Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 6/8/2008 10:44'(GMT+7)

Công tác tư tưởng của Đảng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945

1. Công tác lý luận.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám bắt nguồn từ công tác tư tưởng của Đảng. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng vào thực tiễn Việt Nam thành công trong thời kỳ đầu cách mạng (1930-1945) phải qua quá trình công tác lý luận, công tác tuyên truyền cổ động và giáo dục đầy thử thách. Dù còn non trẻ nhưng Đảng ta đã đạt những thành công đáng tự hào về công tác tư tưởng.

Nhận thức quan hệ dân tộc - giai cấp trong cách mạng Việt Nam.

Đây là tư tưởng xuất phát, có ý nghĩa quyết định đến tất cả những vấn đề tư tưởng, lý luận, chính trị của cách mạng. Chủ nghĩa Mác - Lênin là ý thức hệ của giai cấp công nhân, nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử lật đổ chủ nghĩa tư bản xây dựng chủ nghĩa Cộng sản trên thế giới, giải phóng triệt để dân tộc, giai cấp và con người, bao gồm cả giải phóng dân tộc thuộc địa. Điều đó đáp ứng yêu cầu cơ bản cấp bách của xã hội Việt Nam dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, là độc lập, tự do và hạnh phúc cho toàn dân tộc. Vì vậy, vấn đề đặt ra đầu tiên là kết hợp vấn đề của dân tộc Việt Nam với ý thức hệ của giai cấp công nhân hiện đại để tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn. Sự kết hợp hai yếu tố này là khách quan, nhưng cũng dễ mắc sai lầm: lệch sang “tả” hay sang hữu, tức quá nhấn mạnh một trong hai yếu tố; hoặc coi chúng đối lập nhau, triệt tiêu nhau. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp nhất, quá trình nhận thức không tránh khỏi va vấp.

Sản phẩm đầu tiên có tính nguyên tắc của sự kết hợp đúng đắn ấy là cuộc vận động thành lập Đảng bằng sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Sự hoà hợp của ba yếu tố tạo thành Đảng Cộng sản đã làm cho yếu tố dân tộc chiếm vị trí quan trọng trong đảng của giai cấp công nhân. Yếu tố dân tộc lại càng rõ nét khi thành lập Đảng riêng của Việt Nam, không phải chung ba nước Đông Dương. Đồng thời Cương lĩnh đầu tiên của Đảng cũng là sản phẩm phản ánh rõ sự kết hợp chặt chẽ vấn đề dân tộc và giai cấp. Giải quyết vấn đề dân tộc Việt Nam trên lập trường của giai cấp công nhân. Những nội dung của Cương lĩnh đều phù hợp đặc điểm xã hội và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam vừa dựa trên những nguyên lý cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Người kiến tạo nên hai sản phẩm đó là Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 10-1930, Hội nghị Trung ương dựa vào quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (1928) nên đề cao tư tưởng giai cấp và đấu tranh giai cấp, không thấy hết giá trị của yếu tố dân tộc ở Việt Nam, đã thông qua Luận cương chính trị mới, tuyên bố thủ tiêu Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Từ đó đến năm 1936, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc bị các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng phê phán là theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cải lương, duy tâm, cơ hội... Thực ra Luận cương chính trị đã kế thừa và cụ thể hoá những vấn đề cốt lõi của cương lĩnh đầu tiên, vẫn bảo đảm bản chất của cách mạng tư sản dân quyền mặc dù Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đã phê phán Chính cương, Sách lược vắn tắt nặng lời đến cực đoan. Nội dung của các văn kiện sau đó, kể cả văn kiện Đại hội I (3-1935) của Đảng cũng không vượt khỏi tầm bao phủ của tư tưởng Nguyễn Ái Quốc. Ở Đại hội, Nguyễn Ái Quốc vẫn được bầu vắng mặt vào Trung ương dự khuyết, vẫn được cử làm đại diện của Trung ương bên cạnh Quốc tế Cộng sản với vai trò phiên dịch tài liệu, vẫn được cử vào đoàn đại biểu đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7-1935). Nhưng vẫn bị phê phán gay gắt hơn trước. Điều đó đánh dấu nhận thức tiến bộ bước đầu của Đảng về vai trò Nguyễn Ái Quốc, nhưng vẫn còn nặng lời phê phán những điểm bất đồng, chủ yếu vẫn là vấn đề kết hợp yếu tố dân tộc với yếu tố giai cấp.

Sau khi tiếp thu đường lối Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, từ 1936, những nhà lãnh đạo nói trên có thêm kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, đã thấy phải đặt vấn đề độc lập dân tộc lên hàng đầu; coi nhiệm vụ cấp bách nhất của cách mạng Việt Nam lúc này là chống đế quốc, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Nhận thức này là sát với tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về quan hệ dân tộc và giai cấp đã nêu từ trước. “Chung quanh vấn đề chiến sách mới” của Trung ương nói rõ: “Đảng nhắc lại cho các đảng viên biết rằng một dân tộc bị áp bức như xứ Đông Dương vấn đề dân tộc giải phóng là nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản”. “Đảng có thể bồi dưỡng tinh thần dân tộc giải phóng mạnh mẽ trong đám dân chúng bị áp bức không trái với nguyên tắc dân tộc tự quyết của Quốc tế Cộng sản, không trái với quyền lợi của vô sản giai cấp”(1). Việc chuyển hướng tư tưởng đặt đúng tầm quan trọng của vấn đề dân tộc trong quan hệ với vấn đề giai cấp của Trung ương Đảng ở văn kiện này là sự mở đầu tư tưởng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Sau đó Hội nghị Trung ương 6 (11-1939) nâng lên một bước; Hội nghị Trung ương 8 (5-1941) bổ sung và hoàn chỉnh. Đến đây, Đảng nêu rõ quyền lợi dân tộc phải đặt cao hơn hết, “quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc”. “Nói như thế không phải Đảng ta thủ tiêu vấn đề giai cấp đấu tranh trong cách mạng Đông Dương”(2). Quan điểm đó là cơ sở để xác định nhiệm vụ cụ thể cho cách mạng Tháng Tám.

Từ khởi nguồn của thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng, qua quá trình vận động của thực tiễn, những thanh niên yêu nước Việt Nam vượt qua những hạn chế và sai lầm của thời kỳ ấu trĩ đã hoà nhập vào dòng thác tư tưởng chính thống của lịch sử mà Nguyễn Ái Quốc là người đóng vai trò chủ đạo. Đó là thành công có ý nghĩa quyết định của công tác lý luận.

Xác định đường lối độc lập tự chủ và sáng tạo trên cơ sở vận dụng và phát triển lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Đường lối của Đảng vừa là sản phẩm của công tác tư tưởng, vừa là nội dung quan trọng nhất trong công tác tư tưởng của Đảng. 15 năm đấu tranh quyết liệt chống kẻ thù có tiềm lực lớn về vật chất và thủ đoạn xảo quyệt để chống phá cách mạng và lừa bịp quần chúng, Đảng ta với vũ khí lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã từng bước trưởng thành, đủ năng lực tìm ra con đường và phương thức hành động để chiến thắng. Cương lĩnh đầu tiên tuy “vắn tắt” nhưng đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển đường lối. Luận cương cách mạng tư sản dân quyền (10-1930) đã cụ thể hoá một bước, nhưng bị hạn chế về nhận thức quan hệ hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, về xây dựng khối đoàn kết dân tộc và về hình thức tổ chức thành lập Đảng. Mặc dầu những người Cộng sản trẻ tuổi trong nhiều năm (1930-1941) thiếu sự lãnh đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc và không tránh khỏi bệnh ấu trĩ, nhưng đã nỗ lực vượt qua để đi đúng quỹ đạo của cách mạng giải phóng dân tộc. Nhờ đó khi Nguyễn Ái Quốc về nước thì Trung ương tiếp thu và theo kịp tư tưởng chỉ đạo của Người ở Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), không xẩy ra những chuệch choạc đáng tiếc để đi thẳng đến cách mạng Tháng Tám.

Những nội dung đúng đắn và sáng tạo của đường lối bao gồm việc xác định mục tiêu cơ bản lâu dài và trước mắt; nhiệm vụ cơ bản và chủ yếu nhất; lực lượng nòng cốt và lực lượng dân tộc cần đoàn kết; quan hệ quốc tế cơ bản và cụ thể; quan hệ ba nước Đông Dương; vấn đề xây dựng Đảng của giai cấp công nhân phù hợp với đặc điểm dân tộc thuộc địa, vấn đề giành chính quyền bằng khởi nghĩa vũ trang, bao gồm các vấn đề: thời cơ cách mạng, bạo lực cách mạng, tiến trình khởi nghĩa, phương thức khởi nghĩa, hình thức chính quyền cách mạng.

Tất cả những vấn đề đó là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm những vấn đề chiến lược và phương pháp cách mạng, dựa trên quan điểm nổi bật, kết hợp vấn đề dân tộc - giai cấp, kết hợp độc lập dân tộc với CNXH - nguồn gốc của quyết định “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, nhằm mục tiêu độc lập, tự do và hạnh phúc cho toàn dân tộc.

Điều đó phản ánh một giai đoạn phát triển quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, phản ánh năng lực trí tuệ của toàn Đảng và toàn dân tộc ta. Nhờ thế Đảng đã không ít lần vượt qua nguy cơ mất đoàn kết nội bộ để thống nhất tư tưởng và hành động, vượt qua thoái trào toàn bộ hay cục bộ, tạo nên sức mạnh để có thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Tám.

2. Những hình thức, phương pháp tuyên truyền cổ động và giáo dục.

Đảng ta sớm nắm bắt công cụ lợi hại nhất để tiến hành công tác tư tưởng là báo chí, xuất bản. Báo chí phát triển liên tục, có lúc gặp khó khăn nhưng cũng có lúc phát triển rất thuận lợi. Đảng không bỏ lỡ cơ hội để sử dụng hình thức người tuyên truyền tập thể, người tổ chức tập thể và tiếng nói của nhân dân lợi hại này. Báo chí và tạp chí có loại chuyên đề nhưng nội dung phổ biến gồm có lý luận; đường lối chính sách của Đảng; dân vận, binh vận... tố cáo tội ác, âm mưu thủ đoạn của đế quốc và tay sai; phản ánh đời sống và những nỗi khổ của nhân dân... Tổ chức xuất bản báo chí đều có từ Trung ương Đảng đến các tổ chức quần chúng. Các cấp Đảng bộ từ kỳ bộ, liên tỉnh bộ đến tỉnh bộ, thành bộ (có lúc Hà Nội có ba tờ báo bí mật), có cả một số huyện bộ. Được mùa nhất của báo chí là thời kỳ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp (1936-1939). Lúc này không chỉ có báo chí của các tổ chức, nhiều cá nhân có cảm tình với Đảng cũng ra báo. Nhiều báo chí tư nhân cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng tiến bộ của Mặt trận Dân chủ. Khi rút vào hoạt động bí mật thì đông đảo quần chúng có nhu cầu đến với báo chí cách mạng. Dù ra báo gặp nhiều khó khăn hơn trước nhưng vẫn có tác dụng to lớn.

Những ngày tháng Tám (năm 1945)
 sôi sục tại Hà Nội

Sách và các tài liệu in ấn khác cũng được phát huy tác dụng sâu rộng. Các ấn phẩm ấy có các nguồn từ xuất bản bí mật hay công khai ở trong nước, từ Quốc tế Cộng sản và từ Đảng Cộng sản Pháp chuyển về... gồm nhiều hình thức và chủng loại. Có những tác phẩm lý luận Mác-Lênin bằng tiếng Pháp nhập từ “mẫu quốc” phổ biến công khai và cũng len lỏi vào tận nhà tù. Có nhiều tác phẩm lý luận, chính trị viết từ trong nước, in thành tập sách nhỏ, lưu hành bí mật. Có nhiều tập tài liệu mỏng phổ biến nhanh để hướng dẫn xây dựng tổ chức hoặc phát động đấu tranh kịp thời. Kỹ thuật in ấn còn thô sơ nhưng hiệu quả lại rất lớn. Các Đảng bộ địa phương cũng khắc phục nhiều khó khăn để nhân bản tài liệu Trung ương và xuất bản tài liệu riêng của mình. Có lúc Đảng chủ trương thành lập các nhóm đọc sách báo ở cơ sở, mở hiệu sách lớn ở các thành phố để phát huy tác dụng của sách, báo và tài liệu.

Công tác đào tạo cán bộ cũng phát triển liên tục, trong thoái trào cũng như cao trào. Biểu hiện rõ ràng nhất là mở các lớp học lý luận Mác-Lênin, đường lối chủ trương của Đảng, kể cả văn hoá cho đảng viên và cán bộ nòng cốt của các đoàn thể. Một số cán bộ sang học tập ở trường Đại học Cộng sản phương Đông. Hình thức phổ biến là tổ chức các lớp ngắn ngày theo từng nhóm nhỏ, bí mật ở trong nước. Trong nhà tù đế quốc, những người cộng sản cũng tổ chức nhiều lớp học đạt hiệu quả cao về lý luận, chính trị và văn hoá. Một hình thức sáng tạo là Hội truyền bá quốc ngữ được thành lập và hoạt động công khai. Nhiều lớp học được tổ chức linh hoạt cho những người lao động. Nhờ đó hàng nghìn người thoát nạn mù chữ, kèm theo hiểu biết về cách mạng. Trong những ngày dồn dập công việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa, việc mở các lớp huấn luyện lý luận, chính trị càng khẩn trương vì phải đáp ứng kịp cán bộ cho phong trào. Hội nghị toàn quốc của Đảng vẫn còn chủ trương xây dựng chương trình mở các lớp huấn luyện đảng viên và cán bộ Đảng, bắt buộc cán bộ phải huấn luyện theo chương trình phổ thông của Đảng...

Trong các lớp học đều có phần kiểm điểm những thiếu sót, hạn chế về tư tưởng và phương pháp công tác; đồng thời với tiếp thu những tư tưởng mới đều có phê phán những tư tưởng “tả”, hữu khuynh, cải lương, biệt phái, cầu an, ngại khó... và những thủ đoạn lừa bịp của kẻ thù.

Các hình thức và phương pháp khác của công tác tư tưởng đã có từ trước cũng đã phát huy ở mức cao hơn. Đó là tuyên truyền miệng, rải truyền đơn, căng khẩu hiệu, cắm cờ, mít tinh, biểu tình, biến toà án thành diễn đàn tố cáo tội ác kẻ thù, biến nhà tù thành nơi truyền bá tư tưởng cách mạng...

Những ngày gần tổng khởi nghĩa những hoạt động này càng tăng cường; đồng thời kịp đưa ra những hình thức hoạt động mới: tuyên truyền xung phong, tuyên truyền có vũ trang, biểu tình thị uy, triển lãm lưu động, hát những bài ca cách mạng và các hoạt động thơ, nhạc, hoạ... Các khẩu hiệu diệt tề, trừ gian, phá kho thóc cứu nạn đói đều có tác dụng cổ vũ tinh thần tấn công của quần chúng. Công tác vận động quần chúng càng mở rộng. Ngoài công, nông, binh, thanh, phụ, dân tộc, tôn giáo, còn vận động cả phú hào, công chức và quan lại.

Những hoạt động tư tưởng nói trên đã thức tỉnh, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng của đông đảo quần chúng. Nhiều người từ chưa hiểu biết hoặc ngộ nhận về Đảng Cộng sản đã chuyển sang tán thành con đường cách mạng của Đảng, tham gia hàng ngũ Đảng và hy sinh chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc. Công tác tư tưởng của Đảng không chỉ tập hợp nhân dân lao động mà ngày càng lôi kéo được tầng lớp trung gian và những phần tử yêu nước thuộc tầng lớp trên đi theo cách mạng. Nhờ đó mở rộng và nâng cao lực lượng chính trị để thành lực lượng quyết định trong tổng khởi nghĩa.

Công tác tư tưởng đã xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tác động đến sự vững mạnh về tổ chức. Sự thống nhất tư tưởng và chính trị trong Đảng với trình độ ngày càng nâng cao đã đẩy lùi những thủ đoạn lừa bịp, những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù và những khuynh hướng tư tưởng xa lạ với đường lối chủ trương của Đảng, tạo ý chí và quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn” cũng lãnh đạo toàn dân xông lên giành độc lập.

3. Xây dựng và phát triển các tổ chức chuyên trách.

Sau khi Đảng ra đời, hoạt động đầu tiên của Ban tuyên truyền cổ động là phát hành tài liệu “Đại cương ngày Quốc tế Đỏ Mồng một Tháng Tám”, ngày mở đầu chiến tranh thế giới thứ nhất được Quốc tế Cộng sản lấy làm ngày đấu tranh cho hoà bình, bảo vệ Liên Xô và phong trào đấu tranh của các dân tộc. Đây là ngày mở đầu truyền thống ngành công tác tuyên giáo của Đảng ta.

Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 quyết định các cấp Đảng bộ từ Trung ương, các xứ, tỉnh, thành phố phải lập Bộ tuyên truyền. Từng chi bộ phải phân công người phụ trách công tác tuyên truyền. Điều lệ Đảng còn quy định các chi bộ, huyện bộ cũng phải thành lập Bộ tuyên truyền để bồi dưỡng và huấn luyện Đảng viên về chính trị và văn hoá. Đến những ngày gần tổng khởi nghĩa, Đảng còn nhắc phải củng cố cơ quan tuyên truyền các cấp. Bộ tuyên truyền được nói ở trên chính là cơ quan chuyên trách công tác tư tưởng của Đảng.


Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tuyên truyền cũng sớm được xác định. Hội nghị Trung ương th áng 3-1931 chủ trương phải cử người chuyên trách công tác tuyên truyền, phải chú trọng đào tạo, huấn luyện đảng viên và quần chúng, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp; phải đào tạo phóng viên cho các báo và phải thường xuyên hoạt động trong các đoàn thể quần chúng, biên soạn tài liệu phải phù hợp trình độ quần chúng. Tất cả các hoạt động phải chịu sự lãnh đạo của đảng bộ. Hội nghị đảng bộ các cấp thường bàn đến nhiệm vụ cụ thể của công tác tư tưởng. Đầu tiên là nhận xét ưu, khuyết điểm về trình độ và phương pháp công tác của cán bộ tuyên truyền. Việc hướng dẫn nghiệp vụ cũng được thường xuyên đề cập. Thời gian hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp, Trung ương yêu cầu các đảng bộ phải cử những đồng chí biết viết trôi chảy tiếng Quốc ngữ và tiếng Pháp để viết sách và báo; cán bộ phải đọc các loại báo của nhà nước thuộc địa để nắm tình hình, tạo khả năng lãnh đạo cách mạng. Nghị quyết Trung ương 6 (11-1939) nêu rõ: Công tác tuyên truyền phải dựa vào Nghị quyết Trung ương, phải khơi gợi lòng yêu nước, ý thức dân tộc, phải chống bọn tay sai đế quốc và các tư tưởng cản trở phát triển của cách mạng. Phương pháp tuyên truyền phải phù hợp với hoàn cảnh, phải nhẫn nại và tin vào quần chúng. Tuyên truyền trong dân tộc ít người phải biết tiếng dân tộc, sách báo phải viết chữ dân tộc. Tài liệu “Công tác chi bộ” phát hành năm 1940 cũng nhắc đến nội dung tuyên truyền phải sát đời sống và trình độ nhận thức của nhân dân; cách thức tuyên truyền phải gọn, thiết thực, rành mạch và hướng vào những vấn đề trọng yếu; phải biết tuyên truyền miệng với từng người hoặc diễn thuyết giữa đám đông... Tất cả những vấn đề đó tuy không thành bài bản, hệ thống khoa học nhưng rất thiết thực với cán bộ chuyên trách công tác tư tưởng lúc ấy. Vận dụng vào công tác họ đã trưởng thành, kịp thời đáp ứng yêu cầu của cách mạng. Tầm quan trọng của công tác tư tưởng còn thể hiện ở việc cử người phụ trách. Lúc Đảng mới thành lập ở Trung ương là đồng chí Trịnh Đình Cửu, sau đó đến đồng chí Trần Phú, lần lượt tiếp theo đó có đồng chí Hà Huy tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh. Bác Hồ không chỉ là người lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng mà còn trực tiếp thực hiện, nêu hình mẫu và hướng dẫn về hình thức và phương pháp công tác tư tưởng. Người còn trực tiếp thiết lập tổ chức và mở lớp đào tạo cán bộ công tác tư tưởng ngay từ khi mới về biên giới.

Kinh nghiệm và truyền thống công tác tư tưởng của Đảng đã được đặt nền tảng từ trong thời kỳ này.

4. Kết quả công tác tư tưởng.

Toàn Đảng, toàn dân trưởng thành một bước quan trọng về lý luận, chính trị.

Đội ngũ đảng viên được học tập lý luận, chính trị với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Từ đào tạo có hệ thống, trình độ cao đến học tập ở những lớp ngắn ngày hoặc tự học, tự nghiên cứu, học trong nhà tù. Nội dung học tập không chỉ có lý luận Mác-Lênin mà còn có chủ nghĩa Tam Dân, chủ nghĩa Găng đi... không chỉ có đường lối chủ trương của Đảng mà còn có văn hoá, ngoại ngữ. Hai yếu tố quan trọng để học tập có kết quả là chủ nghĩa yêu nước, ý thức dân tộc và hoạt động thực tiễn hăng hái. Đây là bộ lọc nhạy bén đối với tư tưởng cần cho giải phóng dân tộc từ bên ngoài đưa vào Việt Nam. Tuỳ nhân tố khách quan và chủ quan tác động, mỗi người tiếp thu với mức độ nhanh chậm, nông sâu khác nhau, có trường hợp sai lầm và cũng có trường hợp phản bội. Nhưng hầu hết đảng viên đã xiết chặt đội ngũ ngày càng phát triển số lượng và chất lượng. Chưa nói đến tầm tư tưởng Hồ Chí Minh - đỉnh cao lý luận, chính trị của Đảng đã được Quốc tế Cộng sản chú y,á Lê Hồng Phong được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản ở Đại hội VII vừa nói lên uy tín của Đảng ta, vừa phản ánh trình độ chính trị, tư tưởng của thế hệ thanh niên đầu tiên tham gia cách mạng. Sáng tạo lý luận có giá trị phổ biến trong cách mạng giải phóng dân tộc, ngoài Hồ Chí Minh, còn có vai trò của Đảng, trước hết là Ban chấp hành Trung ương được Người giáo dục và rèn luyện. Nhưng cũng phải thấy rằng 15 năm trưởng thành về tư tưởng của Đảng đã trả giá không nhỏ và mặt bằng chung của Đảng viên thì nhận thức lý luận vẫn còn nhiều hạn chế.

Công tác tư tưởng của Đảng thời kỳ này vừa tiến hành trong Đảng, vừa trực tiếp thực hiện trong quần chúng. Nhờ gắn bó mật thiết, nêu cao tính tiên phong gương mẫu, có trình độ lý luận, chính trị hơn quần chúng nên những người Cộng sản đủ sức thuyết phục, đưa quần chúng đến bước nhảy vọt về nhận thức tư tưởng chính trị. Một chân lý của công tác tuyên truyền cách mạng đã thành hiện thực: tư tưởng khi đã thâm nhập vào quần chúng sẽ trở thành lực lượng vật chất.

Sự thống nhất quan điểm tư tưởng và chính trị của toàn Đảng, toàn dân đã đưa đến hiệu quả thực tiễn: chỉ 5.000 đảng viên vẫn đủ sức lãnh đạo 25 triệu nhân dân xông lên giành chính quyền thắng lợi.

Góp phần quyết định đưa cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi vĩ đại.

Sự vĩ đại của cách mạng Tháng Tám được bắt nguồn từ thành công của công tác tư tưởng, thể hiện ở một số điểm sau:

- Thắng lợi mở đầu cách mạng thuộc địa do nhân dân tự làm lấy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Một mắt xích quan trọng của hệ thống thuộc địa kiểu cũ bị chặt đứt, mở đầu sự sụp đổ không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.

- Thắng lợi vừa triệt để là xoá bỏ hoàn toàn chế độ thuộc địa nửa phong kiến, xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hoà, vừa mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do đi lên chủ nghĩa xã hội, giải phóng hoàn toàn người lao động.

- Thắng lợi lớn nhất nhưng ít tốn xương máu nhất cả phía địch, phía ta và sau thắng lợi không trả thù ai, không bắt Bảo Đại đầu hàng mà cho thoái vị để thành công dân một nước độc lập, là thể hiện tính nhân văn hiếm có trong lịch sử khởi nghĩa vũ trang của thế giới. Điều đó còn đưa đến hiệu quả to lớn về sau.

Sự vĩ đại ấy làm cho lòng tin yêu của dân đối với Đảng càng sâu nặng, khối đại đoàn kết toàn dân mở rộng. Đồng thời thể hiện sự hoà hợp các tính chất: khoa học, cách mạng, nhân đạo, chính nghĩa... trong quan điểm, tư tưởng của Đảng ta cả trong các hoạt động tư tưởng./.

PGS. Lê Thế Lạng

———————

(1) Văn kiện Đảng toàn tập. t.6, Nxb CTQG, 2000, tr.147.

(2) Sđd, t.7, tr.113.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất