở những xã làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội và nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND được thuận lợi, các đồng chí được giới thiệu ứng cử trúng cử với số phiếu cao.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý còn một số hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy và cán bộ, đảng viên về công tác quy hoạch cán bộ còn hạn chế, còn có sự nhầm lẫn giữa công tác quy hoạch cán bộ với công tác nhân sự. Quy hoạch cán bộ của một số cấp ủy và cơ quan còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả; quy hoạch của cấp xã còn mang tính chất khép kín trong phạm vi 1 xã; tỷ lệ nguồn cán bộ trẻ, nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học, kỹ thuật còn thấp. Công tác quản lý cán bộ trong nguồn quy hoạch (bổ sung hồ sơ, nhận xét, đánh giá hàng năm...) chưa đi vào nền nếp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ có lúc chưa thực hiện đồng bộ với công tác quy hoạch cán bộ, việc bố trí, sử dụng cán bộ tiếp cận với chức danh quy hoạch chưa được nhiều, vẫn còn một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ và cử cán bộ đi học không theo quy hoạch.

Nguyên nhân là do một số cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác quy hoạch cán bộ, thiếu đầu tư chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác quy hoạch cán bộ của địa phương, đơn vị mình. Việc quán triệt quan điểm, chủ trương, phương pháp, cách làm, qui trình quy hoạch cán bộ đến cấp cơ sở còn hạn chế, còn lúng túng trong triển khai tổ chức thực hiện. Nội dung và phương pháp làm quy hoạch có nhiều điểm chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn. Hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ từ huyện đến cơ sở còn thiếu, ở cấp cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, năng lực tham mưu thực hiện công tác quy hoạch cán bộ còn hạn chế. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác quy hoạch cán bộ chưa kịp thời.

Từ thực tiễn của Sìn Hồ rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, để thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, trước hết cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy các cấp; phải thực hiện tốt công tác quán triệt, học tập nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, của cán bộ, đảng viên về mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, phương pháp quy hoạch cán bộ.

Hai là, mở rộng đối tượng đưa vào quy hoạch bao gồm nguồn đương nhiệm, nguồn kế cận và nguồn dự bị; thực hiện có hiệu quả phương châm xây dựng quy hoạch “động” và “mở”, chống cách làm khép kín, cục bộ trong mỗi địa phương, đơn vị, chống tư tưởng cục bộ, cơ hội trong quá trình giới thiệu và quyết định quy hoạch.

Ba là, thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, đây là khâu rất quan trọng, có đánh giá đúng mới có thể lựa chọn, quy hoạch, bố trí, sử dụng đúng cán bộ; đánh giá đúng sẽ khuyến khích được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của mỗi cán bộ.
   
Bốn là, công tác quy hoạch cán bộ phải gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ một cách hợp lý. Khi bố trí, sử dụng cán bộ cần căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, đúng lúc, đúng người, đúng việc, phù hợp với năng lực, sở trường của từng người và phải thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan.

Năm là, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác cán bộ. Chất lượng của công tác quy hoạch phụ thuộc nhiều vào phẩm chất, năng lực, động cơ và mục đích của những người làm công tác quy hoạch. Cơ quan tham mưu phải có đủ năng lực và điều kiện cần thiết để theo dõi quá trình công tác của đối tượng dự nguồn, tổng hợp kết quả, nhận xét, đánh giá về mỗi nhân sự để cung cấp đầy đủ thông tin cho cấp ủy có thẩm quyền quyết định quy hoạch.

Nguyễn Văn Thành- Phó bí thư Huyện ủy Sìn Hồ (Lai Châu)

Nguồn: Tc Xây dựng Đảng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất